​Bào Ngư Với Sức Khỏe Con Người - Tuổi Trẻ Online

Hình dáng

Bào ngư có vỏ tầng thân phát triển lấn tầng xoắn ốc, khiến toàn thân bào ngư trông như một khối dẹt. Từ mép vỏ gần miệng có khoảng 7-9 gờ, xoắn tạo thành các lỗ để thở với sự thoát nước từ mang.

Vỏ bào ngư phía ngoài có nhiều vân tím, nâu, xanh xen kẽ nhau, phụ thuộc vào từng loài thích nghi với môi trường sống riêng; mặt trong có lớp xà cừ óng ánh. Vỏ rất cứng làm chủ yếu từ canxi cacbonat gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, có tác dụng phân tán lực khi bào ngư bị tấn công.

Chân bào ngư rộng, có cơ bám chắc vào đá đáy biển, giúp cho nó có thể sống được ở những vùng nước chảy mạnh.

Sinh thái học

Bào ngư bám vào đá ở vùng nước biển có độ mặn cao 25-30%, hay có sóng, xa cửa sông, nước trong.

Thức ăn của bào ngư gồm các loài rong tảo biển, mùn bã hữu cơ.

Bào ngư sinh sản hữu tính, thụ tinh ngoài, đẻ trứng vào mùa nóng, nghỉ hoạt động sinh dục mùa lạnh.

Bào ngư là một trong những sản phẩm quý của biển vì môi trường sống khá khắc nghiệt, sản lượng thấp. Bào ngư được coi như 1 trong 8 thứ quý giá của biển. Bào ngư phải trải qua một quá trình gia công rất công phu mới có thể trở thành bào ngư khô, 1.500 gram bào ngư tươi sau khi chế biến chỉ còn 250 gram bào ngư khô. Đây là những nguyên nhân làm cho giá bào ngư tăng cao và khiến bào ngư trở thành quý hiếm.

Phân bố bào ngư

Ở nước ta, bào ngư phân bố tại: vịnh Hạ Long, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Khánh Hòa (hòn Nội, hòn Trà Là, hòn Tầm, hòn Tre Lớn, vịnh Vân Phong), quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đảo Phú Quốc, hòn Thơm, hòn Vang, hòn Mây Rút, mũi Ông Đội, mũi Đất Đỏ, đảo Thổ Chu. 

Thành phần dinh dưỡng của bào ngư

Do có hình dạng giống cái tai, bào ngư còn được gọi là hải nhĩ. Tuy có lượng cholesterol khá cao, song bào ngư lại không gây ảnh hưởng cho người bị chứng cholesterol cao, do có sự cân bằng trong thành phần. 

Trong 100g bào ngư chứa: chất đạm 17,05g; đường (carbonhydrat) 5,89g; chất béo 0,75g; cholesterol 84,7mg; các loại vitamin B1, B2, khoáng chất và nguyên tố vi lượng. 

Trong chất đạm cũng có đủ 19 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể ở lượng mức tương đối cao như Threonin 0,73mg; Isoleucin 0,75mg; Valin0,7mg; axit glutamic 2,31mg. 

Theo quan niệm của y học cổ truyền, thịt bào ngư có vị mặn, tính ôn, có tác dụng bổ hư, tư âm, nhuận phế thanh nhiệt… Người thích hợp dùng bào ngư: người trong giai đoạn mãn kinh, mãn dục, cường tuyến giáp trạng, khả năng tập trung kém. Người không phù hợp: bệnh gút, cảm mạo phát sốt, hầu họng sưng đau.

Cách chọn bào ngư tốt: Bào ngư tròn đều, ở rìa có những hạt cơ nhỏ, mịn sát nhau, càng dày càng tốt, có mùi thơm nồng đặc biệt. Bào ngư không tốt là bào ngư hình không đều hoặc bị rạn nứt hay có những vết rách.

Cách chế biến: Bào ngư khô phải cho vào nước lạnh ngâm trong 48 tiếng, sau đó rửa sạch nhẹ nhàng toàn bộ, loại bỏ cát, sau đó có thể hầm trước, chú ý khi nấu: phải nấu bào ngư thật chín nhừ, không được nửa sống nửa chín. Người cao huyết áp ăn bào ngư tươi có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa trao đổi chất và tuần hoàn huyết dịch; người tiểu đường ăn bào ngư tươi có thể thúc đẩy quá trình tiết insulin của tuyến tụy; người bị gút hoặc có acid uric trong máu tăng cao chỉ có thể ăn chút nước canh. 

Bảo quản: Bào ngư khô để ở nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời. Bào ngư để lâu trên bề mặt thường phủ một lớp sương trắng, đây là do muối kết tinh được tiết ra ngoài, không ảnh hưởng đến chất lượng của bào ngư. Bào ngư làm tăng khả năng miễn dịch, làm sáng mắt, bổ não, dưỡng tóc, bổ huyết ích khí, làm đẹp da, thông tiện điều kinh.

Tác dụng của vỏ bào ngư: Nhiều nghiên cứu cho thấy vỏ bào ngư có chứa canxi carbonat, magiê, sắt, silic, photphat và clorua. Vì vậy, Đông y thường dùng vỏ bào ngư để làm thuốc, được gọi là Thạch quyết minh, có vị mặn, tính hàn, tác động vào kinh mạch thuộc thận và can, giúp hạ hỏa, trị nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt.

Từ khóa » Thành Phần Dinh Dưỡng Bào Ngư