Bảo Tàng Nhạc Cụ Giữa Tây Nguyên đại Ngàn - Báo Công Thương

bao tang nhac cu giua tay nguyen dai ngan
Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh đã thổi hồn cho những ống tre, nứa

Sinh ra tại thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), không gian tràn đầy âm thanh của núi rừng Tây Nguyên như đã ở trong máu từ khi mới chào đời của cô bé Y Sinh. Lớn lên trong tiếng cồng chiêng, tơ rưng, klông pút… cùng với trời cho chút năng khiếu, những âm thanh đó cứ ngấm dần, khiến bà say mê các loại nhạc cụ này lúc nào không biết. Cả cuộc đời Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh dành hết tâm sức cho những giai điệu của tre nứa. Âm thanh dân dã từ thiên nhiên hòa quyện cùng đam mê của người nghệ nhân đã góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.

Mong muốn giới thiệu sâu rộng cũng như bảo tồn, phát triển nhạc cụ truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, bà đã rời quê hương, xa chồng con để đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tại "Ngôi nhà chung", bà vẫn giành thời gian biểu diễn đàn klông pút cho khách đến thăm Làng. Sự uyển chuyển, thuần thục trong cách đánh đàn, lối chơi đàn của bà khiến tất cả du khách đều bị cuốn hút vào âm thanh nghe mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha… Thấy khách thích thú với cây đàn klông pút, bà sẵn sàng hướng dẫn cách vỗ những âm thanh đầu tiên. Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh tâm sự, trước đây, đàn klông pút chủ yếu để phụ nữ Xơ Đăng chơi. Vào mùa phát rẫy tháng 1 - 2, họ chơi đàn trong những đêm ở trên chòi canh rẫy, làm cho không khí của núi rừng sống động hẳn lên. Thú dữ nghe âm thanh rộn ràng của tiếng đàn thì sợ nên cảnh giác tránh xa. Tiếng đàn klông pút cũng là một phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của một cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn.

Đối với Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh, cây đàn klông pút của dân tộc Xơ Đăng như đứa con tinh thần. Để chế tác cây đàn truyền thống klông pút ưng ý, bà phải lựa chọn nứa khô 3 năm và thường làm 6 ống thì mới cho được cái âm thanh, giai điệu hay và chơi được những bài khó như: Phát rẫy, cuốc ruộng, lễ hội ăn mừng lúa mới, đâm trâu… Không biết nhạc, việc cắt, gọt, đẽo nhạc cụ klông pút của bà Y Sinh theo cảm nhận âm thanh của từng ống tre, ống nứa. Cứ vừa cắt vừa thổi, nếu cảm thấy âm thanh của ống "thiếu" hoặc "dư" bà lại tiếp tục gọt đẽo đến khi cảm thấy âm thanh nghe vừa tai của mình thì thôi.

Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh chia sẻ, đàn klông pút bắt buộc phải làm bằng những ống tre, nứa khô, nên việc cắt, gọt rất khó khăn, dao phải sắc và làm từng chút một, nếu cắt thiếu hoặc thừa, âm thanh sẽ bị chênh, phô. Đồng thời, muốn tạo lên những giai điệu kỳ diệu cho cây đàn klông pút, cần sự kỳ công, khéo léo của người chế tác, làm sao cho mỗi ống nứa đều trở thành từng nốt nhạc và khi tấu lên, lại thành dàn hòa âm đa thanh... Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm chế tác, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh đã tạo nên hàng nghìn nhạc cụ bằng tre, nứa với âm thanh ngày càng hay hơn.

Say mê và tâm huyết với âm nhạc cũng như nhạc cụ truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, bà càng khát khao giữ gìn và phát huy. Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính là cơ hội để Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh phục vụ ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến những âm thanh kỳ diệu của nhạc cụ độc đáo của dân tộc Xơ Đăng. Niềm vui của bà Y Sinh ngày càng nhân lên khi khách đến thăm "Ngôi nhà chung" càng đông và tìm hiểu cũng như nghe bà chơi đàn. "Tôi sợ nhạc cụ klông pút truyền thống của dân tộc Xơ Đăng sẽ dần dần bị mai một. Bây giờ, còn sức khỏe và có cơ hội, tôi tranh thủ giới thiệu và truyền đạt cách chơi cây đàn này nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình" - Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh tâm sự.

Từ khóa » Nhạc Cụ Tây Nguyên