Bảo Tồn Loài Hoang Dã: Những Mối Nguy Lớn Và Nỗ Lực Phục Hồi

Từ những con số

Chú thích ảnh
Cá thể cu li. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế cho thấy, giai đoạn 2014-2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, trong đó có hơn 105 tấn ngà voi, tương đương hơn 15.700 cá thể voi bị sát hại; 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể); da, xương, sản phầm khác của khoảng 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê.

Động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài. Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi.

Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã đã thống kê dựa trên nguồn dữ liệu của các cơ quan thực thi pháp luật cho thấy, giai đoạn 2013-2017 có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loại động vật hoang dã; hơn 180 loại động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn… bất hợp pháp.

Qua nghiên cứu sơ bộ trên internet về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển thống kê có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã.

Đến đối mặt với những mối nguy lớn

Hiện nay, theo các tổ chức nghiên cứu, nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp loài hoang dã khiến đa dạng sinh học bị suy giảm.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF, hiện nay, mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á là bẫy dây. Các mối đe dọa lớn khác bao gồm mất môi trường sống do phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển nông nghiệp, buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ. Ước tính có tới hơn chục triệu bẫy dây đang được giăng mắc khắp các khu bảo tồn tại Campuchia, Lào và Việt Nam-những quốc gia đã từ lâu không tìm thấy dấu hiệu hổ sinh sản trong tự nhiên.

Kết quả thực hiện Đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Việt Nam chỉ còn dưới 120 cá thể voi hoang dã ngoài tự nhiên. Theo thống kê của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2015, số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể. Trên trang thông tin của Sách Đỏ IUCN, hổ thậm chí còn được nhận định có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm này là nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp. Các thông tin cho thấy tình trạng của loài hổ hiện nay là vô cùng nguy cấp, có thể sẽ nối gót tê giác, vĩnh viễn biến mất.

Thông tin từ 18 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, liên quan đến các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam, một số điểm nóng như chợ chim Thạnh Hóa (Long An), Tam Nông (Đồng Tháp), chuỗi nhà hàng chim to dần trên cả nước... Thậm chí, những khu vực như vườn quốc gia Xuân Thủy, Cát Bà, Tràm Chim... cũng là nơi tội phạm săn bắt chim hoạt động để cung cấp cho các chợ, nhà hàng chim hoang dã.

Tình trạng này riêng với các loài chim hoang dã có thể là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, làm bùng phát thêm các dịch bệnh, trong đó nhiều loài chim đã bị tận diệt đến mức vắng bóng trong thiên nhiên. Bên cạnh những mối nguy về sức khỏe cộng đồng cũng như đa dạng sinh học, tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim hoang dã còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế bởi Việt Nam đã tham gia Chương trình Hợp tác đối tác đường bay Chim di cư châu Á-Úc Châu, cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới vì thiên nhiên cùng nhiều công ước, cam kết quốc tế khác về bảo vệ động vật hoang dã.

Rùa đầu to là một trong những loài rùa lạ nhất thế giới cần được bảo tồn. Tại Việt Nam, rùa đầu to phân bố ở Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Rùa đầu to đang ngày càng suy giảm, nguyên nhân do rừng nguyên sinh mất dần, tình trạng săn bắt quá mức để mua bán trao đổi với nước ngoài, khiến loài này cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nỗ lực bảo tồn

Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) vào tháng 10/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người. Hơn 1 triệu loài thực vật, động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và động vật không xương sống đang đối mặt với mối đe dọa.

Những con số này cho thấy cần phải có những giải pháp cấp bách để bảo tồn. Trên thế giới, một số loài hoang dã như voi, hổ đã được quan tâm sớm hơn. Hàng năm, quốc tế đã có một ngày về bảo tồn voi, hổ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ thành công, vì chỉ cần đủ môi trường sống, thú mồi và được tránh khỏi nạn săn trộm, các loài này có thể quay trở lại.

Từ khóa » Các Biện Pháp Bảo Tồn Loài Hổ