Bảo Tồn Và Phát Huy Hát Xẩm Trong Cuộc Sống Hôm Nay - Báo Nhân Dân

Nói đến xẩm là nói đến hình thức diễn xướng dân gian bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc, được hình thành từ khoảng thế kỷ 14 bởi những người khiếm thị đi hát rong kiếm sống ở những nơi đông người qua lại như quán chợ, bến đò, ga tàu… Theo GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Mỗi hình thức trình diễn dân gian của người Việt đều mang đặc trưng riêng thể hiện tính địa phương, vùng miền. Nhưng hát xẩm không chịu bó mình ở một vùng đất, địa vực nhất định, mà với tính chất của nghệ thuật hát rong được lan truyền và phổ biến rộng rãi, được nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian chung sức trao truyền, sáng tạo và nâng cấp để ngày càng phát triển, hoàn thiện cả về đặc trưng thể loại cũng như giá trị văn hóa, nghệ thuật. Về nội dung, hát xẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, từ ca ngợi quê hương, đất nước, ôn lại truyền thống lịch sử đến đả phá những thói hư tật xấu, giáo dục đạo lý làm người, lên án những bất công trong xã hội… Về nghệ thuật, hát xẩm chắt lọc những cái hay, cái đẹp, nét tinh túy của các thể loại âm nhạc cổ truyền như chèo, ca trù, trống quân, cò lả, hát ví, hát ru, quan họ, hò khoan…, đồng thời luôn có những sắc thái, đặc trưng riêng không thể trộn lẫn. Có thể kể đến những làn điệu xẩm phổ biến như: Xẩm Thập ân, Xẩm Huê tình, Xẩm Hà liễu, Xẩm Ba bậc, Xẩm Trống quân, Xẩm Hò khoan, Xẩm Phồn huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm vịnh, Xẩm Tàu điện, Hát ai...

Từng có giai đoạn phát triển cực thịnh, song cũng như nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, hát xẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ðời sống kinh tế đi lên, môi trường diễn xướng dân gian truyền thống ngày càng bị thu hẹp, cùng với đó là sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại kéo theo xu hướng thị hiếu của công chúng thay đổi khiến số người theo đuổi, sống bằng hát xẩm ngày càng ít. Năm 2013, khi Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu (vợ út của cụ Chánh Trương Mậu, trùm xẩm đất Ninh Bình), người được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống", "người giữ hồn xẩm" qua đời, thì đội ngũ nghệ nhân hát xẩm càng khan hiếm. Việc truyền dạy hát xẩm lâu nay chủ yếu là truyền khẩu nên khâu tư liệu hóa cũng hạn chế. Những điều này khiến hát xẩm phải đối mặt nguy cơ thất truyền. Thời gian gần đây, trước xu hướng tìm về với các giá trị văn hóa truyền thống, hát xẩm dần được phục hồi hoạt động thông qua sự thành lập của các chiếu xẩm, câu lạc bộ xẩm. Xẩm trở thành chất liệu sáng tác của một số tác phẩm âm nhạc hiện đại và được "sân khấu hóa" trong một số chương trình biểu diễn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia văn hóa, để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật hát xẩm trong đời sống đương đại, cần có chiến lược dài hơi với nhiều biện pháp mang tính đồng bộ. Việc tỉnh Ninh Bình, một trong những cái nôi lâu đời của hát xẩm phối hợp các địa phương có di sản này triển khai làm hồ sơ đề nghị đưa Hát Xẩm vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là những bước đi thiết thực, kịp thời, đúng hướng.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Trường đại học Temple (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại TP Ninh Bình, nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến, giải pháp để hát xẩm có thể khẳng định giá trị và lan tỏa sức sống trong cuộc sống hôm nay. Theo Thạc sĩ Phùng Thị Bình, Viện Thông tin khoa học xã hội: hiện nay các tư liệu về hát xẩm đang nằm tản mát ở nhiều nơi như một vài thư viện, trong tư gia của các nghệ nhân, những người yêu hát xẩm,... Không chỉ là những băng đĩa ghi âm, ghi hình các bài xẩm, tư liệu hát xẩm còn bao quát rộng hơn với tranh ảnh, văn bản ghi chép bản nhạc, lời ca, các nhạc cụ, đạo cụ, vật dụng và trang phục của nghệ nhân. Chưa có một cơ quan chuyên môn nào đứng ra sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn những tư liệu này trong khi theo thời gian, chúng ngày càng mai một, hư hại. Vì thế, cần có kế hoạch thu thập, tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị hát xẩm lâu dài, do một cơ quan có đủ năng lực về chuyên môn, cơ sở vật chất thực hiện. Nguồn tư liệu cần phải được xử lý, phân loại, tổ chức hợp lý trước khi số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số.

Về mặt tổng thể, Thạc sĩ Phan Mạnh Dương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trước hết, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các nghệ nhân hát xẩm bởi họ là "linh hồn" giữ vai trò quan trọng trong gìn giữ, trao truyền vốn di sản văn hóa truyền thống, cùng với đó là những nghệ sĩ hát xẩm đang nỗ lực bảo tồn, quảng bá hình thức nghệ thuật này. Ðồng thời, cần có định hướng và cơ chế nhằm phát huy môi trường diễn xướng nghệ thuật hát xẩm qua con đường phát triển du lịch. Những nơi có hát xẩm như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình đang là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Ðây là thị trường đầy tiềm năng để kết hợp giới thiệu, quảng bá nghệ thuật hát xẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có nghệ thuật hát xẩm cần mở rộng mạng lưới các nhóm, câu lạc bộ xẩm. Ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước, địa phương, cần kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhóm, câu lạc bộ xẩm hoạt động. Hằng năm, có thể tổ chức các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sinh hoạt câu lạc bộ; các đợt liên hoan nghệ thuật hát xẩm từ cấp tỉnh, thành phố cho đến khu vực nhằm động viên, tạo sân chơi, sự hưng phấn cho các nghệ nhân, nghệ sĩ hát xẩm...

Từ khóa » Hát Xẩm Dân Gian