Bao Tử Heo, Từ điển Nấu ăn Cho Người Nội Trợ | Cooky Wiki

Bao tử heo (dạ dày heo) là một bộ phận trong hệ tiêu hóa của heo, thực hiện 2 chức năng chính là: Nghiền cơ học thức ăn, thấm dịch vị và phân huỷ thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị.

Bao tử heo

Giá trị dinh dưỡng: 100g

Giá trị dinh dưỡng (trong 100g) Gr mg Kcal
Năng lượng     85
Nước 82.3    
Đạm 14.6    
Chất béo 2.9    
Canxi   8  
Photpho   144  
Sắt   1.4  
Vitamin B1   0.1  
       

Tỉ lệ thải bỏ:  2.0 %. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, bao tử heo rất giàu chất đạm, đường, mỡ, các nguyên tố vi lượng và các vitamin A, B1 và B2. Ngoài ra còn có một số men như pepsin, gastrin và gastric mucoitin.

Công dụng:

Từ lâu, kinh nghiệm dân gian thường dùng món bao tử heo hầm với tiêu sọ để trị chứng đau bao tử do lạnh ở người (Đông y gọi là chứng tỳ vị hư hàn), bệnh biểu hiện: sau khi ăn uống thấy khó tiêu, bụng chướng, đầy hơi, tức ở vùng chấn thủy, đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày...

Theo Y học cổ truyền, bao tử heo vị ngọt, tính ấm, có công dụng kiện tỳ ích vị, bổ hư nhược, ngoài các bệnh lý dạ dày còn được dùng chữa trị nhiều chứng bệnh khác như suy nhược cơ thể, thiếu máu, viêm gan vàng da, xơ gan, đái đường, rối loạn tiểu tiện, sa tử cung, di tinh, trẻ em suy dinh dưỡng, chứng ra mồ hôi nhiều ban đêm… 

Cách làm sạch bao tử heo:

Sử dụng muối, nước mắm: Cách đơn giản nhất để làm sạch mùi khó chịu của bao tử heo là bóp với muối thật kỹ cho đến khi bao tử hết nhớt, sau đó rửa sạch lại với nước. Tiếp đến sử dụng một ít nước mắm, muối hòa vào khoảng 1 lít nước, đun sôi, cho bao tử vào chần. Làm như vậy những chất bẩn từ bao tử sẽ đi ra và nước mắm sẽ ngấm một phần vào làm cho bao tử heo vừa hết mùi hôi lại giòn hơn, thơm hơn khi chế biến món ăn.

Sử dụng bột mì, chanh: Cách này có thể loại bỏ lớp màng nhầy của bao tử heo một cách nhanh chóng. Cạo sạch lớp màng nhầy ở mặt trái của bao tử heo, rửa trực tiếp dưới vòi nước, rắc bột mỳ lên mặt trái của bao tử bóp thật kỹ để bột mỳ hút hết nhớt từ bao tử, cho thêm muối vào xát thật mạnh tay sau đó rửa sạch với nước sôi. Vớt bao tử ra rửa lại, lấy một nửa quả chanh sát đều cả hai mặt. Chanh sẽ làm trắng bao tử đồng thời át bớt mùi hôi còn lại trên bao tử. Cách này khá tốn thời gian nhưng bao tử sẽ rất sạch và thơm.

Sử dụng gạo: Nếu sử dụng bao tử heo để làm gỏi có một bí quyết khác giúp làm sạch bao tử heo dễ dàng. Bóp qua bao tử heo với muối rửa sạch, lấy gạo đã vo qua nhồi vào bao tử, luộc với nước trong khoảng nửa giờ (cho bao tử vào lúc nước sôi, không cho muối luộc cùng vì như thế bao tử sẽ không bị dai). Sau khi luộc chín, vớt bao tử ra, bỏ phần cơm bên trong, ngâm qua nước lạnh. Bằng cách này bao tử sẽ giòn, lại có mùi thơm của gạo, có thể thái ra làm gỏi ngay mà không cần thêm bước sơ chế nào khác.

Đảo bao tử trong chảo nóng: Lộn mặt trái bao tử ra, bóp với muối lấy sạch màng mỡ, bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho bao tử vào đảo cho săn rồi lấy ra cạo sạch màng nhớt. Làm liên tục 3 lần, lần cuối cùng cho thêm một chút nước mắm ngon, đảo nhanh tay, lấy xuống, cạo nhớt, chà lại với muối và chanh, rửa lại với nước. Sau đó có thể dung bao tử heo chế biến món ăn tùy thích.

Nguồn tham khảo:

Dạ dày, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đông y dùng dạ dày lợn chữa bệnh như thế nào?, caythuocquy.info.vn

Ăn bao tử trị đau... bao tử, nld.com.vn

Bí quyết làm sạch bao tử heo đơn giản, hết mùi hôi, vietq.vn

 

Từ khóa » Dạ Dày Lợn Luộc Bao Nhiêu Calo