Bảo Vệ Doanh Nghiệp Có Thể được Trang Bị Dùi Cui điện, Súng Bắn điện

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định 06/2013 về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý nhất, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định về trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ và các loại phương tiện đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

"Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp được xem xét, trang bị các loại công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay dắt dao"- dự thảo nêu.

Bảo vệ doanh nghiệp có thể được trang bị dùi cui điện, súng bắn điện - 1

Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng công cụ hỗ trợ cho nhân viên, lực lượng bảo vệ Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (Ảnh: Bộ Công an).

Đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ để xem xét trang bị các loại công cụ hỗ trợ, gồm: Súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay; dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.

Đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vườn thú; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; khu bảo tồn loài, sinh cảnh thì được xem xét trang bị các loại công cụ hỗ trợ, gồm: Súng bắn chất gây mê, dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.

Bảo vệ doanh nghiệp có thể được trang bị dùi cui điện, súng bắn điện - 2

Súng bắn điện (Ảnh minh họa).

Bộ Công an cho biết, trường hợp cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định nêu trên thì lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 56 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đối với cơ quan, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành ở Trung ương nộp hồ sơ đề nghị cấp phép trang bị công cụ hỗ trợ về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương nộp hồ sơ về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 9, Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Điều 4 Nghị định số 79/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều luật này.

Người được cơ quan, doanh nghiệp giao sử dụng công cụ hỗ trợ và quản lý kho, nơi cất giữ công cụ hỗ trợ phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Các loại phương tiện khác, căn cứ yêu cầu thực tế công tác bảo vệ an ninh, trật tự, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp quyết định việc trang bị và sử dụng các loại phương tiện khác, như: Phương tiện quan sát, máy kiểm soát người ra, vào tại cổng trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, máy soi, máy bộ đàm... theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Cục An ninh kinh tế, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan và người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp tổ chức hướng dẫn, quản lý, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Từ khóa » Sử Dụng Dùi Cui điện