Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng Trong Môi Trường Thương Mại điện Tử

Thời gian gần đây, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, người tiêu dùng đã có lựa chọn mới trong phương thức mua sắm. Nếu trước đây phải đến tận cửa hàng để lựa chọn sản phẩm và giao dịch thì nay chỉ cần truy cập mạng internet, đặt sản phẩm mình thích với một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại. Điều này, không chỉ tiết kiệm thời gian đi đến các cửa hàng, mà còn tránh được những phiền toán khác như chờ đợi thanh toán…. Sản phẩm sau khi được đặt thành công cũng sẽ được giao đến tận nơi theo yêu cầu.

Chị Ngô Lan Anh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội cho biết, do công việc văn phòng bận rộn nên tôi thường lựa chọn mua hàng bằng hình thức online. Hầu hết các mặt hàng từ thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm,… cho đến các đồ gia dụng đều mua theo hình thức này. Việc mua sắm trực tuyến có ưu điểm là tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thì lợi ích từ thương mại điện tử là hiện hữu đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn Thương mại điện tử thu hút lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng. Đối với những website bán hàng có uy tín thì có quy định cụ thể trong thể thức giao hàng, đổi, trả, quảng cáo hàng, phương thức thanh toán để người tiêu dùng tham khảo, lựa chọn và sử dụng dịch vụ. Song cũng có không ít những người bán hàng online đã quảng cáo quá mức về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa.

Theo ông Vũ Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Phú Thọ, mặc dù chính sách đồng kiểm khi mua hàng online đã được nhiều đơn vị áp dụng, song vẫn có những người tiêu dùng do chủ quan nên đã mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Để tránh bị phát hiện, người bán sử dụng hình ảnh thật khi đăng trên mạng, nhưng khi sản phẩm khách hàng nhận được lại là hàng giả, hàng nhái. Một điều đáng lưu ý là do chưa hiểu hết quyền pháp lý của mình khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử và tâm lý e ngại nên đa số người mua đều chấp nhận “mất tiền oan” chứ không phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền hay đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh doanh trên môi trường mạng, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm. Một số quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn chưa rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010. Ngày 27-10-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng".

Một thực tế khác, hiện nhận thức của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất mờ nhạt. Qua các cuộc khảo sát chỉ có khoảng 15% người tiêu dùng được đọc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn lại chưa biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ. Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến Hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng còn tương đối phổ biến.

Trước những bất cập này, Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của quản lý nhà nước và đảm bảo hiệu quả hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đồng thời, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

Dưới góc nhìn của một số vị đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh kinh doanh trên môi trường mạng phát triển như hiện nay cùng với đó là  sự xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thì việc bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dung là cần thiết.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Theo đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, thế mạnh của thương mại điện tử đã rõ, song mặt hạn chế cũng không ít. Hiện nay, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Các quy định liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo hành, thu hồi hàng hóa khuyết tật được thiết kế lỏng lẻo và sơ sài khiến các chủ thể liên quan gặp khó trong việc thực hiện;… Vì vậy, đặt ra yêu cầu trong việc sửa đổi phải bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Việc sửa đổi phải đảm bảo mục tiêu đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng tình hình thực tiễn. Đại biểu nhấn mạnh, cần quan tâm áp dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong triển khai thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Công Nhường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, trong luật hiện hành, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết… Đại biểu kiến nghị các giải pháp báo vệ người tiêu dùng cần được đặc biệt chú trọng trong lần sửa đổi này. Luật sửa đổi cân nhắc bổ sung Điều khoản quy định việc hình thành hệ thống cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung quy định để phân định rõ thẩm quyền tiếp nhận việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung giữa cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp Trung ương và địa phương;... Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các giao kết hợp đồng đặc thù với người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh các giao dịch tiêu dùng dựa trên nền tảng thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ đề nghị xây dựng và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Quốc hội khóa XV./.

 

Từ khóa » Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam