Bảo Vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa – Những Yêu Cầu Từ Thực ...

Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ

(ĐCSVN)
-
Văn kiện Đại hội XI có những phát triển mới trong tư duy bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Uỷ viên Ban chỉ đạo tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 của Bộ Quốc phòng.

PV: So với những nội dung được Cương lĩnh 1991 xác định, thời gian qua, chủ trương, đường lối của Đảng ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã có sự phát triển như thế nào?

Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta” là nội dung cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 xác định. Đại hội Đảng lần thứ VIII nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc độc lập, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám khoá IX, lần đầu tiên mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định rõ với các nội dung: “Một là, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; hai là, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ba là, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bốn là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; năm là, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nên văn hoá; sáu là, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội X của Đảng nhấn mạnh thêm mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “ Bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá an ninh xã hội; không để bị động, bất ngờ”; chỉ ra quan điểm nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Như vậy, từ năm 1991 đến nay nhận thức của Đảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có nhiều phát triển so với Cương lĩnh 1991, ngày càng nhấn mạnh đến tính chất toàn diện, thống nhất, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong bảo vệ Tổ quốc

Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Đảng còn được thể hiện ở việc quan tâm giữ cho “trong ấm”, “ngoài êm”, coi đó là một trong những “kế sách” quan trọng để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Khi mà chúng ta vừa đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức, khó khăn, vừa có những thời cơ, thuận lợi mới, thì việc xác định một “kế sách” “trong ấm”, “ngoài êm” đó là sự xác định phù hợp nhất, có lợi nhất, đó là vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước trong một thế giới đầy biến động phức tạp như hiện nay. Theo tinh thần đó, Đảng ta đã nhấn mạnh trong Đại hội X, cùng với việc “Chú trọng giáo dục thống nhất nhận thức về đối tượng và đối tác” giữ cho “ngoài êm”, chúng ta phải “giữ an ninh nội địa; giải quyết kịp thời các mâu thuẩn, tranh chấp trong nhân dân”, giữ cho “trong ấm”.

Về phương thức đầu tranh bảo vệ Tổ quốc, Cương lĩnh năm 1991 chưa đề cập một cách cụ thể và rõ ràng về phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tại đại hội Đảng lần thứ VIII, Đảng ta mới nêu vấn đề “Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân; quán triệt chặt chẽ tư tưởng cách mạng tiến công, tích cực, chủ động, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu và hành động chống phá ta”. Quan điểm này nhấn mạnh đến phương thức đấu tranh vũ tranh, phương thức đấu tranh phi vũ trang chưa được đề cập chính thức. Từ Đại hội Đảng lần thứ IX, Đại hội đảng lần thứ X cho đến nay, phương thức đấu tranh phi vũ trang ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nhận thức và trong tổ chức thực tiễn, được Đảng ta nhìn nhận một cách đầy đủ và cụ thể hơn. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006) của Đảng đã chính thức xác nhận: “Kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang và phi vũ trang, kết hợp bảo vệ với xây dựng, lấy xây dựng để bảo vệ”.

Về lực lượng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhận thức của Đảng từ năm 1991 đến nay đã quán triệt và cụ thể hoá quan điểm sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân; đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu, phát huy nội lực là chính; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.Đặc biệt, Đại hội X của Đảng nhấn mạnh thêm việc “Phát huy mọi tiềm năng của đất nước” để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

PV: Theo Ban chỉ đạo tổng kết Cương lĩnh của Bộ Quốc phòng, bên cạnh những thành tựu to lớn, chúng ta còn có những hạn chế gì trong việc thực hiện đường lối về bảo vệ Tổ quốc XHCN?

Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ: Trong nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân, của một số tổ chức, doanh nghiệp còn có những biểu hiện chưa quan tâm đầy đủ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; còn có sự tách rời giữa hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời gian qua có nơi vẫn để xảy ra "điểm nóng", những vụ gây mất ổn định xã hội. Về thực hiện phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi còn có biểu hiện tách rời cả về nhận thức và hành động, có sự lúng túng nhất định trong sử dụng và kết hợp các phương thức đấu tranh, nên có lúc, có nơi hiệu quả không cao. Vai trò và trách nhiệm của các lực lượng trong đấu tranh phi vũ trang, đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá chưa rõ ràng, còn chồng lấn, chồng chéo; trong đấu tranh, xử lý một số trường hợp, một số “điểm nóng” cụ thể hiệu quả còn chưa cao. Nhận thức về hợp tác và đấu tranh, đối tác và đối tượng có lúc, có nơi chưa thật rõ. Còn có biểu hiện coi bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay là nhiệm vụ của riêng lực lượng vũ trang, của quân đội và công an.

PV: Trong Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991) phần về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, nhóm biên soạn đã xác định những vấn đề chính nào cần được bổ sung để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với tình hình mới?

Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ: Vấn đề bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là bảo vệ Đảng và quyền làm chủ của nhân dân cần quan tâm nhấn mạnh hơn trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.Bởi vì, trong tình hình mới, trước sự phát triển và tác động của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, mục tiêu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có sự phát triển mới, theo hướng gắn kết hơn giữa bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ… với bảo vệ chế độ và bảo vệ Đảng. Không nên kể ra quá chi tiết và nhiều nội dung, nhiều vấn đề bảo vệ như trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng, vì như thế dễ dẫn đến sự thiếu hụt, không đầy đủ, khó cập nhật được với sự phát triển nhanh chóng của tình hình. Do đó, dự thảo Cương lĩnh đã khái quát lại mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo hai nội dung, hai mặt thống nhất quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời trong Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: mặt tự nhiên - lịch sử và mặt chính trị - xã hội để bảo đảm gọn hơn, rõ hơn nhưng lại chuẩn xác, toàn diện và đầy đủ hơn. Theo đó, có thể diễn đạt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa"; đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vấn đề bảo vệ chế độ và sự lãnh đạo của Đảng.

Về phương thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong tình hình mới, cần kết hợp phương thức đấu tranh vũ trang, đấu tranh phi vũ trang và sự kết hợp của hai phương thức ấy. Cần phát triển và làm rõ hơn luận điểm: “Thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ xa”; hoàn thiện luận điểm: “Tự bảo vệ" là phương thức hữu hiệu để bảo vệ từng con người, từng tổ chức và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Cần xác định vấn đề “tự bảo vệ” không chỉ đơn thuần nằm trong phạm trù bảo vệ chính trị nội bộ. Cần nhận thức “tự bảo vệ” là một vấn đề cơ bản, một nội dung cốt lõi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Về lực lượng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quan điểm sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc cần tiếp tục được nhấn mạnh và mở rộng hơn, toàn diện hơn trong tình hình mới. Cần nhấn mạnh thêm vấn đề xây dựng cho ta mạnh lên, đặc biệt là xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Lực lượng bảo vệ Tổ quốc là lực lượng của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, (bao gồm Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, dân quân, tự vệ), các lực lượng chuyên trách và không chuyên trách, mọi người Việt Nam ở trong nước và cả mọi người Việt Nam ở ngoài nước, trong đó “Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.

PV: Văn kiện đại hội XI đã dự báo về các thách thức, nguy cơ, tác động đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong giai đoạn hiện nay như thế nào?

Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ: Theo Cương lĩnh năm 199, những lực lượng xâm phạm độc lập dân tộc, cản trở đến việc thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa là đối tượng đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời, Cương lĩnh 1991 cũng chỉ ra đối tượng trực tiếp trước mắt là “chủ nghĩa thực dân mới và các thế lực thù địch chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; chỉ ra đối tượng tác chiến và đấu tranh của quân và dân ta là: “sự can thiệp và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc”; xác định rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đấu tranh “làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Đó là những vấn đề rất cơ bản về đối tác và đối tượng của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba khoá VII đã cụ thể hoá đối tượng cơ bản lâu dài của cách mạng Việt Nam, đồng thời dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch bằng 5 tình huống chiến lược:

Một là, diễn biến hoà bình.

Hai là, diễn biến hoà bình kết hợp với bạo loạn lật đổ.

Ba là, bạo loạn lật đổ kết hợp với lực lượng phản ứng nhanh.

Bốn là, bao vây phong toả, tiến công hoả lực.

Năm là, tiến hành chiến tranh xâm lược cường độ trung bình.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đưa ra nguyên tắc xác định và giải quyết, xử lý vấn đề đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã chỉ rõ những nguyên tắc cơ bản: những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị bình đẳng hợp tác cùng có lợi với Việt Nam thì đó là đối tác của chúng ta; thế lực nào cản trở xâm hại đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của ta thì thế lực đó là đối tượng của cách mạng nước ta. Lực lượng nào gây bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang, tiến hành chiến tranh xâm lược thì lực lượng đó là đối tượng tác chiến chiến lược của quân và dân ta đồng thời là đối tượng của cách mạng nước ta. Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XI xác định những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới như: chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tranh chấp chủ quyền biển đảo, bạo loạn chính trị, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia...

PV: Trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội XI, vấn đề hiện đại hoá quân đội được quan tâm như thế nào?

Trung tướng, PGS, TS Lê Minh Vụ: Về nội dung “hiện đại”, có nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao không dùng “hiện đại” hay “ngày càng hiện đại” mà phải dùng “từng bước hiện đại”? Ba vế đầu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ” là mục tiêu, vế thứ 4 lại là phương thức thực hiện, về lôgíc là chưa cân đối. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án nên thay bằng “ngày càng hiện đại” gửi cho 4 đồng chí Đảng uỷ Quân sự Trung ương cơ bản đều nhất trí nhưng khi thông qua Bộ Chính trị thì lại trở về phương án “từng bước hiện đại” là khá phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, về thực tiễn bây giờ trước mắt chúng ta đang cố gắng, chưa hiện đại đồng bộ được thì hiện đại hoá cục bộ cho những ngành, lĩnh vực quan trọng hơn trước. Dự thảo báo cáo chính trị đã xác định, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động...

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Từ khóa » Khái Niệm Bảo Vệ Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa