Bảo Vệ Và Phát Triển Bền Vững Các Loài Rùa Biển Nguy Cấp Của Việt ...

  • Thả rùa biển quý hiếm về môi trường tự nhiên
  • Phát hiện nhiều rùa biển quý hiếm mắc cạn
  • Vũng Tàu đi đầu trong xử lý vi phạm về rùa biển
  • Bảo vệ rùa biển chống tội phạm săn trộm

Việt Nam là nơi cư trú của năm loài rùa biển gồm Rùa da, Rùa xanh/Vích, Đồi mồi, Quản đồng, Đồi mồi dứa và tất cả năm loài này đều có trong Sách đỏ Việt Nam. Tất cả các loài này được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Dù vậy, các loài rùa biển của Việt Nam hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Suy giảm nghiêm trọng

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), trước những năm 80 của thế kỷ 20, số lượng rùa biển tại Việt Nam rất lớn, nhất là loài Vích có thể lên đến hàng chục ngàn con lên bờ biển đẻ mỗi năm. Hiện nay, số lượng rùa đã suy giảm rất nhiều.

Tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), số lượng Vích lên bờ biển đẻ hàng năm dao động trong khoảng từ 200 đến 300 con, tại Quảng Ninh, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận... chỉ từ 10 đến 20 con ở mỗi địa phương. Các loài khác như Đồi mồi, Đồi mồi dứa và Rùa da có số lượng còn ít hơn với ước tính có dưới 10 cá thể mỗi loài sinh sản hàng năm trên toàn vùng biển Việt Nam.

Nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho thấy, trong số năm loài rùa biển thì Đồi mồi là loài đang bị suy giảm số lượng nghiêm trọng.

Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái vì chúng ăn bọt biển, giữ cho rạn san hô khỏe mạnh, nhưng số lượng cá thể Đồi mồi đã giảm tới 80% chỉ trong thế kỉ trước, chủ yếu do bị săn bắt lấy mai để chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ như trang sức, lược, gọng kính...

Theo thông tin từ các tổ chức bảo tồn, hiện chỉ còn 15.000 cá thể Đồi mồi cái trưởng thành trên toàn thế giới. Loài Vích cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi chúng chỉ có khoảng 1/1.000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành.

Từ năm 2013-2018, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 con Vích non trở về đại dương. Theo tỉ lệ trên, số lượng Vích có thể đạt đến tuổi trưởng thành sẽ chỉ còn khoảng 150 cá thể mỗi năm.

Nghiên cứu năm 2016 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, loài Đồi mồi dứa cũng chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long (Quảng Ninh) và tỉnh Quảng Bình. Đồi mồi dứa hoàn toàn không còn xuất hiện kể từ năm 2015 tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Rùa biển trở về với đại dương trước sự chứng kiến của người dân trên đảo Cù Lao Chàm.

Phát triển bền vững các quần thể rùa nguy cấp

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), công tác bảo vệ rùa biển đã có những bước tiến đáng khích lệ, trong đó có việc nâng mức hình phạt để răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Tiêu biểu như việc bắt giữ và khởi tố một đối tượng trùm buôn lậu trứng rùa biển với hành vi tàng trữ 116 trứng Vích năm 2017. Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý hình sự vi phạm liên quan đến trứng rùa biển.

Năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải bốn năm sáu tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển.

Hành vi của Hải bị các cơ quan chức năng phát hiện vào cuối năm 2014 và đây được coi là vụ án có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã thực hiện các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa… Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển và được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm về rùa biển hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, đe dọa sự tồn vong của loài sinh vật biển này. Bởi vậy, tháng 9-2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các quần thể rùa nguy cấp của Việt Nam và môi trường sống của chúng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), các mục tiêu cụ thể đã được xác định đối với công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp, đặc biệt đối với các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện hiệu quả; tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian tới là rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; duy trì, phục hồi quần thể; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn, ngăn ngừa các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp.

Việc bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển được cụ thể hóa, tập trung tại các khu vực: Bái Tử Long và Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Hải Lăng (Quảng Trị), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cam Lâm (Khánh Hòa), Hòn Khô - Hải Giang (Bình Định), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang); phục hồi bãi đẻ, nơi sinh cư của rùa biển bị suy thoái tại các khu vực gồm Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đặc biệt, Chương trình sẽ thành lập và vận hành hai trạm cứu hộ rùa biển tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa.

Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học xác định giải pháp để thực hiện gồm nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các giải pháp khoa học, công nghệ trong bảo tồn và phát triển các loài rùa nguy cấp; tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các loài rùa nguy cấp; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường hợp tác hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, mỗi cá nhân cũng có thể tham gia các hoạt động bảo vệ rùa biển bằng cách không mua bán thịt, trứng rùa biển và đồ lưu niệm làm từ rùa, giữ môi trường biển trong lành, thông báo tới các cơ quan chức năng về những vi phạm liên quan như săn bắt, nuôi nhốt trái phép, quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ rùa biển.

Từ khóa » Các Loài Rùa Biển Việt Nam