Bat An Ty The Nao Cho Dung Voi Bi Phap
Có thể bạn quan tâm
BẮT ẤN TÝ
THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỚI BÍ PHÁP?
Tùng Thiên
Từ Bạch Hạc
2014
VĂN KIỆN 1:
THÁNH GIÁO DẠY CÁCH LỄ BÁI VÀ THỜ THIÊN NHÃN
VĂN KIỆN 2:
LỜI DẠY TRONG QUYỂN KINH LỄ CỦA TÒA THÁNH TÂY NINH
VĂN KIỆN 3:
THÔNG TRI CỦA HỘI THÁNH CỬU TRÙNG ĐÀI
VĂN KIỆN 4
ẤN TÝ LÀ GÌ? CÁCH BẮT ẤN TÝ NHƯ THẾ NÀO?
VĂN KIỆN 5.
BÀI THUYẾT ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ PHÁP NĂM 1947
PHỤ LỤC
[Full Text - Download - PDF]
“ẤN, PHÁP, PHÙ, CHÚ chẳng khác nào như những công-tắc điện để mở những nút dây điện khắp nơi. Nên Đạo-gia nói Tu đắc Đạo là đoạt được cơ mầu-nhiệm Thiêng-liêng đó. Hỏi vậy Đạo Cao-Đài có sử dụng: ẤN, PHÁP, PHÙ, CHÚ không? Đương nhiên là có đủ cả, bởi có Bí pháp mới hiện ra Thể pháp. Xưa, Đức Chí-Tôn ban ân huệ cho Thần Tiên Thánh Phật thế nào, thì nay Ngài cũng ban ân huệ cho cả nhân loại như thế ấy. Nên khi một người Nhập-môn vào Đạo trở thành tín đồ thì Ngài ban đủ: ẤN, PHÁP, BÙA, CHÚ nắm trong tay:
Ấn
là Ấn Tý (nhơn sanh thường sử dụng Ấn này)
Pháp
là các pháp Giải oan, Phép Tắm Thánh, phép Hôn phối, phép xác, phép đoạn căn…
Bùa
là bùa chữ Khí, bùa Kim Quang Tiên…
Chú
là câu chú của Thầy “Nam-mô Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát”.
Trong Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ, trước khi lạy phải bắt Ấn Tý, gọi là Ấn Kiết quả, nghĩa là thời-kỳ này Pháp tu đã kết thành trái: Tu thì thành, dữ thì đọa. Thưởng phạt phân minh để kết thúc hạ ngươn, chuyển sang ngươn Thánh đức của kỳ chuyển mới. Bàn tay trái thuộc Dương, bàn tay hữu thuộc Âm. Ấn Tý là Ấn của Chí-Tôn, rất quan trọng về mặt bí pháp, nhưng bắt Ấn thế nào cho thật đúng?
VĂN KIỆN 1:
THÁNH GIÁO DẠY CÁCH LỄ BÁI VÀ THỜ THIÊN NHÃN
25 Février. 1926
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ VIẾT CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG
TRUNG vô giữa bái lễ cho THẦY coi...
Con làm lễ trúng song mỗi gặt, con nhớ niệm câu chú của THẦY:
"NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT"
Ðại lễ là làm lễ ba lần: Lần đầu dâng hương và hoa. Lần giữa dâng rượu Lần chót dâng trà.
Phải chính mình con dâng các lễ ấy.
Khi bái lễ, hai tay con chấp lại, song phải để tay trái ấn TÝ, tay mặt ngữa ra nằm dưới, tay trái chụp lên trên.
VĂN KIỆN 2:
LỜI DẠY TRONG QUYỂN KINH LỄ CỦA TÒA THÁNH TÂY NINH
Trong quyển KINH LỄ, phần Tiểu dẫn, phần hướng dẫn CÁCH LẠY có ghi như sau:
Chấp hai tay lại như dưới đây:
Tay trái bắt Ấn Tý (1) rồi nắm lại. Kế đó, bàn tay mặt áp ngoài, rồi ngón cái (tay mặt) xỏ vô giữa ngón cái và ngón trỏ bên tay trái.
Để hai tay như vậy mà đưa lên trán, xá sâu ba xá rồi quì xuống đưa hai tay lên trán như trước mà niệm “NAM MÔ PHẬT”, đưa qua bên trái niệm “NAM MÔ PHÁP”, đưa qua bên mặt niệm “NAM MÔ TĂNG”. Rồi để ngay ngực mà niệm:
·Nam-mô CAO- ĐÀI TIÊN- ÔNG ĐẠI BỒ- TÁT MA- HA- TÁT (cúi đầu).
·Nam-mô QUAN- THẾ- ÂM BỒ- TÁT MA- HA- TÁT
·Nam-mô LÝ ĐẠI TIÊN-TRƯỞNG KIÊM GIÁO-TÔNG ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
·Nam-mô HIỆP THIÊN ĐẠI ĐẾ QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN
·Nam-mô CHƯ PHẬT, CHƯ TIÊN, CHƯ THÁNH, CHƯ THẦN.
Mỗi lần lạy Trời thì lạy: một lạy gật đầu bốn cái, làm như vậy cho đủ ba lạy là 12 gật . Nhớ mỗi gật phải niệm: Nam-mô CAO- ĐÀI TIÊN- ÔNG ĐẠI BỒ- TÁT MA- HA- TÁT.
Còn lạy Phật và Tiên thì ba lạy, mỗi lạy gật đầu ba cái là 9 gật.
Khi lạy thì hai bàn tay trải ra và hai ngón cái phải gác tréo nhau.
***Bắt Ấn Tý nghĩa là: bấm đầu ngón tay cái vào gốc ngón tay áp út.
Về nghi thức Lễ bái của Đạo Cao-Đài, khi lấy dấu: Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi cũng mang ý-nghĩa Tam bửu:
- PHẬT, quyền năng tối thượng là Đức Chí-Tôn.
- PHÁP, quyền năng tạo đoan là Đức Phật-Mẫu..
- TĂNG, quyền-uy giáo hoá, đại diện qua mỗi nguơn hội có:
§Nhứt kỳ Phổ-Độ: Phật A-Di-Đà
§Nhị kỳ Phổ-Độ: Phật Thích-Ca Mâu-Ni.
§Tam kỳ Phổ độ: Phật Di-Lặc Vương
VĂN KIỆN 3:
THÔNG TRI CỦA HỘI THÁNH CỬU TRÙNG ĐÀI
CỬU TRÙNG ĐÀI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Văn phòng (Tứ thập lục niên)
NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ TÒA THÁNH TÂY NINH
Số5-NCPS/TT
THÔNG TRI
HỘI THÁNH CỬU TRÙNG ĐÀI NAM NỮ
Kính gửi Toàn thể Chức sắc Thiên Phong, chư Chức Việc và Bổn Đạo nam, nữ
NAM VÀ TRUNG TÔNG ĐẠO
Kính chư Hiền Huynh, Hiền Hữu, Hiền Tỷ, Hiền Muội,
Do phúc trình số 77PT, ngày 13 tháng Giêng Tân Hợi (dl 8.2.71) của HỘ ĐÀN PHÁP QUÂN tường trình có phần đông Chức sắc, Chức việc và Bổn Đạo, khi vào ĐềnThánh hiến lễ Đức Chí Tôn, không giữ đúng theo Luật Đạo như sau:
-Bắt ẤN TÝ không trúng, có người ngón tay mặt gát ngang qua bàn tay trái, có người thọc sâu trong lòng bàn tay trái; như vậy là bấm không đúng chỗ như trong Kinh đã chỉ dẫn.
-Khi bắt Ấn Tý không để trên ngực lại bỏ xuôi xuống chân và khi lạy không đưa tay khỏi đầu.
-Khi NHẠC TẤU QUÂN THIÊN đứng không yên lại còn nói chuyện làm mất vẻ tôn nghiêm trong thời cúng thất lễ với Đức Chí Tôn.
Sau khi cứu xét tờ tường trình nói trên của HỘ ĐÀN PHÁP QUÂN, HỘI THÁNH nhận thấy việc bắt ẤN TÝ trọng hệ giữ THỂ PHÁP VÀ BÍ PHÁP cho người hành lễ. Hưởng mầu nhiệm cùng chăng là do ấn chứng đúng PHÁP; bởi cớ nên ĐỨC CHÍ TÔN có dạy trong Thánh Ngôn và Hội Thánh cũng đã có ấn định rành rẽ trong Kinh-lễ. Để nghiêm chỉnh giữ đúng ẤN PHÁP nhứt luật và sự tôn nghiêm trong giờ hành lễ hầu tránh thất lễ với Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng liêng nên HỘI THÁNH quyết định triệt để thi hành các khoản sau đây:
1.Phần bắt ẤN cúng Thầy phải giữ đúng theo lời dạy của Đức Chí Tôn và Hội Thánh, nghĩa là ngón tay cái trái bấm vào ẤN TÝ rồi nắm lại; bàn tay mặt áp ngoài, ngón cái tay mặt bấm vào ẤN DẦNchớ không được gát ngang qua ngón trỏ bàn tay trái hoặc thọc sâu bên trong lòng bàn tay trái là trái Pháp. Bởi Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần; đó là Bí Pháp của Đức Chí Tôn vậy
2.Khi bắt Ấn Tý luôn luôn phải để ngay ngực tức là để tại Tâm, không được để xuôi theo chân, hay rún và khi lạy phải đưa tay lên chí trán, chẳng nên đưa khỏi đầu hoặc thấp hơn.
3.Trong khi còn đứng NHẠC TẤU QUÂN THIÊN thì phải giữ nghiêm trang yên lặng ngó ngay THIÊN NHÃN ở Bát Quái Đài tịnh tâm tưởng niệm cung nghinh ĐỨC CHÍ TÔN. Không được nói chuyện, hoặc ngó qua, ngó lại để tỏ lòng tôn kính tránh thất lễ vì Đức Chí Tôn có dạy nơi Thánh Ngôn: “như Đàn nội chẳng nghiêm, THẦY không giáng”
Ước mong Chư Chức Sắc, Chức Việc và Bổn Đạo nam, nữ lưu tâm thực hành các điều khuyên nhắc trên đây, chẳng những giúp cho mình được hưởng nhiệm mầu của Ơn Trên bố hóa mà còn gìn nghiêm luật của nền Đại Đạo để khỏi thất Pháp.
Q.THƯỢNG THỐNG LẠI VIỆN ban hànhThông tri này cho toàn thể Chức Sắc, Chức Việc và Bổn Đạo tuân hành nhứt luật.
Nay kính,
TÒA THÁNH, ngày 6 tháng 2 nămTân Hợi (dl 2/3/1971)
THÁI CHÁNH PHỐI SƯ Q.THƯỢNG CHÁNH PHỐI SƯ NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ
THÁI BỘ THANH THƯỢNG TỬNG THANH NGỌC NHƯỢN THANH
XL T.V. VP NỮ CHÁNH PHỐI SƯ
PS HƯƠNG NGỘ
Phê kiến
ĐẦU SƯ NỮ ĐẦU SƯ
CHƯỞNG QUẢN CTĐ NAM PHÁI CHƯỞNG QUẢN CTĐ NỮ PHÁI
THƯỢNG SÁNG THANH HƯƠNG HIẾU
Vâng lịnh ban hành
Nội chánh, ngày 6 tháng 2 năm Tân Hợi (dl 2/3/1971)
Q. THƯỢNG THỐNG LẠI VIỆN
GIÁO SƯ NGỌC TỊNH THANH
VĂN KIỆN 4:
ẤN TÝ LÀ GÌ? CÁCH BẮT ẤN TÝ NHƯ THẾ NÀO?
Ấn là dấu hiệu đặc biệt về mặt đạo có tác dụng huyền bí do hai bàn tay kết lại tạo ra. Tý là chi đầu tiên trong Thập nhị Địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi.v…v. . .
Ấn Tý là cái ấn đặc biệt của Đạo Cao Đài, cách bắt như sau:
Trên bàn tay trái, vị trí của Tý ở tại chân ngón áp út, Sửu ở chân ngón giữa và Dần ở chân ngón trỏ. Ấn Tý là cái ấn mà ngón tay cái của bàn tay trái co lại chỉ vào chi Tý rồi nắm lại, bàn tay mặt bao lấy bên ngoài bàn tay trái mà ngón cái chỉ vào chi Dần của bàn tay trái.
Cách bắt Ấn Tý có ý nghĩa về sự tạo thành Trời Đất và Nhơn loại, theo quan niệm của người xưa ở đông phương: Thời gian tạo thành càn khôn vũ trụ và vạn vật được chia làm 12 khoản, mỗi khoản thời gian được gọi là Hội và đặt tên theo Thập nhị Địa chi: Hội Tý là Hội đầu tiên, kế đến Hội Sửu, sau đó là Hội Dần, vv. . .
Thiên khai ư Tý: Trời mở ra ở hội Tý.
Địa tịch ư Sửu: Đất mở ra ở hội Sửu (tịch là mở).
Nhơn sanh ư Dần: Người sanh ra ở hội Dần.
Các hội tiếp theo là sự tiến hóa của trời, đất, người và vạn vật đến chỗ hoàn hảo.
Ấn Tý là ấn đặc biệt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Chí Tôn đặt ra. Cho nên trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, mỗi khi lạy tín đồ đều phải bắt Ấn Tý trong tất cả các trường hợp; dù đó là lạy Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, lạy các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, hay lạy Cửu Huyền Thất Tổ, lạy Vong phàm.
Hình: Hai tay bắt như vậy gọi là Ấn Tý.
(Trích câu 40 của quyển 99 câu hỏi đáp về Đ.Đ.T.K.P.Đ.)
VĂN KIỆN 5.
BÀI THUYẾT ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ PHÁP NĂM 1947
A.“Bần đạo nhắc lại; người tín đồ Cao Đài luôn luôn nằm lòng lời minh thệ, đó là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của mình. Phải ghi tâm mới giữ được sự thương yêu, bạn đồng môn và chúng sanh là con chung của Đức Chí Tôn để khỏi bị thất thệ mà mình đã hứa: Hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài…”.
Cúng lạy phải tuân thủ tuyệt đối, thực hành nghiêm chỉnh và hoàn chỉnh.
“Đàn không nghiêm thì Thầy không giáng”
Chí Tôn đã dạy bắt Ấn Tý khi bái lễ hai tay con chấp lại; xong phải để tay trái bắt Ấn Tý, tay mặt ngửa ra nằm dưới tay trái Ấn Tý và chụp lên trên. Nghĩa là đầu ngón cái tay trái điểm vào góc ngón áp út (cung Tý) nắm chặc lại để khuỷu ngón tay trái ấn vào góc ngón tay giữa (cung Sửu) tay mặt ngửa ra đỡ bàn tay trái rồi nắm lại; ngón cái của tay mặt điểm vào góc ngón trỏ của tay trái (cung Dần) nắm chặc lại. Tức nhiên, các ngón của tay mặt không che khuất gốc của 3 ngón: áp út, giữa và trỏ của bàn tay trái (tức 3 cung Tý, Sửu, Dần)
Ấn Tý là thể hiện Đức Chí Tôn nắm trọn Tam Tài: THIÊN, ĐỊA, NHƠN.
Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần.
Nhớ giữ Ấn Tý nơi ngực cho chặc, mắt ngó ngay Thiên Nhãn, đó là phương pháp tịnh tâm. Thể pháp hoàn chỉnh mới mong tìm được bí pháp đó vậy. Khi bắt Ấn Tý tức điểm đủ Tam tài; xá và lạy cũng thực hiện Tam tài đến với bản thể của chúng ta ở thể pháp mà kinh Phật mẫu có câu:
…Lập Tam Tài định kiếp hòa căn,
Chuyển luân định phẩm cao thăng…
Vậy Ấn Tý tiêu biểu cho Tam Kỳ Phổ Độ để chư môn đệ của Thầy sử dụng khi bái lễ Đức Chí Tôn, Đức Phật mẫu và các Đấng. Nếu bắt Ấn Tý không đúng, để bàn tay phải (âm) khi nắm lại trùm phủ 3 cung Tý, Sửu, Dần; tức bao trùm Tam Tài THIÊN, ĐỊA, NHƠN ở bàn tay trái (dương) là một điều sai lạc rất hệ trọng: “Dương thạnh tất sanh, Âm thạnh tất tử” sẽ có ảnh hưởng đến nghiệp Đạo.
Chí tôn đã dạy: Nơi lòng Thầy ngự, hễ động Thầy hay; nên Ấn Tý luôn ở nơi ngực, tuyệt đối không được thả xệ xuống bụng mà thất lễ. Bần đạo nhắc lại lần nữa, khi xá và lạy đều thể hiện kỉnh đủ Tam Tài: THIÊN, ĐỊA, NHƠN.
- Đưa tay lên trán; kỉnh THIÊN.
-Xá thẳng hết tay, đầu hơi cúi: kỉnh ĐỊA.
-Đưa về nơi ngực: kỉnh NHƠN.
Đức Chí Tôn đã dạy:”Thập nhị khai Thiên là Thầy, Chúa của cả Càn Khôn thế giới. Nắm trọn thập nhị Thời thần vào tay, số 12 là số riêng của Thầy”.
Bái lễ Đức Chí Tôn thì 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật phải niệm danh Thầy:
Nam-mô CAO- ĐÀI TIÊN- ÔNG ĐẠI BỒ- TÁT MA- HA- TÁT.
Còn làm lễ Đức Phật mẫu cũng 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm:
Nam-mô DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN.
Dưới đậy là hình minh họa bắt Ấn Tý theo đúng lời Đức Hộ Pháp dạy
B.ĐỨC CHÍ TÔN PHÂN ĐỊNH VIỆC CÚNG TỨ THỜI
Tứ thời gồm 4 thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Tý, Ngọ cúng rượu; Mẹo, Dậu cúng trà. Là một ý nghĩa huyền bí cao siêu để cho con cái của Ngài được hưởng bí pháp vô vi là cái đặc ân của Ngài ban cho đó vậy.
Thời Tý, Ngọ cúng rượu. Rượu rót mỗi ly 3 phân; ba ly cộng lại là 9 phân (CỬU THIÊN KHAI HÓA). Mẹo, Dậu rót nước trắng và nước trà: rót 8 phân. Nước trắng là Dương, nước trà là Âm. Ý nghĩa Âm Dương tương đồng.
CẦU NGUYỆN KHI DÂNG TAM BỬU
DÂNG BÔNG: con nguyện dâng hiến thể xác này cho Thầy tùy phương sử dụng. Xin Thầy ban ân lành cho thể xác con được mạnh khỏe và tươi tắn như bông hoa kia vậy.
DÂNG RƯỢU: con nguyện dâng hiến trí não con cho Thầy tùy phương sử dụng. Xin Thầy ban ân lành cho trí não con được sang suốt và mạnh mẽ như chất rượu kia vây.
DÂNG TRÀ: con nguyện dâng hiến Chơn linh con cho Thầy tùy phương sử dụng. Xin Thầy ban ơn lành cho Chơn linh con được tráng kiện thơm tho như trà kia vậy.
CHUNG: CON NGUYỆN DÂNG THỂ XÁC, TRÍ NÃO, CHƠN THẦN CHO THẦY DÙNG CON TẾ VẬT HY SINH ĐỂ CỨU KHỔ NHƠN LOẠI.
Bần đạo đã giảng Tam Bửu. Tại sao Chí Tôn lấy bông tượng trưng hình hài. Ngài muốn nhìn con cái của ngài bằng giá trị tốt đẹp như mắt thấy cái bông. Ngài lấy rượu là muốn tinh thần loài người cường liệt như rượu mạnh kia vậy. Ngài lấy trà là muốn Chơn linh ta điều hòa như trà vậy. Ngài lại món đó cốt yếu là vậy. Như hiến lễ Đức Phật mẫu, lời cầu nguyện cũng như vậy, song từ “Chí tôn” đổi lại thành “Phật Mẫu”.
Bần đạo nói một điều nên nhớ: khi đến chầu lễ Chí Tôn, không nên mặc đồ lót trong có màu sắc khác mà phải toàn màu trắng (trừ chức sắc, chức việc có sắc phục riêng khi chầu lễ Chí Tôn). Khi đến chầu lễ Phật Mẫu phải toàn màu trắng cả (không phân biệt đạo hữu, chức việc, chức sắc) vì ai cũng là con của Mẹ. bần đạo ban ơn cho toàn thể con cái Đức Chí tôn.
***KẾT LUẬN:
·Như vậy, khi đi chầu lễ Chí Tôn và Phật Mẫu, chúng ta nam và nữ, đều phải mặc quần áo lót trắng; không được mặc quần màu ở trong rồi mặc chồng quần trắng ở ngoài.
·Việc bắt Ấn Tý đúng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự thịnh suy cuả nghiệp Đạo. Đến nay, THC mới cho biết bài thuyết Đạo năm 1947 này. Không hiểu vì sao có sự chậm trễ lâu dài đến thế. Chúng ta, kẻ hậu bối, khi biết rồi nên sửa lỗi, bắt Ấn Tý cho thật đúng vì Đức Hộ Pháp đã dạy thể pháp và bí pháp có tương liên mật thiết với nhau.
PHỤ LỤC
TÌM HIỂU ẢNH HƯỞNG MÀU SẮC TRÊN THỂ VÍA
Sự sống của Thượng Đế- Tinh thần- càng giáng sâu xuống những cõi dưới, các lớp vỏ bao bọc bên ngoài càng dày nặng. Chỉ cái lớp vỏ sau cùng, lớp nặng trược hơn cả, mới tạo thành hình hài vật chất. Khi nói sang qua một cõi khác, không có nghĩa là di chuyển trong không gian mà là sự chuyển tâm thức từ một thể chất nầy qua một thể chất khác.
BẢY THỂ CỦA CON NGƯỜI.
Nói một cách đơn giản, thể xác là thể hành động và hiểu biết, thể phách là thể sinh lực, thể vía là thể tình cảm và dục vọng, thể trí là thể tư tưởng cụ thể. CHƠN LINH là thể tồn tại từ kiếp nầy sang kiếp sau nên nhớ được các kiếp con người. Còn thể Bồ đề và Kim thân chỉ được phát triển khi nào con người được điểm đạo hay được thu nhận làm đệ tử.
TAM THỂ XÁC THÂN-BA YẾU TỐ TIẾN HÓA
Trong ngôn ngữ Cao Đài, ba yếu tố đó là: phàm nhơn, chơn thần, chơn linh
1. Phàm nhơn (Physical body)
Phàm nhơn gồm ba thể hữu hoại : thể xác, thể vía và thể trí. Tuy chúng nó hữu hoại, mỗi thể đều lưu lại một hạt trường tồn, được gọi là nguyên tử trường tồn.
Nhờ các kinh nghiệm thu thập nhứt là ở cõi Trần, phàm nhơn phát triển sự hiểu biết của mình. Ở cõi Hạ thiên, những điều hiểu biết nầy chuyển thành những quan năng để phát triển ở các kiếp sau.
2. Chơn Thần (Spiritual Body, Périspirit)
Với mức tiến hóa hiện nay của chúng ta, Chơn thần là con người thật, vì Chơn linh (monad) là một điều rất cao xa đối với chúng ta. Mục đích của đời sống con người là trau giồi Chơn thần để nó có thể hòa hợp với Chơn Linh. Chỉ có hành động vị tha và vô ngã mới giúp chúng ta đạt được mục đích đó. Đức Phật dạy: “Các lý thuyết của bạn về Thượng Đế không đáng lưu ý. Hãy hành thiện, hãy nhân từ. Chính những điều đó đưa các bạn đến sự giải thoát và đến Chân lý.”
3. Chơn Linh.
Chơn Linh là đơn vị tâm thức, là Điểm Linh Quang của ngọn lửa thiêng của Thượng Đế được chuyển xuống cõi Đại Niết Bàn như là những sinh linh riêng biệt. Chúng có tất cả các quyền năng thiêng liêng trong trạng thái tiềm tàng và các quyền năng nầy sẽ phát triển khi Chơn thần được tinh luyện với các kinh nghiệm do phàm nhơn thu thập. Nhờ đó, con người, một Thánh linh mơ ngủ sẽ trở thành một Thánh linh thức tỉnh và linh hoạt.
HÀO QUANG (Aura).
Hào quang là toàn thể các thể tinh vi của con người. Đôi khi, danh từ nầy chỉ cái phần các thể ấy vượt ra khỏi xác thân. Hình dáng, màu sắc của nó tùy sự tiến hóa của mỗi người. Ai thấy nó được thì biết trình độ tiến hóa của người ấy như thế nào. Nhờ tác động của tư tưởng, nó có thể tạo một cái vỏ bảo vệ chống với các tư tưởng và dục vọng của kẻ khác.
NGƯỜI CHẾT THẤY CHÚNG TA KHÔNG ?
Họ thấy dễ dàng thể vía chúng ta và do đó biết được các tình cảm và cảm xúc của chúng ta và những tư tưởng liên hệ. Những hình tư tưởng đẹp đẽ, rõ ràng, tươi sáng và thanh khiết là hình dáng của những tư tưởng thanh cao. Trái lại, những tư tưởng lu mờ, xấu xí, âm u là triệu chứng của những tánh tình đê tiện.
Ở cõi Thượng giới, chất thượng thanh khí tượng hình với mỗi chuyển động của tư tưởng. Và ở đây vì không còn bị kềm chế bởi các hạ thể, tư tưởng phát biểu dễ dàng bằng hình ảnh, màu sắc và âm thanh. Ở trần gian, ta không biết rõ bạn ta. Trái lại, ở Thiên đàng, chúng ta biết họ trọn vẹn vì đọc được tư tưởng của họ.
Màu sắc đại diện cho cảm xúc của con người liên kết với hình thái tư tưởng. Ý niệm càng trong sáng và hình thành tốt bao nhiêu thì hình thái tư tưởng kết hợp với ý niệm đó càng trong sáng và hình thành tốt bấy nhiêu. Ta nâng cao những hình thái tư tưởng này bằng cách tập trung vào những tư tưởng mà chúng đại diện. Những tư tưởng quen thuộc trở thành những lực "kiến tạo tốt" mạnh mẽ sẽ tác động đến cuộc đời của ta. Cơ thể này thâm nhập những cơ thể đậm đặc hơn mà nó bao quanh. Màu của nó thay đổi từ những màu sáng chói đến những màu xám xỉn, tùy theo tình trạng sáng suốt hay lẫn lộn của cảm giác hay của năng lượng sản sinh ra chúng. Những cảm giác trong sạch và có năng lượng cao như yêu thương, kích động, vui mừng hay giận dữ thì sáng và trong trẻo; những cảm giác rối rắm thì tối và xám xịt. Cơ thể này chứa tất cả màu sắc của cầu vồng. Từng luân xa trông giống như một cuộn xoáy nhiều màu và theo các màu sắc của cầu vồng.
Đức Hộ Pháp không giải thích vì sao phải mặc toàn trắng, trong lẫn ngoài; nhưng qua tìm hiểu trên, chúng ta biết rằng màu sắc ảnh hưởng lên thể phách, thể vía. Các Đấng thiêng liêng sẽ nhận biết lòng thành tâm và sự tiến hóa của mỗi linh hồn qua màu sắc của các thể. Vì vậy, khi dâng lễ cho Đức Chí Tôn và Đức Phật mẫu, các tín hữu Cao Đài nhớ làm đúng theo lời dạy của Ngài.
Nếu tìm hiểu thêm, chúng ta biết rằng màutrắnglà màu có độ sáng cao. Phần lớn các nhà khoa học tin rằng màu trắng là màu nền tảng của ánh sáng; và các màu khác chỉ được tạo thành bằng cách bổ sung thêm một cái gì đó vào ánh sáng. Newton đã chứng minh rằng màu trắng được tạo thành bởi tổ hợp của các màu khác. Màu trắng còn tượng trưng cho sự tinh khiết, đức hạnh,mềm mại,trống rỗng,Thiên Chúa,tri thức, thiên đàng,sự sống,sạch sẽ,không khí, ánh sáng ban ngày…
Từ khóa » Cách Bắt ấn Hộ Pháp
-
Kiến Thức - Cách Bắt Thủ ấn Trong Phật Giáo Mật Tông Và Niệm Trì Chú
-
Bắt ấn Là Gì? Để Làm Gì? Ý Nghĩa | Công Ty TNHH Buddhist Art
-
Ý Nghĩa, Tác Dụng Diệu Kì Và Những Cách Bắt ấn Trong Phật Giáo
-
Hộ Thân & Bắt Ấn | Thực Hành - Hoa Sen Trên Đá
-
Thủ ấn Chư Thiên Hộ Pháp - Mật Tông Kim Cương Thừa - YouTube
-
Ý Nghĩa 7 Thủ ấn Quan Trọng Nhất Của Phật Giáo - .vn
-
[PDF] Kim Cang Quyền ấn - Gitral
-
Các Cách Bắt Ấn - Các Thủ Ấn Phật Giáo
-
Bắt ấn Là Gì? Ý Nghĩa Và 42 Thủ Nhãn ấn Pháp Theo Chú Đại Bi
-
Cách Bắt Ấn Tý. - CaoDai-Online
-
Thủ ấn – Wikipedia Tiếng Việt