Bất Cập Trong Pháp Luật Về ưu đãi Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Và ...

  • Giới thiệu
  • Tư vấn luật
    • Hình sự
    • Dân Sự
    • Hành chính
    • Hôn nhân và gia đình
    • Đất đai
    • Thừa kế - Di chúc
    • Lao động
    • Thương mại - Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức pháp lý
  • Hỏi đáp pháp luật
  • Tin tức
  • Liên hệ

Tư Vấn Luật

  • Hình sự
  • Dân Sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân và gia đình
  • Đất đai
  • Thừa kế - Di chúc
  • Lao động
  • Thương mại - Sở hữu trí tuệ

HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

(08) 22144773 0972.975.522 luatsubinh75@gmail.com

Tin tức

  • Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nói về xử lý người chủ mưu trong các vụ án tham nhũng

    Sáng 26-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an ...
  • Kiến nghị xử lý chủ tịch tỉnh, TP vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính

    Thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác thi ...
  • Từ ngày 1/1/2025 sẽ cấp đổi lại Giấy phép lái xe

    Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp ...
  • Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

    Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, ông Donald Trump ứng ...
  • Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng

    Tiên phong trên mọi lĩnh vực Trải qua gần 1 ...

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 1 Trong ngày: 106 Tổng lượt: 128799

Bất cập trong pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và một số đề xuất

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, đưa ra một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành để từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chế định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.   Abstract: This paper studies and assesses the current status of the legal provisions on corporate income tax incentives in Vietnam recently, and points out some shortcomings in the current legal provisions, and hence proposes some solutions for improving the institution on corporate income tax incentives.   Từ khi nước ta chuyển đổi nền kinh tế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (ƯĐTTNDN) đã được đưa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản pháp luật về đầu tư. Qua một thời gian dài thực hiện, chúng ta đã có hệ thống pháp luật về ƯĐTTNDN đa dạng và tương đối hoàn chỉnh với các quy định chi tiết về các điều kiện ưu đãi, hình thức ưu đãi, mức độ ưu đãi… Điều này đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhằm xóa đói, giảm nghèo và một số ngành lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chính sách ƯĐTTNDN vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, ưu đãi về thuế nằm rải rác trong nhiều quy định như quy định về miễn thuế, chuyển lỗ, miễn giảm thu nhập chịu thuế. Mặc dù, quyền lợi của người nộp thuế từ ưu đãi thuế đã được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập do sự thiếu thống nhất trong áp dụng các văn bản pháp luật ưu đãi thuế về trình tự, thủ tục được nhận ưu đãi thuế. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh cần được nâng cao để đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thì việc hoàn thiện các quy định về ƯĐTTNDN, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật là cần thiết và cấp bách. Do đó, bài viết phân tích một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về ƯĐTTNDN và từ đó đề xuất ý kiến pháp lý góp phần hoàn thiện pháp luật. 1. Bất cập trong quy định pháp luật ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp Một là, việc duy trì hai hình thức ƯĐTTNDN là ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Điều này một mặt có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp “lách luật” bằng cách sau khi thời gian miễn, giảm thuế kết thúc sẽ tìm cách kê khai lỗ (hoặc có thể thực hiện các thủ đoạn như chuyển giá) hoặc tiến hành giải thể để thành lập doanh nghiệp mới; mặt khác sẽ dẫn đến tình trạng chồng lấn giữa cơ chế ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế. Vì vậy, cần xem xét để chọn một trong hai hình thức ưu đãi hoặc là ưu đãi theo thuế suất hoặc là ưu đãi theo thời gian miễn, giảm thuế[1]. Hai là, pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp nước ta hiện nay có quy định về thời gian ưu đãi tương đối dài so với các nước trong khu vực. Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 có quy định áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm đối với các doanh đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi, đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm, nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm. Do đó, thời gian áp dụng thuế suất 10% có thể kéo dài tối đa trong 30 năm. Thuế suất 17% được áp dụng trong 10 năm kể từ ngày 01/01/2016. Bên cạnh thuế suất ưu đãi, pháp luật cũng quy định về thời gian miễn, giảm thuế bao gồm miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo. Thực tế, tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp FDI được hưởng mức ưu đãi kịch khung điển hình là Samsung nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với tổng vốn đăng kí trên 11,2 tỷ USD hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn 04 năm và giảm 50% trong 09 năm tiếp theo[2]. Tuy nhiên, so với đa số các nước trong khu vực thì thời gian ƯĐTTNDN của nước ta là tương đối dài. Như ở Thái Lan, số thuế được miễn trong thời kỳ ưu đãi không vượt quá số vốn đầu tư của dự án được khuyến khích và thời gian ưu đãi không quá 08 năm; Hàn Quốc cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 05 năm, kể từ năm đầu tiên kinh doanh có lãi và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 02 năm tiếp theo; Trung Quốc cũng cho phép miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các trường hợp: Miễn thuế trong 01 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp trong 02 năm tiếp theo, miễn thuế trong 02 năm đầu có lãi và 50% số thuế phải nộp cho 03 năm tiếp theo, miễn thuế trong 05 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp cho 05 năm tiếp theo[3]. Bởi vậy, cần xem xét giảm thời gian ưu đãi xuống để tránh tình trạng doanh nghiệp ỷ lại vào ưu đãi và phù hợp với các nước trên thế giới. Ba là, việc lồng ghép các chính sách xã hội vào các điều khoản ưu đãi miễn, giảm thuế như quy định về miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay không còn phù hợp. Nguyên nhân là vì chúng ta đặt ra cho luật thuế này quá nhiều mục tiêu, trong đó, có không ít mục tiêu thuộc phạm vi xã hội lẽ ra phải giải quyết bằng những công cụ khác. Những quy định miễn giảm thuế này chẳng những không mang lại lợi ích cho các chính sách thuế mà còn gây phức tạp trong quản lý và làm giảm đi tính trung lập và tính thuần khiết kinh tế của chúng, dễ dẫn đến các hiện tượng lợi dụng để trốn thuế[4]. Bên cạnh đó, việc lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội vào chính sách thuế sẽ không bảo đảm tính trung lập của thuế và việc miễn, giảm thuế tại thời điểm hiện nay cho một số đối tượng sẽ khó bảo đảm tính khả thi, thiếu chặt chẽ trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực và gây nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện[5]. Bốn là, quy định về chuyển lỗ trong thời hạn 05 năm nên thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự ưu đãi này để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tìm mọi cách hợp lí hóa chi phí như tăng chi phí đầu vào, cung cấp dịch vụ “ảo” (dịch vụ kế toán, tư vấn, tài chính… tính giá cao) để xác định kết quả lỗ, có thể lỗ nặng ở những năm đầu của dự án đầu tư, đến những năm sau thu nhập ít hoặc gần như không có thu nhập để khoản lỗ khấu trừ mãi không hết trong tận 05 năm sau. Năm là, do việc ưu đãi áp dụng đối với quá nhiều trường hợp nên các dự án đầu tư liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều địa bàn khác nhau sẽ khó xác định chính xác mức độ ưu đãi. Sáu là, bất cập trong quy định về thủ tục hưởng ưu đãi do cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chưa ổn định, thay đổi liên tục trong thời gian ngắn, quá nhiều văn bản, thông tin đa chiều, văn bản chưa hướng dẫn chi tiết, chưa rõ ràng, đôi lúc còn chồng chéo chưa nhất quán. Trên thực tế, theo khảo sát của Hội tư vấn thuế Việt Nam đối với 69 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh thì chỉ có 09 doanh nghiệp cho rằng thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thuận lợi, còn phần lớn cho là gặp khó khăn trong tuân thủ chế độ kê khai. Do tính phức tạp của các quy định về ưu đãi thuế nên để được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải tiến hành nhiều thủ tục trong xác định doanh thu, chi phí, xác định thời gian chuyển lỗ. Sự thiếu kịp thời hướng dẫn thi hành khiến cho việc áp dụng pháp luật để được ưu đãi thuế còn gặp khó khăn, thậm chí có trường hợp được trả lời không đúng quy định. Ngoài ra, ở Việt Nam chưa có cơ chế áp dụng tự động các hiệp định thuế quan, thương mại, theo đó, sau khi hiệp định được phê chuẩn cần phải có nghị định quy định chi tiết. Về nguyên tắc, việc ban hành quy định chi tiết của Chính phủ là cần thiết nhưng cần quy định nguyên tắc áp dụng ưu tiên khi hiệp định được phê chuẩn, tránh việc chậm chạp trong lập quy ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Ngoài ra còn giúp cho nhà đầu tư hạn chế tình trạng rủi ro trong áp dụng quy định về ưu đãi. Sự bất cập trong công nhận quyền được ưu đãi thuế được ghi nhận trong hiệp định là sự thừa nhận quyền hưởng ưu đãi trong khi pháp luật Việt Nam không phải công nhận đương nhiên áp dụng, và doanh nghiệp có thể bị đánh thuế hai lần do vấn đề liên quan đến thủ tục xác định quyền được hưởng ưu đãi[6]. 2. Một số đề xuất  Trong thời gian tới, hệ thống pháp luật thuế, đặc biệt các quy định pháp luật về ưu đãi, miễn, giảm thuế cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục tốt hơn những mặt còn hạn chế, thiếu sót do chưa đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, những điểm quy định chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng gian lận thuế, những quy định ưu đãi quá phức tạp, khó thực hiện, làm giảm hiệu quả của các biện pháp kích thích lợi ích kinh tế. Cụ thể như sau: Thứ nhất, cần lựa chọn một trong hai hình thức ưu đãi thuế là ưu đãi về thuế suất hoặc ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế để tránh tình trạng gian lận nhằm được hưởng ưu đãi thuế nhiều lần, trốn tránh nghĩa vụ thuế. Theo đó, nên áp dụng ưu đãi về thuế suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển trong nền kinh tế cạnh tranh cao hiện nay và ưu đãi về miễn giảm thuế có thời hạn nên được áp dụng cho các lĩnh vực và địa bàn cần khuyến khích đầu tư, để định hướng sản xuất. Ngoài ra, nên cân nhắc giảm ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi thực chất càng ưu đãi càng bất lợi. Có một số nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn thường yêu cầu Chính phủ dành cho những ưu đãi thuế như là một điều kiện tiên quyết để họ quyết định đầu tư vào Việt Nam. Nhưng các cơ chế ưu đãi về thuế này không phải là yếu tố nhà đầu tư quan tâm mà lại đang làm khó ngược trở lại cho ngân sách nhà nước”, ông Ramesh Khadka – cố vấn cấp cao của Action Aid nhấn mạnh[7]. Đồng thời, theo ý kiến của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thì chính sách ưu đãi thuế dùng để thu hút đầu tư sẽ không hiệu quả bởi đây là yếu tố thứ 17/21 yếu tố nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư. Ngược lại, theo kết quả điều tra về ưu đãi đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam được UNIDO công bố hồi tháng 6/2014 thì chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế đã tạo ra sự khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, tỷ lệ người nghèo còn cao, thường xuyên bội chi ngân sách nhưng hàng năm, chúng ta đã tự làm hụt đi khoản thu ngân sách lớn khi áp dụng khá rộng chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài. Lẽ ra số tiền ưu đãi này, nếu không cho ưu đãi thì sẽ được thu vào ngân sách nhà nước, được dùng cho đầu tư công, cho các hoạt động công ích… và những khoản đầu tư này sẽ trở lại tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu thuận lợi hơn cho đầu tư tư nhân trong nước và doanh nhân nước ngoài. Việt Nam đã bước qua giai đoạn thu hút FDI bằng mọi giá, do vậy nên cân nhắc, chỉ cho phép ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền và trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác. Thứ hai, nên xem xét giảm thời gian ưu đãi thuế  bởi vì hiện nay thời gian ưu đãi thuế tương đối dài, tối đa có thể lên tới 30 năm. Việc áp dụng thời gian ưu đãi quá dài trước hết làm giảm thu ngân sách nhà nước trong nhiều năm, thứ hai làm cho các doanh nghiệp mang tâm lý trông chờ vào các chính sách ưu đãi thuế, chất lượng dự án của các nhà đầu tư sẽ không đảm bảo. Mặt khác, với thời gian ưu đãi dài như vậy dễ gây ra tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài cứ đầu tư vào Việt Nam là xin ưu đãi, thậm chí là ưu đãi vượt khung. Điển hình là mới đây Samsung xin ưu đãi vượt khung cho Dự án Samsung CE Complex trị giá 1,4 tỷ USD[8]. Thứ ba, bỏ bớt các ưu đãi nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội như: Miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, sử dụng người lao động là người dân tộc thiểu số. Việc bỏ bớt các ưu đãi này sẽ giúp chính sách thuế đơn giản hơn đồng thời tránh việc lợi dụng để trốn tránh thuế. Tất nhiên, cùng với việc thực hiện đề xuất này, cần chuyển việc thực hiện chính sách ưu đãi, giúp đỡ các đối tượng này sang các hoạt động khác của Nhà nước như chi ngân sách, tín dụng ưu đãi. Thứ tư, thời gian chuyển lỗ là 05 năm quy định tại Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) nên được rút ngắn xuống dưới 05 năm để tránh tình trạng sử dụng các thủ đoạn làm cho doanh nghiệp bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế đồng thời làm cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém phải cố gắng phấn đấu cải thiện tình hình kinh doanh. Như vậy, quy định về chuyển lỗ mới thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên thực tế. Thứ năm, nên quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi từ các dự án liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều địa bàn khác nhau. Đồng thời các cán bộ thuế cần có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp xác định đúng mức ưu đãi trong những trường hợp này. Thứ sáu, đơn giản hóa thủ tục cấp ƯĐTTNDN, tạo mọi điều kiện về thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư được kê khai, tính thuế và tự động được hưởng ƯĐTTNDN theo quy định của pháp luật, tránh rườm rà, phức tạp, gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp. Nhưng đơn giản là để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn khi được ưu đãi, tránh việc do thủ tục rắc rối không thu hút được đầu tư. Điều đó không có nghĩa là đơn giản đến mức dễ dãi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bởi lẽ, trên thực tế xuất hiện lo sợ rằng, nếu đơn giản quá về thủ tục, các doanh nghiệp sẽ đăng kí rất nhiều, thậm chí chia nhỏ dự án đầu tư ra để đòi quyền ưu đãi thuế thu nhập, thì các doanh nghiệp sẽ ỷ lại vào ưu đãi, không có sự đầu tư về chất xám, công nghệ để nâng cao tầm vóc của mình. Trường hợp các chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung, cần ban hành đồng bộ và kịp thời các mẫu đăng kí, kê khai, nộp thuế và các mẫu giấy tờ liên quan để đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Thứ bảy, về nguyên tắc, thực hiện thẩm quyền thu nộp thuế do cơ quan thuế thực hiện nhân danh Nhà nước nhằm đảm bảo công bằng, chính xác trong xác định nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, nếu việc thực hiện thẩm quyền tạo ra sự bất đồng với người nộp thuế thì cũng cần xem xét để hạn chế nguyên nhân dẫn đến bất đồng. Theo đó, Luật Quản lý thuế cần quy định chi tiết về nghĩa vụ của cơ quan thuế trong cụ thể hóa quy trình thu nộp thuế, và công khai quy trình để người nộp thuế thực hiện cũng như tạo cơ sở giám sát cộng đồng đối với thực hiện nghĩa vụ của cán bộ thuế. Với yêu cầu trên, cần giữ nguyên Điều 112 về xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với cơ quan quản lý thuế và Điều 113 về xử lý vi phạm pháp luật đối với công chức quản lý thuế theo Luật hiện hành để làm tôn chỉ thực thi pháp luật thuế. Những quy định này cần thiết gắn chế tài với thực hiện thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như bảo đảm sự tôn trọng đối với người nộp thuế[9].

TS. Nguyễn Minh Hằng ThS. Nguyễn Hải Yến Đại học Luật Hà Nội

    [1]. Lê Vũ Nam (2013), Ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 8/tháng 4, tr.31. [2]. Luật Dương Gia, Vướng mắc về thời hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, xem thêm tại http://luatduonggia.vn/vuong-mac-ve-thoi-han-uu-dai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep, truy cập ngày 01/12/2018. [3]. Chính phủ, Báo cáo kinh nghiệm cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của một số mước trên thế giới, xem thêm http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_TAILIEU_COBAN/Attachments/1037/6._bc-CP_kinh_nghiem_quoc_te_ve_cai_cach_chsach_thue_GTGT.doc, truy cập ngày 01/12/2018. [4]. Bành Quốc Tuấn (2013), Hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 8/2013, tr. 44. [5]. Xemhttp://www.baodanang.vn/channel/5399/201107/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-xem-xet-viec-mien-giam-gian-thue-2060918/. [6]. Duy Phan, Hàng loạt bất cập của chính sách thuế bị mổ xẻ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính vào cuộc, xem thêm tại https://vietnamfinance.vn/hang-loat-bat-cap-cua-chinh-sach-thue-bi-mo-xe-thu-tuong-chi-dao-bo-tai-chinh-vao-cuoc-20180504224210390.htm, truy cập ngày 01/12/2018. [7]. Quá lãng phí khi ưu đãi thuế cho nhà đầu tư, xem thêm tại http://nguyentandung.org/qua-lang-phi-khi-uu-dai-thue-cho-nha-dau-tu.html, truy cập ngày 01/12/2018. [8]. Samsung đề nghị ưu đãi vượt khung cho dự án 1,4 tỷ USD, xem thêm tại http://www.fica.vn/dong-chay-von/dau-tu/samsung-de-nghi-uu-dai-vuot-khung-cho-du-an-1-4-ty-usd-25353.html. [9]. Xem Mục II.7, Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội ngày 18/10/2018.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn)

Tin liên quan

Hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc

Qua nghiên cứu Luật tổ chức Tòa án và Luật Thẩm phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả xin giới thiệu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của quốc gia này, đây có ...

Xem thêm

Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định của các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, tác giả kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015: Mở rộng đối ...

Xem thêm

Điều khoản “Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” trong hợp đồng xây dựng quốc tế

Điều khoản “miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” là một công cụ pháp lý thường được sử dụng trong các hợp đồng xây dựng quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề về tính hợp pháp của điều khoản này ...

Xem thêm

Từ khóa » Giải Pháp ưu đãi Thuế