Bất Hiếu Với Cha Mẹ Là Tội Nặng Nhất, Phải Chịu Quả Báo Vô Cùng ...

Tội bất hiếu đối với cha mẹ quả báo đến vô cùng nhanh và thê thảm. Người phạm tội này Trời không dung, Đất chẳng tha, Quỷ Thần tru lục. Dẫu đang sống nhưng một phần thần thức đã bị giam trong Địa Ngục.

1. Bất hiếu tạo nghiệp gì?

Nếu hiếu thảo được xem như đứng đầu trăm hạnh (Hiếu vi bách hạnh chi tiên) thì bất hiếu là một trọng tội (tội nặng). Đức Phật từng ví cha mẹ như hai vị Phật trong nhà là Phật Thích Ca và Phật Di Lặc.

Đức Phật từng ví cha mẹ như trời Phạm Thiên, như bậc Đạo sư ở đời. Đức Phật dạy mọi người phải biết ơn cha mẹ, hiếu kính cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ bằng điều lành và làm những gì tốt nhất, cần thiết nhất cho cha mẹ.

Cụ thể là chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh của cha mẹ; hướng cha mẹ đến với điều thiện, điều lành và tránh xa điều xấu ác, bất thiện; giúp cha mẹ tạo nhân duyên lành mang lại an lạc, hạnh phúc cho đời này cùng đời sau.

Đối với những người ngược đãi cha mẹ sẽ chịu quả báo, phúc báo có gây dựng bao nhiêu cũng mất hết, kiếp này không chịu hết thì sang đến tận kiếp sau. Hiếu thảo và bất hiếu đều không nằm ngoài phạm vi nhân quả.

Bất hiếu là tộ‎i nặng nhất

Phật dạy: trong muôn ngàn tộ‎i, bấ‎t hiếu là tộ‎i nặng nhất. Bấ‎t hiếu thứ nhất, tức không nghe theo giao dưỡng đúng đắn của cha mẹ. Vì vậy mà đán‎h mấ‎t chính mình, lâm vào ba đạo, vạn kiếp bấ‎t phục, làm những việc bấ‎t nhân bấ‎t nghĩa. Bấ‎t hiếu thứ hai là tiêu tá‎n tiền tài của cha mẹ vào những việc vô độ khiến trời đất khó dung. Bấ‎t hiếu thứ ba là sống dựa dẫm vào cha mẹ, không chịu tự lập, khiến cha mẹ dù tóc bạ‎c, lưng còng vẫn phải vất vả bươn chải, kiế‎m kế sin‎h nhai.

Cha mẹ là 2 vị Phật sống vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi người. Mẹ vất vả mang nặng 9 tháng 10 ngày, trải qua cơn đa‎u thập t‎ử nhất sin‎h để mang đến cho ta sự sống. Cha một nắng hai sương, ngày đêm lo nghĩ, hao tổn tâm lực để lo cho ta cơm ngon canh ngọt. Cha mẹ không ch‎ê con khó, nhưng con lại xấ‎u hổ khi cha mẹ nghèo. Như vậy, có ai oán lắm thay?

Xưa nay, người bấ‎t hiếu với cha mẹ, trời không dung, đất không tha. Cha mẹ, người h‎y sin‎h cho mình nhiều nhất mà còn làm chuyện bấ‎t nghĩa, làm sao có thể khiến người khác nể phục và có quyền được hưởng công danh?

2. 4 nguyên nhân tạo thành tiểu bất hiếu

Cha mẹ đối với con cái thường yêu thương vô điều kiện, và từ nhỏ đến lớn đứa con đã là người chuyên nhận còn bố mẹ là người chuyên cho, chỉ có đi mà không có lại. Chính từ đó là nguyên nhân dẫn tới ác nghiệp do vong ân với cha mẹ.

Kiêu ngạo

Vì quá yêu thương con nên cha mẹ thường có xu hướng quá nuông chiều khiến con cái thường làm tổn thương cha mẹ vì sự vô tâm của mình. Con không thường xuyên hỏi han tình hình cha mẹ, không cần biết bố mẹ suy nghĩ gì mà chỉ biết đòi hỏi nhiều hơn.

Vô tâm

Vì quen được bố mẹ quan tâm và không phải quan tâm ngược lại bao giờ nên dần dần đứa trẻ trở nên ngang bướng, thậm chí có những lời nói, hành vi không tuân theo những gì cha mẹ dạy bảo.

Lâu dần, chúng dường như không xem sự tồn tại của bố mẹ là đáng lưu tâm, thích đi đâu làm gì cũng không phải xin phép, hỏi han.

Lêu lổng

Chỉ để thỏa mãn thú vui bản thân nên chỉ thích theo bạn bè đàn đúm, vui chơi, không thích cùng người thân gặp mặt, cũng không thăm nom, coi sóc ai một ngày, thậm chí bố mẹ ốm cũng mải chơi, không để ý, không hay biết.

Vong ơn

Bố mẹ có công sinh thành, giáo dưỡng, chúng ta là những đứa trẻ không tự nhiên mà lớn lên vì thế, sống phải có trước có sau. Đừng xem việc bố mẹ nuối nấng mình là việc đương nhiên, phải làm mà từ đó sinh ra tính xem thường. Chính thái độ xem thường đáng sinh thành đó là nguyên nhân dẫn tới ác nghiệp mà bạn sẽ phải chịu.

Tiểu bất hiếu lâu ngày tích thành đại bất hiếu.

3. Quả báo tội bất hiếu: Ác bệnh

Một ngày năm 1995, nơi nhà khách tự viện Ngũ Đài Sơn, có hai mươi mấy người chờ đợi được thỉnh giáo Hòa thượng Diệu Pháp. Những người này đến từ trời Nam đất Bắc, luân phiên nhau hỏi.

Mà vị Sư phụ sung mãn trí huệ kia, chuyện dù khó khăn đến đâu, nặng nề đến mấy ngài đều giải đáp hết sức ổn thỏa, dễ dàng. Tất cả giống như: “Vừa trị bệnh là thấy hiệu quả ngay, lay người tỉnh mạnh” khiến cho mọi người nghe cảm giác như được uống cam lồ, pháp hỷ tràn trề sung mãn.

– Bạch Sư phụ! Con từ Đài Loan sang Đại lục khám bệnh. Ba năm trước con bị bệnh nặng, sau đó toàn thân phát đau đớn. Bệnh hành hạ con đến ăn uống chẳng vô, ngủ cũng không được. Tứ chi bải hoải không còn sức lực, thống khổ vô cùng. Các bệnh viện lớn ở Đài Loan có chẩn khám nhưng tìm không ra bệnh. Họ chỉ nói là con bị “Thần kinh thực vật bị rối loạn”. Con đã tiêm, châm, uống đủ thuốc nhưng thảy đều vô hiệu. Mà uống thuốc nhiều còn bị tác dụng phụ nữa.

Lần này con đến Bắc Kinh khám, họ cũng chẩn đoán nói giống y như bên Đài Loan vậy. Không ai tìm ra nguyên nhân bệnh cả, con chán nản lắm rồi. Trước khi về Đài Loan, con muốn lên Ngũ Đài Sơn bái Bồ tát. Vừa rồi nghe một lão tiên sinh đi cùng xe, luôn miệng tán thán Ngài. Nếu như mà Ngài có thể chữa bệnh cho, thì dù tốn bao nhiêu, con cũng trả hết…

Người đang nói khoảng hơn ba mươi tuổi. Thân hình gấy ốm, ngũ quan tuy đoan chính nhưng sắc mặc rất âm u. Từ anh ta toát ra một luồng tà khí hắc ám, rất tương phản so với các thiện chúng ở đây. Âm thanh Sư phụ không cao, nhưng đầy nghiêm nghị, lạnh nhạt, Ngài nói:

– Anh chẳng phải đồ đệ ta, không cần gọi ta là Sư phụ! Ta cũng không phải là đại phu, không có khám bệnh, càng không dám lấy tiền của anh. Anh hãy đi về và thỉnh các vị cao minh khác đi!

Nói xong, Hòa thượng truyền lịnh đuổi khách, khiến những người ngồi tại đó rất ngạc nhiên. Xưa nay Ngài chưa từng cư xử như thế đối với ai. Người Đài Loan này cảm thấy mất mặt, gương mặt xám vàng của anh ta bỗng đỏ phừng lên. Anh tức giận nói:

– Nhà Phật không phải chuyên rao giảng từ bi hay sao? Lý do nào ông có thể khám cho người khác mà không chịu khám cho tôi? Lại còn muốn đuổi tôi nữa? Trong khi tôi chưa hề đắc tội với ông!

Giọng Sư phụ sắc lạnh và thật nghiêm:

– Ngay cả cha mẹ sinh thành dưỡng nuôi mình, mà ngươi còn dám đánh mắng. Thì cớ gì ngươi còn sợ gì chuyện đắc tội với ta?

Câu nói này khiến anh ta lập tức giống hệt quả bóng bị xì hơi. Anh ta sững sờ, sắc mặt từ đỏ phừng chuyển sang tái nhợt, không nói ra được một lời. Các vị trong nhà khách im tiếng lao xao, mọi nhãn quan đều đổ dồn về anh ta.

Hơn một phút trôi qua, anh nhũn nhặn thưa:

– Ngài… làm sao biết việc của con, trong đây không có ai quen biết con hết mà.

– Ta đâu cần người khác mách, vì trước ngực ngươi có viết rõ ràng bốn chữ: “NGỖ NGHỊCH BẤT HIẾU” rất to kìa!

Nghe nói vậy anh kinh hãi cúi xuống nhìn vào ngực mình để kiểm tra. Ánh mắt người trong khán phòng, thảy cũng đều dán chặt vào ngực của anh. Tất cả cùng tìm tòi soi mói, nhưng không thấy có chi khác lạ. Lúc này, anh đột nhiên đứng dậy, tiến tới mấy bước, quỳ sụp xuống dưới chân Hòa thượng. Anh đập đầu xuống sàn đến chảy máu, run rẩy khẩn cầu Sư phụ cứu anh.

Anh kể mình từ bé là một thiếu niên bất lương. Mấy cái chuyện trộm cắp, đánh nhau, chửi rủa thiên hạ… đều phạm qua. Anh không nghe lời cha mẹ, sau này lại bị trường học đuổi học. Lang thang trôi dạt khắp nơi rồi gia nhập băng đảng Xã hội đen. Anh chuyên thu tiền bảo kê, gạt lừa con gái, cướp hiếp… không chuyện ác nào mà không làm.

Cha anh tức giận đánh anh, thì bị anh đánh trả lại nên cha anh ngã nhào trên đất. Anh xô té luôn mẹ và tuyên bố nếu còn quản giáo, anh sẽ phóng hỏa thiêu trụi luôn cả nhà. Cha anh tuổi cao, giận quá sinh bệnh liệt giường, mẹ anh hằng ngày phải cơ cực chăm sóc ông. Lại sợ anh ở ngoài tạo họa gieo ác. Không bao lâu sau ông bà uất hận nối tiếp nhau qua đời.

Anh ta quỳ hướng về Hòa thượng Diệu Pháp khai báo những hành vi tàn ác đã qua của mình. Khi kể đến cha mẹ tạ thế thì anh không ngăn được nghẹn ngào, bật khóc to. Thế là một “khối đá” cứng cỏi, ương bướng khó điều phục, đã bị uy đức của Sư phụ cảm hóa. Đại chúng nghe xong xúc động, cảm thán không nguôi. Xem ra người tốt người xấu gì dưới con mắt Sư phụ cũng giống như có chữ viết trên thân của họ. Ngài đều nhìn thấu hết!

– Được rồi, đứng dậy đi! Hòa thượng dịu dàng nói.

– Nếu đã kêu ta là Sư phụ thì phải nghe lời ta dạy, có làm được không?

Anh ta vui mừng nói lia lịa:

– Dạ được! Dạ được! Con làm nổi mà. Con nhất định sửa lỗi hối cải, nguyện làm người tốt kể từ đây.

– Được rồi, ta thu nhận con làm đệ tử.

Anh ta sung sướng dập đầu lia lịa. Người tại khán phòng cũng xôn xao đứng dậy, thành kính chắp tay. Hôm nay họ được chứng kiến một hoạt cảnh cảm động, nên hoan hỷ tán thán không thôi. Hòa thượng bảo một Tăng sĩ trẻ:

– Hãy dẫn y lên Chánh điện, dạy hắn cách lễ bái sám hối. Để hắn lạy ngàn lạy tại đại điện, bao giờ tạ tội xong hãy trở ra.

Sau một tiếng rưỡi lạy Phật sám hối tội bất hiếu, anh trở ra hướng Sư phụ đảnh lễ. Chúng tôi thấy anh đã thần thanh khí sáng, linh hoạt tươi tắn, hoàn toàn khác hẳn với lúc đầu. Anh kể mình đã phát nguyện trước Phật, từ đây quy y Phật môn, sửa lỗi hướng thiện. Sau khi phát nguyện thì anh cảm thấy toàn thân nhẹ nhõm thoải mái, dường như bệnh tật đã lành. Tất cả những gì xảy ra trước mắt, khiến người tại hiện trường tán thán không ngớt.

Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể làm Phật. Chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Phật lại nói: “ Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ. Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật”. Trước mắt mọi người, anh thiếu niên bất lương ngày xưa từng tạo tội bất hiếu ngỗ nghịch. Bị trời đất khiển trách, mà chịu quả báo tội bất hiếu nặng nề. Quả báo hiện tiền, bệnh tật triền miên. May gặp Minh sư hóa độ, mới biết sám hối tỉnh ngộ, tẩy tâm đổi mặt.

Đây đúng là kinh nghiệm và bằng chứng trong kinh từng nói: “Phật là vị đại y vương chân chính, Phật pháp có thể trị bốn vạn tám ngàn bệnh”. Tôi một lần nữa lại được chứng kiến uy lực vô biên của Phật pháp. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Chỉ cần chúng ta bình thường sống, “không cẩu thả mảy tơ”, thì sinh hoạt hàng ngày thường đối với pháp luôn tương ứng. Chắc chắn có thể thanh trừ những hiểu lầm, miệt thị “Phật giáo là mê tín” vậy.

4. Làm người cần hiếu thảo với cha mẹ

Hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn; chứ không phải là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ áo quần đẹp để mặc, rồi cho là đã hết lòng hiếu thảo rồi! Không phải như vậy!

Thế nào là trọn vẹn chữ hiếu? Ðầu tiên mình phải biết nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, không chống đối, không làm ngược lại lời cha mẹ. Phải hết sức cung kính nghe theo lời cha mẹ dạy; lúc đối đáp với cha mẹ thì phải hết sức “hòa nhan duyệt sắc,” nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn. Cha mẹ sai bảo điều gì thì phải làm ngay, không được lười biếng hoặc tỏ thái độ không vui, không thích. Nếu mình có điều gì sai lầm, bị cha mẹ rầy la, thì phải hết sức vui vẻ mà tiếp nhận, không được có thái độ cứng đầu, không chịu lãnh hội lời chỉ bảo.

Trong thiên hạ, ai ai cũng muốn con cái trở nên người tốt nên mới dạy dỗ một cách nghiêm khắc. Trong Tam Tự Kinh có câu:

“Tử bất giáo phụ chi quá, Giáo bất nghiêm sư chi đọa.”

Nghĩa là:

“Không dạy dỗ con cái là lỗi của cha, Dạy mà không nghiêm khắc là lỗi của thầy.”

Người xưa cũng dạy rằng: Bổng hạ xuất hiếu tử! (Dưới lằn roi vọt mới đào tạo được người con hiếu thảo!)

Ðó là quan điểm thời xưa, hiện tại có nhiều chỗ không hợp thời; nhất là ở nước Mỹ này, người Tây phương chưa hề nghe qua. Bởi vì ở Mỹ người ta nói giáo dục là phải thân ái, không được đánh đập con cái, phải để cho con cái tự do phát triển! Nói tóm lại, nếu quá nghiêm khắc thì cũng không tốt, mà quá phóng túng, tùy tiện, thì cũng không tốt; mình phải giữ trung dung thì mới hợp lý.

Ông Tăng Sâm, một đệ tử của Ðức Khổng Tử, có nói rằng:

“Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương.”

Nghĩa là: “Khi cha mẹ còn thì mình không nên đi xa nếu đi thì phải có nơi có chỗ.” Ðại ý là cha mẹ còn sống thì con cái không nên tìm cách đi chỗ này chỗ nọ; nếu có chuyện gì cần thiết phải đi đến những nơi xa xôi, thì phải cho cha mẹ biết địa chỉ chính xác để cha mẹ khỏi lo nghĩ. Làm cho cha mẹ lo nghĩ là không hiếu thảo. Cho nên tục ngữ có câu: Nhi hành thiên lý mẫu đảm ưu. (Con đi ngàn dặm, ở nhà mẹ lo âu.) Ðó là hình dung lòng mẹ rất quan tâm đến con cái vậy.

Tâm Hướng Phật/TH!

Từ khóa » Con Bất Hiếu Bị Quả Báo