Bật Mí 6 Bài Tập Thể Dục Tốt Nhất Cho Sức Khỏe Cho Bà Bầu 3 Tháng đầu

Tập thể dục đều đặn giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng khó chịu như đau lưng, táo bón, đầy hơi và phù nề, đồng thời hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Các bài tập thể dục cho bà bầu còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và sinh mổ. 

Việc tập thể dục đúng cách sẽ giúp mẹ bầu tận hưởng một thai kỳ khỏe mạnh, đồng thời chuẩn bị tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần cho hành trình làm mẹ phía trước. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối nhé!

Các bài tập thể dục cho bà bầu theo từng giai đoạn thai kỳ

Bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng đầu

Tập thể dục đều đặn trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé không. Dưới đây là những bài tập nhẹ nhàng và an toàn để mẹ thai kỳ khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng!

Các bài tập thể dục phù hợp cho bà bầu 1-3 tháng

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, các bài tập nên tập trung vào việc duy trì sức khỏe tổng thể và sự linh hoạt. Bạn nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, tránh các bài tập cường độ cao.

Những bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng đầu được các chuyên gia khuyến khích bao gồm: 

  • Đi bộ. Hãy bắt đầu với 15-30 phút đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày. Mẹ bầu có thể tăng dần thời gian và cường độ khi cảm thấy thoải mái hơn.
  • Yoga dành cho bà bầu giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện sự linh hoạt và tuần hoàn máu. Các bài yoga còn giúp mẹ bầu học được cách hít thở sâu – kỹ năng hữu ích trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy lựa chọn các lớp yoga chuyên biệt dành cho bà bầu để đảm bảo an toàn.
  • Bài tập hít thở. Hít thở sâu giúp cung cấp oxy cho cơ thể mẹ và bé, đồng thời giúp mẹ thư giãn. Một ví dụ đơn giản: mẹ ngồi thoải mái, hít vào chậm và sâu qua mũi, giữ trong vài giây, rồi thở ra từ từ qua miệng.

Bà bầu đi bộ

Lợi ích của việc tập thể dục trong giai đoạn đầu thai kỳ

Tập thể dục đúng cách trong giai đoạn này có thể mang lại nhiều lợi ích như:

  • Giúp mẹ bầu thích nghi với thay đổi của cơ thể, tăng sức bền và linh hoạt.
  • Giảm các triệu chứng khó chịu. Nhiều nghiên cứu cho thấy những bài tập thể dục cho bà bầu có thể làm giảm buồn nôn, đau lưng, táo bón, và mệt mỏi trong thai kỳ.
  • Kiểm soát cân nặng, giúp tránh các biến chứng như tiểu đường thai kỳ.
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu nhờ cơ thể sản xuất hormone endorphin khi tập luyện. 

Bài tập thể dục cho bà bầu

Những điều cần tránh khi tập luyện trong 3 tháng đầu

  • Các bài tập cường độ cao hoặc quá gắng sức. Giai đoạn này cần ưu tiên sự nhẹ nhàng, tránh gây áp lực quá lớn lên cơ thể.
  • Nằm ngửa trong thời gian dài. Tư thế này có thể làm giảm tuần hoàn máu.
  • Tập trong môi trường nóng ẩm. Điều này có thể khiến mẹ bầu bị mất nước.
  • Các môn có nguy cơ té ngã như cưỡi ngựa, trượt tuyết hay trượt patin.

Bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng giữa

Bước vào giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có những thay đổi rõ rệt. Bụng bầu bắt đầu lớn lên làm thay đổi trọng tâm cơ thể và dễ gây mất thăng bằng

Điều này khiến mẹ bầu không chỉ cần quan tâm đến sự linh hoạt mà còn phải chú ý đến khả năng giữ thăng bằng trong quá trình tập luyện. Vậy, bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng giữa là gì? Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây để tìm hiểu!

Bài tập căng cơ

Căng cơ là bài tập nhẹ nhàng nhưng có hiệu quả cao trong việc giảm đau nhức và tăng cường sự linh hoạt. Mẹ bầu có thể thực hiện các động tác căng cơ đơn giản, tập trung vào vùng chân, lưng và vai. Ví dụ:

  • Ngồi trên ghế, duỗi thẳng chân và gập bàn chân về phía cơ thể để kéo căng cơ bắp chân.
  • Đứng nhẹ nhàng cúi người về phía trước, giữ tay chạm đầu gối để kéo căng cơ lưng.

Bài tập với bóng tập (Pilates Ball)

Bóng tập là dụng cụ hữu ích, hỗ trợ mẹ bầu tập luyện an toàn và hiệu quả:

  • Ngồi xổm với bóng tập. Đặt bóng sau lưng, tựa vào tường và thực hiện động tác ngồi xổm để tăng sức mạnh cơ đùi và cải thiện thăng bằng.
  • Nâng chân với bóng tập. Nằm nghiêng, kẹp bóng giữa hai chân và nâng chân lên xuống để tăng cường cơ bụng và giảm đau lưng.
  • Tựa lưng vào bóng để thư giãn. Ngồi tựa lưng vào bóng để giảm áp lực lên cột sống, đồng thời thư giãn cơ bắp.

Bơi 

Đây là một trong những bài tập lý tưởng nhất cho mẹ bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ. Nước không chỉ nâng đỡ cơ thể mà còn giúp giảm áp lực lên các khớp. Bơi lội còn cải thiện hệ hô hấp và tim mạch, mang lại cảm giác thư giãn tối đa.

Bà bầu tập bơi

Cách nhận biết giới hạn của cơ thể khi tập luyện.

Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần lắng nghe cơ thể trong lúc tập thể dục. Những dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu cần dừng lại khi tập thể dục là:

  • Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc đau nhức.
  • Nhịp tim đập quá nhanh (không nên vượt quá 75% nhịp tim tối đa).
  • Nếu mẹ không thể nói chuyện bình thường trong lúc tập, có nghĩa bài tập đó đang quá sức.

Lưu ý quan trọng khi tập thể dục cho mẹ bầu

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào
  • Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện
  • Mặc trang phục thoải mái, thoáng mát khi tập.

Bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối

Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là tháng cuối cùng, mẹ bầu có thể cảm nhận rõ áp lực lên cơ thể tăng đáng kể. Những cơn đau lưng, chuột rút, và cảm giác nặng nề thường xuyên xuất hiện. Lúc này, tập thể dục nhẹ nhàng, đúng cách là giải pháp hiệu quả giúp mẹ bầu giảm đau, tăng cường sức khỏe và sẵn sàng cho hành trình vượt cạn.

Những bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối bao gồm:

Bài tập giảm đau lưng

Dưới đây không chỉ là bài tập thể dục cho bà bầu hết đau lưng mà còn cải thiện sự linh hoạt cho cơ thể:

1. Bài tập nghiêng xương chậu giúp tăng cơ bụng, giảm áp lực lên cột sống và giảm đau lưng hiệu quả. Cách tập như sau:

  • Bắt đầu với tư thế quỳ gối, hai tay chống sàn, giữ lưng thẳng.
  • Hít vào, ưỡn lưng nhẹ nhàng để thả lỏng cơ.
  • Thở ra, hóp bụng và kéo xương cụt về phía rốn, tạo thành hình vòng cung với lưng.
  • Lặp lại động tác 10-15 lần.

2. Tựa lưng vào bóng tập có thể giúp giảm áp lực lên cột sống, giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn. Cách tập như sau:

  • Ngồi trên sàn, tựa lưng vào bóng tập, hai chân duỗi thẳng. 
  • Hít thở sâu và thư giãn.

3. Yoga cho bà bầu 3 tháng cuối với một số tư thế như Mèo-Bò, Em bé, Nghiêng lườn kết hợp kéo giãn chân, Bướm và Tam giác cũng có thể giúp kéo giãn cơ lưng và giảm đau. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý tham gia lớp yoga với huấn luyện viên chuyên về yoga thai kỳ để đảm bảo an toàn.

Tư thế Mèo – Bò
  • Quỳ gối trên thảm, hai tay chống thẳng dưới vai. 
  • Hít vào, hạ bụng xuống, nâng ngực và hông lên để vào tư thế Bò. 
  • Thở ra, cong lưng lên, cúi đầu nhìn rốn, chuyển sang tư thế Mèo. 
  • Lặp lại động tác 5-10 lần, kết hợp nhịp thở đều đặn.
Tư thế Em bé
  • Quỳ gối trên thảm, mông ngồi lên gót chân. 
  • Duỗi thẳng tay về phía trước hoặc đặt dọc hai bên thân, trán chạm thảm. 
  • Thả lỏng cơ thể, hít thở sâu và giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút.
Tư thế Bướm
  • Ngồi thẳng lưng, gập hai chân lại để lòng bàn chân chạm nhau. Dùng tay giữ bàn chân, kéo gót chân lại gần cơ thể. 
  • Nhẹ nhàng đẩy hai đầu gối xuống sàn. 
  • Hít thở đều và giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút.
Tư thế tam giác
  • Đứng thẳng, hai chân cách nhau một khoảng rộng. Xoay mũi chân trước 90 độ, chân sau hơi nghiêng. 
  • Đưa một tay chạm vào cẳng chân hoặc sàn, tay còn lại vươn thẳng lên trần. 
  • Nhìn theo tay trên, giữ lưng thẳng và hít thở sâu trong 20-30 giây, sau đó đổi bên.

Bài tập tăng cường cơ sàn chậu

Cơ sàn chậu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bàng quang, tử cung và chuẩn bị cho quá trình sinh nở:

1. Bài tập Kegel giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, giúp quá trình rặn đẻ dễ dàng hơn. Cách tập như sau:

  • Co thắt cơ sàn chậu (giống như động tác nhịn tiểu).
  • Giữ trong 5-10 giây rồi thả lỏng.
  • Lặp lại 10-15 lần mỗi ngày.

2. Squat nhẹ với bóng tập có thể giúp mở khung xương chậu, tăng cường sức mạnh cơ đùi và mông. Cách tập như sau:

  • Đứng thẳng, tựa lưng vào bóng tập đặt sát tường.
  • Từ từ hạ người xuống, giữ lưng thẳng và gót chân chạm sàn.
  • Trở lại vị trí ban đầu.
  • Lặp lại 10 lần.

Bà bầu squat

3. Bài tập chuẩn bị cho sinh nở dành cho mẹ bầu 3 tháng cuối

  • Đi bộ là bài tập nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả cho mẹ bầu ở mọi giai đoạn thai kỳ, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng.
  • Bơi lội giúp giảm áp lực lên các khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện hệ tim mạch. Tuy nhiên, mẹ nên lựa chọn bể bơi sạch sẽ, có nhiệt độ nước phù hợp.
  • Bài tập thở sâu giúp mẹ bầu kiểm soát hơi thở, giảm căng thẳng, lo lắng và chuẩn bị cho quá trình rặn đẻ.

Những bài tập thể dục đặc biệt cho từng tình trạng sức khỏe

1. Bài tập thể dục cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ

Lợi ích nổi bật của những bài tập thể dục cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ:

  • Giúp cải thiện độ nhạy insulin, từ đó giảm đường huyết.
  • Giúp cơ bắp hấp thụ glucose, từ đó đường huyết ổn định hơn.

Gợi ý các bài tập an toàn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

  • Đi bộ sau bữa ăn. Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn khoảng 10-15 phút giúp kiểm soát đường huyết sau khi ăn.
  • Yoga phục hồi. Các tư thế yoga nhẹ nhàng, tập trung vào hít thở và thư giãn, giúp giảm căng thẳng và cải thiện kiểm soát đường huyết. Các tư thế yoga phù hợp cho bà bầu bị tiểu đường gồm: Ngọn Núi, Cây, Con Mèo – Con Bò, Góc Mở Rộng, Em Bé, và Bướm, kết hợp hơi thở sâu, tránh gắng sức, và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Bài tập tay chân nhẹ. Các bài tập nhẹ nhàng như nâng tạ nhẹ, đạp xe tại chỗ giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện độ nhạy insulin.

Lưu ý quan trọng:

  • Tập từ từ, tăng dần cường độ theo sức khỏe.
  • Theo dõi đường huyết trước, trong và sau khi tập luyện.
  • Ngừng tập nếu có các triệu chứng bất thường như mệt mỏi hoặc chóng mặt.

2. Bài tập thể dục cho bà bầu giúp giảm đau lưng

Nhiều bà bầu gặp tình trạng đau lưng do những thay đổi về cơ thể trong thai kỳ. Tuy nhiên, việc tập luyện phù hợp có thể giúp giảm các triệu chứng này một cách đáng kể. 

Gợi ý các bài tập thể dục cho bà bầu giúp giảm đau lưng hiệu quả:

  • Bài tập giãn cơ lưng: Nằm ngửa, co hai chân, hai tay ôm lấy đầu gối và kéo về phía ngực. Giữ tư thế vài giây và lặp lại động tác.
  • Tư thế mèo – bò (Cat-Cow Pose): Bắt đầu ở tư thế quỳ gối, hai tay chống sàn. Hít vào, ưỡn lưng, ngửa cổ lên trần nhà. Thở ra, gù lưng, cằm chạm ngực.
  • Bài tập nghiêng xương chậu: Thực hiện như hướng dẫn ở phần trên.

3. Những bài tập thể dục cho bà bầu dễ sinh

Khi bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, những bài tập tập trung vào vùng hông, cơ sàn chậu và khung chậu sẽ hỗ trợ quá trình mở khung xương chậu, giúp em bé xoay đúng vị trí và chào đời dễ dàng hơn.

Gợi ý những bài tập thể dục cho bà bầu dễ sinh:

  • Bài tập squat giúp tăng cường cơ đùi, mông và cơ sàn chậu, đồng thời hỗ trợ quá trình mở khung xương chậu.
  • Bài tập hông (hip bridges). Để thực hiện, bạn cần nằm ngửa, co hai chân, nâng hông lên cao khỏi mặt sàn, siết chặt cơ mông. Giữ tư thế vài giây và lặp lại động tác.
  • Bài tập nghiêng người. Để thực hiện, mẹ bầu Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, nghiêng người sang hai bên, giữ lưng thẳng.

Những lưu ý quan trọng khi tập thể dục cho mẹ bầu

Các bài tập thể dục cho bà bầu không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe thể chất mà còn giúp cải thiện tinh thần và chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần tuân thủ những lưu ý sau đây.

1. Lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng và giai đoạn thai kỳ

Mẹ bầu nên lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng và sức khỏe của bản thân. Nếu mẹ vốn ít vận động trước khi mang thai, hãy bắt đầu với các bài tập thể dục cho bà bầu và tăng dần cường độ theo thời gian.

Ngoài ra, không phải bài tập nào cũng phù hợp với mẹ bầu ở mọi giai đoạn. Bài tập cũng cần thay đổi theo từng giai đoạn thai kỳ.

  • Giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất: Mẹ nên bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga hoặc pilates dành cho bà bầu. Tránh các bài tập cường độ cao hoặc các môn thể thao va chạm.
  • Giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai: Mẹ có thể tăng dần cường độ và thời gian tập luyện. Tuy nhiên, cần lưu ý lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết. Tránh nằm ngửa trong thời gian dài vì có thể gây cản trở tuần hoàn máu.
  • Giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba: Mẹ nên giảm cường độ và thời gian tập luyện, tập trung vào các bài tập nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ thể và chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.

2. Thời gian và cường độ tập luyện hợp lý

Bài tập thể dục cho bà bầu

Theo khuyến nghị, mẹ bầu nên tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần, tương đương 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải. 

Quan trọng nhất là duy trì nhịp độ vừa sức, không tập đến mức kiệt sức hoặc gây khó thở. Nếu cảm thấy nhịp tim tăng quá nhanh hoặc khó thở, mẹ bầu nên dừng lại và nghỉ ngơi.

3. Khi nào cần ngừng tập và liên hệ bác sĩ ngay.

Trong quá trình tập luyện, mẹ bầu cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường như:

  • Chảy máu âm đạo hoặc dịch nhờn bất thường
  • Đau bụng, co thắt tử cung liên tục
  • Chóng mặt, đau đầu hoặc khó thở
  • Cảm giác giảm cử động của thai nhi.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trên, hãy dừng tập thể dục ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Kết luận

Việc duy trì thói quen tập thể dục không chỉ giúp mẹ bầu cảm thấy khỏe khoắn, tự tin mà còn hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển dạ. Lựa chọn bài tập thể dục cho bà bầu phù hợp và thực hiện với tinh thần thoải mái là chìa khóa để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về các bài tập thể dục khi mang thai hoặc vấn đề sức khỏe thai kỳ, đừng ngần ngại để lại câu hỏi. Đội ngũ chuyên gia của Hello Bacsi luôn sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ bạn!

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Bài Tập Gym Cho Bà Bầu 3 Tháng đầu