Bật Mí Kỹ Thuật Nuôi Dúi Đẻ Khỏe Mạnh - Năng Suất Cao

Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Dúi là động vật thuộc họ gặm nhấm phân bố ở hầu khắp các vùng nước ta. Thịt dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng. Nuôi dúi đòi hỏi chi phí đầu tư thấp về chuồng trại và con giống. Thức ăn cho dúi lại dễ kiếm, rẻ tiền. Dúi ít bệnh nên nuôi dúi ít rủi ro, lại quay vòng vốn nhanh. Chính vì vậy, những năm gần đây, dúi trở thành đối tượng vật nuôi mới để phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu đến bà con một số kiến thức về kỹ thuật nuôi dúi đẻ và cách chăm sóc dúi con.

Nội dung chính

Kỹ thuật nuôi dúi sinh sản

  1. Làm chuồng nuôi dúi sinh sản

Mỗi ô chuồng rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 – 1 m. Thành ô phải xây chắc chắn, cao khoảng 70 cm, mặt thành tô xi măng thật láng hoặc dán gạch men, nền chuồng bằng bê tông hoặc cũng dán gạch men. Mỗi ô chuồng dùng cho một con. Ô nuôi dúi sinh sản nên ngăn làm 2 ngăn, ngăn bên trong để sinh sản, ngăn bên ngoài để thức ăn và là sân chơi.

Chuồng nuôi dúi phải có đầy đủ mái che mưa, máng ăn và máng nước uống
Chuồng nuôi dúi phải có đầy đủ mái che mưa, máng ăn và máng nước uống  

Chuồng nuôi phải có mái che mưa, nắng, môi trường sạch sẽ thoáng mát. Vị trí chuồng nuôi dúi sinh sản phải đặt ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại.

  1. Thức ăn nuôi dúi

Thức ăn chính cho dúi là tre, mía (gồm cả lá mía). Hai thứ thức ăn này không thể thiếu cho dúi sinh sản. Ngoài ra dúi cũng ăn các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây, thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, vitamin, thức ăn động vật ( côn trùng, ốc, giun đất… )

Dúi ăn suốt ngày chứ không tập trung ăn vào ban đêm. Nên bỏ thức ăn tươi cho dúi vào mỗi buổi sáng. Cho dúi ăn có liều lượng để tránh bị thừa, ôi thiu.

Cần cho dúi uống nước. Chén để nước cho dúi nên gắn cố định để khỏi bị đổ nước ra ngoài. Mỗi lần vệ sinh chuồng dúi cần lấy giẻ lau khô chén và thay nước khác. Lúc khát và cần nước thì một con dúi có để uống trong một ngày 1/3 lượng nước của một chén.

Thức ăn chủ yếu của dúi là tre, mía
Thức ăn chủ yếu của dúi là tre, mía
  1. Lựa chọn dúi giống

Dúi con nuôi được khoảng 7 tháng, khối lượng đạt khoảng 700-800g thì bắt đầu chọn giống và nuôi riêng.Tốt nhất chọn giống giữa 2 dòng khác nhau để tránh đồng huyết.

Cách phân phân biệt dúi đực và dúi cái:

Dúi đực: quan sát bộ phận sinh dục của dúi, nếu là con đực dúi sẽ có 2 tinh hoàn tương tự như của chó, và không có vú. Chọn con dúi đực khỏe mạnh, không dị tật, tương đương hoặc to hơn dúi cái. Một con dúi đực có thể cho phối giống với 4- 5 con dúi cái

Dúi cái: nhìn phần bụng sẽ thấy 2 hàng vú ở hai bên be sườn như lợn. Dúi cái tốt có ngoại hình to vừa, không quá nhỏ, lông mượt, có hàng vú đều hai bên, chạy khỏe.

  1. Cách phát hiện dúi cái động dục

Khi sắp động dục, dúi cái thường bỏ ăn hoặc ăn ít, sục sạo tìm kiếm gì đó như tìm đực. Xách đuôi con dúi cái lên kiểm tra nếu thấy bộ phận sinh dục của nó có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, bộ phận sinh dục có thể ướt. Thời điểm này, nếu cho dúi cái sang ô dúi đực, dúi đực sẽ phát ra tiếng kêu đặc trưng, và chủ động cho dúi cái phối giống.

Tiến hành ghép đôi

Chọn con đực ( nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc to hơn một ít ) thả vào chuồng con cái và quan sát nếu thấy con đực và con cái quấn quýt với nhau thì để nguyên như vậy, nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác.

Thời gian giao phối của dúi đực và cái là khoảng 2 phút
Thời gian giao phối của dúi đực và cái là khoảng 2 phút

Thời gian giao phối giữa dúi cái và dúi đực khoảng 1,5-2 phút. Sau khi phối xong, quan sát thấy cả dúi đực và dúi cái cùng liếm bộ phận sinh dục tức là dấu hiệu giao phối thành công, nếu dúi cái không thực hiện hành động này tức là giao phối không thành công.

Sau 2 ngày tiến hành quan sát con cái nếu thấy con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì con cái đã được đực. Nếu chưa quan sát quen thì tốt nhất để con đực và con cái ở với nhau trong vòng một tuần hoặc thấy con đực và con cái có biểu hiện gằm ghè nhau thì tách ra.

Chăm sóc dúi mẹ sinh sản

Thời gian để dúi từ lúc được sinh ra đến lúc đẻ là 32 tuần (8 tháng). Một năm dúi đẻ từ 2 – 4 lứa; mỗi lứa từ 2 – 6 con.

Dúi cái sau 2-3 ngày giao phối đưa đến tổ đẻ để chuẩn bị cho sinh sản. Cho rơm, hoặc rác mềm vào để dúi bện tổ nuôi con. Khoảng một tháng sau khi ghép đôi Dúi mẹ sẽ sinh sản. Trước khi dúi đẻ phải dọn phân trong chuồng cho sạch. Khi dúi đẻ không nên dọn chuồng ngay mà phải để khoảng 2 – 3 ngày sau mới dọn và khi dọn thì chỉ dọn phân không nên động tới phần ổ của dúi.

Khi dúi đẻ không nên thăm tổ đẻ nhiều, để dúi mẹ tự chăm sóc cho dúi con đến khi dúi con được 2 tuần tuổi. Nên cho dúi mẹ ăn đầy đủ thức ăn: cỏ, mía và đặc biệt là tinh bột như khoai lang, bắp… Khi dúi con được khoảng 45 ngày nên tách dúi con ra nuôi riêng để chuẩn bị cho dúi mẹ đẻ lứa sau. Sau khi tách con thì nên ngừng cho ăn một ngày và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi với dúi đực.

Cách chăm sóc dúi con mới đẻ

Dúi con mới đẻ ra không có lông, mắt chưa mở. Khoảng 10 ngày thì lông dài ra và đen. Gần 30 ngày dúi con mới mở mắt. Dúi chưa mở mắt nhưng đã biết ăn. Dúi con mò mẫm ăn thức ăn của dúi mẹ. Sau 20 ngày tuổi, dúi con có thể tập ăn các loại thức ăn như mía, tre. Cho dúi con lẻ mẹ khi được 1,5 tháng. Khi dúi được khoảng 2-3kg thì có thể xuất bán.

Dúi con sau khi mở mắt đã có thể tập ăn thức ăn ngoài
Dúi con sau khi mở mắt đã có thể tập ăn thức ăn ngoài

Hiện nay thịt dúi được thu mua với giá khá cao, trong khi vốn đầu tư cho việc nuôi dúi lại không nhiều, cho nên tuy kỹ thuật nuôi dúi hơi phức tạp, nhưng nếu chịu khó quan sát và thử nghiệm với vài cặp dúi giống ban đầu, chúng tôi tin bà con sẽ thành công.

Từ khóa » Cách Nuôi Con Dúi Sinh Sản