Bất Ngờ Với Giọng Hát Của Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao
Có thể bạn quan tâm
Clip: Người phát ngôn Thu Hằng nói về tuổi thơ, tuổi thanh xuân, bạn thân và... hát
Nhà báo Hà Sơn: Khi còn bé tôi thích lớn lên làm nhà giáo nhưng thực tế lại làm nhà báo, còn chị, từ nhỏ ấp ủ sau này sẽ làm gì?
Người phát ngôn Thu Hằng: Thật ra tuổi thơ tôi nghĩ với ai cũng thế, đó là tuổi đẹp nhất, vô tư, vô ưu. Tuổi thơ của tôi khác với thế hệ bây giờ, không có internet, học xong chỉ mong như chim sổ lồng, chạy đi chơi. Còn nhỏ, tôi đã thích đọc sách, đọc từ truyện chép tay cho đến những cuốn sách in trên giấy đen xù xì.
Tôi đặc biệt mê sách của nhà xuất bản Cầu Vồng, những cuốn sách của Liên Xô. Những cuốn sách ấy mở ra những khung trời mơ ước. Có lẽ vì thế tôi rất thích học tiếng Nga và mơ ước sau này sẽ trở thành phiên dịch hoặc nhà ngôn ngữ học hoặc cô giáo dạy tiếng Nga. Có rất nhiều ký ức đẹp đẽ gắn bó hai dân tộc Việt - Nga.
Nhà báo Hà Sơn: Lúc còn bé chị được xem những cuốn sách rồi yêu luôn tiếng Nga và theo đuổi học khối chuyên hay bố mẹ có sự định hướng?
Người phát ngôn Thu Hằng: Có thể nói tôi lớn lên, được nuôi dạy bằng sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình. Lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ rất nghiêm khắc, từ chuyện nề nếp, giờ giấc cho đến kể cả cách ứng xử, đi lại, nói năng, ăn uống… Lúc đó tôi thấy mình rất khổ sở vì sự nghiêm khắc đó, nhưng càng lớn càng thấy điều này định hình cho mình tác phong, nhân cách sau này. Khi tôi lớn hơn, biết suy nghĩ, bố mẹ tôi luôn dạy sống phải làm một người tử tế. Bố mẹ không định hướng cho tôi về nghề nghiệp mà chỉ muốn con phải ăn học nên người, sống phải là người tử tế.
Nhà báo Hà Sơn: Bố mẹ chị làm lĩnh vực xây dựng, chị có một anh trai và một chị gái và là con út trong nhà chắc được cưng chiều lắm?
Người phát ngôn Thu Hằng: Thật ra các cụ vẫn nói giàu con út khó con út, tôi cũng được cưng chiều nhưng vẫn được nuôi dạy rất nghiêm khắc. Vì tôi cũng may mắn là con út nên bố mẹ, anh chị đều dồn hết không chỉ là tình cảm mà cả điều kiện vật chất tốt cho tôi. Đó là điều tôi luôn biết ơn bố mẹ và gia đình mình.
Nhà báo Hà Sơn: Chị học chuyên Nga từ nhỏ nhưng sau này lại sử dụng tiếng Anh là chính. Năm tháng thanh xuân với chị đọng lại điều gì?
Người phát ngôn Thu Hằng: Trước khi nói về những ký ức thanh xuân cũng phải nói thêm rằng thế hệ cuối 7x của chúng tôi cũng không biết có gọi là may mắn hay không vì chúng tôi được sống cùng sự chuyển mình, sự thay đổi của đất nước. Chúng tôi sinh ra vào những năm tháng cuối cùng nhưng ác liệt của chiến tranh và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị bao vây cấm vận, đến khi vào đại học đất nước ở thời kỳ chuyển mình.
Ra trường cũng là lúc mở ra rất nhiều cơ hội cho chúng tôi trong việc lựa chọn con đường đi, trong khi các bạn đồng niên đồng khóa tuy cùng học tiếng Nga nhưng mỗi người một ngành, có bạn làm ngân hàng, có bạn làm nhà báo thậm chí có bạn phục vụ trong quân đội, tôi làm việc trong ngành đối ngoại. Trong chúng tôi có nhiều người thành công nhất định.
Tuổi thanh xuân của tôi gắn với đạp xe đi từ đầu này đến đầu kia thành phố, với những bài thơ chép tay. Thanh xuân cũng mắt long lanh, má ửng đỏ, cũng có khi “quẩy” hết mình trong những buổi dạ hội sinh viên. Thanh xuân cũng gắn với những thách thức nhất định với những người như tôi - học tiếng Nga từ bé, tốt nghiệp đại học thì Liên Xô không còn nữa, cơ hội nghề nghiệp để sử dụng tiếng Nga hạn chế đi nhiều.
Bạn biết đấy, tình yêu nước Nga thấm trong tôi từ thuở bé, nên khi Liên Xô thay đổi mình cũng có chút tan vỡ trong lòng và nhất là lúc đó phải bơi, phải học tiếng Anh. Câu chuyện bơi và bơi được đến đích của người học tiếng Nga cũng cho chúng tôi một sức bền nhất định. Trong quá trình sau này đi làm và phấn đấu, không phải nói quá nhưng tôi thấy hầu hết những người gốc tiếng Nga chuyển sang các lĩnh vực khác đều rất thành công.
Nhà báo Hà Sơn: Chị học Tiếng Nga, nhà báo Diễm Quỳnh hình như tốt nghiệp ở Trung Quốc vậy hai người thân thiết với nhau là vì điều gì?
Người phát ngôn Thu Hằng: Chúng tôi học cùng trường cấp 3, tôi học chuyên Nga còn Quỳnh học chuyên Văn. Khi vào đại học, Quỳnh học tiếng Nga với tôi trong suốt 2 năm sau đó mới chuyển sang Trung Quốc học. Nhưng cũng không phải lý do học cùng nhau mà tình bạn bền vững, tôi nghĩ tình bạn của chúng tôi chủ yếu ở chuyện chia sẻ được với nhau nhiều thứ trong công việc, cuộc sống, chia sẻ cả những lo toan và cả những thành công.
Nhà báo Hà Sơn: Nhiều người thắc mắc một Lê Thị Thu Hằng ngoài đời và một người phát ngôn Bộ Ngoại giao có khác nhau nhiều không, thưa chị?
Người phát ngôn Thu Hằng: Tôi cũng là một người như mọi người thôi, cũng thích ăn ngon, mặc quần áo đẹp, cũng thích có nhiều thời gian để thư giãn vui chơi. Tôi cũng chưa so sánh hình ảnh của mình như bạn hỏi nhưng đúng là chỉ rời khỏi bục phát ngôn xuống nói chuyện bình thường với anh chị em báo chí tôi đã thấy khác rồi.
Trên bục phát ngôn mình phải thể hiện đúng tính chất công việc còn trong cuộc sống tôi cho rằng điều rất quan trọng của những người làm quản lý ngoài giỏi về chuyên môn phải biết cân bằng cuộc sống và chăm sóc bản thân. Cái này có một người thầy đã đúc kết và tôi thấy rất đúng. Bạn phải biết lúc nào làm việc và lúc nào dành thời gian cho mình, đi xem phim, đi thư giãn, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt khi giao lưu với bạn bè mình được trở về với chính mình, quẳng hết gánh lo đi và vui với bạn bè, điều đó rất quan trọng.
Nhà báo Hà Sơn: Là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, gương mặt của chị sẽ nhiều người thấy quen, có khi nào khi đang đi cà phê với bạn chị được ai đó nhận ra?
Người phát ngôn Thu Hằng: Tôi cũng không dám nhận mình là người nổi tiếng nhưng ai hay xem TV, thời sự nhiều nhìn tôi cũng sẽ quen mặt. Tôi cũng gặp những trường hợp mọi người gặp đi máy bay hay đi ngoài đường bảo: ''Sao chị quen thế nhỉ?'', sau đấy mọi người ồ ra: "À, em hay gặp chị trên vô tuyến bây giờ mới gặp ngoài đời''. Như ngày xưa có thể tôi thỉnh thoảng ra quán cóc thậm chí ngồi bia hơi nhưng giờ cũng hạn chế hơn. Tất nhiên tôi nghĩ không có nghĩa mình tự gò bó và trói buộc mình, nhất là khi công việc có nhiều sức ép mà chúng ta cần phải thư giãn trò chuyện với nhau, giao lưu bạn bè, chơi thể thao, đọc sách, xem phim…
Nhà báo Hà Sơn: Chị chơi tennis thường xuyên vậy lý do chọn môn thể thao có tính đối kháng là vì...?
Người phát ngôn Thu Hằng: Thật ra nói đến chuyện chơi tennis cũng hơi xấu hổ vì tôi chơi đến 20 năm nay nhưng trình độ vẫn thế, nhiều khi vẫn đùa trình độ không xấu đi là tốt lắm rồi. Tennis là một môn thể thao có tính đối kháng nó giúp tôi thả lỏng đầu óc và khi chơi mình quên hết mọi thứ và cũng là môn rèn luyện sức khỏe cả tay chân và cả sự linh hoạt trong cách mình phải tính toán nữa. Đó là lý do tôi chọn môn thể thao này nhưng chơi ở mức vừa sức.
Ngoài ra tôi cũng rất thích môn bơi nhưng cũng không khá hơn tennis đâu, chỉ là thể dục dưỡng sinh thôi. Cả khi đi công tác triền miên họp hành tôi vẫn cố gắng dậy thật sớm, bơi một lúc để cả ngày hôm ấy cơ thể mình khỏe khoắn, đầu óc cũng tỉnh táo hơn cho cả một ngày dài làm việc.
Nhà báo Hà Sơn: Chị không giấu việc thi thoảng đi xem ca nhạc hay chương trình thời trang với bạn thân Diễm Quỳnh. Thực hiện những chuyến đi du lịch với bạn bè có nằm trong hoạch định giải trí thư giãn của chị?
Người phát ngôn Thu Hằng: Tôi là người rất thích đi du lịch, cứ có thời gian thu xếp được là đi để khám phá những vùng đất mới. Tôi đặc biệt thích đi các bảo tàng. Ở Hà Nội tôi đã đi gần hết các bảo tàng, khi ra nước ngoài đến đâu tôi cũng cố gắng thăm các bảo tàng. Đặc biệt bảo tàng lịch sử và nghệ thuật các nước vì qua đó mình hiểu hơn về lịch sử và văn hoá sở tại. Khi sống ở nước ngoài, thỉnh thoảng tôi tự lái xe đi đến nơi nào đấy hay vào trung tâm thành phố đi dạo, ngồi quán café…, tôi cho đó cũng là cách tự cân bằng rất tốt.
Nhà báo Hà Sơn: Một ngày làm việc của chị bây giờ như nào? Chị vẫn giữ thói quen tự lái xe đến cơ quan mỗi ngày chứ?
Người phát ngôn Thu Hằng: Với những người làm báo chí đối ngoại công việc liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh, có thể là đến cơ quan rất sớm và về rất muộn đôi khi là những chuyến đi chênh lệch múi giờ. Thông tin cần rất nhanh và người ta chờ đợi ở mình rất nhiều nên phải xử lý kịp thời. Thời gian làm việc một ngày không cố định nhưng mỗi ngày mới thức dậy là nghĩ ngay trong đầu hôm nay sẽ có gì mới xảy ra và mình sẽ phải xử lý thế nào, sao cho nhanh nhất.
Nhà báo Hà Sơn: Chị được coi là người phụ nữ thành đạt vậy còn điều gì tự thấy còn thiếu và muốn chạm tay với đến nó?
Người phát ngôn Thu Hằng: Thành đạt khác với thành công đấy bạn ạ vì khía cạnh thành đạt như bạn nói có thể ở lĩnh vực công việc, còn thành công phải ở mọi mặt. Tôi tự thấy mình chưa thành công. Vì người thành công phải là người hài lòng tất cả mọi việc từ công việc đến cuộc sống. Có những lúc tôi vẫn chưa cảm thấy hài lòng.
Nhà báo Hà Sơn: Chị có một tình yêu lớn dành cho nước Nga, lại học chuyên Nga từ bé, mai là ngày 20/10 nếu đề xuất chị tặng một món quà cho độc giả VietNamNet bằng một ca khúc tiếng Nga yêu thích, liệu có khó không?
Người phát ngôn Thu Hằng: Tôi hát không hay nhưng thôi đánh liều một tí. Chắc tôi dành cho khán giả nhất là chị em nữ mà nhiều người Việt Nam biết đó là bài hát "Triệu bông hồng". (Người phát ngôn Thu Hằng cất tiếng hát - PV)
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Quý - Anh PhúẢnh: Phạm HảiThiết kế: Diễm Anh
Từ khóa » Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao
-
Lê Thị Thu Hằng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Nói Gì Về Vụ Bắt Cán Bộ Cục Lãnh Sự?
-
Tuyên Bố Của Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Và Châu Âu Cộng ...
-
Bộ Ngoại Giao Có Nữ Phát Ngôn Viên Mới - Cổng Thông Tin Hội Liên ...
-
Họp Báo Thường Kỳ Bộ Ngoại Giao: Người Phát Ngôn Lê Thị Thu ...
-
Phát Biểu Của Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao
-
Tin Tuc CẬP NHẬT , Nguoi Phat Ngon Bo Ngoai Giao Le Thi Thu Hang
-
Những Góc Khuất Cuộc đời Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao
-
Những điều Chưa Biết Về Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam ...
-
Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng - VietnamPlus
-
Thông Tin Chính Phủ - BỘ NGOẠI GIAO BỔ NHIỆM NGƯỜI PHÁT ...