Bát Nháo Người ăn Xin đầu Năm ở Sài Gòn

Xuất hiện nhan nhản

Khi công nhân vừa trở lại làm việc, xung quanh các cổng của khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức) liền xuất hiện 3-4 người già lẫn trung niên trông bộ dạng lem luốc hành nghề ăn xin. Có người chuyên về ăn xin, nhưng có người đi bán tăm bông, vé số, hát rong kiêm luôn việc xin tiền. Hễ có công nhân, người đi đường lướt ngang qua, họ lập tức chìa chiếc mũ hoặc cái ca nhựa ra trước mặt, miệng lẩm bẩm xin bố thí. Ngoài những người trên, khu chế xuất này còn có một số người già mặc áo màu nâu hoặc màu vàng trông bộ dạng như nhà sư đi xin tiền.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Việc bắt trẻ em đi ăn xin, bán vé số, đánh giày... là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 3-10-2006 quy định, người nào lợi dụng trẻ em vào mục đích trục lợi, bắt trẻ em đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ em..., ngoài việc xử lý hành chính phạt tiền từ 5-10 triệu đồng tùy theo lỗi nặng nhẹ mà phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Tờ mờ sáng, trước cổng khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) có một người đàn ông trung niên với vẻ ngoài lôi thôi lếch thếch lê lết dưới đường. Thấy công nhân đi ngang qua, ông ta liền van nài người khác rủ lòng thương. Thấy ông ta nài nỉ tội nghiệp, nhiều người không ngần ngại rút tiền ra cho. Có lúc, họ cho vài ngàn đồng, nhưng có không ít người cho tới vài chục ngàn đồng. Xin được kha khá, ông ta đưa tay vóc nắm tiền nhét vào chiếc túi vải rồi tiếp tục chìa chiếc ca nhựa xin người khác.

Vào buổi chiều, mỗi lần qua giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Xa lộ Đại Hàn (Q.Bình Tân), người đi đường không khỏi xót xa trước cảnh những đứa trẻ người nước ngoài đầu trần, chân đất, gầy gò xơ xác bồng bế, dắt díu nhau luồn lách giữa dòng xe nườm nượp rồi ngửa tay xin tiền. Sau đó, đám trẻ gom những đồng tiền lẻ giao cho một phụ nữ ngồi xin tiền cách đó vài bước chân. Không chỉ chèo kéo, nhiều đứa trẻ còn mạo hiểm tính mạng lạng qua lạng lại trước mũi nhiều ôtô, xe tải để xin tiền, bất chấp tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Có nhiều người ăn xin trên đường phố

Anh Trần Phú Hữu (ngụ Q12) xót xa: "Hôm mùng 8 Tết, tôi đi làm về liền gặp hai đứa trẻ băng ra đường tạt đầu xe tôi xin tiền làm tôi thắng gấp bị té, may mà không bị gãy tay gãy chân. Nhìn những đứa trẻ con mới biết đi hay chạy, thậm chí có cháu mới biết bò, biết lật, gầy gò èo uột nhưng đã bị biến thành công cụ kiếm tiền của nhiều người, thấy mà đau lòng".

Trước và sau Tết, khu vực "mũi tàu" Trường Chinh - Cộng Hòa thường xuyên có người bán vé số, tăm bông, móc chìa khóa, hát rong kiêm luôn việc ăn xin hoạt động. Khi đèn đỏ bật lên, họ len lỏi qua từng chiếc xe chèo kéo khách mua hàng và nài nỉ xin tiền. Cách đó không xa, dưới chân đèn đỏ ngã ba Trường Chinh - Âu Cơ có một phụ nữ trung niên với bộ dạng khắc khổ ngồi bên vỉa hè xin tiền. Thấy đáng thương, nhiều người dừng lại bố thí làm giao thông thường xuyên ùn tắc.

Giao lộ Hồng Bàng - Ngô Quyền (Q5) thường xuyên có 2-3 đứa trẻ đen nhẻm, nhếch nhác đi xin tiền khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Hễ thấy đèn đỏ bật lên là các đôi chân bé tí thoăn thoắt luồn lách giữa "rừng" xe kẹt cứng, đầu gật gù, ngửa tay xin tiền từng người. Có đứa còn gõ cửa ôtô, taxi với hy vọng người ngồi bên trong động lòng bố thí. Cách đó không xa, tại ngã tư Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm (Q5) cũng thường có người già, trẻ nhỏ, người tàn tật đi xin ăn.

Mới ra Tết, ở ngã ba Tên Lửa - Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) có một bà cụ trong bộ dạng khắc khổ ngồi thu lu trên bãi cỏ, chìa chiếc nón ra ngoài. Trước mặt bà là tấm bảng ghi dòng chữ "cụ bà xin cô bác qua đường giúp đỡ 1.000 đồng lẻ, rất cảm ơn". Đối diện bên kia đường, hai mẹ con một phụ nữ trung niên bịt mặt, trùm đầu kín mít lê lết gần chân cột đèn tín hiệu giao thông chìa chiếc mũ ra xin tiền.

Tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai (Q11) cũng thường xuyên xuất hiện một người đàn ông trung niên, một tay ông ta ôm ngực như kiểu đang bị khó thở, tay còn lại cầm chiếc mũ cũ kỹ chìa ra trước mặt xin mọi người bố thí. Vào buổi tối, tại ngã tư này còn có 2-3 người phụ nữ lớn tuổi ngồi rải rác ở các gốc đường hành nghề ăn xin. Cách đó vài trăm mét, ngã tư Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành cũng có nhiều người đàn ông lẫn phụ nữ với bộ dạng khắc khổ ngồi bên vệ đường xin tiền.

Sau Tết, người ăn xin xuất hiện khi công nhân trở lại làm việc

Dưới chân cầu vượt Cây Gõ (Q6) xuất hiện nhiều người già và trẻ nhỏ hành nghề ăn xin. Đi cạnh đám trẻ con còn có người trung niên khỏe mạnh, họ dùng hình ảnh trẻ nhỏ để đánh vào lòng thương xót của người đi đường. Mỗi khi có người đi ngang qua, đám trẻ vội chìa cái ca, chiếc nón, miệng lẩm bẩm van nài làm ra vẻ tội nghiệp. Việc có nhiều người ăn xin ở đây không chỉ mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Cảnh giác với chiêu trò tinh vi

Trong số những người ăn xin, có không ít người do hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh tật, không may bị tai nạn... khiến gia đình túng thiếu phải đi ăn xin. Nhưng có không ít trường hợp giả dạng người nghèo khổ, bệnh tật để đánh vào lòng trắc ẩn của người khác.

Mới đầu năm, trước cổng khu công nghiệp Tân Tạo xuất hiện 2 người đàn ông (một già, một trẻ) nhìn rất khỏe mạnh nhưng lê lết đi xin tiền. Người đàn ông lớn tuổi cầm một xấp giấy tờ trông có vẻ như bệnh án, người trẻ hơn mang chiếc ba lô và một túi nilông đựng thuốc tây, vẻ mặt anh ta ủ rũ, giọng nói thều thào không ra hơi. Nhiều người tưởng anh ta bị bệnh nan y không có tiền chữa trị nên sẵn sàng móc tiền ra cho. Khi công nhân vào các công ty làm việc, họ vội vã leo lên xe máy phóng vùn vụt trên quốc lộ với khuôn mặt hớn hở.

Nhiều năm nay, tại khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy (Q5) và một số con đường xung quanh bệnh viện này xuất hiện một bà cụ trông bộ dạng hom hem. Hàng ngày, bà "canh me" vào giờ cao điểm khi bệnh nhân và người nhà của họ ra các quán xá trước cổng bệnh viện mua đồ ăn, thức uống thì van nài xin bố thí. Sau mỗi bận xin tiền, bà thường tìm một chỗ nào đó khuất tầm mắt người qua lại ngồi đếm tiền. Có hôm, số tiền lẻ bà xin được dày cả gang tay. Vào buổi tối, bà chọn những vị trí có lượng xe cộ qua lại đông đúc như các ngã tư: Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai... để hành nghề. Khi xin tiền, bà liền khòm lưng, chân run run, mặt rầu rĩ như muốn khóc. Lúc xin xong, bà ta đi lại xăng xái, khuôn mặt hớn hở vui sướng.

Những đứa trẻ bị biến thành công cụ kiếm tiền

Một số bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, những ngày qua có một người đàn ông trung niên, trông bộ dạng như một người phụ hồ dẫn chiếc xe máy cà tàng đi qua đi lại trước cổng bệnh viện. Gặp người lạ, anh ta liền mở nắp xăng xe máy ra bảo đang đi làm về nhưng xe hết xăng, xin mọi người chút tiền đổ xăng chạy về quê. Thấy anh ta lam lũ, tội nghiệp, nhiều người không ngần ngại móc tiền ra cho. Xin được kha khá, anh ta liền dắt xe vào các con hẻm ngoằn ngoèo rồi lên xe phóng qua khu vực khác soạn lại bổn cũ.

Sau Tết Nguyên đán, rảo quanh nhiều tuyến đường ở TPHCM như: Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương và nhất là Ba Tháng Hai, không khó để bắt gặp hàng trăm người già trẻ, gái trai đi lượm ve chai, bán tăm bông, móc khóa, vé số, người ăn xin... ngồi nhan nhản hai bên lề đường xin đồ ăn, thức uống, tiền bạc của các mạnh thường quân và người đi đường. Được biết, nhiều người trong số họ thực sự khó khăn rất cần sự giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo của cộng đồng, nhưng không ít người lợi dụng việc ăn xin như một nghề để trục lợi.

Nhiều lần từ chối "cái bang" xin tiền, anh Lê Trọng Hùng (ngụ quận 11) cho biết từng nhiều lần hỗ trợ và kêu gọi mọi người giúp đỡ không ít hoàn cảnh khó khăn. Để tình thương tránh đặt nhầm chỗ, trước khi giúp đỡ ai đó, anh đều đến tận nơi để tìm hiểu, khảo sát họ có thực sự khó khăn hay không mới quyết định làm từ thiện. "Những người ăn xin ở ngoài đường, mình không biết họ nghèo thật hay nghèo giả. Nếu không tìm rõ ngọn nguồn, vô tình mình tiếp tay cho những kẻ biếng nhác lười lao động là không nên", anh Hùng cảnh giác.

Tháng 11-2021, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội TPHCM ký quy chế phối hợp với Công an TPHCM về việc xử lý các trường hợp lang thang, ăn xin, đặc biệt là các đối tượng chăn dắt. Theo đó, những trường hợp lang thang, ăn xin mà không có nơi cư trú sẽ đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM) để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hải Văn

Từ khóa » Hình ảnh Những Người ăn Xin