Bát Nước Chè Xanh

Lối uống chè tươi có lẽ là lối uống cổ xưa nhất với bát nước chè xanh, đậm sắc dân tộc nhất ở Việt Nam, trong đó có đất chè Thái Nguyên.

  1. Bài thơ về Bát nước chè xanh

Hẳn hồi nhỏ chúng ta đã được nghe bài thơ Bộ đội về làng của Nguyễn Trung Thông:

Các anh về

Mái ấm nhà vui,

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ.

Nhà lá đơn sơ

Tấm lòng rộng mở

Nồi cơm nấu dở

Bát nước chè xanh

Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.

Mỗi vùng, miền lại có kiểu uống bát nước chè xanh riêng của mình. Từ các vùng núi trung du đến đồng bằng, người dân đều duy trì cách hãm nước chè tươi uống, bát nước chè xanh từ đó trở thành thức uống tâm tình của người dân.

bát nước chè xanh

  1. Từ lá chè Thái Nguyên thành bát nước chè xanh đậm đà tình nghĩa

Ở vùng Thái Nguyên, người ta đun nước sôi rồi bỏ mấy cành chè tươi vào và để có bát nước chè xanh uống cả ngày thay nước giải khát.

Vùng núi Bá Thước Thanh Hóa, đồng bào Mường uống chè tươi theo kiểu chọn những lá chè già, có gai, lá giòn xanh bóng bỏ vào cối giã nát rồi hãm với nước sôi uống nóng. Một vài nơi ở Hà Tĩnh thì người ta hái cả cành chè rồi bỏ vào nấu trong ấm đất. Sáng dậy đi làm đồng, nhiều thợ cầy chỉ làm bát nước chè tươi đặc nóng, ăn điếu thuốc lào với dạ dày lép kẹp hoặc chỉ một củ khoai lang là “no” đến tận trưa. Người dân Huế thì lại chặt nhỏ cả cành lẫn thân chè phơi cho khô rồi đun nước uống dần.

Chè tươi trước đây bán đầy trong các chợ Hà Nội. Ta có thể dễ dàng mua hàng rổ chè tươi trong chợ Bắc Qua, chợ Mơ hay chợ Đức Viên sau chợ Hôm. Hàng ngày, người ta chở về đây từng bao tải chè tươi. Chè tươi bán trong các chợ này là những lá chè rời chứ không bán cả cành như trong các chợ ở Hà Tĩnh. Từ những lá chè này, mỗi người mua về và hãm theo lối uống riêng của mình.

  1. Ký ức Bát nước chè xanh

Bà nội tôi cũng hay uống chè tươi. Mỗi khi về thăm bà, tôi lại được bà rót cho bát nước chè xanh đặc sánh nóng hổi. Sau khi bà tôi qua đời, hầu như trong nhà tôi không còn ai uống nước chè tươi nữa. Không chỉ thế, bà tôi còn hãm một chum nước chè tươi để bán cho các bác kéo xe ba gác mỗi khi kéo xe ra chợ Mơ trở về.

Hồi ấy, ở Hà Nội, người ta vẫn còn dùng xe kéo có bánh gỗ để chuyên chở hàng. Dân kéo xe này được gọi là dân ba gác. Với họ, chè tươi là thứ nước giải khát tuyệt vời. Giữa trưa hè sau khi đạp một cuốc xe hay kéo một xe gạo uống bát nước chè nóng và rít điếu thuốc lào thì còn gì khoan khoái bằng.

Có lần  nghỉ hè tôi được bố mẹ cho về ở với ông bà một tuần. Ngoài việc trèo cây hái ổi thoải mái, tôi còn được phụ giúp bà việc vặt. Một trong những việc ấy là giúp bà rửa những rổ lá chè tươi để hãm cho khách uống. Lá chè rửa sạch được bà tôi vò nát sau cho vào chiếc chum sành nhỏ miệng rộng vừa phải.

Để lá chè khỏi theo nước rơi ra ngoài, bà tôi găm chúng bằng những nan tre cài chéo miệng chum. Thoạt đầu, bà tôi đun nồi nước sôi thật già rồi dội nước vào chum có sẵn chè tươi chần ít phút lại đổ ra. Bà tôi bảo đấy là “làm lông chè” để nước uống đỡ ngái. Sau khi chắt nước đi, bà tôi đổ tiếp nồi nước sôi già vào.

  1. Nhớ bà từ Bát nước chè xanh

Bà bảo nước phải đun cho thật sôi già và kỵ nhất là nước oi khói. Nước mà bị oi khói thì coi như phải đổ cả mẻ chè đi. Nước cũng được lấy từ bể nước mưa nửa nổi nửa chìm trong sân dùng quanh năm không hết. Nhà có nước máy nhưng bà tôi bảo hãm chè với nước máy uống nồng, mùi nước máy nó át cái vị của chè đi. Hồi ấy bếp toàn đun bằng củi, lá khô hay than chứ làm gì có bếp ga bếp dầu.

Đổ nước xong, nắp chum được đậy kín lại và cả chiếc chum nhỏ được ủ quanh bằng bao tải rồi đặt vào một cái thùng gỗ vuông đóng vừa khít với chiếc chum lót tải giữ cho chum nước luôn nóng. Có khách, bà tôi cẩn trọng lấy chiếc gáo dừa nhỏ múc và rót nước nóng vào những chiếc bát sứ thô xếp ngay ngắn trên mặt chõng tre tự tay bưng mời khách.

Từ khi lối uống chè tàu được phổ cập ở Hà Nội vào những thập kỷ 1960 – 1970, chè tươi bị lùi dần khỏi các quán chè của người Hà Nội và thay vào đó là các quán cóc bán chè Thái đậm đặc mà người Hà Nội xưa thường gọi là chè Tàu. Ở những quán này người ta bán kèm thuốc lá và đôi khi cả lạc rang và rượu ngang nữa.

Gần đây, nghe nói chè tươi có nhiều chất bổ lại ngừa được bệnh tật nên một số cụ già ở Hà Nội  uống bát nước chè xanh trở lại. Ở các vùng chè như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, người dân vẫn duy trì cách uống trà tươi vào những ngày nắng nóng.

5 / 5 ( 1 bình chọn ) 5/5 (1 Review)

Từ khóa » Bài Thơ Bát Nước Chè Xanh