Bầu Tổng Bí Thư, Bộ Chính Trị Theo Quy Trình Nào? - Báo Tuổi Trẻ

Bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị theo quy trình nào? - Ảnh 1.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII bế mạc sáng nay 1-2 - Ảnh: TTXVN

Sáng nay (1-2), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII bế mạc.

Đại hội sẽ nghe báo cáo kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra mắt, Tổng bí thư thay mặt Ban Chấp hành Trung ương phát biểu ý kiến.

Đại hội cũng sẽ nghe báo cáo kết quả biểu quyết một số vấn đề trong các văn kiện và thông qua nghị quyết Đại hội.

Sau phiên bế mạc, cuộc họp báo diễn ra tại Trung tâm báo chí Đại hội XIII.

Như tin đã đưa, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bầu làm Tổng bí thư. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp ông giữ cương vị này.

Cũng tại hội nghị lần thứ nhất sáng qua 31-1, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Bộ Chính trị có 3 trường hợp "đặc biệt"

Danh sách ủy viên Bộ Chính trị được công bố theo thứ tự lần lượt 4 người là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ (ngoài việc bầu Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương cũng là nơi làm nhân sự đối với 3 chức danh còn lại trong "tứ trụ" để giới thiệu Quốc hội bầu: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội). Từ vị trí thứ 5, danh sách xếp theo vần ABC.

Kết quả bầu cử tại Hội nghị Trung ương cho thấy tất cả nhân sự đều thuộc danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị, không có trường hợp nào không được giới thiệu mà trúng cử (ở khóa XII có một người là ông Đinh La Thăng, được đề cử tại hội nghị và sau đó trúng cử Bộ Chính trị).

Ở "bảng" 18 ủy viên Bộ Chính trị, 2 người là trường hợp "đặc biệt" quá 65 tuổi tái cử Bộ Chính trị: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 6 người tái cử gồm: ông Phạm Minh Chính, ông Vương Đình Huệ, ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai, ông Tô Lâm, ông Phạm Bình Minh. 7 người là các ủy viên Ban Bí thư khóa XII. 3 người lần đầu tham gia Bộ Chính trị gồm: ông Trần Tuấn Anh, ông Phan Văn Giang và ông Đinh Tiến Dũng. Trong đó, ông Phan Văn Giang (61 tuổi) là trường hợp "đặc biệt" thuộc diện ủy viên Trung ương khóa XII quá 60 tuổi tái cử.

Trong khi ở "bảng" Ban Bí thư, cả 5 người đều lần đầu tham gia.

Như vậy tổng cộng có 23 người, vừa khớp với định hướng cơ cấu Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được khóa XII chuẩn bị là 23 chức danh.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, 23 chức danh đó bao gồm: "tứ trụ", 3 thường trực (Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội), 7 người đứng đầu các cơ quan trung ương của Đảng (Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Ủy ban Kiểm tra, Nội chính, Kinh tế, Văn phòng Trung ương); 3 bộ trưởng (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao), 2 bí thư thành ủy (Hà Nội, TP.HCM), chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia và 1 lãnh đạo ở khối tư pháp.

Tính kế thừa cao

Danh sách 23 nhân sự nêu trên thể hiện tính kế thừa cao khi có sự góp mặt của 15 thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và 8 người tham gia lần đầu với cơ cấu 3 độ tuổi: 50-60, trên 60 và trên 65. 10 người trong số đó đủ tuổi tái cử ít nhất một nhiệm kỳ nữa. Đặc biệt có 2 người thuộc thế hệ 7X (ông Võ Văn Thưởng, ông Lê Minh Hưng, cùng 51 tuổi).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cũng được chú ý cơ cấu về giới và dân tộc, gồm có 2 nữ là bà Trương Thị Mai - trưởng Ban Dân vận và bà Bùi Thị Minh Hoài - phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Đỗ Văn Chiến - bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ - trở thành người dân tộc Sán Dìu đầu tiên tham gia Ban Bí thư, đồng thời ông cũng là người dân tộc thiểu số duy nhất trong 23 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quy trình nào?

Ở Hội nghị Trung ương, việc bầu Bộ Chính trị được làm trước, bầu Ban Bí thư làm sau, theo quy trình 7 bước: Đoàn chủ tịch báo cáo về việc bầu cử; Hội nghị thảo luận và biểu quyết số lượng ủy viên; Họp tổ để ứng cử và đề cử; Tổng hợp danh sách ứng cử viên, đề xuất trường hợp được rút và không được rút, đề xuất giới thiệu ban kiểm phiếu để hội nghị biểu quyết bầu ban kiểm phiếu; Lấy phiếu xin ý kiến hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị; Biểu quyết thông qua danh sách bầu cử; Bỏ phiếu bầu, kiểm phiếu và công bố kết quả.

Đối với chức danh Tổng bí thư, hội nghị không thảo luận và biểu quyết số lượng (vì chức danh Tổng bí thư chỉ có 1) mà tiến hành 6 bước tương tự như trên.

18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa họp Hội nghị lần thứ nhất bầu ủy viên Bộ Chính trị. Tuổi Trẻ Online giới thiệu 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII.

Từ khóa » Thứ Tự Bầu Tứ Trụ