'Báu Vật' Nghìn Tuổi ở Thanh Hóa
Có thể bạn quan tâm
Quần thể gỗ quý hiếm nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 180 km về phía tây. Để đến đây, từ bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, khách cần thêm chừng ba giờ đi bộ đường rừng và phải có cán bộ kiểm lâm, người dân bản địa làm hoa tiêu giúp băng qua nhiều con suối, đèo dốc khúc khuỷu...
Cao lớn và già nua nhất trong rừng Xuân Liên là cây sa mu dầu sống ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, giáp biên giới Việt Lào. Cây có tên khoa học là Cunninghamia konishii, hay còn gọi là sa mộc dầu, mạy lâng lênh... thuộc họ nhà thông. Gốc cây có đường kính gần 4 m, thân thẳng đứng, cao khoảng 70 m. Trên thân cây, địa y mọc xanh rì, bao kín.
Cây sa mu được các chuyên gia lấy mẫu phân tích, xác định gần 1.500 tuổi. Năm 2013, cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cách cây sa mu dầu khoảng 1,5 km có một cây pơ mu cổ thụ, được xếp hạng cây di sản cùng năm 2013. Cây sống ở ngọn núi cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, đường kính gần 3 m, thân thẳng tắp, cao khoảng 60 m, vỏ màu nâu xám, có các vết nứt dọc. Lá cây trưởng thành mọc thành các cặp chéo chữ thập, gỗ có mùi thơm dịu... Cây được chuyên gia Nhật Bản xác định hơn 1.000 tuổi.
Theo ông Lê Quang Đạo, kiểm lâm viên trạm bản Vịn, trong rừng ngoài hai cây được công nhận di sản còn khoảng 35-40 cây khác có đường kính từ một mét trở lên, tuổi đời trên dưới 1.000. Những cây lớn loại này chủ yếu phân bố từ độ cao 700 m trở lên, bởi địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thuận lợi cho loài cây hạt trần họ thông phát triển.
"Rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tới đây nghiên cứu, đánh giá rừng pơ mu, sa mu tại Xuân Liên là một trong những quần thể cây hạt trần có tuổi đời lớn nhất, số lượng tập trung dày đặc nhất Việt Nam hiện nay và được xem như kho báu của Thanh Hóa", ông Đạo nói.
Khoảng 20 năm trước, Thanh Hóa có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh đặc hữu, như lim xanh, sến, pơ mu... Tuy nhiên, khi "cơn bão lâm tặc" quét qua, những cánh rừng dần mất đi. Những cây pơ mu, sa mu tại Xuân Liên tồn tại được tới ngày nay, theo kiểm lâm, là nhờ phương án bảo vệ quyết liệt của lực lượng chức năng và sự chung tay của người dân bản địa.
Ông Lang Hồng Tuyên, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Vịn, cho biết cả bản có 180 hộ chủ yếu là người Thái, tất cả đều coi hai cây nghìn năm tuổi là "thần mộc" và bảo vệ nghiêm ngặt. "Dân bản hàng trăm năm nay sống dựa vào rừng. Chính những cánh rừng nguyên sinh là nơi khởi nguồn, cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt, vì thế chúng tôi luôn nhắc nhở nhau cùng giữ rừng như bảo vệ nguồn sống của mình...", ông Tuyên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Phú Thiều, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm bản Vịn, từ khi tổ bảo vệ rừng của bản Vịn được thành lập (do dân bản bầu ra để tuần tra, gác rừng cùng kiểm lâm), đặc biệt là chính sách giao khoán, chi trả dịch vụ, nhận thức của người dân đã thay đổi, họ thấy có trách nhiệm, gắn bó với rừng.
"Rừng bản Vịn là nơi gần như còn nguyên sinh và giàu trữ lượng nhất Xuân Liên", ông Thiều đánh giá.
Nhờ bảo vệ được những cánh rừng quý hiếm mà hiện nay người dân bản Vịn có cơ hội tìm sinh kế mới khi du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm được quan tâm đầu tư. UBND huyện Thường Xuân đã quy hoạch xây dựng bản Vịn thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch khám phá nhằm khai thác thế mạnh hiện có, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập năm 1999, với tổng diện tích hơn 27.000 ha, nằm giáp ranh với tỉnh Nghệ An và gần biên giới Việt - Lào. Đây là một trong những khu bảo tồn có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam với nhiều loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Tại Xuân Liên, cơ quan chức năng xác định có gần 1.200 loài thực vật, trong đó có nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Trong số này, quần thể rừng pơ mu, sa mu thuộc loại quý hiếm. Hệ sinh vật phong phú, đặc biệt có sự trú ngụ của vượn đen má trắng - loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Xuân Liên cũng là nơi sinh sống của hơn 190 loài chim, 80 loài thú, hơn 40 loài lưỡng cư, 40 loài bò sát, 69 loài cá và gần 1.300 loài côn trùng...
Lê Hoàng
Từ khóa » Gỗ Pơ Mu Trắng
-
Khi Báo Chí Góp Tiếng Nói, Dấn Thân Vì Trách Nhiệm Xã Hội!
-
Giá Xe Toyota Innova Tháng 7/2022, ưu đãi Lãi Suất Vay Và Gia Hạn ...
-
Hồn Cốt Nơi Miền Sơn Cước Nà Sảm
-
Trồng Cây Không Chỉ Gây Rừng...
-
Lên Thiên đường Mây Tà Xùa
-
Phá Rừng Pơ Mu Cổ Thụ ở Vườn Quốc Gia Hoàng Liên
-
Bản Thơm Ngọc Chiến
-
Ngắm Mùa Xuân Trên Mái Lợp Pơ Mu Nơi Rẻo Cao Nghệ An
-
Tour TP.HCM - Ninh Bình - Hạ Long - Hà Nội - Sapa
-
Làng Cổ Của Dân Tộc Thái Nghệ An Giữa Khu Bảo Tồn Pù Hoạt 300 ...
-
Phá Rừng Pơ Mu ở Vườn Quốc Gia Hoàng Liên
-
Nghị định 84/2021/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP Quản ...
-
Khát Vọng Khởi Nghiệp Từ Tài Nguyên Bản địa
-
Ngọc Chiến Phục Hồi Du Lịch Với Sản Phẩm độc đáo