Bảy Anh Em Chú Bé Mồ Côi [Truyện Cổ Tích Madagascar]

Câu chuyện Bảy anh em chú bé mồ côi

Bảy anh em chú bé mồ côi là truyện cổ tích Madagascar, kể về một chàng trai có nhân cách tốt nên đã nhận được món quà của Chúa thần Zanahary ban cho.

1. Người em út và món quà của Chúa thần Zanahary

Một nhà kia, bố mẹ mất sớm, có bảy anh em trai. Người em út sinh ra vốn gầy yếu, xấu xí nên bị các anh ghẻ lạnh, xa lánh mặc dú cậu rất tốt bụng. Người em thường thấy buồn cho số phận mình, bèn đi tìm cụ già nhất làng hỏi:

– Thưa cụ, con muốn đi gặp Chúa thần Zanahary. Vậy con phải làm thế nào?

Cụ già ngắm nghía cậu bé, thấy cậu là một đứa trẻ đáng thương và tốt bụng. Cụ bảo:

– Con sẽ phải vượt qua núi cao, đồng rộng, qua suối, qua đèo. Nhưng con sẽ đến nơi yên ổn và gặp may mắn nếu con chịu làm đúng lời ta dặn.

– Con xin hứa và sẽ làm đúng!

– Vậy thì con cứ thẳng đường mà đi. Dọc đường, con sẽ gặp một bãi mía, một bầy cừu, một vườn cam, một đàn bò, một giếng nước trong. Nhưng phải nhớ đừng có đụng đến. Tới nơi, nếu Chúa thần vắng nhà, con nhớ chào vợ Chúa thần. Nếu bà ấy cho uống nước thì con hãy đưa hai tay ra đỡ lấy chén.

Người em út cảm ơn cụ già rồi lên đường. Quả nhiên, cậu gặp một bãi mía, cây mập [1] và cao, nhưng cậu cứ đi giữa đường, không đụng đến. Gặp một bầy cừu béo mượt, cậu khen: “Cừu béo quá!” rồi cứ thẳng đường mà đi. Qua vườn cam trĩu quả chín mọng, đang khát nước, cậu vẫn lánh ra để khỏi làm rụng những trái cam lúc lỉu [2] ngay trên đầu. Thấy một đàn bò mập mạp gặm cỏ bên đường, cậu khen: “Bò nhà ai đẹp thế!”. Cuối cùng, đến bên giếng nước trong, cậu soi bóng một chút, nhưng không đụng vào nước dù chỉ bằng đầu ngón tay.

Đi khỏi giếng một quãng, người em út đến nhà Chúa thần. Chỉ có bà vợ ở nhà. Cậu bé cúi đầu chào rất lễ phép và đứng ngoài cửa. Bà vợ Chúa thần rót nước cho cậu, cậu đưa hai tay kính cẩn đón lấy chén và cảm ơn bà.

Vừa lúc đó, Chúa thần về. Chúa thần hỏi:

– A, chào cậu bé! Các anh trai ghét cậu lắm phải không? Cậu muốn xin ta điều gì nào?

– Thưa Chúa thần Zanahary, con muốn trở nên khỏe và đẹp, vì mọi người thường hay chế giễu con ốm yếu và khinh miệt con xấu xí.

– Dọc đường con có thấy bãi mía của ta không?

– Thưa có, nhưng con không đụng đến.

– Con có thấy bầy cừu của ta không?

– Thưa có, nhưng con không bắt con nào.

– Thế vườn cam của ta?

– Thưa có, nhưng con không hái quả nào.

– Đàn bò của ta?

– Thưa có, nhưng con không ném đá xua đuổi.

– Giếng nước đầu nguồn của ta?

– Thưa có, nhưng con không nhúng tay vào.

Zanahary quay sang hỏi vợ:

– Khi cậu bé vào đây, cậu bé có chào bà không?

– Ồ, cậu chào rất lễ phép.

– Lúc bà cho cậu bé uống nước, cậu có biết đưa hai tay lễ phép cầm chén chứ?

– Đúng là như vậy.

Zanahary gật đầu, tỏ vẻ hài lòng. Chúa thần khẽ đặt tay lên đầu cậu bé, lập tức cậu bé trở thành một chàng trai khỏe đẹp. Người em út cảm ơn Chúa thần, sung sướng trở về.

2. Những kẻ thô lỗ, tham lam, càn dỡ và sự trừng phạt của Chúa thần Zanahary

Thấy người em út thay đổi như thế, cả sáu người anh liền xúm lại hỏi chuyện:

– Có thật là chú mày đấy không? Chú mày vừa đi đâu về thế?

Cậu bé ngay thật trả lời:

– Em đi tìm Chúa thần Zanahary và thế là Chúa thần ban ơn cho em được như thế này.

Cả sáu người anh hí hửng reo lên:

– Bọn ta đã khỏe đẹp như thế này rồi, nếu cùng đến gặp Zanahary thì nhất định sẽ trở thành những tráng sĩ [3] oai hùng đệ nhất!

Thế là chúng kéo nhau đến gặp cụ già nhất làng. Cụ nhìn kĩ từng người, rồi bảo:

– Các anh muốn đi gặp Zanahary thì cũng tốt thôi! Nhưng già không dám nói trước là các anh sẽ được như ý muốn đâu. Tuy nhiên, cũng vẫn có thể tốt đẹp, nếu các anh chịu khó làm theo lời già bảo.

– Chúng tôi xin làm đúng! Cụ già cứ nói đi!

– Thấy bãi mía, chớ có đụng vào.

– Vâng, xin không đụng! Sao nữa?

– Đừng giết hại cừu dọc đường.

– Ồ, có khó gì! Xin làm đúng! Còn gì nữa?

– Chớ có hái cam.

– Chúng tôi sẽ không hái!

– Chớ có ném đá xua đuổi đàn bò đang gặm cỏ.

– Nhất định là không ném đá rồi! Hết chứ cụ già?

– Đừng múc nước ở giếng nước trong.

– Cái đó cũng dễ thoi! Xin làm đúng. Xong chứ cụ?

– Còn điều này nữa: vào nhà Zanahary, nếu Ngài đi vắng, chỉ có bà vợ ở nhà thì chào bà lễ phép, và kho bà cho uống nước, đưa hai tay nhận chén.

– Vâng, vâng! Hết rồi phải không? Cụ già cứ yên trí, chúng tôi sẽ đi được tới nơi, và nhất định Zanahary sẽ làm cho chúng tôi trở thành những tráng sĩ oai hùng đệ nhất thế gian!

Sáu anh em kéo nhau đi, đem theo vô khối thức ăn, nước uống. Tháy mía ngọt, chúng đua nhau bẻ: “Dăm bảy cây, ai biết đấy là đâu!”. Gặp bầy cừu, chúng hò nhau giết thịt một con: “Phải có chất tươi mới có sức đi chứ! Chỉ một con, ai biết đấy là đâu!”. Qua vườn cam, mỗi đứa hái ăn hàng chục quả: “Cam nhiều và chín thế kia, rụng bao nhiêu! Chừng này quả, bõ bèn gì! Ai biết đấy là đâu!”. Gặp đàn bò béo mập, chúng bảo nhau: “Gớm, bò béo thế kia, đi sao nổi! Ta xua thử xem! Ai biết đấy là đâu!”. Thế là chúng ném đá rào rào vào đàn bò. Tới bên giếng nước trong, chúng vục ngay xuống uống lấy uống để. Vào tới nhà Zanahary, chúng chẳng chào ai cả, lại còn hỏi trống không, đòi uống nước. Người ta chưa kịp đưa chén, chúng đã giơ tay ra tranh giành nhau.

Vừa lúc đó, Zanahary từ ngoài cửa bước vào:

– Này, sáu chàng trai đến đây có việc gì thế?

Cả sáu anh em trố mắt nhìn Chúa thần, rồi nói:

– Chúng tôi đến đây cầu mong Chúa thần giúp cho trở thành những tráng sĩ oai hùng đệ nhất thế gian.

– Dọc đường các anh có thấy mía của ta không?

– Thưa có, mà chúng tôi chỉ bẻ mỗi đứa một cây thôi.

– Các anh có thấy bầy cừu của ta không?

– Thưa có, chúng tôi thèm chất tươi, nên có giết thịt một con.

– Thế, vườn cam của ta?

– Thưa có, chúng tôi có hái một ít.

– Thế, các anh có ném đá xua bò của ta không?

Cả năm người em cùng chỉ vào người anh cả:

– Chính anh này ném trước.

– Các anh có vục miệng xuống giếng của ta không?

– Thưa có, khát nước nên chúng tôi có uống mấy ngụm.

Zanahary quay sang hỏi vợ:

– Khi vào nhà, anh em chúng có chào bà không?

Bà vợ lắc đầu:

– Chẳng chào hỏi gì cả!

– Thế thì chắc bọn chúng không đưa hai tay đón chén nước chứ gì?

– Đúng thế, lại còn tranh giành nhau nữa!

Bấy giờ Zanahary cau mày nhìn sau anh em và nghiêm khắc bảo:

– Các ngươi không biết nhân cách [4] là thế nào! Các ngươi chỉ đáng trở thành giống vật!

Ngay lúc đó, người ta thấy một con thạch sùng, một con rắn, một con nhái, một con ễnh ương, một con chuột và một con dơi kéo nhau trốn vào rừng.

Tất cả cơ nghiệp [5] cha mẹ để lại, bây giờ đểu để lại cho người em út được.

Bảy anh em chú bé mồ côi – Truyện cổ tích Madagascar Nguồn: Kể chuyện 5, trang 48, NXB Giáo dục – 1984 – TheGioiCoTich.Vn –

Truyện cổ tích về loài vật

Ý nghĩa câu chuyện Bảy anh em chú bé mồ côi

Con người khác loài vật ở chỗ có nhân cách. Nhân cách của mỗi con người thể hiện trước hết ở chỗ người đó phải biết tôn trọng những quy tắc thông thường trong quan hệ ứng xử với mọi người xung quanh, từ trong gia đình ra ngoài xã hội.

Chúa thần Zanahary trong câu chuyện cổ tích Bảy anh em chú bé mồ côi đã trừng phạt sáu người con trai thô lỗ, thiếu lễ độ, tham lam và càn dở kia bằng cách biến họ trở thành những con vật: thạch sùng, rắn, nhãi, ễnh ương, chuột và dơi. Cả lũ kéo nhau trốn vào rừng mà sống với nhau trong cái thế giới của loài vật. Chỉ có người con út hiền lành, thật thà, tốt bụng là xứng đáng được hưởng cơ nghiệp cha mẹ để lại.

Về mặt hình thức nghệ thuật, câu chuyện Bảy anh em chú bé mồ côi được kể theo lối lặp đi lặp lại nhiều lần những khuôn mẫu đối thoại giữa tất cả các nhân vật. Do đó, vừa tăng thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện, vừa có tác dụng khắc họa đậm nét tính cách của hai tuyến nhân vật: một bên là người em út thật thà và lễ độ, một bên là sau người anh thô lỗ, càn dỡ, qua đó làm nổi bật lên ý nghĩa tư tương của câu chuyện này.

Chú giải trong câu chuyện Bảy anh em chú bé mồ côi

[1] Mập: to bé, đẫy đà. Ở đây chỉ loại mía thân to. [2] Lúc lỉu (trái cây): Rất nhiều trái, to nhỏ khác nhau, giống nghĩa với “sai trĩu”. Tuy nhiên từ sai trĩu nên dùng khi trái cây rất nhiều khiến cho cành bị oằn xuống vì nặng, còn từ “lúc lỉu” dùng khi trái cây rất nhiều, nhìn toàn thấy quả là quả. [3] Tráng sĩ (từ cổ): người đàn ông có sức lực cường tráng và có chí khí mạnh mẽ. [4] Nhân cách: tư cách, phẩm chất con người. [5] Cơ nghiệp: tài sản gây dựng được.

Thử thách dành cho các bạn nhỏ

  1. Người em út tỏ ra có nhân cách như thế nào? (lễ độ, thật thà, tốt bụng, tuyệt đối tôn trọng của cải của người khác). Kết quả đã được hưởng những gì? (trở thành một chàng trai khỏe đẹp và được hưởng tất cả gia tài của cha mẹ để lại).
  2. Sáu người anh trai tỏ ra thiếu nhân cách như thế nào? (thô lỗ, tham lam, càn dỡ, xâm phạm bừa bãi đến của cái của người khác). Chúng đã phải gánh lấy hậu quả của những thái độ, hành vi thiếu nhân cách của chúng ra sao? (trở thành các giống vật tầm thường: thạch sùng, rắn, nhái, ễnh ương, chuột và dời, cả lũ kéo nhau trốn vào rừng mà sống).
Kho tàng truyện cổ tích

Từ khóa » Sự Tích ễnh ương