Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

  1. Dầu

Dầu là một trong những chất liệu được sử dụng trong sinh hoạt thường nhật. Dầu để thắp sáng, để thêm hương vị, hương liệu. Với Do Thái Giáo, dầu còn được dùng trong lễ nghi tôn giáo: Thánh hiến người và đồ vật: các tư tế, ngôn sứ, vua và bàn thờ (Is 16, 13). Ngoài ra, dầu còn là biểu tượng của Chúa Thánh Thần (Is 61,1). Tin Mừng Luca cũng giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Thánh Thần xức dầu (Lc 4,16-21).

Trong Ki-tô giáo, từ khoảng thế kỷ XII, Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân (BTXD) được gọi là bí tích “xức dầu sau hết”. Vì nhiều người hiểu đây là lần xức dầu cuối cùng cho người sắp đến ngày tận số, hoặc bí tích này chỉ dành cho người hấp hối, hay khi người không thể cứu vãn được nữa thì mời linh mục đến để ban bí tích “sau hết”. Nhưng thực ra, khi nói Bí tích Xức Dầu“sau hết” là vì việc xức dầu thánh được thực hành sau bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Do đó, để giúp hiểu đúng về ý nghĩa của Bí tích “sau hết” này, ngày nay gọi đây là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, hay là Xức Dầu Thánh. Công Đồng Vatican II sử dụng từ “Xức Dầu Bệnh Nhân” để trở về với truyền thống và hướng người tín hữu đến việc cử hành bí tích này cách đúng đắn.

Dầu Ô-liu là chất liệu buộc phải sử dụng. Tuy nhiên vì ở một vài địa phương dầu này khan hiếm, vì vậy có thể sử dụng dầu khác được dầu ép từ thảo mộc phù hợp với chất liệu chỉ định trong Kinh Thánh.

  1. Nguồn gốc Bí Tích Xức Dầu (BTXD)

Câu chuyện người Samaria nhân hậu trong Tin Mừng Lc 10, 33-34 là nghĩa cử mà Chúa Giêsu muốn nêu gương trong việc chăm sóc bệnh nhân:  “một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”.

Theo Thánh Kinh, sự chết chính là hậu quả của tội lỗi (St 2,16-17, Rm 5,12-21). Bệnh tật là việc báo trước của cái chết nên nó cũng dính líu với tội lỗi. Do đó, trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu vừa loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa vừa chữa lành các bệnh nhân. Khi Chúa chữa lành bệnh nhân cũng có nghĩa là Người tha thứ tội lỗi cho họ: “này con, tội con đã được tha rồi” (Mc 2,1-12). Khi chữa lành bệnh tật và tha tội, Chúa Giêsu đã mang vào thân mình mọi sự dữ bất kể tinh thần hay thể lý. Người đã đón nhận sự dữ ấy vào trong thân xác và tinh thần của Người cho đến chết. Đây chính là nguồn gốc của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cũng như các bí tích khác: Mầu nhiệm Chúa chết và sống lại.

Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi chữa lành các bệnh nhân “anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,8). Các môn đệ đã chữa lành nhiều người “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13). Chúa Giêsu Phục Sinh đã lặp lại việc sai đi này: “nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16, 17-18).

Hội Thánh nhận sứ vụ từ Chúa “hãy chữa lành bệnh nhân” (Mt 10,8) và cố gắng thực hiện quan việc chăm sóc và cầu nguyện cho họ. Ngay từ thời các tông đồ đã có nghi thức dành cho bệnh nhân. Thánh Gia-cô-bê làm chứng: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” ( Gc 5, 14-15). Từ bản văn này, Hội Thánh xác nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân do chính Chúa Giêsu thiết lập và được thánh Gia-cô-bê tông đồ công bố.

Cần tìm hiều ý nghĩa của bản văn: “Người đau yếu” (theo nghĩa từ hy lạp: là người không đi lại được, chứ không phải là người hấp hối).

“Người ấy hãy mời”: chính người bệnh phải xin cho họ xức dầu. Đây cũng chỉ là lời khuyên chứ không phải lệnh truyền bắt buộc.

“các kỳ mục của Hội Thánh” là những người đã được Chúa Thánh Thần tuyển chọn để làm mục tử chăn dắt dân Chúa (x. Cv 20,26). Các ngài sẽ cùng với bệnh nhân và thân nhân của họ cử hành nghi thức xức dầu. Các kỳ mục sẽ cầu nguyện, xức dầu. Các ngài là thừa tác viên của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

Từ “lời cầu nguyện do lòng tin”, người bệnh được Chúa nâng đỡ, tha thứ tội lỗi. Nhờ lòng tin của Hội Thánh (linh mục, cộng đoàn và chính bệnh nhân), Chúa sẽ cứu chữa người bệnh khỏi chết đời đời. Nếu bệnh nhân được chữa lành phần xác cũng là dịp để họ nhận ra việc lành bệnh của sự sống phần hồn mới quan trọng. Sau khi được phục hồi sức khỏe, người bệnh sẽ cố gắng yêu mến sự sống đời đời bằng cách chiến thắng sự dữ mà cuộc sống thể lý gặp phải.

Như vậy, đoạn thư của Thánh Gia-cô-bê giúp hiểu bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là phương dược đem lại cho con người ơn cữu rỗi không chỉ ở đời này mà còn giúp ích cho phần rỗi linh hồn bước vào cuộc sống đời sau. Hội Thánh luôn tiếp tục thể hiện tình yêu của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân bằng cách cầu nguyện và xức dầu theo lời dạy của thánh Gia-cô-bê.

  1. Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân theo dòng thời gian

Bí tích Xức Dầu đã được thực hành trong Hội Thánh ngày từ thời kỳ đầu. Thư thánh Gia-cô-bê được viết khoảng năm 80-90. Theo lời dạy của thánh Tông Đồ, thì khoảng thế kỷ II-III, các giám mục, linh mục đã thực hành việc cầu nguyện, đặt tay và xức dầu cho bệnh nhân. Đây cũng là thời gian bách đạo, cho nên việc thực hành này tùy theo sáng kiến của vị mục tử lãnh đạo giáo đoàn.

Thế kỷ V, giáo hoàng Innocent I (401-417) viết lời nguyện làm phép dầu bệnh nhân: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa, Đấng An Ủi đến”. Lời nguyện này đi liền với Kinh Nguyện Thánh Thể và vẫn được lưu giữ trong sách Nghi Thức Giám Mục Roma đến nay.

Các thế kỷ tiếp theo, trong truyền thống phụng vụ, các giác quan bệnh nhân phải được xức dầu và kèm theo nhiều công thức đọc cùng lúc với việc xức dầu: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm con đã phạm…” và thích nghi với từng giác quan.

Về giáo lý của phép Xức Dầu được trình bày trong văn kiện của Công Đồng Chung: Florentinô (1414 -1418), nhất là Tridentinô (1545 -1563) và Vatican II (1962-1965).

Công Đồng Florentinô giải thích những điểm chính yếu của Bí tích Xức Dầu.

Công Đồng Tridentinô tuyên bố Chúa Giêsu thiết lập Bí tích. Công Đồng giải thích thư Gia-cô-bê và nhấn mạnh đến ơn của Chúa Thánh Thần: việc xức dầu tẩy rửa những tội lỗi nếu còn phải đền trả và tẩy rửa những hậu quả còn lại do tội lỗi, đồng thời nâng đỡ và củng cố linh hồn bệnh nhân, khích lệ bệnh nhân tín nhiệm nhiều vào lòng thương xót của Chúa, nhờ đó bệnh nhân được nâng đỡ, sẽ vui lòng chịu đựng những đau đớn nhọc mệt trong cơn bệnh tật và sẽ dễ dàng chống lại các cơn cám dỗ của ma quỷ “đang rình cắn gót chân” (St 3,15), và có khi sẽ phục hồi sức khỏe thể xác, nếu điều đó giúp ích cho phần rỗi linh hồn[1]. Hơn nữa, Thánh Công đồng còn tuyên bố là lời của thánh Giacôbê đã ấn định khá rõ ràng việc xức dầu này phải cử hành cho bệnh nhân, nhất là cho những bệnh nhân nào đang ở trong tình trạng nguy ngập đến nỗi coi như sắp lìa đời, do đó mới gọi là Bí tích của những người đang hấp hối[2]. Sau cùng, về thừa tác viên chính thức, thì Công đồng tuyên bố phải là linh mục[3].

Công đồng Vaticanô II thêm những điểm sau đây: Phép Xức dầu cuối cùng, đúng hơn có thể gọi là phép Xức dầu bệnh nhân không phải chỉ là Bí tích của những kẻ đang ở trong trường hợp hấp hối mà thôi. Bởi đấy, thời giờ thuận tiện là để lãnh nhận Bí tích ấy, chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu ở trong tình trạng nguy tử vì bệnh tật hay vì già yếu[4]. Những lời lẽ sau đây chứng tỏ việc xử dụng Bí tích này là nỗi lo âu của cả Hội Thánh: “Nhờ việc Xức dầu Thánh cho bệnh nhân và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo hội dâng phó các bệnh nhân cho Chúa chịu đau khổ và vinh hiển, để Ngài nâng đỡ và giải thoát họ (x.Gc 5, 14-16), hơn nữa, Giáo hội còn khuyên họ tự động kết hiệp mình với cuộc tử nạn và sự chết của Chúa Kitô (x. Rm 8,9; Cl 1,24; 2Tm 2, 11-12; 1Pr 4,13), hầu góp phần vào lợi ích của dân Chúa[5].

  1. Người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu

Theo thư thánh Giacôbê thì việc xức dầu phải cử hành cho các bệnh nhân để nâng đỡ và cứu chữa họ. Vậy việc xức dầu thánh này phải cẩn thận lo liệu cử hành cho các tín hữu nào vì bệnh tật hay già nua mà đau yếu nguy kịch. Nhưng còn về việc phán đoán thế nào là đau yếu trầm trọng thì chỉ cần một sự phán đoán khôn ngoan, ngoại trừ tất cả mọi lo lắng khác và nếu cần thì bàn hỏi bác sĩ.

Bí tích này có thể ban lại nếu sau khi lãnh phép xức dầu, bệnh nhân bình phục, hay nếu trong cùng một căn bệnh kéo dài lâu, tình trạng nguy ngập trở nên trầm trọng hơn.

Trước khi giải phẫu, phép Xức dầu thánh có thể ban cho bệnh nhân mỗi khi căn bệnh nguy hiểm là nguyên nhân gây ra việc giải phẫu ấy.

Đối với người già cả khi sức lực đã yếu nhiều, tuy không có bệnh nguy ngập, cũng có thể ban phép Xức dầu thánh cho họ.

Phép Xức dầu thánh cũng có thể ban cho trẻ em đến thời kỳ biết xử dụng trí khôn mà có thể được Bí tích này yên ủi nâng đỡ.

Trong việc dạy giáo lý chung hay trong gia đình, các tín hữu phải được huấn luyện thế nào để chính họ biết tự động xin lãnh phép Xức dầu, và khi thời gian thuận tiện vừa tới để lãnh Bí tích ấy, thì họ lãnh nhận với lòng tin tưởng và sốt sắng đầy đủ, đừng theo vì hiểu sai ý nghĩa của bí tích mà trì hoãn không lãnh Bí tích ấy. Còn tất cả những ai săn sóc bệnh nhân phải hiểu rõ ý nghĩa của bí tích này.

Bí tích này có thể ban cho những bệnh nhân tuy dù đã bất tỉnh hoặc mất trí, miễn là khi họ còn tỉnh, với tư cách là những người có đức tin, có thể họ đã xin chịu phép Xức dầu thánh[6]. Nếu xác nhận bệnh nhân đã chết rồi thì thừa tác viên không được ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân[7].  

Tuy nhiên, Giáo luật điều 1005 dạy: trong trường hợp hồ nghi bệnh nhân đã chết hay chưa thì vẫn phải ban bí tích này, không cần đặt điều kiện. Mặc dù Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, số 15 và số 135 có đề cập đến việc xức dầu với điều kiện (“Nếu con còn sống…”), trong trường hợp hồ nghi không biết bệnh nhân còn sống hay không. Nhưng Sắc lệnh Promulgato Codice của Thánh Bộ về Bí Tích và Phượng Tự ngày 12-09-1983 đã hủy bỏ hình thức xức dầu với điều kiện của Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân.

Tóm lại: Điều 1004 §1 của Bộ Giáo luật quy định: “Có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho tín hữu đã biết sử dụng trí khôn, khi họ bắt đầu ở trong tình trạng hiểm nghèo vì bệnh tật hay vì tuổi già”.

Tuy nhiên, Giáo luật loại trừ hai trường hợp sau đây không được lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân:  – Những người bị vạ tuyệt thông (Điều 1331 §1, 20) và bị vạ cấm chế (Điều 132). – Những người cố chấp sống trong tội trọng công khai (Điều 1007). Trong trường hợp này, cần phải có đầy đủ 3 yếu tố:   + tội trọng chứ không phải là tội nhẹ;        + tội trọng công khai có người biết; + có tính cách cố chấp.

  1. Thừa tác viên của Bí Tích Xức Dầu

Chỉ có linh mục mới là thừa tác viên chính thức Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Các giám mục, các cha sở và các linh mục cộng sự, các linh mục có nhiệm vụ săn sóc bệnh nhân, người già yếu trong các dưỡng đường. Các bề trên dòng tu giáo sĩ cũng có quyền thường xuyên cử hành tác vụ này  .

Các vị này vừa phải nhờ các tu sĩ và giáo dân giúp chuẩn bị bệnh nhân và những người tham dự cho xứng đáng đón nhận Bí tích này, vừa phải ban hành Bí tích này cho bệnh nhân.

Bổn phận Đấng Bản quyền địa phương là phải điều hòa những cuộc cử hành trong đó khi có bệnh nhân xứ đạo hay dưỡng đường tập họp lại để cùng lãnh nhận Bí tích Xức dầu thánh.

Các linh mục khác cử hành Bí tích Xức dầu, nhưng phải báo cho cha sở hay tuyên úy dưỡng đường biết về việc xức dầu đã thực hiện.

Khi có hai hoặc nhiều linh mục hiện diện gần một bệnh nhân, thì có thể một linh mục đọc các lời nguyện và xức dầu cùng với công thức, còn các linh mục khác chia nhau đọc các phần khác trong nghi lễ, như nghi lễ mở đầu, đọc Lời Chúa, đọc các ý nguyện và nói những lời khuyên nhủ. Hơn nữa mỗi linh mục đều có thể đặt tay[8].

Khi được mời đến với bệnh nhân đã chết, linh mục hãy cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho người ấy, đoái thương nhận người ấy vào nước Chúa; nhưng linh mục không làm phép Xức dầu. Còn nếu hồ nghi không biết bệnh nhân đã chết thật chưa, thì có thể ban Bí tích này theo điều Giáo luật 1005 dạy (đã đề cập ở trên).

Việc xức dầu được cử hành bằng cách xức trên trán và trên hai tay bệnh nhân, nên chia công thức ra để đọc phần trước, khi xức trán, còn phần sau đọc khi xức hai tay.

Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần xức dầu một lần trên trán, hoặc vì hoàn cảnh đặc biệt của bệnh nhân, xức dầu chi thể khác thích hợp hơn, đồng thời đọc trọn cả công thức.[9]

  1. Nghi thức cử hành Bí tích Xức Dầu

Vì chiều kích cộng đoàn của bí tích, nên cử hành bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong thánh lễ và nếu hoàn cảnh cho phép, nên cử hành bí tích Sám Hối trước khi ban bí tích Xức Dầu, và tiếp đó là bí tích Thánh Thể.

Mỗi khi ban Bí tích Xức dầu trong thánh lễ, thì linh mục mặc phẩm phục màu trắng và dùng bài lễ cầu cho bệnh nhân. Nhưng nếu trùng Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Chay, Phục Sinh, lễ trọng hoặc thứ tư Lễ Tro hay ngày Tuần Thánh, thì dùng bài lễ của ngày.

Các bài đọc sẽ lấy trong sách bài đọc thánh lễ hoặc lấy trong sách nghi thức xức dầu, trừ khi vì lợi ích của bệnh nhân và người hiện diện thấy nên chọn những bài đọc khác. Nhưng khi không được dùng bài lễ cầu cho bệnh nhân, thì có thể lấy một trong những bài đọc ở các bản văn nói trên, trừ khi gặp tam nhật thánh, lễ Giáng Sinh, Hiển Linh, Thăng Thiên, Hiện Xuống, Mình và Máu Thánh Chúa Kitô hoặc lễ trọng buộc khác.

Diễn tiến của nghi thức Xức Dầu trong Thánh Lễ

Bí tích Xức dầu thánh sẽ cử hành sau Tin Mừng và bài giảng. Nếu xức dầu ngoài thánh lễ, thì sẽ cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa.

  • Kinh cầu
  • Kinh tạ ơn trên dầu, hoặc làm phép dầu (nếu chưa làm phép).
  • Đọc Công Thức và xức dầu bệnh nhân nơi trán và hay tay.
  • Kết thúc bằng lời nguyện phải đọc sau khi xức dầu bệnh nhân.
  • Thánh lễ tiếp tục như thường lệ với nghi lễ chuẩn bị của lễ. Bệnh nhân và những người hiện diện có thể rước lễ dưới hai hình.
  1. Công hiệu của Bí Tích Xức Dầu
    • Ơn căn bản của bí tích này là ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Người sẽ ban bình an và can đảm cho bệnh nhân, giúp họ lướt thắng những khó khăn do bệnh tật hay tuổi già. Ðây là hồng ân của Chúa Thánh Thần giúp người đau yếu tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, cho họ sức mạnh chống lại cám dỗ của ma quỷ, cám dỗ ngã lòng và sợ chết (x. Dt 2,15). Sự trợ giúp của Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần sẽ chữa lành linh hồn bệnh nhân, và nếu Chúa muốn thì thể xác cũng được chữa lành. Ngoài ra,”nếu bệnh nhân đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (x. Gc 5,15; Cđ Tridentinô DS 1717)
    • Nhờ ân sủng bí tích này, bệnh nhân lãnh nhận sức mạnh và hồng ân kết hiệp chặt chẽ hơn với Ðức Ki-tô chịu khổ nạn. Có thể nói, họ được thánh hiến để sinh hoa kết trái nhờ đồng hình đồng dạng với Ðấng Cứu Thế chịu khổ nạn. Ðau khổ, hậu quả của nguyên tội, nhận một ý nghĩa mới : được tham dự vào công trình cứu độ của Ðức Giê-su.
    • Nhờ sẵn sàng kết hiệp với Ðức Ki-tô chịu đau khổ và chịu chết khi lãnh nhận bí tích, các bệnh nhân góp phần mưu ích cho dân Thiên Chúa. Do đó, khi cử hành bí tích này, trong sự hiệp thông của Dân Thánh, Hội Thánh cầu nguyện cho bệnh nhân và bệnh nhân nhờ ân sủng của bí tích, góp phần thánh hóa Hội Thánh và mưu ích cho mọi người : Hội Thánh phải chịu đau khổ và tự hiến cho Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, vì mọi người.
    • Bí tích này hoàn tất mọi việc xức dầu thánh, trong suốt cuộc đời người tín hữu : việc xức dầu trong bí tích Thánh Tẩy tuôn tràn sự sống mới trong chúng ta; việc xức dầu trong bí tích Thêm Sức củng cố sức lực chúng ta để chiến đấu giữa cuộc đời; việc xức dầu lần cuối giúp chúng ta an toàn trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi vào nhà Cha Bí tích Xức Dầu chuẩn bị cho bệnh nhân ra đi lần cuối và “mọi sự đã hoàn tất”.

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

—-

[1] Conc. Trid. Sessio XIV, De Extrema unctione, cap 2: CT, VII, 1, 356; Denz-Schon, 1696.

[2] Ibid, cap 3: CT. Ibid; Denz-Schon, 1698.

[3] Ibid, cap. 3, can. 4: CT, ibid: Denz-Schon. 1697, 1719.

[4] Vat II, Hiến Chế Phụng Vụ, n.73.

[5] Vat II, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, n.11.

[6] Nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân, số 8-14.

[7] Nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân, số 15.

[8] Nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân, số 16-19.

[9] Nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân, số 23.

print

Từ khóa » Giáo án Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân