Bé 5 Tuổi Bỗng Dưng Hay Khóc Nhè - VnExpress Đời Sống

Nhiều khi cháu khóc mà bố mẹ không hiểu nguyên nhân, phải gặng hỏi mãi cháu mới kể. Lý do khóc cũng rất nhỏ nhặt, có lúc chỉ vì không cài được khuy áo nhưng không nói với cô mà chỉ khóc. Tôi rất phân vân không biết xử lý vấn đề này như thế nào. (Thanh Giang)

khoc-jpg-1359187775_500x0.jpg
Ảnh mình họa: Picstopin.com.

Trả lời:

Bé lên 5 tuổi có những thay đổi về thể chất, sinh lý, trí tuệ và tâm lý. Đặc biệt, vấn đề xúc cảm của bé có nhiều biến đổi phức tạp hơn so với các lứa tuổi trước đây.

Trái ngược với những trẻ nhỏ tuổi (2-4 tuổi) hay có xu hướng phản ứng cảm xúc một cách mạnh mẽ ngay lập tức (ví dụ nói con muốn ăn kem là muốn ăn kem ngay lập tức và không được là ăn vạ, khóc lóc ngay), trẻ 5-6 tuổi hành xử theo hướng hoàn toàn khác. Chúng có khả năng trì hoãn cảm xúc tiêu cực hoặc sự giận dữ của mình. Nếu chúng giận dữ thì chúng có xu hướng đạp chân vào cửa hay đá con gấu bông chứ không còn đánh anh chị hoặc đá vào bố mẹ như trẻ nhỏ tuổi nữa. Những trẻ này có thể giấu sự nổi giận và lo lắng khi ở trên lớp, thể hiện ra một cách kín đáo hơn như cằn nhằn, than phiền hoặc khóc với bố mẹ khi về nhà.

Trường hợp con anh chị hay khóc vì những thứ lặt vặt thì anh chị cần tìm hiểu nguyên nhân xem cháu đang lo lắng điều gì. Có nhiều trẻ tuổi này không đủ năng lực ngôn ngữ để nói ra, đặc biệt là khi các cháu vẫn còn đang cảm thấy bị tổn thương. Bên cạnh đó, một số cháu sợ nói ra những điểm yếu của mình (như không biết cài cúc áo) sẽ mất đi sự yêu thương của cha mẹ hoặc thầy cô nên các cháu không nói và tự cảm thấy bất lực không biết dựa vào ai

Cha mẹ nên gần gũi con hơn, tạo thói quen trò chuyện để con cái có thể chia sẻ mọi cảm xúc với cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên tạo một môi trường an toàn và thân thiện khi dạy cho con các kỹ năng mà cháu chưa hình thành được thay vì chỉ trích hoặc phê phán các cháu.

Hãy dành nhiều thời gian hơn nữa tâm sự với bé những chuyện trường lớp, bạn bè. Luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ với bé tất cả mọi chuyện. Ân cần hỏi han khi bé buồn, đừng cười nhạo hay vội khiển trách khi bé làm sai chuyện gì đó, hãy tận tình và kiên nhẫn chỉ cho bé từng tí một. Quan tâm đến những sở thích và mong muốn của bé. Hãy chơi cùng bé những trò chơi, khen khi bé hoàn thành tốt công việc của mình.

Hãy để cho bé biết bạn luôn quan tâm, yêu thương, là chỗ dựa vững chắc cho bé.

Chúc bạn thành công!

Thạc sĩ Trần Thành NamTrung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Từ khóa » Con Gái Hay Khóc Nhè