Bé Gái 4 Tuổi đang Ngủ Bị Rắn Cạp Nia Cắn Tử Vong

Bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ, bé gái 4 tuổi ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tử vong sau 7 ngày chữa trị tại bệnh viện.

Chiều 22/5/2022, bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Phú Yên, cho hay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị bé gái 4 tuổi S.T.N.N. (trú tại xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) bị rắn cạp nia cắn.

Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Phú Yên cho hay bé N. được Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa chuyển đến bệnh viện lúc 2h30 ngày 16/5 với tình trạng lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngưng thở. Bệnh viện tiến hành can thiệp đặt nội khí quản cho bé.

Cung cấp thông tin, cha mẹ bé N. cho biết, vào tối 16/5/2022, khi bé N. đang ngủ trong nhà thì bị một con rắn bò vào cắn. Biết đó là rắn độc, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu ngay và được chuyển lên bệnh viện tỉnh trong đêm.

Qua hình ảnh người nhà nạn nhân cung cấp, bước đầu xác định đây là loại rắn cạp nia, một loại rắn rất độc. Tuy nhiên ở bệnh viện Sản – Nhi và bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên đều không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

“Vì tình trạng bé N. rất nặng nên bệnh viện đã liên hệ với 2 bệnh viện tuyến trên là bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TPHCM), nhưng nhận được phản hồi không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này, vì vậy không chuyển viện cho bé được” – bác sĩ Phạm Văn Minh cho hay.

Cũng theo bác sĩ Minh, sau một tuần điều trị, nhưng tình trạng bệnh bé tiến triển nặng hơn, suy gan, thận, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, tiên lượng tử vong nên gia đình xin đưa cháu N. về nhà.

Thông tin từ người thân của bé N. cho biết, sau khi được đưa từ bệnh viện về nhà, bé N. đã tử vong. Hiện gia đình đang thực hiện các thủ tục an táng cho cháu.

Được biết, gia đình cháu N. là đồng bào dân tộc thiểu số nên thường ngủ, sinh hoạt trên các nhà sàn cách mặt đất khá cao.

“Nhà cháu là nhà sàn, mái tôn, sàn gỗ cũng được lắp rất kỹ càng. Nhưng không hiểu vì sao rắn cạp nia có thể chui vào chỗ ngủ và cắn cháu” – người thân cháu N. nói.

hinh anh ran cap nia
Hình ảnh rắn cạp nia

Rắn cạp nia có đầu nhỏ, người tròn, trên thân có các khoang màu đen, trắng xen kẽ. Chúng có tiết diện ngang hình tam giác, đoạn từ hông xuống đuôi dẹp dần thành điểm nhọn. Hai loài được ghi nhận là cạp nia miền Bắc và cạp nia miền Nam. Ngoài ra, các loài cạp nia sông Hồng, đầu vàng khá phổ biến.

Khi người bị rắn cạp nia cắn, nọc độc của rắn tác động lên hệ thần kinh, làm tê liệt tứ chi, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.

“Đây là thời điểm chuyển mùa nên các loài rắn, trong đó rắn độc thường hay bò vào nhà. Người dân cần kiểm tra kỹ nhà cửa, bít các lỗ hổng để ngăn rắn, rết. Vì có một số loại rắn độc không có huyết thanh kháng nọc nên tỉ lệ tử vong khi bị loài rắn này cắn là rất cao” – Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Phú Yên khuyến cáo.

Nguồn: Báo Dân trí

2/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Hình ảnh Rắn Cạp Nia