Bè Phái Ni Cô La Trong Sách Khải Huyền Là Ai
Có thể bạn quan tâm
Bè Ni-cô-lalà một nhóm người bí ẩn được nhắc tới trongSách Khải Huyềnnhư là những kẻ giảng dạy các giáo lý sai lạc cho các Ki-tô hữu trong thời kỳ đầu của Giáo Hội. Với nhiều người chúng ta, tên gọi này chắc chắn hoàn toàn xa lạ và khó hiểu. Vậy họ thực chất là ai, giáo lý của họ là gì? Hãy cùng chúng tôi làm sáng tỏ trong bài viết này.
Sách Khải Huyền nói gì về bè Ni-cô-la?
Sách Khải Huyền nhắc đến bè Ni-cô-la lần đầu tiên trong thông điệp gửi đến Hội Thánh Ê-phê-xô:
Nhưng ngươi được điều này: ngươi ghét các việc của bè Ni-cô-la, như chính Ta cũng ghét.(Kh 2,6)
Thông điệp này rõ ràng không cho chúng ta đủ cơ sở để tìm hiểu về họ. Chúng ta chỉ có thể hình dung rằng họ là một nhóm người nào đó làm những việc bị người Ê-phê-xô ghét bỏ như chính Thiên Chúa cũng ghét bỏ. Tuy nhiên, tham chiếu thứ hai sau đó, trong thông điệp gửi đến Hội Thánh Péc-ga-mô, chúng ta biết được nhiều thông tin hơn:
Nhưng Ta có ít điều trách ngươi: ở đó ngươi có những kẻ nắm giữ đạo lý của Bi-lơ-am. Ông này đã dạy Ba-lác gây cớ vấp ngã cho con cái Ít-ra-en, khiến chúng ăn đồ cúng và làm chuyện gian dâm. Cả ngươi nữa, ngươi cũng có những kẻ nắm giữ đạo lý bè Ni-cô-la.(Kh 2,14-15)
Ở đây, những lời dạy của bè Ni-cô-la được liên kết với đạo lý của Bi-lơ-am. Thậm chí có thể có một cách chơi chữ ở đây nữa: Tên Ni-cô-la theo tiếng Hy-lạp có nghĩa là “kẻ chinh phục quần chúng” và tên Bi-lơ-am theo tiếng Do-thái có nghĩa là “anh ta chinh phục / hủy diệt dân chúng” (mặc dù nó cũng có thể được hiểu theo những nghĩa khác).
Đạo lý của Bi-lơ-am
Chúng ta bắt gặp nhân vật Bi-lơ-am trongSách Dân Số, chương 22-24, nơi ông ta được giới thiệu làcon của Bơ-o, ở Pơ-tho, gần sông Cả, trong đất của con cái Am-mon(Ds 22,5). Bi-lơ-am là người có thể tuyên sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, vì thế, vua đất Mô-áp là Ba-lác, con vua Xíp-po đã sai người đến mời và thuê ông ta nguyền rủa dân Ít-ra-en khi thấy họ đang tiến vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Bi-lơ-am đã không làm như vậy hay đúng hơn, Thiên Chúa đã ngăn không cho ông ta thực hiện điều đó.
Nếu chỉ đọc đến chương 24, ta thấy Bi-lơ-am hoàn toàn có thể trở thành một người tốt hay thậm chí một ngôn sứ vì đã không nói nghịch lại những gì Thiên Chúa phán dù rằng có lúc ông ta cũng toan tính những điều xấu xa vì tham lam của cải. Tuy nhiên, sang đến chương 31, ông ta đã bị quân Ít-ra-en tiêu diệt và ông Mô-sê đã lên án hành động của ông ta cũng như các phụ nữ Ma-đi-an như sau:
Chính bọn chúng đã nghe lời Bi-lơ-am, mà lôi cuốn con cái Ít-ra-en phạm tội bất trung với ĐỨC CHÚA trong vụ Pơ-o, nên tai họa đã giáng xuống cộng đồng của ĐỨC CHÚA.(Ds 31,16;Gs 13,22)
Vậy các phụ nữ Ma-đi-an đã làm gì để lôi cuốn con cái Ít-ra-en phạm tội? Câu trả lời nằm ở chương 25:
Khi trú ngụ tại Sít-tim, dân Ít-ra-en bắt đầu dâm đãng với gái Mô-áp. Bọn này rủ rê dân thờ cúng các thần của chúng; dân đã ăn uống và thờ lạy các thần của chúng. Ít-ra-en bán mình cho Ba-an Pơ-o và ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với họ.(Ds 25,1-3)
Để biết rõ hơn Bi-lơ-am dính líu như thế nào tới vụ này, chúng ta phải dựa vào một tác phẩm ngoài Kinh Thánh là cuốnCổ vật của người Do-tháido sử gia Josephus (37-100) biên soạn. Cuốn sách có ghi chép lại rằng sau khi không thể nguyền rủa con cái Ít-ra-en, Bi-lơ-am đã xúi giục vua Ba-lác như sau:
Do đó, hãy chọn những đứa xinh đẹp nhất trong số con gái ngài, những đứa có thể cuốn hút và chinh phục bất kỳ ai ngắm nhìn chúng. Hãy trang điểm và tỉa tót cho chúng thật kỹ càng.
Sau đó, gửi chúng đến gần trại của người Ít-ra-en và giao cho chúng một nhiệm vụ là khi các con trai người Ít-ra-en muốn ăn ở với chúng thì hãy chiều lòng họ; khi họ đã say mê chúng thì hãy xúi họ trốn đi; và nếu họ nài nỉ chúng ở lại thì đừng chiều theo cho đến khi họ đồng ý chối bỏ lề luật và việc phụng thờ Thiên Chúa để thờ các thần của người Ma-đi-an và Mô-áp; như vậy, ĐỨC CHÚA sẽ nổi cơn thịnh nộ với họ. (4,6,6)
Như vậy, Bi-lơ-am đã xúi giục vua Ba-lác dùng các phụ nữ dâm đãng mà làm cho Ít-ra-en sa ngã. Nói các khác, đạo lý của ông ta gắn liền với việc lôi cuốn người khác phạm tội gian dâm và thờ ngẫu tượng, cụ thể hơn là việc ăn của cúng cho các ngẫu tượng ấy. Đạo lý của bè Ni-cô-la, vì thế, cũng tương cận như vậy.
Xác định bè Ni-cô-la và nhân vật Ni-cô-la
Vào thời kỳ đầu của lịch sử Giáo Hội, mặc dù các tín hữu gốc dân ngoại đã đón nhận ánh sáng đức tin nhưng nhiều người trong số họ vẫn bị ảnh hưởng bởi lối sống cũ với hành vi ô uế (dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian,…), đặc biệt là các tín hữu theo văn hóa Hy-lạp và Rô-ma. Điều này dẫn tới hệ quả là một bộ phận tín hữu gốc dân ngoại có đức tin yếu đuối và hiểu biết không đầy đủ về các vấn đề liên quan tới đức tin và thực hành. Trong số này nổi lên một thành phần sống buông thả và vô luân. Họ đưa ra các giáo lý sai lệch, bóp méo lời dạy của các tông đồ và tự do thực hiện các hành vi sai trái, họ kết thành một bè lạc giáo với cái tên là bè Ni-cô-la.
Trong khi đó, một số tín hữu gốc Do-thái tỏ ra bất mãn và muốn áp đặt luật pháp Mô-sê cho những người dân ngoại theo đạo. Đã có những người từ miền Giu-đê đến dạy các tín hữu dân ngoại rằng:“Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.”(Cv 15,1).
Để giải quyết các vấn đề cấp thiết của Hội Thánh thời ấy, đặc biệt là để giữ tình hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu gốc Do-thái và Ki-tô hữu gốc dân ngoại, các tông đồ đã tổ chức Công đồng Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 50 SCN. Kết thúc Công đồng, các ngài đã nhất chí đưa ra chỉ thị và viết thư gửi cho các tín hữu dân ngoại với nội dung:
“Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: làkiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”(Cv 15,28-29)
Các quy định này sau đó đã có hiệu lực và được áp dụng vào thực hành trong đời sống đức tin của các tín hữu dân ngoại.
Vậy một câu hỏi được đặt ra là bè Ni-cô-la đã dựa vào điều gì để biện minh cho giáo lý của mình và tiếp tục phạm tội? Nhân vật Ni-cô-la rốt cuộc là ai? Dựa theo cuốnLịch sử Giáo Hội của học giả Êu-sê-bi-ô thành Xê-da-rê (260/265-339/340), chúng ta có được câu trả lời như sau:
1. Vào thời kỳ này, cái gọi là bè Ni-cô-la đã xuất hiện và tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Nhóm này được đề cập tới trong Sách Khải Huyền của Tồng Đồ Gio-an. Họ khoe rằng người lập nên giáo phái của họ là Ni-cô-la, một trong các phó tế, cùng với ông Tê-pha-nô, được các tông đồ bổ nhiệm phụ trách việc phân phát lương thực cho người nghèo. Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a, trong cuốn Stromata tập ba đã viết những điều sau liên quan đến vị phó tế này.
2. “Họ nói rằng Ni-cô-la có một người vợ xinh đẹp và sau khi Chúa Giê-su lên Trời, bị các tông đồ cáo buộc đã ghen tuông vô cớ, ông đã dẫn vợ mình vào giữa họ và cho phép bất kỳ ai cũng có thể lấy cô ta. Họ viện vào những gì Ni-cô-la nói để cho rằng con người ta phải lạm dụng xác thịt. Những người theo lạc giáo này đã bắt chước một cách mù quáng và dại dột như những gì họ đã nói và làm, họ phạm tội mà không hề xấu hổ.” (LsGH 3 29,1-2)
Phó tế Ni-cô-la có phải là người khởi xướng lạc giáo?
Dựa theo những gì học giả Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a (150-215) đề cập bên trên, chúng ta xác định được nhân vật Ni-cô-la, ông là một trong bảy phó tế được giao nhiệm vụ phân phát lương thực cho người nghèo. TrongCv 6,5, ông được giới thiệu làmột người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Vậy liệu có phải sau đó phó tế này đã sa ngã và khởi xướng một bè lạc giáo không? Đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Trong số các quan điểm chống lại ông có Thánh I-rê-nê Giám mục Lyon (130-202). Trong cuốnChống lạc giáo, ngài viết:
Bè Ni-cô-la là những người theo Ni-cô-la, một trong bảy người đầu tiên được phong chức phó tế bởi các tông đồ. Họ sống một cuộc sống buông thả vô độ. Lối sống của những người này được chỉ ra rất rõ ràng trong Sách Khải Huyền của Tồng Đồ Gio-an, [khi họ được mô tả] là những người thờ ơ và thản nhiên thực hiện các hành vi gian dâm và ăn của cúng cho ngẫu tượng. (Chống lạc giáo 1 26,3)
Để xác định xem điều gì đã thực sự xảy ra với Ni-cô-la, chúng ta không có hiểu biết đầy đủ về cuộc sống sau này của ông. Có lẽ giống như Thánh Phi-líp-phê Nhà truyền giáo (Cv 6,5), ông sống ở nhiều nơi khác nhau sau khi Thánh Tê-pha-nô tử đạo (Cv 8,1). Có thể ông đã ở thành phố An-ti-ô-khi-a quê nhà. Nếu nó là An-ti-ô-khi-a xứ Xy-ri thì khá gần với vùng Tiểu Á, nơi các Hội Thánh được nêu tên trong Sách Khải Huyền. Còn nếu đó là An-ti-ô-khi-a ở Pi-xi-đi-a thì nó thực sự nằm trong vùng Tiểu Á. Ông cũng từng là một người ngoại chuyển sang Do-thái giáo rồi mới trở thành Ki-tô hữu. Vì thế, có những giả thuyết về đức tin không ổn định của ông.
Tuy nhiên, có một quan điểm khác nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn. Theo đó, có thể Ni-cô-la hoàn toàn không có ý đưa ra các tư tưởng lạc giáo nhưng có những người đã hiểu sai hoặc thậm chí theo một cách cố tình, họ sử dụng chức vụ phó tế và bóp méo lời nói của ông làm cơ sở để biện minh cho các hành vi sai trái. Chính Thánh Phao-lô khi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại cũng gặp hoàn cảnh tương tự như vậy. Một số kẻ đã xuyên tạc và sử dụng các lời dạy của ngài trong vấn đề ăn thịt cúng (1 Cr 8-10;Rm 14); tội lỗi và ân sủng (Rm 5,20) để ngụy biện cho các hành vi tương tự bè Ni-cô-la. Ngài đã thẳng thừng bác bỏ các quan điểm này và lên án họ (Rm 3,8; 6,1-2).
Học giả Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a khi viết về bè Ni-cô-la cũng đưa ra thêm một số thông tin và nhận định của riêng mình:
3. “Nhưng tôi biết rõ rằng Ni-cô-la không ăn ở với người phụ nữ nào khác ngoài vợ mình, và trong số con cái của ông, các cô con gái sống đồng trinh trọn đời và người con trai còn lại cũng không hề hư hỏng. Như vậy, có thể hiểu rằng khi Ni-cô-la đưa vợ mình, người mà ông yêu tới phát ghen vào giữa các tông đồ, ông có ý nói rằng mình đã từ bỏ đam mê xác thịt; với việc sử dụng cách diễn tả ấy, ông muốn khắc sâu ý chí phải kiềm chế bản thân khi đối diện với các thú vui mà mình háo hức theo đuổi. Vì thế tôi cho rằng, theo mệnh lệnh của Đấng Cứu Rỗi, ông không muốn làm tôi hai chủ, niềm vui xác thịt và Chúa.”
4. “Người ta nói rằng Mát-thi-a cũng giảng dạy theo cách tương tự, rằng chúng ta phải chiến đấu chống lại đam mê xác thịt và không được nhường bước nó, nhưng phải củng cố tâm hồn bằng đức tin và sự hiểu biết. Có rất nhiều người sau đó đã cố gắng làm sai lệch sự thật này, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các tư tưởng ấy đã hoàn toàn bị loại bỏ” (LsGH 3 29,3-4)
Như vậy, theo quan điểm của Cơ-lê-men-tê và dữ kiện ông cung cấp, phó tế Ni-cô-la không những không thực hiện các hành vi xác thịt sai trái hay khuyến khích người khác thực hiện nó mà ông đã hành động hoàn toàn ngược lại. Nói cách khác, những người thuộc bè Ni-cô-la đã chiếm đoạt và bôi nhọ tên tuổi của Ni-cô-la bằng cách tuyên bố rằng ông là người sáng lập giáo phái của họ.
Kết luận
Bất kể nguồn gốc của bè Ni-cô-la là gì, có thể nói họ là một nhóm những kẻ lạc giáo có thái độ buông thả và phóng túng trong các vấn đề tình dục và các thực hành ngoại giáo, chẳng hạn ăn của cúng cho ngẫu tượng.
Họ tuyên bố rằng phó tế Ni-cô-la là người sáng lập ra giáo phái, điều này gây nhiều tranh cãi, bắt nguồn từ việc ghen tuông và cách xử sự sau đó của vị phó tế này. Theo học giả Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a, phó tế Ni-cô-la đã không khởi xướng một tư tưởng lạc giáo và danh xưng Ni-cô-la là do nhóm này hiểu sai và ngộ nhận.
Theo học giả Êu-sê-bi-ô thành Xê-da-rê, họ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn và rõ ràng không phải một bè lạc giáo lâu dài.
Cuối cùng, nơi hoạt động của nhóm này là vùng Tiểu Á, cụ thể là ở Ê-phê-xô và Péc-ga-mô.
Nguồn: sưu tầm.
Từ khóa » Ni Cô La Gi
-
Từ điển Tiếng Việt "ni Cô" - Là Gì?
-
Hòa Thượng, Ni Cô, Cư Sĩ Là Gì? - .vn
-
Ni Cô Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Ni-cô-la, Đảng
-
Ni-cô-la, Đảng
-
'ni Cô' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Ni Cô
-
Am Ni Cô Là Gì - Xây Nhà
-
Ni Cô Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Từ điển Tiếng Việt - Từ Ni Cô Là Gì
-
Hỏi & Đáp: Giáo Lý Của Ni-cô-la Và Giáo Lý Của Ba-la-am
-
Vài Nét Về Cách Xưng Hô Trong đạo Phật | Sở Nội Vụ Nam Định
-
BÀI VIẾT - Hòa Thượng, Ni Cô, Cư Sĩ Là Gì - ÂN PHẬT
-
Hòa Thượng, Ni Cô, Cư Sĩ Là Gì? - Phật Giáo Việt Nam