Bến Kéo (Tiếp Theo Và Hết) - Báo Tây Ninh Online

Mỗi chiều thứ năm, chủ xe cho tập trung xe bò lại cửa đồn (ngày nay là Trường trung học Tây Ninh)…”. Chính xác hơn thì đấy là trường Nam trung học, nay là Trường THCS Trần Hưng Đạo. Thời Pháp thuộc, ở ngã tư giao lộ này còn có một đồn binh- như một đồn tiền tiêu ở cửa ngõ tỉnh lỵ. Còn chưa rõ vì sao ông lại lấy cái mốc là trước năm 1925. Vì từ năm 1916, người Pháp hoàn thành con đường nay là quốc lộ 22B nối Gò Dầu với tỉnh lỵ Tây Ninh.

Bến Kéo xưa

Có đường bộ, có xe hơi thì vai trò cảng sông của Bến Kéo sẽ đương nhiên giảm sút. Mặc dù vậy, tính đến năm 1916, cũng đã có hơn nửa thế kỷ Bến Kéo giữ vai trò cảng sông quan trọng nhất Tây Ninh. Đến nay, sau hơn 150 năm, dấu tích cảng vẫn còn. Và có thể đấy là mẩu di tích cuối cùng của cảng sông Bến Kéo. Từ quốc lộ 22B, ngay bên cạnh cổng đình Long Thành nay vẫn còn một con đường xuống bến sông, nơi có khu kho cảng Đặng Huỳnh.

Chỉ hơn 300m từ cổng đình là thấy ngay một cầu cảng cũ nhoài ra phía dòng sông. Cầu cảng nhỏ, chỉ như một cái sân bê tông rộng khoảng 100m2. Chiều hay sớm, lúc nào cũng thấy vài cần thủ buông cần câu cá. Dân Bến Kéo, ai cũng bảo đấy là dấu tích duy nhất còn lại của bến cảng xưa. Dù mặt sàn bê tông đã tróc lở, lòi cả cốt liệu bê tông và sắt nhưng có vẻ vẫn còn kiên cố do bê tông sàn dày tới hơn nửa mét, đúc toàn bằng bê tông sỏi (sạn).

Thép lòi ra, dù đã hoen gỉ nhưng có đoạn vẫn còn bằng cổ tay người lớn. Cấu trúc bê tông kiểu này từng thấy ở cầu Quan cũ. Cũng là bê tông sạn, dù đã hết niên hạn sử dụng mà khi đập bỏ đi để xây lại cầu mới, chúng vẫn cứ trơ lỳ dưới đủ loại công cụ đục đào, khoan phá hiện đại của thời nay. Cầu Quan được xây năm 1924, được coi là công trình đầu tiên ở thị xã Tây Ninh (nay là thành phố) sử dụng kết cấu bê tông cốt thép.

Những công trình trước đó, như Toà án (ở công viên 30.4 nay đã dỡ bỏ đi), Khám đường hoặc vài toà nhà cổ trong Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều cấu trúc cổ hơn là xây vòm vỉa gạch trên đà thép. Vậy có thể suy ra, cầu cảng này cũng chỉ được làm trong thập niên 1920. Còn trước đó cảng sông Bến Kéo vẫn chỉ là dựa vào địa thế tự nhiên mà có.

Trong gần ba chục tấm ảnh Tây Ninh xưa lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có đến 3 bức chụp Bến Kéo. Hai bức trong đó được ghi chú chụp năm 1900. Bức còn lại ghi: làng Bến Kéo Tây Ninh 1920. Hơn một thế kỷ qua, vật đổi sao dời nhưng vẫn có thể nhận ra chính là khu kho cảng Đặng Huỳnh ngày nay, nhưng chỉ là một khoảng sân đất bằng phẳng. Phía trước là một con tàu mới buông neo và một chiếc xuồng con cặp sát bến sông.

Trên bờ là xơ xác mấy ngọn dừa và tre pheo phơ phất. Xa xa chính là một xẻo nhỏ chạy sâu vào trong đất. Chính là nơi có xóm chài hiện nay mấy chục nóc nhà tôn. Ở hai bức ảnh đề chụp năm 1900, ta thấy một làng quê Bến Kéo rõ rệt hơn, nhờ những mái tranh thấp bên bờ cây xơ xác. Một con thuyền có mui cắm sào bên cạnh một túp lều nhỏ mà xinh xắn. Lạ thay, nhà thì lụp xụp mà có cả hàng rào gỗ ván đóng viền quanh.

Nhà lớn lợp tranh, còn mái lều nhỏ lại được lợp bằng ngói ống. Phải chăng đấy là một miễu thờ? Thú vị nữa là cũng ở vị trí này, tại một góc nhìn khác ta lại có ảnh hai con tàu chất đầy củi trên mui. Chếch về phía xẻo nhỏ, còn có một con tàu chìm lập lờ mặt nước và một cây cầu tre lắt lẻo từ bờ (bến) đi ra phía tàu chìm. Rất nhiều thân cây dừa ngả nghiêng trên bến…Những tấm ảnh này cho thấy một làng quê Bến Kéo, dù còn mộc mạc hoang sơ nhưng rất đỗi thân tình.

Bây giờ, ta sẽ cùng tìm hiểu vì sao Bến Kéo lại được chọn là một “giang cảng” đầu tiên. Trước hết là do địa thế. Quả nhiên, sông Vàm Cỏ Đông từ thượng nguồn đổ về theo hướng chung gần với Đông Nam. Khi đến đất Thanh Điền bỗng lượn mấy vòng ôm từ Tây sang Đông. Qua Vàm rạch Tây Ninh lại ngoặt lên phía Bắc như một “cua tay áo”. Chính là cái chỗ như khuỷu tay ấy thành ra khúc sông qua Bến Kéo- như một vịnh sông rủ tàu thuyền đến đậu.

Nơi sông lõm vào nhất, người xưa xem phong thuỷ gọi là vùng tụ thuỷ thường được chọn làm nơi mở chợ hoặc lập đình. Vậy mới thành Bến Đình của Long Thành, nay thuộc xã Long Thành Nam. Dưới có bến sông, trên có đình làng. Và đối diện với cổng đình, bên kia quốc lộ 22B là chợ Long Yên luôn tấp nập đông vui đã hàng thế kỷ. Sau khi chiếm đóng, người Pháp cũng nhận ra địa thế quan trọng này.

Vậy nên, vào năm 1902, quan đầu tỉnh Seville cho đào con kênh nối rạch Tây Ninh vào vùng sông tụ thuỷ để tiện cho tàu thuyền của quân Pháp chạy thẳng từ Bến Kéo vào rạch Tây Ninh. Theo Huỳnh Minh, còn kênh này dài 4.500 mét. Chính là con kênh chạy ngang qua phía sau Gò Kén, bắc vào rạch Tây Ninh tạo nên một hình nhọn như mũi tàu. Người dân sống quanh vùng vẫn gọi đầu mũi cù lao là gò Nhọn. Cái tên rạch Seville cũng đã bị quên đi. Người nay quen gọi là kênh lò gạch mà thôi.

Vùng tụ thuỷ thì cá nhiều. Vậy mới hình thành xóm chài Bến Kéo. Xóm chài tiếng là ở tạm sau năm 1954, ai đã khá giả thì lên bờ. Nhưng cái tạm ấy nay đã có vẻ là một chốn định cư. Vào các mùa lũ lớn như lũ tháng 10.2016, con đường hẻm qua xóm cũng thành con kênh, người phải lội hoặc đi xuồng. Bù lại là cá sông đánh bắt được khá nhiều, eo sèo tiếng người mua bán chở về các chợ.

Tụ thuỷ nên ngày nay Bến Kéo còn tụ cả lục bình. Là một khúc eo, nên nhiều khi lục bình dồn tụ về đặc kín cả mặt sông. Dân Bến Kéo chỉ còn mong Nhà nước hỗ trợ cách nào để giảm bớt lục bình, để bà con qua lại đôi bờ làm ăn thuận lợi, hoặc chài lưới trên sông. Đã có nhiều dự án, nhưng trên thực tế thì còn chưa hiệu quả ở khúc sông qua Bến Kéo.

Đã 175 năm, kể từ khi cụ Trần Văn Thiện và các cộng sự đệ đơn lập làng mới Long Thành (1844), nhiều trung tâm dân cư, tôn giáo đã được mở mang trên địa bàn 3 xã ngày nay, xưa là đất Long Thành. Nhưng, Bến Kéo vẫn giữ nguyên được một không gian văn hoá làng xưa. Với đình, miếu, chợ, bến sông. Nếu kết hợp với chùa Gò Kén, cách đấy hơn 3km đường sông là đầy đủ một thiết chế làng xưa đặc sắc. Không gian văn hoá này cần được bảo tồn, dù nó luôn tồn tại suốt gần hai thế kỷ vừa qua.

TRẦN VŨ

Từ khóa » Cảng Bến Kéo Tây Ninh