Bến Phà Gianh Một Thời Lửa đạn Anh Hùng

Lời Ban biên tập: Bến phà Gianh đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quóc gia, nơi đây không chỉ là khu di tích lịch sử thời đánh Mỹ mà còn là nơi mang dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam, do vậy việc giữ lại đất của khu vực này để mai sau khi có điều kiện sẽ xây dựng tại đây một khu di tích xứng tầm là vô cùng quan trọng. Cám ơn anh Đặng Văn Quang đã cho chúng ta nhìn lại một giai đoạn hào hùng của quê hương trong quá khứ để chúng ta cùng quyết tâm hơn, đoàn kết hơn, phát huy tổng hợp các nguồn lực xây dựng quê hương Hạ Trạch ngày càng giàu đẹp

Ban biên tập

Bến Phà Gianh một thời lửa đạn anh hùng

Dọc theo chặng đường khúc ruột miền trung trên đất lửa Quảng bình, ai đã từng vào Nam ra bắc thờì đánh Mỹ không thể nào quên Bến phà sông Gianh, một trọng điểm đánh phá ác liệt trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Quê hương tôi, Hạ trạch, Bố trạch mảnh đất phía Nam bến phà chứng kiến sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh nhưng cũng đầy ắp những chiến công oai hùng của quân và dân ta trong thời kỳ đánh Mỹ.

1. Sự hình thành

Năm 1960, để đáp ứng yêu cầu cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Giao thông Vận tải quyết định xây bến phà Gianh mới, từ bến phà trước đây, chuyển lên phía thượng lưu, cách xa bến phà cũ 5 km, bờ bắc thuộc xã Quảng Thuận, Quảng Trạch, bờ nam thuộc xã Hạ Trạch, Bố trạch, với qui mô lớn hơn nhiều so với bến phà cũ . Đây là vị trí sông hẹp nhất cách xa cửa Gianh 7 km. Bến phà mới có tên là bến phà Gianh (hay là bến phà lI) bến phà cũ trước đây thuộc địa phận 2 xã Thanh trạch Bố trạch và xã Quảng Phúc Quảng trạch mặc nhiên được gọi là bến phà I.

Bến phà Gianh xưa

Thất bại trong “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở Quảng Bình, máy bay Mỹ đánh vào cửa Roòn, cửa Gianh. Bộ đội phòng không, hải quân và dân quân tự vệ, các đơn vị và nhân dân trong vùng đã kịp thời tổ chức lực lượng phối hợp chặt chẽ hiệp đồng tác chiến đánh trả địch quyết liệt.

Bom đạn kẻ thù làm nền cho quyết tâm của quân và dân Quảng Bình

Giữ vững mạch máu giao thông tất cả cho tiền tuyến là yêu cầu cao nhất, là mệnh lệnh trái tim. Các lực lượng tác chiến ở phà Gianh thực hiện vượt sông, theo các tình huống khác nhau được chuẩn bị sẵn sàng và đều có phương án “4 trước”: Đề án thiết kế trước; vật liệu thi công chuẩn bị sẵn trước; bố trí lực lượng thi công trước và phân công người chỉ huy trước. Nhờ vậy, bến phà Gianh tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, chi viện kịp thời cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở chiến trường miền Nam. Khẩu hiệu “Đầu đội bom, chân bám phà, tay lái, tay súng, miệng hát bài ca chiến thắng” đã trở thành hành động cách mạng trong mỗi cán bộ chiến sĩ các lực lượng tác chiến trên bến phà Gianh.

2. Đọ sức, chiến công và …mất mát hy sinh.

Bến phà Gianh là một cuộc đọ sức, thi gan giữa trí tuệ, sức người với sự tàn khốc của bom đạn, mỗi chuyền phà là một chiến công. Ban ngày không xe pháo nào có thể vượt sông, việc tổ chức vượt sông chỉ có thể thực hiện vào ban đêm. Ban ngày, phà ca nô phải dấu cách xa nơi bến phà đó là Minh Lệ, Cồn sác, Thuận bài...để đưa phà về bến hoạt động phải mất thời gian khá lâu. Chiến sỹ phà Gianh có sáng kiến “phà dìm” bằng cách cho nước vào các khoang ở phía ngoài thân phà, các khoang còn lại giữ nguyên, tính toán làm sao phà ở trạng thái lơ lửng trong nước không nổi, không chìm, đêm xuống chỉ việc hút nước nâng phà lên hoạt động. Ca nô cũng vậy, trong số xác Ca nô hỏng quanh bến phà, dấu ca nô hoạt động được bên cạnh mục tiêu chết đó là đánh lừa được máy bay Mỹ.

Hố bom thời chiến tranh minh chứng cho một thời đạn bom khói lửa trên quê hương Hạ Trạch

Cứ sau mỗi đợt pháo sáng là thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm được rải xuống đặc cả khúc sông. Một đội quân cảm tử dùng Ca nô chạy hết tốc lực kích bom, thủy lôi nổ, ca nô chạy trước, bom nổ phía sau những cột nước vọt lên cao ngất trời như một trò chơi ú tim, quái ác, chết người.

Tôi còn nhớ, ở nhà tôi có 5 chú bộ đội thuộc đội quân cảm tử rà bom đó. Trước khi pháo sáng tắt, tiểu đội các chú lại lên đường, khi đi, họ làm lễ truy điệu sống, hát Quốc ca, thề hy sinh vì tổ quốc…Rồi một đêm các chú ra đi khi trở về chỉ còn lại 3 chú. Mẹ tôi hỏi: Hai chú tê mô rồi ? Một chú trả lời : Hy sinh rồi mẹ ạ. Rứa chừ 2 chú đó nằm mô? Ở kho Hợp tác xã. Mạ tui lần mò đến kho HTX (Kho đội 7, thuộc thôn 6 bây giờ) để vĩnh biệt 2 chú. Mạ tui kể: 2 chú chết tội lắm, không có hòm vì người chết nhiêu mà ván thì không có, chỉ có những thanh tre bó lại, dân quân xã đưa các chú an nghỉ ngàn thu vào lòng đất mẹ quê tôi…

Con đường từ phà đến ngã ba Bắc – Hạ đi ngầm dưới Hói hạ bởi bom đạn đã băm nát đoạn đường này, không có đất đá nào đắp kịp. Trong thực tiễn cái khó ló cái khôn, duy trì đoạn đường ngầm này máy bay Mỹ không nhìn thấy được chính xác vị trí con đường nên mất mục tiêu oanh tạc. Một tổ dân quân xã Hạ trạch có nhiệm vụ canh chừng cống Hói hạ, thủy triều lên lấy nước vào để dìm con đường xuống hói, đêm xuống, nước ròng mở cống, tháo nước để lộ đường xe qua. Tuy vậy, quy luật thủy triều không chiều theo ý muốn của con người, có những đêm nước không ròng nên đường vẫn ngập trong nước, Thanh niên xung phong, dân quân xã phải làm những cọc tiêu sống dưới mưa bom bão đạn để dẫn đường xe qua.

Thời còn đi học đại học ở Hà nội, trong một chuyến nhảy tàu trốn vé, tôi có gặp một đoàn thương binh đi buôn dép tông, áo mút Lào từ Đông hà ra Hà nội ở trên tàu, thật tình cờ may mắn tôi gặp chị Nguyễn Thị Yêm ở trại thương binh Đông hà. Qua câu chuyện, được biết chị là một trong những cọc tiêu sống trên đoạn đường ngầm Hói hạ đó. Chị kể rằng, chị là TNXP quê chị ở xã Xuân ninh Quảng ninh, Quảng bình, trong một đêm làm cọc tiêu sống, chị bị máy bay Mỹ đánh thẳng vào đội hình của đơn vị, người chết xe cháy, khói lửa ngập trời chị ngã xuống trong đội hình của đơn vị. Khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang nằm trong nhà Mệ Đợt, ông Cừ ở xóm 13 Hạ trạch, sau chị mới biết đêm đó nhờ sự ứng cứu kịp thời của dân quân xã Hạ trạch, chị và đồng đội chị mới thoát được những trận bom tiếp theo. Chị bị thương ở cột sống nên nằm bất động tại chỗ, được ông mệ, anh chị em trong nhà chăm sóc chu đáo. Sau hơn một tháng qua cơn hiểm nghèo mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Chị xúc động nói : Chị ơn ông mệ Đợt, ơn quê em nhiều lắm, có sự đùm bọc chở che đó mà chị mới sống được đến ngày hôm nay. Những lần nghỉ hè, nghỉ tết sau đó gặp chị trên những chuyến tàu, lần gặp nào, chị cũng cho quà, mua bánh, mua phở cho ăn…Tôi hiểu rằng như một sự tri ân đối với người dân quê tôi.

Để yểm trợ cho bến phà, có một trận địa pháo cao xạ đóng ở cuối làng Hạ trạch (Thôn 7 bây giờ). Trận địa pháo là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ 24/24 giờ. Máy bay bổ nhào ném bom, đạn pháo bắn lên, một cuộc thi gan đối đầu trực diện, buộc máy bay Mỹ phải ném vội bom để thoát lưới lửa đạn pháo, và như vậy bom lại rơi sai mục tiêu, bom đạn cứ thế trút vào làng quê tôi.

Có những đêm trận địa pháo bị bom dập, pháo sáng, lửa cháy rực trời, các O, các chú dân quân làng tôi nhanh chóng tiếp thương, tải đạn, ứng cứu, băng bó cho thương binh, chôn cất người chết. Và rồi, đơn vị trước ngã xuống, đơn vị sau lại đến, không một phút ngơi nghỉ để yểm trợ, bảo vệ bến phà Gianh.

Đường làng hiện nay của Hạ trạch đang cần lắm sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương

Trong một chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm xây dựng Nông thôn mới ở xã Tùng ảnh , Đức thọ, Hà tĩnh, đây là một xã anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng có bến Tam soa, có phà Linh cảm một trọng điểm đánh phá ác liệt trong chiến tranh…Tôi có gặp anh Lê Tự Lập lúc đó là bí thư đảng ủy xã, là chiến sỷ của đơn vị pháo cao xạ năm xưa ở quê tôi. Anh nói rất nhiều về sự hy sinh, sự cưu mang đùm bọc của quê hương Hạ trạch đối với anh và đơn vị của anh, câu nói mà tôi nhớ nhất đó là: Quê tôi, Tùng ảnh anh hùng, nhưng quê các bạn có lẽ phải nhiều lần anh hùng hơn thế.

Thật tự hào mát lòng mát dạ biết bao.

3. Hoài vọng.

Đất nước đổi mới chuyển mình, cây cầu Gianh, 7 trụ, 9 nhịp nối đôi bờ sông xưa, thỏa bao ước vọng ngàn đời. Tôi nhớ mãi khi cầu khánh thành thông xe, tôi chở bà nội tôi lúc đó 97 tuổi ra giữa cầu dừng lại, chỉ cho bà tôi xem cây cầu mọc giữa trời, cao vời vợi so với mặt nước sông Gianh, như cầu vồng bắc qua 2 đám mây giữa không trung, chỉ có trong huyền thoại, cổ tích. Mệ tui nói: Khiếp hè. Tui nói với mệ: Mai ngày mệ về với tổ tiên ông bà, mệ nhớ tả lại và báo cho các bậc tiền nhân biết là sông Gianh đã có cầu nghe mệ. Mệ tui cười…một năm sau mệ mất thọ 98 tuổi.

Bến phà Gianh đã hoàn thành sứ mạng lịch sử

Có cầu bến phà được nghỉ hưu, không còn những âm thanh loảng xoảng, rầm rầm những khi xe lên, xe xuống, bây giờ những âm thanh đó chỉ còn lại trong ký ức. Dòng nước sông Gianh thong thả lửng lờ trôi, bến phà xưa an nhàn ngã mình trong nắng sớm, hoan hỉ như đã hoàn thành sứ mạng cao đẹp của mình. Gió nồm vẫn thổi mát rượi từ cửa Gianh lên, đất quê Hạ trạch thanh bình ôm ấp, ru ngủ những linh hồn liệt sỷ đã ngã xuống, máu của các anh chị đã thấm ở đất này, tuổi thanh xuân của các anh chị đã gửi lại nơi đây. Vinh quang nào rồi cũng lùi về quá khứ, chiến công nào rồi cũng phủ mờ bởi lớp bụi thời gian. Sao lại thế nhỉ? Chẳng lẽ thời gian phũ phàng đến thế sao? Không, không phải thế, trách nhiệm, trách nhiệm của chúng ta…

Anh Lê Tự Lập (phía ngoài bên trái),chiến sĩ pháo cao xạ phà gianh năm xưa hiện nay là bí thư đảng ủy xã Tùng Ảnh

Tôi được biết, Bộ văn hóa, thể thể thao và du lịch đã công nhận bến phà Gianh là di tích lịch sử cấp quốc gia, sao không sớm xây dựng nơi đây một tượng đài chiến thắng tầm cỡ, một khu tưởng niệm những chiến công, để kết nối quá khứ oai hùng với cuộc sống hối hả xô bồ hiện tại, để giáo dục con cháu, để thế hệ mai sau ngưỡng mộ biết ơn và học tập tinh thần xả thân hy sinh vì tổ quốc của lớp người đi trước, và rồi để sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước cho quê hương.

Chiến tranh đã đi qua, trả lại màu xanh và sự thanh bình cho mọi làng quê. Quê hương Hạ trạch tôi vẫn rất nghèo, quanh năm bám ruộng bám đồng nhưng còn nhiều vất vả lo toan, vẫn những con đường đất năm xưa, vẫn những mảnh đời bắt ốc mò cua, vẫn những mái trường chưa đạt chuẩn…Tôi đã đi khá nhiều những miền quê, sau chiến tranh thấy làng quê nào cũng đổi mới, bộ mặt nông thôn giờ đã đổi thay, nhất là đương sá, mương máng gần như đã được bê tông hóa, ngay cả vùng sâu vùng xa. Thế mà, quê tôi bên bờ sông Gianh lịch sử vẫn những con đường làng lầy lội, những con đường xóm đầy bùn…Sức dân có hạn, nếu không có sự trợ giúp của trên thì biết bao giờ mới theo kịp các làng quê khác đây?

Tôi cứ nghĩ hoài, một vùng quê có nhiều hy sinh vì sự nghiệp giao thông vận tải, chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, nếu như bộ GTVT hoặc các bộ ngành ở Trung ương giành cho làng quê tôi một ít kinh phí để bê tông hóa đường làng, kênh mương, chuẩn hóa lớp trường… thì tốt biết mấy, an ủi biết mấy, ấm lòng biết mấy…

Ôi quê tôi Hạ Trạch một thời lửa đạn đau thương…

Từ khóa » Phà Sông Danh