Bến Tre: Hình ảnh đi Xuồng Ba Lá | Những Ngày Hưu Trí

Xuồng ba lá đúng như tên gọi là loại xuồng làm bằng ba tấm ván, một tấm ván đáy và hai tấm ván be. Đây là loại thuyền đặc trưng của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Một nhà thơ nào đó đã làm mấy câu thơ sau đây về thuyền ba lá:

“Chiếc xuồng ba lá quê ta Nhẹ trôi như chiếc lá đa giữa đồng Liềm trăng sông nước cong cong Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng Tay em những ngón búp măng Bơi xuồng ba lá đi giăng lưới chiều Quanh năm lam lũ quê nghèo Chiếc xuồng nào khác cánh bèo lênh đênh Chỉ từ ván gỗ mong manh Mà đi khắp miệt đất lành Hậu Giang ..”

( Báo Hậu Giang, http://www.baohaugiang.com.vn/detailvn.aspx?item=2334)

Ở New York không có loại thuyền này, nên đám con cháu tôi rất thích được trải nghiệm đi thuyền ba lá một lần trong đời, lúc về thăm quê hương lần đầu mấy tháng trước.

Quê hương miền Tây có một vẻ đẹp độc đáo khác hẳn những vùng đất khác. Nhiều người nói nét đẹp ở đây hiền hòa và chất phác, tiêu biểu cho sông nước miền Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bến Tre có nhiều sông rạch. Tour Mỹ Tho-Bến Tre sáng đi chiều về từ Saigon rất vui, giúp tôi hiểu rõ hơn về những vùng đất nông thôn tôi không hề biết qua trong những năm chiến tranh phải sống lẩn quẩn ở Saigon, không biết gì nhiều về quê hương miền Nam, nơi tôi sanh.

” Xuồng ba lá là tên gọi dựa trên cấu tạo của loại xuồng được ghép bởi ba tấm ván. Gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy.

Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng. Dưới các thanh cong, người thợ đóng xuồng nghĩ ra cách khoét lõm hình bán nguyệt gọi là những “lỗ lù”, có nhiệm vụ thông nước giữa các khoang xuồng, giúp nước gom lại một chỗ, dễ tát.

Mũi và lái xuồng ba lá có hình dạng không khác gì nhau, khác chăng chỉ là ở kích cỡ bộ ván sạp. Nhờ mũi và lái xuồng ba lá giống nhau mà tính linh hoạt trong việc điều khiển xuồng càng cao. Nếu như ở các loại ghe, thuyền khác cần phải quay mũi khi cần trở lại thì với xuồng ba lá, người ta chỉ cần hoán đổi vị trí ngồi bơi, mũi thành lái là xong ngay. Đây là một trong những ưu điểm của xuồng ba lá, rất có ý nghĩa khi sử dụng xuồng ở nơi đường đi quá chật hẹp.

Trọng tải của xuồng ba lá được tính bằng kích cỡ của bộ ván be. Phổ biến là xuồng các cỡ từ khoảng be sáu đến be mười. Xuồng có số đo be càng thấp thì càng nhỏ, càng nhẹ, khả năng di chuyển cao, nhưng sức chở thấp, thích hợp làm phương tiện đi lại. Xuồng lớn có thể chở nhiều, nhưng di chuyển chậm nên thường được dùng để vận chuyển hàng hóa.

Cùng với quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba lá là quá trình sáng tạo ra các công cụ và phương pháp điều khiển nó như: cây sào nạng dùng để chống, dầm dùng để bơi và cuối cùng là cây chèo. Mỗi thứ có cách sử dụng riêng. Nhưng dù cho điều khiển xuồng bằng bất cứ cách nào, giữ thăng bằng cho xuồng khỏi tròng trành hoặc lật úp mới là điều quan trọng nhất.

Để đạt được sự thăng bằng cần thiết là cả một nghệ thuật và nghệ thuật đó chỉ được thành hình qua một quá trình rèn luyện. Hiện nay, phần đông nhân dân trong vùng, do đời sống ngày càng được cải thiện nên đã sắm được máy nổ thay cho dầm, chèo. Tuy nhiên, dù cho đã có máy móc, nhưng bất cứ chiếc xuồng máy nào cũng đều mang theo giầm, chèo để phòng khi máy móc trục trặc mà dùng, nhất là chống, chỏi khi ra vào bến.

Xuồng ba lá là sự lựa chọn tuyệt vời để khắc phục hoàn cảnh, đối phó với môi trường tự nhiên. Sự gắn bó của nó đối với con người nơi đây được ví như một bộ phận không thể tách rời của cơ thể. Không có xuồng được người dân nơi đây ví như bị “cụt chân”.

Quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba lá, những công cụ đi kèm, cách thức điều khiển và những ứng dụng thực tiễn của nó đã tạo nên một sắc thái riêng cho diện mạo văn hóa Nam bộ. Đó là một nền văn hóa sông nước.

Có thể nói, chiếc xuồng đã gắn bó với cư dân nơi đây từ thuở thiếu thời cho đến lúc già. Hàng trăm năm qua, từ ngày cha ông ta đi mở cõi, chiếc xuồng luôn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong đời sống của người dân vùng quê sông nước. Xuồng là người bạn đồng hành, là bạn đời thủy chung, son sắt gắn bó với con người suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này.

Xưa kia, với địa hình kinh rạch chằng chịt, rừng rú um tùm, giao thông đường bộ kém phát triển thì chiếc xuồng là loại phương tiện đắc dụng và phù hợp nhất. Nó được sử dụng để đi lại dễ dàng cả trên sông lớn lẫn kinh nhỏ.

Nhưng chiếc xuồng ba lá tỏ ra có ưu điểm cao hơn các loại phương tiện giao thông thủy khác khi cần thiết phải di chuyển trên mương, rạch nhỏ. Người ta chọn xuồng làm phương tiện giao thông chủ yếu không hẳn do điều kiện kinh tế, mà trước hết là vì tính linh hoạt, hữu hiệu của nó. Tính linh hoạt của xuồng ba lá đặc biệt có ý nghĩa khi được sử dụng ở trên ruộng hoặc chân rừng ngập nước, là những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác phải “chào thua”.

Nhờ nhỏ, gọn, nhẹ nên xuồng có thể dễ dàng luồn lách trên những đoạn đường chật hẹp. Đồng thời, do diện tích mặt tiếp xúc với nước nhỏ làm hạn chế sức cản của nước nên xuồng có khả năng di chuyển nhanh ngay cả ở nơi nước cạn. Người ta dùng xuồng để đi lại cũng như trong lao động sản xuất. Chiếc xuồng dùng để đi thăm câu, giăng lưới, vận chuyển sản vật khai thác được ở rừng, chuyên chở thành quả lao động từ đồng ruộng về, dùng xuồng để đi buôn bán. Độc đáo hơn, xuồng đôi khi còn được sử dụng như một ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước với hai tấm rèm dựng hình chóp trở thành mái ấm con người trước mưa nắng vô thường của đất trời Tây Nam bộ…”

(Net Dep Viet, http://netdepviet.org/vn/xuong-ba-la-net-dac-trung-song-nuoc-dong-bang-4057-1-1.html)

Từ khóa » Hinh Anh Chiec Xuong Ba La