BẾN TRE QUÊ HƯƠNG 3 CÙ LAO - HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách Sài Gòn 87 km về phía Tây qua tỉnh Tiền Giang và Long An. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 m. Tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với các hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía tây và nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển (65 km). Bến Tre có bốn con sông lớn là: Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc đồng thời chia Bến Tre thành ba phần là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh phù sa màu mỡ, cây trái sum xuê. Đất Bến tre do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Đến đầu thế kỹ 18, phần lớn đất đai còn hoang vu, lầy lội, là nơi nhiều loài dã thú như cọp, heo rừng, trâu rừng, cá sấu, trăn, rắn sinh sống.

Trong sách “Phủ biên tạp lục” viết về xứ Đàng Trong giữa thế kỉ 18, Lê Quý Đôn ghi: “Từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”… Nhưng đó chỉ là nhìn từ bên ngoài, còn bên trong đã có các “lõm” dân cư vào khai phá sinh sống. Đó là những lưu dân người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào, chủ yếu là miền Trung, đa số là những nông dân nghèo khổ vào Nam tìm đất sống, nhất là vào thời gian quân Trịnh lợi dụng Chúa Nguyễn đang lúng túng trước phong trào Khởi nghĩa Tây Sơn, đánh chiếm Thuận Hóa, Quảng Nam (1774). Ngoài ra còn có các thành phần khác như binh lính, trốn lính, tù nhân bị lưu đày, người có tội với Triều Đình, người Minh Hương hay một số người có tiền của vào khai phá … Người di dân đến Bến Tre chủ yếu bằng đường biển và đường bộ, đa số là bằng đường biển.

Trước kia, tỉnh Bến Tre là vùng hoang vu, một thời gian sau đó có một vài nhóm người đến định cư và thường tập trung nơi đất cao trên các giồng các ven biển, hoặc dọc theo các đê sông, rạch, thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống và tránh lũ lụt. Càng ngày số người đến định cư ngày càng đông, chính sự di cư này kèm theo sự gia tăng dân số, làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Khi đặt chân lên đất Bến Tre, những lưu dân người Việt chọn những giồng đất cao ráo để sinh sống. Vùng đất Ba Tri được khai phá sớm nhất vì nơi đây là địa điểm dừng chân của các lưu dân theo đường biển. Lần hồi, dân cư ngày càng đông đúc, lập nên thôn, trại, làng. Nhờ những kinh nghiệm trong sản xuất ở quê nhà, khi đến vùng đất mới mênh mông, những người dân đã tạo nên những những cánh đồng bao la, những vườn dừa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái tươi tốt. Chỉ trong hai thế kỹ, những vùng đất hoang vu đầy dã thú, các cù lao nằm ở cuối vùng sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên đã trở thành nơi sản xuất dừa, trái cây, gạo ngon nổi tiếng.

Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là Tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền Nam Việt Nam chia làm sáu tỉnh Vĩnh Long, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Đất Bến Tre bây giờ là phủ Hoàng Trị gồm các huyện Tân Ninh, Bảo An, Bảo Hậu và trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Bến Tre vốn là một phần của dinh Hoằng Trấn lập ra năm 1803, năm sau đổi là dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808 dinh này lại đổi là trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, cù Lao An Hóa với hai tổng Hòa Quới và Hòa Minh nằm trong huyện Kiến Hòa. Năm 1844, vua Minh Mạng bỏ trấn lập tỉnh, đất Bến Tre là hai phủ Hoằng An và Hoằng Trị, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc, ngày 15-07-1867 thành lập hạt (Sở tham biện) Bến Tre. Ngày 04-12-1867, tách hai huyện Tân Minh và Duy Minh của hạt Bến Tre thành lập hạt Mỏ Cày, lỵ sở đặt tại chợ Mỏ Cày (Mõ Cày Bắc hiện nay). Ngày 05-06-1871, hạt Bến Tre bị giải thể, nhập địa bàn vào hạt Mỏ Cày. Ngày 02-11-1871, dời lỵ sở từ chợ Mỏ Cày về chợ Bến Tre nên đổi tên thành hạt Bến Tre. Ngày 16-03-1872, hạt Bến Tre nhận thêm 2 tổng Minh Chánh và Minh Lý từ hạt Vĩnh Long. Ngày 25-07-1877, tổng Minh Chánh bị giải thể, nhập phần đất phía Tây kinh Giằng Xây của tổng này vào tổng Minh Thuận cùng hạt. Hạt (sở tham biện) Bến Tre vào thời gian này có 21 tổng. Theo Nghị định ngày 22-12-1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đổi tên tất cả các hạt tham biện thành Tỉnh thì từ ngày 1-1-1900 hạt (Sở tham biện) Bến Tre trở thành tỉnh Bến Tre (chỉ gồm có cù lao Bảo và cù lao Minh, có bốn quận: Châu Thành, Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú (đến năm 1948 cù lao An Hóa thuộc Mỹ Tho mới được vào phần đất Bến Tre). Năm 1912, tỉnh thành lập 4 quận là: Ba Tri, Sóc Sải, Mỏ Cày, Thạnh Phú. Từ ngày 01-01-1927, quận Sóc Sải được đổi tên thành quận Châu Thành. Từ ngày 22-10-1956, tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa và gồm 9 quận. Sau 30-04-1975, tỉnh Kiến Hòa đổi thành tỉnh Bến Tre. Cuối năm 2004, tỉnh Bến Tre bao gồm thị xã Bến Tre và 7 huyện là: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Ngày 11-08-2009, Chính phủ CHXHCN-Việt Nam ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP, thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre được thành lập, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bến Tre. Sau khi thành lập thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị hành chính trực thuộc. Bến Tre cũng là quê hương của Đạo Dừa, với biệt danh là “Xứ Dừa”. Từ thời Chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, Bến Tre được coi là “quê hương Đồng khởi”, do Nguyễn Thị Định chỉ huy với đội quân tóc dài nổi tiếng, mấy bà cụ đó hôm nay nếu còn sống chắc lưng đã khòm sát đất rồi … địa điểm đầu tiên là nền đồn xả Định Thủy sát mé sông, thuộc Quận Mỏ Cày, mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang khốc liệt nhất là trong năm 1960. (st)

Nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch

Kho tài liệu hướng dẫn viên du lịch.

Lớp học nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Cù Lao Bảo Bến Tre ở đâu