Bến Tre Tổ Chức Phát Triển Ngành Dừa
Bến Tre tổ chức phát triển ngành dừa
Ngày đăng: 28-12-2020 | Chuyên mục: Công nghệ mới và Tiềm lực KH&CN | Tác giả: Đặng Văn Cử-Sở Khoa học và Công nghệ
Quy mô ngành dừa hiện nay
Diện tích dừa của tỉnh hiện đạt khoảng 72.770 ha, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 1,32%/năm, thực hiện đạt 103,96% so với mục tiêu: 70.000 ha; Năng suất 9.570 trái/ha/năm; Sản lượng năm 2020 ước đạt 630 triệu trái, thực hiện đạt 105,18% so mục tiêu 599 triệu trái. Trong đó: Dừa công nghiệp chiếm 80 - 85% (khoảng 60.000 ha) và dừa uống nước khoảng 15-20% (10.000 ha).
Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2020 ước đạt 5.880 tỷ đồng, thực hiện đạt 130,67% so mục tiêu là 4.500 tỷ; chiếm 17,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 18,66%/năm (cao hơn mục tiêu chương trình: 6,19%).
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa ước thực hiện năm 2020 đạt 346,91 triệu USD, thực hiện đạt 108,41% so với mục tiêu: 320 triệu USD; chiếm 26,69% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 16,74%/năm (cao hơn mục tiêu Chương trình: 1,87%).
Dừa tơ. Ảnh ĐVC. |
Phát triển vùng trồng dừa theo hướng tối ưu
Xây dựng và phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa để khuyến cáo hướng dẫn người dân sản xuất; tập trung hệ thống canh tác tổng hợp trong vườn dừa, nhân rộng những mô hình nuôi trồng xen hợp lý có hiệu quả, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất vườn dừa để đảm bảo độ bền vững của sản xuất. Nghiên cứu thử nghiệm mô hình khắc phục hiện tượng dừa không mang trái (dừa treo) và đưa ra các giải pháp hạn chế hiện tượng dừa giảm năng suất, đã tăng năng suất dừa lên từ 10-20% so với hiện trạng; đang phối hợp với Trường Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” (thực hiện 60 tháng, từ 01/3/2019 đến 01/02/2024). Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn kỹ thuật tại hiện trường để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh dừa, canh tác dừa thích nghi với hạn-mặn, quản lý dịch hại trên dừa bằng biện pháp sinh học; trong đó chú trọng việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo hướng an toàn bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xây dựng 02 mô hình nuôi ong ký sinh trừ bọ cánh cứng hại dừa với 20 hộ nông dân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm tại 02 huyện: Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc, đã nhân nuôi và phóng thích khoảng 37.500 mummy ong ký sinh và 10.400 bọ đuôi kìm; duy trì nhân nuôi ong ký sinh, bọ đuôi kìm để quản lý sâu hại trên dừa. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã nhân nuôi 40.917 ong ký sinh bọ dừa và phóng thích 30.428 ong ký sinh bọ dừa và nuôi 6.836 bọ đuôi kìm, phóng thích 4.913 bọ đuôi kìm; Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới đã xây dựng phòng nhân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm, trung bình mỗi năm phóng thích 2.000 - 2.500 mummy; 2.000 bọ đuôi kìm trên vườn dừa hữu cơ mẫu ở Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Giồng Trôm, Thạnh Phú; thực hiện chuyển giao kỹ thuật nhân nuôi bọ đuôi kìm cho 10 hộ nông dân ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc để bà con chủ động nguồn thiên địch quản lý sâu hại tại địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, tuyển chọn các chủng nấm, vi khuẩn dùng làm thiên địch ký sinh diệt bọ cánh cứng hại dừa, sâu hại dừa.
Từ năm 2016 đến nay, Bến Tre đã công nhận 56 cây đầu dòng, 118 vườn cây đầu dòng tại huyện Chợ Lách và 72 vườn cây dừa mẹ (tổng cộng 6.142 cây dừa mẹ).
Tổng diện tích dừa công nghiệp đang chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ là 8.691,3 ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 3.786,8 ha.Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất theo 03 tiêu chuẩn chứng nhận của Nhật, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU),… Các vườn dừa sau khi đạt chứng nhận hữu cơ được doanh nghiệp thu mua tăng thêm từ 10-20% so với giá dừa thường. Ngoài ra, Tổ chức Seed To Table (Nhật) đã hỗ trợ 02 nhóm nông dân tại xã Vang Quới Đông huyện Bình Đại (08 hộ) chuyển đổi sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS với tổng diện tích 4,4 ha.Dừa uống nước, hiện có 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Thành Triệu, huyện Châu Thành thực hiện liên kết với Công ty Toàn Cầu Trái Cây Tươi.
Phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa đi vào chiều sâu
Toàn tỉnh có khoảng 182 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, gồm một số ngành chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa,....), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp), chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất; nghiên cứu sản phẩm mới,… Kết quả, qua 05 năm triển khai:
Cơ cấu mặt hàng các sản phẩm từ dừa đang có sự thay đổi, lượng sản phẩm truyền thống có xu hướng giảm (kẹo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy), các mặt hàng mới đang có xu hướng tăng khá (sữa dừa, nước dừa đóng hộp, lon, than hoạt tính, dầu dừa).
Sản phẩm nước cốt dừa đóng hộp. Ảnh KT. |
Ống hút dừa - Sản phẩm thân thiện môi trường. Ảnh KT. |
Phát triển nhiều sản phẩm mới mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa và đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng, thân thiện môi trường: dầu dừa tinh khiết (VCO), mặt nạ dừa, nước rửa tay dưỡng da từ dầu dừa, sản xuất giấy từ tàu dừa làm bao bì, giỏ xách, trang trí nội thất, tranh nghệ thuật, thư pháp… thay thế các loại sản phẩm bằng nhựa, nylon; những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe: mật hoa dừa và từ mật hoa dừa có thể chế biến thành các sản phẩm như đường, giấm, rượu vang, rượu cao độ, thức uống nhẹ,... phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Hoạt động chế biến dừa tiêu thụ dừa trái ngày càng tăng, hiện tại công suất chế biến đã vượt xa sản lượng dừa khô thu hoạch của tỉnh (Công suất các nhà máy chế biến hiện tại có khả năng tiêu thụ 1.254 triệu trái dừa/năm); năm 2020 đã chế biến khoảng 584,7 triệu trái dừa, tương đương 109,19% sản lượng dừa khô trái thu hoạch của tỉnh.
Gắn kết và mở rộng thị trường tiêu thụ
Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm dừa là xuất khẩu. Ngoài sản phẩm cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa tỉ lệ xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thấp hơn 70% sản lượng sản phẩm sản xuất do tiêu thụ nội địa, bán cho thương lái trung gian. Các sản phẩm chủ yếu khác như: than hoạt tính, nước cốt dừa, nước dừa đóng hộp/lon,.... hầu hết sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu: Sản lượng sản phẩm xuất khẩu so với sản lượng sản phẩm sản xuất: than hoạt tính (100%), sữa dừa (99,7%), nước dừa đóng hộp/lon (94,34%), bột sữa dừa (86,6%),….
Tập trung cung cấp thông tin thị trường; giới thiệu đối tác; tổ chức, giới thiệu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia XTTM vào một số thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm dừa. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa tăng qua các năm (năm 2016: 150 triệu USD, 2017: 180 triệu USD, 2018: 255 triệu USD, 2019: 296 triệu USD, 2020: 346 triệu USD); thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, đến năm 2020, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất được hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát triển văn hóa - du lịch dừa
Đã lồng ghép việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa xứ dừa vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của ngành du lịch; thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng và khai thác các tour du lịch tham quan các vườn dừa, tham quan cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa; vận động các hộ gia đình xây dựng những vườn dừa đẹp,… nhằm phục vụ và thu hút khách du lịch;
Vận động các cơ sở kinh doanh ăn uống xây dựng các sản phẩm, ẩm thực đặc trưng chế biến từ nguyên liệu dừa; hỗ trợ các doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa tại các sự kiện, lễ hội, hội chợ về du lịch trong và ngoài tỉnh tổ chức.
Phát triển hạ tầng phục vụ ngành dừa
Đã thiết lập 01 cụm công nghiệp chế biến dừa trên cơ sở đầu tư, nâng cấp Cụm công nghiệp Phong Nẫm (74,3 ha) để thu hút các nhà máy, doanh nghiệp sơ kết – chế biến dừa tập trung. Hiện tại, trong CCN đã có 06 dự án đăng ký đầu tư (03 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, 03 dự án đang hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng), diện tích cho thuê 26,449 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.722,41 tỷ đồng (Công ty XNK Bến Tre: sản xuất sữa dừa đóng hộp và sữa dừa đóng lon; Công ty TNHH EZ Costes Việt Nam: sản xuất mặt nạ từ thạch dừa đã hoạt động ổn định; Công ty TNHH Tâm Furniture: sản xuất sản phẩm bàn ghế, khung ghế nhựa).
Phát triển khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ xây dựng và công bố chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm dừa xiêm xanh; trình UBND tỉnh ban hành quy định quản lý chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh để tiến hành xây dựng mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm dừa xiêm xanh, xây dựng các bộ tài liệu cho việc quảng bá và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như logo, bao bì, tem, nhãn, phim ký sự, poster...; và cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” sản phẩm dừa xiêm xanh cho 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH XNK Trái Cây Mê Kông và Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers với 23 hộ tham gia, diện tích 18 ha; hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm dừa.
Từ nguồn Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho vay 06 dự án thuộc ngành dừa với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng để đầu tư chuyển giao, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, gồm:
Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước cốt dừa đóng lon với công suất 14 ngàn tấn/năm, đã sản xuất trên 20 ngàn tấn sữa dừa đóng lon (Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới);
Dự án chuyển giao công nghệ tạo hạt phân hữu cơ công suất 02 tấn/h đã sản xuất trên 06 ngàn tấn (Công ty TNHH Hiệp Thanh);
Dự án Đầu tư dây chuyền sản xuất mụn dừa ép viên 20mm năng suất 400 kg/h đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao (DNTN SX TM XNK Song Phương);
Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ sản xuất mặt nạ dừa từ nước dừa (Công ty TNHH Chế biến SP Dừa Cửu Long);
Đầu tư kho lạnh xử lý nhiệt và hệ thống máy gọt vỏ định hình trái dừa tươi xuất khẩu (Công ty TNHH XNK Trái cây Mê Kông);
Đầu tư trung tâm sơ chế và hoàn thiện công nghệ khoan lấy nước dừa để phát triển sản phẩm mới từ dừa (Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO).
Các dự án trên đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương để tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, góp phần giải quyết lao động, tạo việc làm cho hơn 300 lao động ổn định, góp phần phát triển ngành công nghiệp, ngành dừa tại địa phương.
Ngoài ra, doanh số cho vay đối với ngành dừa giai đoạn 2016-2020 ước đạt 11.610 tỷ đồng, dư nợ cho vay đối với ngành dừa đến ngày 31/12/2020 ước đạt 1.660 tỷ đồng, với gần 3.000 khách hàng còn dư nợ.
Từ khóa » Dừa Xuất Khẩu Bến Tre
-
Dừa Bến Tre Chịu Nhiều Sức ép Cạnh Tranh
-
Bến Tre Liên Kết Doanh Nghiệp Mở Rộng Diện Tích Vườn Dừa Hữu Cơ
-
Bến Tre Kiến Nghị Hỗ Trợ Xuất Khẩu Dừa Và Các Sản Phẩm Dừa
-
Thông Tin Dừa - So Cong Thuong Ben Tre
-
Dừa Xiêm Bến Tre Xuất Khẩu - Ccd & Cooplink
-
Trung Quốc Siết Chặt Nhập Khẩu, Dừa Khô Bến Tre Rớt Giá Thê Thảm
-
Dừa Xiêm Bến Tre Xuất Khẩu - Home | Facebook
-
Dừa Bến Tre Rớt Giá, Rẻ Hơn Cả Cốc Trà đá Khi Trung Quốc Thắt Chặt ...
-
Bến Tre Gỡ Khó Cho Các Doanh Nghiệp Kinh Doanh Dừa
-
Nước Dừa Bến Tre Xuất Khẩu Ra Nước Ngoài
-
BẢN TIN GIÁ DỪA - HIEP HOI DUA BEN TRE
-
Bến Tre áp Dụng Các Công Nghệ Tiên Tiến Trong Công Nghiệp Sản Xuất ...
-
Nghiên Cứu Chiến Lược Phát Triển Thị Trường Xuất Khẩu Dừa Và Các ...