Bệnh Amip ăn Não Người - Đừng Quá Hoang Mang

Amip ăn não người có tên khoa học là Naegleria fowleri, là loại ký sinh trùng đơn bào hiếm gặp và có khả năng biến hình linh hoạt trong tự nhiên, nên nó rất khó bị tiêu diệt và có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt.

Đặc điểm của amip ăn não người

ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn - Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, cho biết loại amip này thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp (thích hợp nhất ở 460C) như ao, hồ, sông… vào mùa hè, suối nước nóng, thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn.

Amip chủ yếu sống trong môi trường tự nhiên, rất hiếm khi amip xâm nhập vào cơ thể người. Con người có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này khi nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động có liên quan đến nước làm nước xộc mạnh vào mũi. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não và gây bệnh. Điều nguy hiểm là một khi amip đã xâm nhập vào cơ thể thì bệnh diễn tiến rất nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 99%.

Cơ chế gây bệnh và biểu hiện lâm sàng

Amip ăn não người xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, chúng phá vỡ hàng rào bảo vệ của chất nhầy ở niêm mạc mũi, sau đó đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác rồi di chuyển lên não, rồi cư trú tại một vùng nhất định của não, sinh sản một cách nhanh chóng. Tại não, chúng ăn tế bào hồng cầu và tế bào não, gây nên bệnh viêm màng não cấp tính.

Sau thời kỳ ủ bệnh từ 1 - 14 ngày, cơ thể người sẽ xuất hiện các triệu chứng (thời kỳ tiên phát) như nhức đầu, sốt, thở nhanh. Sốt có thể tăng dần, có thể sốt cao lên tới 40 – 410C, kèm theo các triệu chứng về thần kinh như cứng cổ, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi. Tiếp đến, bệnh nhân có biểu hiện như lú lẫn, thiếu tập trung và có thể xuất hiện cơn co giật. Bệnh diễn biến rất nhanh, đi đến suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong. Từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến lúc tử vong, chỉ kéo dài từ 7 – 14 ngày, đặc biệt có trường hợp bệnh nặng, kéo dài chỉ trong vài ngày.

Các triệu chứng gây bệnh của amip ăn não người rất giống với các triệu chứng bệnh viêm màng não mủ hoặc viêm màng não do siêu vi nên thường dễ chẩn đoán nhầm.

Không nên quá hoang mang về bệnh amip ăn não người

Cũng theo ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, đây là một bệnh rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, việc tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh trong tự nhiên là điều khó thực hiện trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, tỉ lệ nhiễm bệnh xảy ra cực kỳ hiếm, tùy thuộc vào:

- Nguồn bệnh: Mầm bệnh có thể nằm trong nguồn nước bẩn như ao hồ, sông ngòi hay bể bơi không được khử trùng. Đối với các bể bơi tại TP.HCM, nước bể bơi luôn được khử trùng bằng clo với nồng độ thích hợp, ký sinh trùng này không thể tồn tại. Có thể yên tâm khi sử dụng các hồ bơi đã được khử trùng đúng cách và thường xuyên.

- Hành vi nguy cơ: Có hoạt động dưới nước, có hành vi làm cho nước xộc mạnh vào mũi như lặn ngụp sâu dưới nước, nhảy từ trên cao xuống nước… Ngay cả uống nước bị nhiễm amip cũng không bị bệnh ngoại trừ bị sặc lên mũi.

- Yếu tố cơ thể: Cùng yếu tố nguy cơ như nhau nhưng có người mắc bệnh, có người không. Điều này có thể lý giải do tình trạng suy giảm miễn dịch của cơ thể, hoặc liên quan đến tình trạng, cấu trúc mũi xoang của cơ thể mỗi người.

Do đó, người dân cần quan tâm nhưng không nên quá hoang mang, không cần thiết đi khám hoặc xét nghiệm hàng loạt để tầm soát bệnh này, chỉ cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra:

- Trong khi tắm, bơi ở ao, hồ, suối… hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi…

- Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi…

- Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hơn nữa, bệnh không có khả năng lây từ người sang người, cũng không có khả năng lây thành dịch. Trong vòng 50 năm (1062-2011), Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm với số người mắc bệnh từ 0 – 8 người trong 1 năm.

2CG7D1FY.jpgPhóng to
ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn trong một buổi tư vấn

Từ khóa » Khuẩn ăn Não