Bệnh Anaplasmosis: Vết Bọ Ve Cắn Có Gây Nguy Hiểm? - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Dấu hiệu nào giúp ta nghĩ đến bệnh Anaplasmosis?
- 2. Nguyên nhân của bệnh Anaplasmosis là gì?
- 3. Bệnh Anaplasmosis có những hậu quả gì?
- 4. Phòng ngừa bệnh Anaplasmosis như thế nào?
- 5. Chẩn đoán bệnh Anaplasmosis cần những gì?
- 6. Điều trị bệnh Anaplasmosis như thế nào?
Bệnh Anaplasmosis là một bệnh do vi khuẩn lây truyền qua ve gây ra các triệu chứng giống như cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng biểu hiện từ đau nhức cơ thể đến sốt nặng. Thường xuất hiện trong vòng một hoặc hai tuần sau khi bị ve cắn. Vậy điều trị và phòng ngừa nhiễm Anaplasma như thế nào, hãy cùng bác sĩ YouMed theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin đúng đắn nhất.
1. Dấu hiệu nào giúp ta nghĩ đến bệnh Anaplasmosis?
Nếu một con ve mang vi khuẩn gây bệnh Anaplasmosis cắn bạn ít nhất 24 giờ, các dấu hiệu và triệu chứng giống như cúm sau đây có thể xuất hiện. Thường trong vòng 7 đến 14 ngày sau khi bị cắn:
- Sốt nhẹ
- Đau đầu
- Ớn lạnh
- Đau cơ
- Buồn nôn
- Nôn
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon
- Đau khớp
- Lú lẫn
- Phát ban
- Ho
Một số người nhiễm Anaplasma có thể có triệu chứng nhẹ và không bao giờ đi khám. Cơ thể họ tự chống lại bệnh. Nhưng bệnh không được điều trị, với triệu chứng kéo dài có thể dẫn đến một tình trạng bệnh nặng phải nhập viện.
2. Nguyên nhân của bệnh Anaplasmosis là gì?
Bệnh Anaplasmosis được gây ra bởi vi khuẩn Anaplasma. Qua trung gian chủ yếu là loài ve sao chổi đơn độc.
Bọ ve bám vào vật chủ và hút máu cho đến khi chúng to lên gấp nhiều lần kích thước bình thường. Trong quá trình hút máu, bọ ve mang vi khuẩn gây bệnh có thể truyền vi khuẩn đến vật chủ khỏe mạnh. Hoặc chúng có thể tự nhiễm vi khuẩn nếu vật chủ bị nhiễm bệnh.
Thông thường, để mắc bệnh Anaplasmosis, bạn phải bị cắn bởi một con ve bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào da thông qua vết cắn và cuối cùng xâm nhập vào máu.
Trước khi vi khuẩn lây truyền, bọ ve phải bám vào da và hút máu ít nhất 24 giờ. Một con ve với vẻ ngoài sưng to có thể đã hút máu đủ lâu để có vi khuẩn truyền bệnh. Loại bỏ bọ ve càng sớm càng tốt có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Có khả năng lây truyền qua truyền máu, từ mẹ sang con. Qua tiếp xúc trực tiếp, giết mổ động vật bị nhiễm bệnh.
Yếu tố nguy cơ
Bệnh Anaplasmosis lây truyền khi một con ve bị nhiễm bệnh, chủ yếu là ve sao chổi đơn độc, cắn và hút máu trong ít nhất 24 giờ. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng do ve gây ra:
- Ra ngoài trời khi thời tiết ấm áp. Hầu hết các trường hợp Anaplasmosis xảy ra vào mùa xuân và mùa hè khi số lượng loài ve này ở đỉnh điểm, và mọi người ở bên ngoài thường xuyên hơn.
- Sống hoặc đi đến một khu vực có mật độ bọ ve cao. Nguy cơ cao hơn nếu ở trong khu vực có mật độ bọ ve cao. Ở Hoa Kỳ, loài ve sao chổi đơn độc tập trung nhiều nhất ở các bang phía đông nam, phía đông và giữa phía nam.
- Nam giới. Nhiễm Anaplasma phổ biến hơn ở nam giới. Có thể do thời gian làm việc và giải trí ngoài trời nhiều hơn.
3. Bệnh Anaplasmosis có những hậu quả gì?
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lớn hoặc trẻ em khỏe mạnh.
Những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hơn và có khả năng đe dọa tính mạng. Các biến chứng nghiêm trọng của nhiễm trùng không được điều trị bao gồm:
- Suy thận
- Biến chứng suy hô hấp
- Suy tim
- Co giật
- Hôn mê
4. Phòng ngừa bệnh Anaplasmosis như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh bị bọ ve cắn.
Hầu hết bọ ve bám vào cẳng chân và bàn chân khi bạn đi bộ hoặc làm việc trong những nơi nhiều cỏ, rừng hoặc các cánh đồng mọc um tùm. Sau khi ve bám vào cơ thể, nó thường bò lên trên để tìm vị trí chui vào da bạn. Bạn có thể tìm thấy ve ở phía sau đầu gối, háng, nách, tai, sau gáy và những nơi khác.
Nếu bạn loại bỏ con ve trong 24 giờ đầu tiên sau khi bám, nguy cơ nhiễm trùng sẽ giảm.
Một số mẹo giúp tìm và loại bỏ bọ ve
Mặc quần áo sáng màu
Bọ ve có màu sẫm. Quần áo sáng màu giúp bạn và những người khác thấy được bọ ve trên quần áo trước khi chúng bám vào da bạn.
Tránh đi giày hở mũi hoặc dép
Bọ ve thường sống ở những vùng cỏ hoặc cánh đồng và có thể bám vào chân và bàn chân khi bạn đi dạt qua cỏ. Mang giày hoặc dép hở mũi làm tăng nguy cơ bọ ve bám vào da và di chuyển dưới quần áo của bạn, nơi khuất tầm nhìn.
Dùng thuốc xua đuổi côn trùng
Các sản phẩm có chứa DEET (Off! Deep Woods, Repel) hoặc permethrin (Repel Permanone) thường xua đuổi được bọ ve. Permethrin chỉ được sử dụng trên quần áo. Bạn có thể sử dụng DEET trên da hoặc trên quần áo, nhưng nên làm theo hướng dẫn sử dụng.
Đối với trẻ em, sử dụng thuốc DEET chứa ít hơn 30% DEET và thận trọng khi sử dụng. Không sử dụng DEET trên tay hoặc mặt của con bạn.
Mặc quần dài và áo dài tay
Để lộ da càng ít, bọ ve càng ít cắn. Để bảo vệ thêm, mặc áo, quần và vớ có thấm permethrin.
Bỏ áo vào quần và bỏ quần vào tất
Bằng cách này, bọ ve sẽ ít có khả năng bò lên vùng da bị lộ ra. Lưu ý rằng nếu bọ ve dính vào quần áo của bạn, chúng sẽ bò lên trên cho đến khi chúng đến được vùng da bị lộ. Kiểm tra quần áo của bạn thường xuyên khi đang ở ngoài trời.
Đi trên những con đường mòn bất cứ khi nào có thể
Bọ ve thích những vùng cỏ và có thể ít hơn trên những con đường mòn.
Kiểm tra cơ thể của bạn
Kiểm tra toàn diện cơ thể. Hãy chắc chắn kiểm tra đầu và cổ vì bọ ve sẽ tiếp tục bò lên trên đến khi tìm thấy được một chỗ đào hang phù hợp. Dùng bàn tay của bạn để kiểm tra qua tóc và những chỗ bạn không thể nhìn thấy sau khi đi từ ngoài hoặc từ vườn về.
Ve có thể nhỏ như hạt dâu tây và chúng thường bám vào vùng da ẩn. Vòi hoa sen khó có thể đánh bật con bọ ve bám vào đầu và cơ thể của bạn.
Kiểm tra quần áo và thiết bị của bạn
Kiểm tra quần áo, ba lô và các thiết bị khác khi bạn về nhà để tìm bọ ve quá giang xe về. Quay quần áo của bạn trong máy sấy trong khoảng một giờ để giết chết bất kỳ con bọ ve nào còn sót lại.
Đừng quên vật nuôi của bạn
Kiểm tra bọ ve hàng ngày trên bất kỳ vật nuôi nào ở ngoài trời.
5. Chẩn đoán bệnh Anaplasmosis cần những gì?
Nhiễm trùng do bọ ve rất khó chẩn đoán vì nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như sốt và đau cơ, thì tương tự như nhiều bệnh lý khác.
Bất thường trên xét nghiệm máu, kết hợp với tiền sử phơi nhiễm, có thể khiến bác sĩ nghi ngờ bệnh do bọ ve gây ra. Nếu bạn bị bệnh Anaplasmosis, xét nghiệm máu có thể sẽ có kết quả:
- Số lượng bạch cầu thấp – những tế bào này là chiến binh chống lại bệnh tật của cơ thể
- Số lượng tiểu cầu thấp – tiểu cầu rất cần thiết cho quá trình đông máu
- Chức năng gan bất thường
Các xét nghiệm máu cụ thể hơn cho bệnh Anaplasmosis bao gồm:
- Phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Xác định các gen đặc hiệu của Anaplasmosis. Tuy nhiên, nếu bạn đã điều trị, kết quả của xét nghiệm này có thể bị ảnh hưởng.
- Kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFA). Xét nghiệm này, không sử dụng phổ biến như PCR, đo lượng kháng thể bạn có trong máu với vi khuẩn gây bệnh Anaplasmosis.
Nếu bạn sống ở nơi có nhiều bọ ve, bác sĩ có thể cho bạn dùng kháng sinh trước khi có kết quả xét nghiệm máu vì điều trị sớm hơn sẽ cho kết quả tốt hơn đối với một số bệnh do ve gây ra.
6. Điều trị bệnh Anaplasmosis như thế nào?
Nếu bạn bị bệnh Anaplasmosis hoặc một bệnh do ve gây ra, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng kháng sinh Doxycycline (Doryx, Vibramycin,…). Dùng thuốc kháng sinh tối đa 10 ngày. Dùng trong thời gian lâu hơn nếu bệnh nặng.
Nếu bạn đang mang thai, bác sĩ sẽ cho bạn dùng Rifampin (Rifadin, Rimactane), vì Doxycycline không được khuyên dùng trong thai kỳ.
Lối sống và biện pháp tại nhà
Nếu bạn tìm thấy bọ ve trên cơ thể, đừng hoảng hốt. Nếu bạn loại bỏ bọ ve trong vòng 24 giờ kể từ khi bám lên da, bạn sẽ không mắc bệnh Anaplasmosis hoặc các bệnh do ve gây ra. Thực hiện theo các bước sau để loại bỏ bọ ve an toàn:
- Sử dụng nhíp (nếu có). Sử dụng nhíp có đầu phẳng hoặc dùng khăn giấy hoặc găng tay để lấy con bọ ve ra. Nước bọt và dịch cơ thể của ve có thể mang cùng một loại vi khuẩn như trong miệng của nó. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua các vết cắt hoặc màng nhầy trên da của bạn.
- Loại bỏ bọ ve từ từ. Lấy ve ở phần miệng của nó, nơi nó bám vào da. Kéo nó lên đều đặn và từ từ mà không giật hoặc xoắn nó.
- Giết con ve. Khi đã loại bỏ thành công bọ ve, hãy đặt nó vào một bình chứa có cồn. Đừng nghiền nát ve trong tay hoặc bằng móng tay của bạn vì chất dịch nó tiết ra có thể chứa vi khuẩn gây bệnh.
- Làm sạch vết cắn. Rửa kỹ vết cắn bằng thuốc sát trùng hoặc xà phòng và nước. Rửa tay thật kỹ.
- Theo dõi vết cắn. Trong những ngày và tuần tiếp theo, hãy xem vị trí vết cắn có phát ban không và chú ý đến bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào xuất hiện như sốt, đau cơ hoặc đau khớp.
Bệnh Anaplasmosis là một bệnh khó chẩn đoán vì không có triệu chứng đặc hiệu. Phòng ngừa bọ ve hiệu quả giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh. Chú ý đến các dấu hiệu vết cắn. Nếu có bất cứ điều gì bất thường, hãy liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất nhé.
Bác sĩ Vũ Thành Đô
Từ khóa » Khuẩn Anaplasma
-
Ehrlichiosis Và Anaplasmosis - Bệnh Truyền Nhiễm - Cẩm Nang MSD
-
Ký Sinh Trùng Máu Anaplasmosis Ở Chó - Phòng Khám Thú Y Procare
-
Ký Sinh Trùng Máu Anaplasma ở Chó - Vietduc
-
Biên Trùng Do Anaplasma (bệnh Ehrlichiosis Bạch Cầu ...
-
BỆNH KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG MÁU TRÊN CHÓ-ANAPLASMA
-
Anaplasmosis ở Chó: Triệu Chứng, điều Trị - Happybowwow
-
BỆNH KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG MÁU TRÊN CHÓ - MÈO
-
BỆNH KÍ SINH TRÙNG ĐƯỜNG MÁU- DẤU HIỆU VÀ CÁC CHỮA TRỊ
-
Biên Trùng Do Anaplasma Là Bệnh Gì? - - Blog Điều Trị
-
NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM BỆNH LÝ CỦA BỆNH BIÊN ...
-
KÝ SINH TRÙNG MÁU ANAPLASMA Ở CHÓ
-
Điều Trị Ve Và Bọ Chét ở Chó Mèo - Phần I - Bệnh Viện Thú Y PetHealth