Bệnh Brucellosis: Những điều Bạn Cần Biết! - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Dấu hiệu nhận biết bệnh Brucellosis là gì?
- Nguyên nhân nào gây ra bệnh Brucellosis?
- Yếu tố nguy cơ của bệnh Brucellosis là gì?
- Bệnh có thể gây ra những biến chứng gì?
- Phòng ngừa bệnh Brucellosis như thế nào?
- Chẩn đoán bệnh Brucellosis cần những gì?
- Điều trị
Brucellosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Brucella lây truyền từ động vật sang người. Thông thường, người bị nhiễm bệnh do sử dụng các sản phẩm từ sữa chưa qua nấu chín hoặc chưa tiệt trùng. Vi khuẩn gây bệnh Brucellosis có thể lây lan qua không khí hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo để có được những thông tin chính xác nhất về cách nhận biết và điều trị bệnh Brucellosis.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Brucellosis là gì?
Các triệu chứng của bệnh Brucellosis có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, từ vài ngày đến vài tháng sau khi bị nhiễm bệnh. Tương tự với cúm, các triệu chứng bao gồm:
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Ăn không ngon.
- Đổ mồ hôi.
- Yếu cơ.
- Mệt mỏi.
- Đau khớp, cơ và lưng.
- Đau đầu.
Triệu chứng có thể biến mất trong vài tuần hoặc vài tháng và sau đó quay trở lại. Một số người mắc bệnh Brucellosis mãn tính trong nhiều năm, ngay cả sau khi điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng lâu dài bao gồm mệt mỏi, sốt tái phát, viêm khớp, viêm nội tâm mạc và viêm cột sống.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh Brucellosis?
Bệnh Brucellosis gây bệnh ở động vật hoang dã và gia súc, bao gồm:
- Bò.
- Dê.
- Cừu.
- Lợn và lợn rừng.
- Chó, đặc biệt là chó săn.
- Nai.
- Nai sừng tấm.
- Bò rừng.
- Tuần lộc.
- Lạc đà.
Một dạng khác của Brucellosis có thể gây bệnh ở hải cẩu, cá heo và một số loài cá voi.
Cách lây truyền vi khuẩn từ động vật sang người
- Sử dụng các sản phẩm từ sữa tươi. Vi khuẩn Brucella trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh có thể lây sang người qua sữa chưa tiệt trùng, kem, bơ và pho mát. Vi khuẩn cũng có thể có trong thịt của động vật bị nhiễm bệnh còn sống hay nấu chưa chín.
- Hít phải không khí bị nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn Brucella lây lan dễ dàng trong không khí. Nông dân, thợ săn, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và công nhân lò mổ có thể hít phải vi khuẩn.
- Chạm vào máu và dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn trong máu, tinh dịch hoặc nhau thai của động vật bị nhiễm bệnh có thể xâm nhập vào máu thông qua vết thương trên cơ thể. Tiếp xúc bình thường với động vật như chạm, chải lông hoặc chơi không gây nhiễm trùng. Vì vậy, bệnh Brucellosis hiếm khi bị lây truyền từ vật nuôi. Mặc dù vậy, người có hệ miễn dịch yếu nên tránh tiếp xúc với những con chó mắc bệnh.
Bệnh Brucellosis thường không lây từ người sang người. Nhưng trong một vài trường hợp, nó có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc qua sữa mẹ. Brucellosis hiếm khi lây qua đường tình dục, qua truyền máu hay ghép tủy xương.
Rất nhiều loại bệnh lây từ động vật sang con người và dại là một trong số đó. Đọc thêm: Bệnh dại: Có thật sự nguy hiểm không?
Yếu tố nguy cơ của bệnh Brucellosis là gì?
Bệnh Brucellosis rất hiếm ở Hoa Kỳ, nhưng phổ biến hơn ở các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là:
- Nam Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp, Nam Pháp.
- Đông Âu.
- Mexico, Nam và Trung Mỹ.
- Châu Á.
- Châu Phi.
- Vùng Ca-ri-bê.
- Trung Đông.
Những người sống hoặc đi du lịch ở những khu vực này có nhiều khả năng ăn phô mai dê chưa tiệt trùng, đôi khi được gọi là phô mai làng.
Nghề nghiệp có nguy cơ cao
Những người làm việc với động vật hoặc tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh có nguy cơ mắc bệnh Brucellosis cao hơn. Ví dụ:
- Bác sĩ thú y.
- Nông dân chăn nuôi bò sữa.
- Nông dân chăn nuôi gia súc.
- Công nhân lò mổ.
- Thợ săn.
- Nhà vi sinh.
Bệnh có thể gây ra những biến chứng gì?
Brucellosis ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cơ quan sinh sản, gan, tim và hệ thần kinh trung ương. Bệnh Brucellosis mãn tính có thể gây ra các biến chứng ở một cơ quan hoặc toàn thân, bao gồm:
- Viêm nội tâm mạc. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh Brucellosis. Viêm nội tâm mạc không được điều trị có thể làm hỏng hoặc phá hủy các van tim và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do Brucellosis.
- Viêm khớp. Nhiễm trùng khớp đặc trưng bởi đau, cứng và sưng khớp, đặc biệt là đầu gối, hông, mắt cá chân, cổ tay và cột sống. Viêm cột sống có thể rất khó điều trị và gây tổn thương lâu dài.
- Viêm mào tinh hoàn. Vi khuẩn gây bệnh Brucellosis có thể gây viêm mào tinh – nơi nối ống dẫn tinh với tinh hoàn. Từ đó, nhiễm trùng có thể lan đến tinh hoàn, gây sưng và đau.
- Viêm và nhiễm trùng lách và gan. Brucellosis cũng có thể ảnh hưởng đến lách và gan, khiến chúng to hơn bình thường.
- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Bao gồm các bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng như viêm màng não và viêm não.
Phòng ngừa bệnh Brucellosis như thế nào?
- Tránh sử dụng các thực phẩm từ sữa chưa tiệt trùng. Tránh dùng sữa, phô mai và kem làm từ sữa chưa tiệt trùng. Nếu bạn du lịch đến các quốc gia khác, hãy tránh tất cả các loại thực phẩm từ sữa tươi.
- Nấu thịt chín kỹ. Nấu thịt cho đến khi đạt nhiệt độ bên trong từ 63°C đến 74°C. Khi ăn tại nhà hàng, hãy gọi thịt bò và thịt lợn chín vừa trở lên. Nấu ăn đúng cách sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có hại khác như Salmonella và Escherichia coli. Khi đi du lịch nước ngoài, tránh mua thịt từ những người bán hàng rong và nên yêu cầu thịt được nấu chín kỹ.
- Đeo găng tay. Nếu bạn là bác sĩ thú y, nông dân, thợ săn hoặc công nhân lò mổ, hãy đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với động vật bị bệnh, động vật chết hay mô động vật hoặc khi hỗ trợ sinh sản cho động vật.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn ở nơi làm việc nguy cơ cao. Trong phòng thí nghiệm, xử lý tất cả các mẫu xét nghiệm trong điều kiện an toàn sinh học thích hợp. Các lò giết mổ nên tuân theo các biện pháp bảo vệ. Chẳng hạn như ngăn cách sàn mổ khỏi các khu vực chế biến khác và sử dụng quần áo bảo hộ.
- Tiêm phòng cho vật nuôi. Vì vắc-xin Brucellosis là vắc-xin sống nên có thể gây bệnh cho người. Khi vô tình bị kim đâm trong khi tiêm phòng cho động vật thì người đó nên được điều trị.
Chẩn đoán bệnh Brucellosis cần những gì?
Bệnh Brucellosis thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu hoặc tủy xương tìm vi khuẩn Brucella hoặc xét nghiệm máu tìm kháng thể. Để phát hiện các biến chứng của bệnh Brucellosis, các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu bao gồm:
- X-quang. X-quang có thể tiết lộ những thay đổi trong xương và khớp của bạn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những xét nghiệm hình ảnh này giúp xác định viêm hoặc áp xe trong não hoặc mô khác.
- Dịch não tủy. Kiểm tra một mẫu nhỏ dịch não tủy để xác định xem có bị viêm màng não hay viêm não không.
- Siêu âm tim. Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tổn thương tim.
Điều trị
Điều trị bệnh Brucellosis nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa tái phát bệnh và tránh các biến chứng. Bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh trong ít nhất 6 tuần và các triệu chứng có thể không biến mất hoàn toàn trong vài tháng. Bệnh cũng có thể tái phát và trở thành mạn tính.
Bệnh Brucellosis ảnh hưởng hưởng đến hàng trăm ngàn người và gia súc trên thế giới mỗi năm. Brucellosis có thể rất khó xác định, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi các triệu chứng thường giống với các bệnh khác, chẳng hạn như cúm. Nếu bạn có các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau cơ, yếu cơ bất thường, mệt mỏi và có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của bệnh hoặc sốt kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Từ khóa » Khuẩn Brucella
-
Bệnh Brucella - Bệnh Truyền Nhiễm - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Brucella: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị | Vinmec
-
Brucellosis: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Brucella - Hello Bacsi
-
Brucella: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán & Điều Trị
-
Bệnh Do Brucella: Chẩn đoán Và điều Trị
-
Bệnh Brucella: Nguyên Nhân, Biến Chứng Và Cách điều Trị
-
Bệnh Do Brucella - Sổ Tay Bệnh Heo - - 3TRES3
-
NHIỄM BRUCELLA
-
[DOC] Phần Xx: Bệnh Sảy Thai Truyền Nhiễm Do Brucella
-
Nhiễm Bệnh Do Vi Khuẩn Brucella - Thực Phẩm Cộng đồng
-
Bệnh Brucella: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Phương Pháp điều Trị