Bệnh Cầu Cơ Mạch Vành: Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị

Bệnh cầu cơ động mạch vành hay cầu cơ tim là một dị dạng tim bẩm sinh rất khó phát hiện. Căn bệnh này có thể tiến triển nặng dần theo thời gian, gây thiếu máu cơ tim cục bộ và triệu chứng đau thắt ngực.   

Trong số những người mắc bệnh tim mạch nói chung, người mắc bệnh cầu cơ mạch vành chỉ chiếm khoảng 5%. Bởi vậy, khi nhắc tới căn bệnh này, nhiều người vẫn cảm thấy khá xa lạ và không thực sự hiểu rõ về nó. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu bệnh cầu cơ mạch vành là gì, mức độ nguy hiểm cũng như cách điều trị trong bài viết sau nhé.

Bệnh cầu cơ mạch vành là gì?

Bệnh cầu cơ mạch vành thường bị lầm tưởng là bệnh mạch vành, tuy nhiên đây là một dị dạng tim bẩm sinh. Động mạch vành tim thông thường nằm bao bọc bên ngoài trái tim, dẫn máu cung cấp oxy và năng lượng cho các tế bào tim hoạt động.

Nhưng đối với người bệnh cầu cơ mạch vành, sẽ có một đoạn động mạch vành đi xuyên qua cơ tim. Trong quá trình tâm thu (tim co bóp đẩy máu ra khỏi buồng tim), động mạch này sẽ bị bóp chặt gây tắc nghẽn trong quá trình tâm thu. Tuy nhiên, lúc này máu ở các buồng tim được tống ra hệ tuần hoàn chứ chưa cung cấp cho động mạch vành, ở kỳ tâm trương (lúc tim giãn, máu trở về tim), máu mới đến động mạch vành để nuôi dưỡng cơ tim. Vì thế cầu cơ ở giai đoạn đầu chưa gây thiếu máu cơ tim, nên hầu như ít xuất hiện triệu chứng.

Triệu chứng của cầu cơ mạch vành

Đau ngực là triệu chứng của bệnh cầu cơ mạch vành

Khoảng 30% bệnh nhân mắc cầu cơ mạch vành không có triệu chứng hoặc không rõ ràng khi còn trẻ. Đó là do cơ thể đã thích ứng với tình trạng này trong nhiều năm đồng thời đoạn cầu cơ mạch vành chưa bị chèn ép nhiều. Một số triệu chứng có thể xảy ra bao gồm nặng ngực, tức ngực, khó thở, nhưng đi khám không chẩn đoán ra bệnh.

Bên cạnh các triệu chứng đi kèm như khó thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, một số người bệnh còn có triệu chứng khác như:

  • Tức, nặng ngực: Triệu chứng này gần như luôn xảy ra, cơn đau có thể tăng lên tùy thời điểm, nhất là khi thay đổi thời tiết hoặc lo lắng, căng thẳng.
  • Đau thắt ngực: Người bệnh có thể thường xuyên gặp phải cảm giác bó chặt ở ngực hay bị đè nặng ở phía trước ngực, đau lan ra tay trái hoặc lên phía dưới hàm, khó thở, mệt. Một số trường hợp bệnh nhân có thể có các triệu chứng của thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, co thắt động mạch vành.

Bệnh cầu cơ mạch vành thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào trước năm 30 tuổi bởi dải cơ tim ở giai đoạn này đang còn mềm mại, chưa bị ảnh hưởng. Nhưng khi tuổi càng cao mạch vành càng xơ cứng, cơ tim dày hơn làm chèn ép vào đoạn mạch vành dị dạng nên triệu chứng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

Cách phát hiện bệnh cầu cơ mạch vành

Chẩn đoán bệnh cầu cơ mạch vành

Để chẩn đoán bệnh cầu cơ tim, bác sĩ cần sử dụng xét nghiệm hình ảnh. Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng hay điện tâm đồ, siêu âm tim thì khó có thể xác định được chính xác căn nguyên của bệnh.

Những người có triệu chứng đau thắt ngực tương tự như bệnh mạch vành nhưng không phát hiện có xơ vữa cũng không co thắt vành tim, thì có nguy cơ mắc bệnh cầu cơ mạch vành. Khi đó, người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để thăm khám chuyên sâu.

Một số xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán bệnh cầu cơ tim bao gồm:

  • Điện tim gắng sức: Đo điện tim gắng sức để kiểm tra dấu hiệu của thiếu máu cơ tim, chụp nhấp nháy cơ tim để phát hiện vùng tuần hoàn máu kém, chẩn đoán bệnh cầu cơ tim.
  • Chụp động mạch vành qua da: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác cầu cơ động mạch vành. Ngoài ra, phương pháp siêu âm tim trong lòng mạch (IVUS) cũng có thể phát hiện được đoạn mạch vành bị cầu cơ. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và trang thiết bị y tế của bệnh viện, bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn phương pháp chẩn đoán phù hợp nhất.

Bệnh cầu cơ mạch vành có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của bệnh cầu cơ tim phụ thuộc vào khả năng gặp các biến chứng. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng như:

  • Cơn đau thắt ngực
  • Block nhĩ thất
  • Suy thất trái
  • Đột tử

Gs. Phạm Gia Khải cho biết, bệnh cầu cơ mạch vành đơn thuần hầu như không gây nhồi máu cơ tim, hoặc nếu có thì tỷ lệ cũng rất thấp. Ở tuổi trung niên, sự giãn nở của cơ tim kém dần do một số bệnh mắc kèm như bệnh tăng huyết áp, bệnh cơ tim làm cho đoạn cầu cơ bị bó chặt, khó giãn và gây ra tình trạng đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim cục bộ và triệu chứng khác tương tự bệnh mạch vành.

Bệnh cầu cơ tim tuy không quá nguy hiểm nhưng lại khó điều trị. Điều này sẽ khiến các triệu chứng bệnh ngày càng nặng và rõ rệt, gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt nếu không biết cách cải thiện bệnh.

Cách điều trị bệnh cầu cơ mạch vành

"Phẫu

Có 2 cách điều trị phổ biến cho bệnh cầu cơ tim là điều trị bằng thuốc và phẫu thuật.

1. Điều trị bằng thuốc

Người bệnh cầu cơ mạch vành nếu không có triệu chứng sẽ không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, khi xuất hiện các triệu chứng thiếu máu cơ tim, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách. Bác sĩ thường sẽ chỉ định các nhóm thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi giúp thư giãn cơ tim, hạ huyết áp và giảm tình trạng rối loạn nhịp tim.

Bệnh cầu cơ tim gần như không đáp ứng với thuốc điều trị. Do đó, mục tiêu kiểm soát bệnh là phải điều trị bệnh cơ hội như huyết áp cao, thiếu máu cơ tim do xơ vữa mạch vành.

2. Phẫu thuật tháo cầu cơ mạch vành

Phương pháp này chỉ được thực hiện khi người bệnh không đáp ứng với thuốc điều trị hoặc các triệu chứng ngày càng trở nên nặng hơn và mất kiểm soát. Tuy nhiên, việc phẫu thuật sẽ rất khó thực hiện và thành công không cao. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện phương pháp đơn giản hơn là bắc cầu đoạn động mạch này.

Cầu cơ mạch vành là dị dạng bẩm sinh trên cơ tim nên rất khó chữa trị dứt điểm. Dù vậy, người bệnh vẫn có thể kiểm soát các triệu chứng cầu cơ tim bằng các cách điều trị phù hợp. Đồng thời, người bệnh cũng nên xây dựng một lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng ổn định, tránh lo âu, căng thẳng để trái tim khỏe mạnh hơn.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Cầu Cơ Tim Là Gì