Bệnh Celiac (không Dung Nạp Gluten) - Hello Bacsi

Bệnh Celiac là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể khi bạn ăn thực phẩm có chứa gluten (lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen). Điều này làm tổn thương ruột non dẫn đến tình trạng giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột non. 

Người mắc bệnh Celiac có thể gặp phải một loạt các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin xoay quanh bệnh Celiac, các triệu chứng thường gặp cũng như phương pháp điều trị hiệu quả.

Bệnh Celiac (không dung nạp gluten) là bệnh gì?

Nhiều người thường thắc mắc không biết bệnh Celiac là gì hay Celiac là bệnh gì? Bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh nhạy cảm với gluten hoặc bệnh không dung nạp gluten. Đây là một căn bệnh dị ứng với một dạng protein gọi là gluten, không cho phép cơ thể hấp thu gluten.

Gluten được tìm thấy trong nhiều loại bột, ngũ cốc, như lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen. Bệnh dị ứng này ảnh hưởng chủ yếu ở ruột non, nơi chứa thức ăn sau khi rời dạ dày.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Celiac là gì?

Ngoài thắc mắc celiac là bệnh gì thì rất nhiều người cũng thường hỏi bệnh Celiac gây ra những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, những triệu chứng phổ biến của bệnh Celiac bao gồm:

  • Tiêu chảy, kèm theo đi tiêu phân xám ở dạng lỏng hay hơi lỏng, thường có mùi hôi, trông như có dầu và có bọt
  • Sụt cân
  • Chậm lớn và chậm phát triển (ở trẻ nhỏ)
  • Thường xuyên cảm thấy đầy hơi
  • Phình bụng hoặc đau bụng
  • Loét miệng
  • Mệt mỏi, yếu người
  • Xanh xao
  • Phát ban
  • Chuột rút.

Người lớn mắc bệnh Celiac thường ít triệu chứng hơn trẻ em, do đó bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu nhằm phát hiện ra tình trạng thiếu máu bất thường. Một biểu hiện khác hiếm gặp của bệnh Celiac là mụn rộp.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ khi thấy xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng kể trên hoặc nếu bạn bị tiêu chảy hay gặp các vấn đề khó chịu về đường tiêu hóa kéo dài hơn hai tuần. Với trẻ nhỏ, bạn hãy cho bé đi khám ngay nếu phát hiện ra bé nhợt nhạt, bụng phình to hay phân có mùi hôi. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp tránh được nguy cơ bệnh trầm trọng thêm.

Nguyên nhân gây bệnh

nguyên nhân bệnh Celiac

Sau khi đã biết được bệnh Celiac là gì, các triệu chứng điển hình của bệnh, chắc hẳn bạn cũng muốn biết nguyên nhân gây ra bệnh Celiac (không dung nạp gluten) là gì?

Bệnh Celiac là một tình trạng tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch (cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng) tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh. Trong bệnh Celiac, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn các chất được tìm thấy bên trong gluten là mối đe dọa đối với cơ thể và tấn công chúng. Điều này làm hỏng bề mặt của ruột non (ruột), làm gián đoạn khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của cơ thể.

Theo các chuyên gia sức khỏe, hiện nay, chúng tra không biết được rõ ràng nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch hoạt động theo cách này, thế nhưng, sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường sống dường như đóng một vai trò nào đó.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh Celiac?

Bệnh thường xuất hiện lần đầu ở trẻ em khi chúng bắt đầu ăn thức ăn có chứa gluten. Bệnh không dung nạp gluten là bệnh di truyền trong gia đình. Bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ em vùng Bắc Âu.

Bệnh Celiac không thể chữa trị được nhưng có thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống không có gluten. Điều này sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của tình trạng này.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Celiac (không dung nạp gluten) là gì?

Bệnh không dung nạp gluten có xuất hiện ở bất kỳ người nào. Tuy nhiên, nó thường có xu hướng phổ biến hơn ở các đối tượng:

  • Có thành viên trong gia đình bị bệnh Celiac hoặc bệnh Herpes
  • Mắc hội chứng Down hoặc hội chứng Turner
  • Bệnh tuyến giáp tự miễn dịch (Hashimoto)
  • Bệnh tiểu đường tuýp 1
  • Triệu chứng Sjogren
  • Viêm đại tràng.

Bệnh Celiac (không dung nạp gluten) gây ra biến chứng gì?

Các biến chứng của bệnh Celiac chỉ có xu hướng ảnh hưởng đến những người tiếp tục ăn gluten hoặc những người chưa được chẩn đoán mắc bệnh để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả – đây có thể là một vấn đề phổ biến trong các trường hợp nhẹ hơn.

Các biến chứng lâu dài có thể xảy ra bao gồm:

  • Suy yếu xương (loãng xương)
  • Thiếu máu do thiếu sắt
  • Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folate

Các biến chứng ít phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn bao gồm một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư ruột và các vấn đề ảnh hưởng đến thai kỳ, chẳng hạn như sinh con nhẹ cân.

Điều trị hiệu quả

điều trị bệnh Celiac

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh Celiac là gì?

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra xem bệnh nhân có thiếu dưỡng chất và có kháng thể phản ứng với gluten không.

Bác sĩ có thể tiến hành việc kiểm tra khác (như nội soi) để xác định triệu chứng và loại trừ những bệnh khác. Bác sĩ sẽ thực hiện nội soi bằng một ống mỏng, mềm có gắn máy quay ở đầu ống được đưa vào cổ họng rồi thông qua dạ dày đến ruột non.

Theo phương pháp mới, nội soi bằng thuốc viên (capsule endoscopy), một máy quay nhỏ được đặt trong một viên thuốc uống có thể quan sát bên trong ruột. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô để nghiên cứu dưới kính hiển vi (sinh thiết).

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang để kiểm tra đường tiêu hóa của bạn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh Celiac (không dung nạp gluten)?

Không có cách chữa khỏi bệnh Celiac nhưng việc tuân theo chế độ ăn không có gluten, bao gồm ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và lúa mạch, lúa mạch đen. Điều này giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của tình trạng này.

Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống không chứa gluten của bạn là lành mạnh và cân bằng. Ngoài ra, các bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thực phẩm bổ sung để tăng chất dinh dưỡng và dùng thuốc để kiểm soát dị ứng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Tham khảo một chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống hợp lý dành cho bạn.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống không có gluten mỗi ngày. Tiếp tục ăn theo chế độ ăn uống của riêng bạn, ngay cả khi bạn thấy khỏe mạnh hay các triệu chứng bệnh không xuất hiện.
  • Sử dụng những thực phẩm bổ sung được chỉ định hay được kê theo toa thuốc.
  • Tìm một nhóm hỗ trợ nếu bạn quan tâm về việc tham khảo từ những người mắc bệnh Celiac khác.
  • Đi khám ngay nếu những triệu chứng không suy giảm sau 3 tuần theo chế độ ăn uống mới hay bạn bị sốt đột ngột.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Dị ứng Gluten Là Gì