Bệnh Chướng Hơi Dạ Cỏ ở Loài Nhai Lại - Tạp Chí Chăn Nuôi Việt Nam

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Ở nước ta, bệnh chướng hơi dạ cỏ hay xảy ra vào mùa đông và mùa xuân. Đây là bệnh phổ biến ở loài nhai lại như: như trâu, bò, dê cừu…

 

Bệnh xảy ra do gia súc ăn nhiều thức ăn dễ lên men, sinh ra nhiều hơi tích trong dạ cỏ, làm cho thể tích dạ cỏ tăng lên quá mức bình thường chèn ép các khí quan trong xoang bụng, làm giảm khả năng giải độc của gan. Đồng thời làm giảm thể tích xoang ngực, cản trở hoạt động của tim, phổi làm cho con vật khó thở và thường bị chết nhanh do ngạt thở.

 

Bệnh thường xuất hiện sau khi ăn 2 – 3 giờ và tiến triển rất nhanh.

Bệnh chướng hơi dạ cỏ ở loài nhai lại

 

Nguyên nhân

 

– Do gia súc ăn nhiều thức ăn dễ lên men sinh hơi:

 

+ Thức ăn xanh chứa nhiều nước như: cỏ non, thân cây đỗ, dây khoai lang, thân cây ngô non…

 

+ Thức ăn có nhiều nhựa (saponin) như: lá cây râm bụt…

 

+ Thức ăn đang lên men dở như: cây, cỏ, rơm mục, bã bia, bã sắn…

 

+ Gia súc ăn cơm nguội, cháo

 

– Do gia súc ăn phải thức ăn có chứa chất HCN: măng tre, sắn hoặc có lẫn hoá chất độc hại như hợp chất photpho hữu cơ. Hoặc do trúng độc cacbamit.

 

– Do gia súc làm việc quá sức hoặc thời tiết thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến bộ máy tiêu hoá.

 

– Do kế phát từ một số bệnh truyền nhiễm như: cúm, tụ huyết trùng, nhiệt thán… hoặc một số bệnh nội khoa như: bệnh liệt dạ cỏ, viêm dạ tổ ong, viêm phúc mạc, liệt thực quản, tắc thực quản hoặc do gia súc nằm liệt lâu ngày không ợ hơi được.

 

Triệu chứng

 

Bệnh xuất hiện nhanh (sau khi ăn 30 phút – 1 giờ), khi bệnh mới phát con vật thường có các biểu hiện:

 

Bụng bị phình to, con vật bị đau bụng, đứng nằm không yên, thường đi quanh cọc, lấy đuôi quất mạnh vào vùng bụng trái.

 

Gõ vào hõm hông bên trái thấy âm trống chiếm ưu thế, âm đục, âm bùng hơi mất.

 

Ấn tay vào vùng dạ cỏ có cảm giác căng như ấn tay vào quả bóng cao su chứa đầy hơi.

 

Nghe vùng dạ cỏ thấy nhu động dạ cỏ lúc đầu tăng sau đó giảm dần rồi mất hẳn, chỉ nghe thấy tiếng nổ lép bép do thức ăn lên men.

 

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng trên càng trầm trọng hơn:

 

– Bụng con vật ngày càng phình to, vùng hõm hông bên trái lồi lên có khi cao hơn cả mỏm ngoài xương cánh hông.

 

– Gia súc đau bụng rõ rệt, vã mồ hôi, uể oải, hay sợ hãi, con vật ngừng ăn, ngừng nhai lại.

 

– Gia súc khó thở, tần số hô hấp tăng, dạng 2 chân trước ra để thở, hoặc thè lưỡi ra để thở.

 

– Hệ thống tuần hoàn bị rối loạn, máu ở cổ và đầu không dồn về tim được nên tĩnh mạch cổ phồng to, tim đập nhanh (140 lần/phút), mạch yếu, huyết áp giảm.

 

– Con vật có thể bị hôn mê rồi chết nhanh do bị ngạt và trúng độc. Lỗ mũi, hậu môn có khi có máu tươi, có hiện tượng lòi dom

 

Do bệnh tiến triển rất nhanh, nên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời con vật sẽ chết do rối loạn hô hấp và tuần hoàn: ngạt thở, trúng độc toan và xuất huyết não.

 

Chẩn đoán

 

Cần căn cứ vào các đặc điểm và triệu chứng đặc trưng của bệnh để chẩn đoán:

 

Bệnh xuất hiện và tiến triển nhanh, sau khi ăn 30 phút – 1 giờ.

 

Vùng bụng trái căng phồng, gõ thấy âm trống chiếm toàn bộ vùng dạ cỏ.

 

Ấn tay vào vùng dạ cỏ có cảm giác căng như ấn tay vào quả bóng cao su chứa đầy khí.

 

Chọc troca dạ cỏ có rất nhiều khí thoát ra theo lỗ kim.

 

Con vật bị khó thở rất nặng.

 

Trong quá trình chẩn đoán cần phân biệt với bệnh bội thực dạ cỏ: bệnh tiến triển chậm (xuất hiện sau khi ăn từ 6 – 9 giờ), khi gõ vùng dạ cỏ thấy xuất hiện vùng âm đục tuyệt đối, ấn tay vào vùng dạ cỏ để lại vết lõm sau khi bỏ tay ra.

 

Điều trị

 

Nguyên tắc điều trị: Để điều trị bệnh có hiệu quả cần tìm mọi cách để tháo hơi ra khỏi dạ cỏ, tẩy trừ thức ăn ra khỏi dạ cỏ, ức chế sự lên men sinh hơi thức ăn trong dạ cỏ, tìm mọi cách hục hồi và tăng cường nhu động dạ cỏ, tăng cường trợ sức, trợ lực cho con bệnh.

 

Hộ lý – Chăm sóc:

 

– Để gia súc đứng tư thế cao đầu, mông thấp.

 

– Tăng cường sự thoát hơi ra khỏi dạ cỏ:

 

+ Dùng tay kéo lưỡi bệnh súc theo nhịp thở.

 

+ Moi phân hết phân ở trực tràng ra.

 

+ Dùng cỏ khô, rơm trà sát vào vùng dạ cỏ ngày 2-3lần, mỗi lần 10 – 15 phút.

 

– Nếu lượng hơi tích lại quá nhiều trong dạ cỏ, con vật có biểu hiện ngạt thở thì phải chọc troca để thoát hơi ra. (Nếu trâu, bò bị chướng hơi ở thể sủi bọt thì khi trọc troca các bọt khí sẽ vít lỗ kim, làm cản trở thoát khí ra ngoài. Khi đó chúng ta dùng 25 – 30g ZnO hoà với 100 – 150ml nước sạch rồi bơm vào dạ cỏ để phá vỡ các khí bào cho khí thoát ra).

 

– Khi con vật ăn được thì chỉ cho ăn loại thức ăn thô xơ như rơm và cỏ. Không cho ăn các loại thức ăn dễ lên men sinh hơi: cỏ non, cám, ngô, khoai,…

 

Dùng thuốc điều trị

 

Tăng cường thoát hơi ra khỏi dạ cỏ:

 

– Bôi MgSO4 hoặc Na2SO4 vào niêm mạc miệng.

 

– Cho uống nước lá thị: lá thị 2 nắm to giã nhừ rồi hoà với nước sạch sau đó lọc lấy nước cho uống còn bã dùng để trà sát vào hậu môn. Để thải trừ chất chứa ra khỏi dạ cỏ, có thể dùng một trong các loại thuốc sau:

 

– Magie sulfat hoặc natri sulfat. Liều lượng: Trâu, bò: 300 – 500 g, dê, cừu: 100 – 200 g. Cho uống ngày một lần duy nhất vào ngày đầu tiên điều trị.

 

– Hoặc dung dung dịch Magie sulfat 20% tiêm với liều 1ml/10kg thể trọng

 

Để ức chế sự lên men sinh hơi của vi sinh vật trong dạ cỏ, dùng:

 

– Cho uống dung dịch rượu tỏi: tỏi 3 – 4 củ giã nhỏ + 100ml rượu + 1lít nước sạch.

 

– Cho uống nước dưa chua: 1 – 1,5lít.

 

– Cho uống dung dịch dấm ăn: 500ml dấm + 1lít nước sạch. Hoặc dung chanh, khế chua vắt lấy nước cho bò uống

 

– Cho uống từ 3 – 5 lít bia hơi lạnh

 

Để phục hồi và tăng cường nhu động dạ cỏ, chúng ta có thể dùng một trong các loại thuốc sau:

 

– Schychnin B1 hoặc schychnin sulfat 0,1% với liều: Trâu, bò: 20 – 30 ml, dê cừu: 5 – 10 ml. Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 2 – 3 lần, ngày tiêm 1 lần.

 

Pilocarpin 3%: (thận trọng khi sử dụng, đề phòng vỡ dạ cỏ).

 

Chú ý: Không dùng Schychnin và Pilocarpin cho gia súc đang mang thai vì dễ gây xảy thai.

 

Nguyễn Văn Minh

Cố vấn kỹ thuật Trung tâm Vet24h

Từ khóa
  • thực phẩm sạch
  • nhà chăn nuôi
  • phương pháp chăn nuôi
  • chăn nuôi làm giàu
  • chăn nuôi gia súc
  • chăn nuôi hiệu quả
  • cách chăn nuôi
  • dịch bệnh trong chăn nuôi
  • chăn nuôi bò

2 Comments

  1. Đức 05/07/2018

    Xin chào, cho mình được hỏi: Con hươu nhà mình không nhai lại, bỏ ăn, bụng trướng nhẹ điều trị như thế nào? Cảm ơn

    Bình luận
  2. Ngô thị thoa 02/06/2019

    Cho em hỏi.bò em ăn cơm khô bị chướng hơi dạ cỏ.bò đang mang thai tháng thứ 7. Giờ điều trị như thế nào ạ

    Bình luận

Để lại comment của bạn

Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.

Họ tên:

Email:

Bình luận

Δ

Từ khóa » Chướng Hơi Dạ Cỏ ở Trâu Bò