Bệnh Cơ Tim Phì Đại - Bệnh Viện Tim Tâm Đức

BS Trần Vũ Minh Thư

 Bệnh cơ tim phì đại là gì?

Bệnh cơ tim phì đại (BCTPĐ) là bệnh lý ảnh hưởng đến cơ tim. Trong BCTPĐ, phần cơ tim trong thành tim ở tâm thất dày lên. Ở vùng cơ tim dày, các tế bào cơ tim sắp xếp lộn xộn. BCTPĐ thường ảnh hưởng đến thất trái (buồng tim có chức năng bơm máu chính) và đặc biệt là thành cơ chia tim thành bên phải và bên trái (vách liên thất). Khi thành cơ này dày nặng có khả năng gây hẹp hoặc nghẽn dòng máu từ thất trái ra động mạch chủ. Tình trạng này gọi là BCTPĐ tắc nghẽn.

BCTPĐ có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác của tim như thành bên, mỏm tim, thất phải hoặc cả hai thất hay toàn bộ thất trái.

Cơ tim dày làm buồng tim cứng vì vậy tim dãn nở kém.

 Có nhiều người mắc BCTPĐ không?

BCTPĐ là bệnh tim di truyền thường gặp nhất, ảnh hưởng đến 1/500 người ở Mỹ. BCTPĐ có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn, nữ và nam.

 Nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim phì đại là gì?

BCTPĐ thường do bất thường gene mã hóa các thành phần của sợi cơ tim và thường bất thường một gene. Có nhiều gene gây ra BCTPĐ. Đây là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Vì vậy, nếu cha hoặc mẹ mang gene bất thường thì khả năng di truyền gene bất thường này cho con cái của họ là 50%. Nếu một đứa trẻ mang gene bất thường di truyền từ cha mẹ thì có khả năng thành tim dày lên có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thường ở lứa tuổi dậy thì. Đôi khi, có một số người mang gene bất thường nhưng không phát triển bệnh. Tuy nhiên mức độ nặng của bệnh không thể dự đoán được. Do đó, tầm soát BCTPĐ ở người thân trực hệ hàng thứ nhất của bệnh nhân BCTPĐ (con cái, anh chị em, cha mẹ) là điều quan trọng

 Triệu chứng của BCTPĐ là gì?

Triệu chứng của BCTPĐ rất thay đổi. Đa số bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Những triệu chứng thường gặp bao gồm:

 Hồi hộp do rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, nhịp nhanh thất.

 Đau ngực thường xảy ra khi gắng sức hoặc khi hoạt động thể lực.

 Choáng váng hay ngất có thể do rối loạn nhịp, đáp ứng huyết áp bất thường khi gắng sức.

 Khó thở thường xảy ra khi gắng sức

Biến chứng của BCTPĐ là gì?

BCTPĐ có thể đưa đến những biến chứng sau:

     Suy tim – là tình trạng khả năng bơm máu của tim yếu hơn bình thường, gây những triệu chứng như khó thở, ho, phù, hồi hộp, choáng váng, mệt mỏi.

     Đột quỵ – khi bệnh nhân có rung nhĩ, khả năng đột quỵ tăng. Biến chứng này có thể được kiểm soát với thuốc.

     Đột tử – do rối loạn nhịp nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung thất, làm tim ngừng đập. Biến chứng này có thể ngăn ngừa với máy phá rung cấy được.

BCTPĐ được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán BCTPĐ dựa trên:

     Bệnh sử – để tìm kiếm các triệu chứng và tình trạng BCTPĐ trong gia đình của bệnh nhân BCTPĐ

     Khám lâm sàng – nhằm phát hiện dấu hiệu của bệnh BCTPĐ và các bệnh lý khác đi kèm.

     Xét nghiệm – siêu âm tim giúp đo bề dày thành tim, phát hiện một số biến chứng của bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm máu, điện tâm đồ, điện tâm đồ liên tục 48 giờ, xquang ngực, siêu âm tim gắng sức, MSCT tim, thông tim cũng được chỉ định.

BCTPĐ được điều trị như thế nào?

Hiện tại, BCTPĐ không thể được chữa lành hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị giúp làm giảm triệu chứng và biến chứng của bệnh như suy tim, đột quỵ, đột tử.

Điều trị bao gồm phân tầng nguy cơ, thay đổi lối sống, thuốc và can thiệp

 Phân tầng nguy cơ

Phân tầng nguy cơ giúp xác định bệnh nhân nguy cơ đột tử cao, qua đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho bệnh nhân

Những bệnh nhân BCTPĐ có nguy cơ đột tử cao bao gồm:

– Bệnh nhân có tiền căn gia đình có người đột tử

– Bệnh nhân đã từng bị ngất

– Bệnh nhân có rối loạn nhịp như nhịp nhanh thất, rung thất

– Bệnh nhân từng bị ngưng tim được cứu sống trước đây

– Bệnh nhân có triệu chứng suy tim nặng cùng với giảm chức năng co bóp cơ tim

Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ điều trị sẽ áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc, đặt máy phá rung cấy được để giảm nguy cơ đột tử cho bệnh nhân.

 Thay đổi lối sống

Được áp dụng cho tất cả bệnh nhân BCTPĐ

Giảm rượu – Rượu và caffein làm tăng nhịp tim và huyết áp. Vì vậy nên ngưng hoặc giảm rượu, caffein để tránh làm nặng triệu chứng bệnh.

Giảm caffein – caffein có thể gây hồi hộp ở một số bệnh nhân nhạy cảm với caffein. Cần giảm các sản phẩm có chứa caffein ở những bệnh nhân này.

Hạn chế muối và nước – cần thiết cho bệnh nhân có triệu chứng suy tim. Hãy hỏi bác sĩ của bạn mức độ cần hạn chế.

Hoạt động thể lực – Hầu hết bệnh nhân BCTPĐ có thể tham gia các môn thể thao không có tính đối kháng. Nên tránh nâng vật nặng và chơi các môn thể thao có cường độ cao.

Tái khám đều đặn – Bệnh nhân BCTPĐ nên tái khám theo lịch hẹn để theo dõi triệu chứng và biến chứng của bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời.

 Thuốc

Thuốc được kê toa để làm giảm triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Một số bệnh nhân có thể không cần dùng thuốc.

Thuốc ức chế beta và ức chế kênh canxi làm thư dãn cơ tim giúp việc đổ đầy và bơm máu hiệu quả hơn.Một số thuốc chống loạn nhịp khác có thể được chỉ định khi cần thiết.

Thuốc kháng đông được dùng để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông có thể đưa đến đột quỵ khi bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.

Thuốc lợi tiểu làm giảm ứ dịch ở phổi và chân, được chỉ định ở một số bệnh nhân.

Thuốc kháng sinh được kê toa khi cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

 Can thiệp

 Dụng cụ

Máy phá rung cấy được và máy tạo nhịp là dụng cụ nhỏ được đặt dưới da và được nối với dây điện cực đi qua tĩnh mạch để đến tim.

– Máy phá rung cấy được – được chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao. Dụng cụ này phát hiện và điều trị rối loạn nhịp nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim và đột tử.

– Máy tạo nhịp – giúp tim đập với tốc độ bình thường.

 Cắt vách liên thất

Là phẫu thuật làm giảm bề dày vách liên thất ở bệnh nhân BCTPĐ nhằm làm rộng đường ra thất trái ở chỉ định khi bệnh nhân có tắc nghẽn đường ra thất trái, vẫn còn triệu chứng dù đã được điều trị tối ưu với thuốc.

 Chích alcool vào nhánh vách của động mạch liên thất trước

Thủ thuật này làm cho vùng cơ tim chích alcool bị co lại và giảm bề dày. Phương pháp này chỉ thích hợp với một số bệnh nhân.

 Ghép tim

Một số bệnh nhân cần ghép tim khi có suy tim nặng và không đáp ứng với điều trị.

Tài liệu tham khảo :

  • https://www.cardiomyopathy.org/hypertrophic-cardiomyopathy/intro
  • www.clevelandclinic.org/heart
  • www.uptodate.com

Từ khóa » Dày Nhẹ Vách Liên Thất