Bệnh Cúm A H1N1 Và Những điều Cần Biết

1. Bệnh cúm A H1N1 là gì?

Bệnh cúm A H1N1 là bệnh truyền nhiễm, gây thành dịch, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Virut cúm A H1N1 là một loại vi rút lai có gen của 4 chủng vi rút gồm vi rút cúm người, cúm lợn, cúm gia cầm ở Bắc Mỹ và gen của cúm lợn ở châu Âu và châu Á.

2. Virut cúm A H1N1 lây lan như thế nào?

• Virut lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi, sổ mũi.

• Đôi khi người ta mắc bệnh do tay bị vấy hay dính chất tiết có vi rút, sau đó đưa tay chạm lên miệng, mũi. Vi rút có thể tồn tại từ 2-8 giờ sau khi bám vào các bề mặt.

• Khi một người bị nhiễm vi rút cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã bắt đầu phát tán vi rút ra xung quanh cho đến 7 ngày sau đó. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thời gian phát tán vi rút lâu hơn.

3. Triệu chứng bệnh cúm H1N1

Triệu chứng bệnh cúm A H1N1 giống như cúm mùa, bao gồm: sốt, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở.

4. Bệnh cúm A H1N1 có nguy hiểm không?

Bệnh cúm A H1N1 diễn tiến nặng rất nguy hiểm:

Mức độ tử vong bệnh này phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm, chăm sóc y tế tốt. Với những người có cơ địa yếu, người già, trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân đái tháo đường sẽ diễn tiến nhanh, gây biến chứng viêm phổi, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Tỷ lệ tử vong lúc này cũng tương đương với tỷ lệ tử vong của cúm theo mùa.

5. Phòng ngừa bệnh cúm A H1N1

- Tăng cường vệ sinh cá nhân:

+ Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.

+ Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất dùng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh:

+ Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế.

+ Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp.

+ Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm.

- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh:

+ Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.

+ Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn 70 độ.

+ Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể.

+ Khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... nên chích ngừa cúm định kỳ hàng năm.

Mọi thông tin tư vấn phòng ngừa bệnh cúm A H1N1 vui lòng liên hệ BS Tuyết - Khoa Kiểm soát bệnh tật – Trung tâm Y tế quận Gò Vấp: 028.3894.0607 để được tư vấn.

P.KHNV

Từ khóa » Cúm H1n1 Từ đầu Ra