Bệnh Cước: Định Nghĩa, Nguyên Nhân, điều Trị Và Phòng Ngừa

Nội dung bài viết

  • Bệnh cước là gì?
  • Nguyên nhân gây bệnh cước?
  • Biểu hiện của bệnh?
  • Cần được đến khám bác sĩ khi nào?
  • Làm sao để chẩn đoán bệnh cước?
  • Điều trị và cách phòng ngừa bệnh cước như thế nào?

Bệnh cước là bệnh khá quen thuộc đối với rất nhiều người. Đặc biệt là những người sống ở khu vực có khí hậu lạnh. Như ở các tỉnh phía Bắc, vào cuối đông đầu xuân thời tiết thường lạnh ẩm. Vào thời gian này, bị cước ở tay, chân là điều khó tránh nếu không lưu ý chăm sóc da. Mặc dù bệnh cước phần lớn không gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng lại tạo cảm giác khó chịu, và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Vậy làm sao để tránh mắc bệnh cước? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh cước là gì?

Bệnh cước (Chilblains) là tình trạng viêm các mạch máu nhỏ của da. Tạo nên các vùng da bị đổi màu (đỏ, xanh tím, trắng), sưng lên, phồng rộp và gây ngứa. Tình trạng này xảy ra ở các vị trí tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, đặc biệt là đầu ngón tay và chân thường dễ mắc. Hai yếu tố thời tiết lạnh và tuần hoàn kém được xem là yếu tố dẫn đến bệnh.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và người già, những người ít vận động sống trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đối với trẻ em, bệnh chỉ tái phát vào mùa đông trong vài năm, sau đó giảm dần rồi khỏi hẳn. Ở người già, bệnh có xu hướng nặng lên trừ khi tránh được các yếu tố khởi phát. Ngoài ra, nữ giới có nhiều khả năng bị cước hơn nam giới.

Trong vòng một đến ba tuần, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu chỗ viêm có tình trạng nhiễm trùng sẽ phải cần được điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh cước?

Mặc dù nguyên nhân gây nên bệnh cước vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng này được cho rằng có liên quan mật thiết đến phản ứng của cơ thể với môi trường lạnh, ẩm.

Hệ thống tuần hoàn của cơ thể bao gồm các động mạch, tĩnh mạch, mao mạch mang máu đến mọi tế bào và hệ thống này nhạy cảm với nhiệt độ.

1. Trong điều kiện nóng bức

Trong điều kiện nóng bức, cơ thể sẽ mở rộng các mạch máu gần da để nhiệt có thể tỏa vào không khí, từ đó làm mát cơ thể.

2. Trong điều kiện lạnh

Khi gặp lạnh, chúng sẽ co lại để bảo tồn nhiệt độ cơ thể. Sự co thắt này có thể gây tổn thương các chi, gây nên các biểu hiện của bệnh cước. Điều này thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc cái lạnh.

Các biểu hiện này sẽ trở nên tồi tệ hơn với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ví dụ như khi đi vào một nơi ấm áp sau khi ở ngoài trời lạnh nhưng làm nóng bàn chân lạnh quá nhanh.

Bằng cách đặt chân sát cạnh lò sưởi hoặc sử dụng chai nước nóng lăn trực tiếp vào chân, cũng sẽ làm bệnh nghiệm trọng thêm. Thay vào đó, nên làm ấm toàn bộ cơ thể.

Những người sống ở khác khu vực có khí hậu lạnh khắc nghiệt thường ít mắc bệnh cước hơn. Điều này là do ở vùng khí hậu khô, độ ẩm thấp, người dân có sự chuẩn bị về lối sống và quần áo chống lạnh tốt hơn.

Các yếu tố khác làm tình trạng bệnh nặng hơn:

  • Trong gia đình từng có người bị bệnh tương tự.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên: do đái tháo đường, hút thuốc, tăng mỡ máu.
  • Thiếu cân, suy dinh dưỡng (ví dụ do chán ăn, tâm thần…).
  • Thay đổi nội tiết tố, bệnh có thể cải thiện khi mang thai.
  • Bệnh mô liên kết: hiện tượng Raynaud (có thễ dẫn đến lở loét), xơ cứng bì. Đặc biệt là Lupus ban đỏ.
  • Rối loạn tủy xương.
  • Ngoài ra, mặc quần áo mang giày quá bó sát trong thời tiết lạnh, ẩm ướt.

Biểu hiện của bệnh?

Các tổn thương da thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với lạnh. Vị trí thường ở trên các ngón tay hoặc ngón chân, một số ít bị ở mũi, tai, lòng bàn chân, bắp chân, đùi và mông. Thời gian khỏi trong vòng một đến ba tuần hoặc khi thời tiết ấm hơn.

Các biểu hiện bao gồm:

  • Các nốt, mảng da sưng đỏ và ngứa.
  • Cảm giác nóng rát trên da.
  • Da khô dẫn đến nứt nẻ.
  • Màu da thay đổi từ đỏ sang tím xanh, kèm theo đau.
  • Trường hợp nặng có thể phồng rộp, mụn mủ, loét da.
Biểu hiện của bệnh cước
Các nốt, mảng da sưng đỏ và ngứa

Cần được đến khám bác sĩ khi nào?

Bệnh cước thông thường sẽ tự khỏi trong vài tuần. Tuy nhiên, trong trường hợp có mụn nước có thể gây ra các biến chứng như: loét và nhiễm trùng. Cơn đau sẽ ngày càng nghiêm trọng hoặc các biểu hiện bệnh không giảm sau một đến hai tuần. Lúc này, bạn cần đến khám bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp.

Nếu các triệu chứng bệnh kéo dài đến các tháng có khí hậu trở nên ấm hơn, bạn cũng cần nên đến cơ sở y tế để loại trừ khả năng mắc bệnh khác. Những người có bệnh kèm theo như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, v.v., việc chữa trị có thể kéo dài và cần chăm sóc đặc biệt hơn.

Làm sao để chẩn đoán bệnh cước?

Bệnh cước được chẩn đoán dựa trên khai thác quá trình bệnh và thăm khám là chính. Điều kiện mắc bệnh thường là những người có biểu hiện tổn thương da phù hợp. Bệnh liên quan đến tiếp xúc lạnh, đặc biệt là ở các vị trí ngón tay, ngón chân, mũi, tai. Các xét nghiệm như sinh thiết da thường không cần thiết. Trong một vài trường hợp các xét nghiệm chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tìm ra các bệnh tìm ẩn khác kèm theo.

Điều trị và cách phòng ngừa bệnh cước như thế nào?

1. Điều trị

Bệnh cước đáp ứng kém với thuốc điều trị. Để giảm triệu chứng có thể dùng kem bôi corticoid vào các vết ngứa và sưng trong vài ngày. Tuy nhiên, phần lớn các biểu hiện bệnh sẽ giảm mà không cần sử dụng thuốc. Trong trường hợp bệnh có kèm theo tình trạng nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống tùy mức độ nặng.

Việc dùng thuốc giãn mạch như nifedipine, có mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác dụng phụ của nifedipine như nóng bừng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, phù ngoại biên.

Ngoài ra các biện pháp không sử dụng thuốc sau đây có thể thực hiện tại nhà. Nhằm giảm bớt các triệu chứng gây khó chịu của bệnh:

  • Nhẹ nhàng giữ ấm vùng da ảnh hưởng, không cần xoa bóp, chà xát hoặc chườm nóng trực tiếp.
  • Tránh tiếp xúc lạnh bất cứ khi nào có thể.
  • Giữ cho vùng da bị cước khô ráo và ấm, nhưng tránh ngồi quá gần các nguồn nhiệt.
  • Đảm bảo làm sạch tổn thương bằng chất sát trùng và băng nhẹ, mỏng để tránh nhiễm trùng.
  • Tránh trầy xước, không gãi vào vết thương.
  • Ngưng hút thuốc, vì thuốc lá ảnh hưởng lưu thông mạch máu làm chậm lành vết thương.

2. Cách phòng ngừa

Bệnh cước không khó phòng ngừa với nhiều phương pháp được áp dụng. Tập trung chủ yếu nhất vào việc giảm thiểu việc tiếp xúc lạnh và giữ ấm toàn bộ cơ thế, bao gồm:

  • Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
  • Giữ ấm và khô ráo cho tay, chân, mặt. Cần lưu ý lau thật khô cơ thể sau tắm.
  • Khi đi ra ngoài trong thời tiết lạnh, hạn chế tối đa phần da lộ ra ngoài, mang găng tay và giày dép chống thấm nước, có thể mặc nhiều lớp quần áo sẽ tăng hiệu quả giữ ấm hơn một áo dày.
  • Ngâm tay vào nước ấm trong vài phút, sau đó giữ ấm trong vài giờ.
  • Giữ cho nhà ở và nơi làm việc có không khí ấm áp, thoải mái.
  • Khi thời tiết lạnh, lựa chọn môn thể thao trong nhà để giữ cho cơ thể được ấm.
  • Ngừng hút thuốc vì chất nicotine có trong thuốc lá gây co mạch.
  • Hạn chế các chất gây co mạch như caffeine.

Bài viết đưa đến một số kiến thức và cách phòng ngừa bệnh cước. Tuy rằng bệnh không ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng nhưng cần lưu ý các biểu hiện nặng hơn của bệnh. Có thể kịp thời đến bác sĩ thăm khám, tránh được các biến chứng không mong muốn. Điều quan trọng là giữ ấm cho cơ thể nhất là các vị trí dễ mắc bệnh và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ lạnh. Mong rằng các bạn có thể áp dụng được các cách trên đây để ngăn ngừa bệnh cước dễ dàng hơn.

Từ khóa » Cước đầu Ngón Tay