Bệnh Cường Aldosterone Nguyên Phát: Bạn đã Biết Chưa?

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về bệnh cường aldosterone nguyên phát
  • Biểu hiện bệnh cường aldosterone như thế nào?
  • Nguyên nhân gây ra cường aldosterone nguyên phát
  • Bệnh cường aldosterone nguyên phát có thể gây biến chứng gì?
  • Chẩn đoán bệnh cường aldosterone nguyên phát như thế nào?
  • Các phương pháp điều trị bệnh cường aldosterone nguyên phát
  • Khi nào cần đến khám bác sĩ?
  • Thiết lập một sống khỏe mạnh

Bệnh cường aldosterone nguyên phát là một rối loạn nội tiết tố dẫn đến huyết áp cao. Nó xảy ra khi tuyến thượng thận của bạn sản sinh quá mức lượng aldosterone cần thiết. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh lý này nhé!

Tổng quan về bệnh cường aldosterone nguyên phát

Bệnh cường aldosterone là một loại rối loạn nội tiết dẫn đến cao huyết áp. Tuyến thượng thận sản xuất một số hormone cần thiết. Một trong số này là aldosterone. Trong cường aldosterone, tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều aldosterone. Sự dư thừa này có thể khiến cơ thể mất kali và giữ lại natri. Từ đó gây ra mất cân bằng, khiến cơ thể bạn giữ quá nhiều nước, làm tăng thể tích máu và huyết áp.

cường aldosterone nguyên phát
Hypertension: tăng huyết ápARR: tỉ lệ aldosterone/renin

Biểu hiện bệnh cường aldosterone như thế nào?

Bệnh cường aldosterone nguyên phát thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Biểu hiện đầu tiên nghi ngờ mắc cường aldosterone nguyên phát thường là huyết áp cao. Đặc biệt khó kiểm soát huyết áp.

Đôi khi, cường aldosterone nguyên phát gây ra mức kali thấp. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể có xuất hiện các triệu chứng sau:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Nội tiết, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Chuột rút cơ bắp.
  • Yếu cơ.
  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Khát nước.
  • Thường xuyên phải đi tiểu.

Nguyên nhân gây ra cường aldosterone nguyên phát

Các tình trạng phổ biến có thể gây ra bệnh cường aldosterone bao gồm:

  • Tăng sinh lành tính ở tuyến thượng thận.
  • Hoạt động quá mức của cả hai tuyến thượng thận.

Có những nguyên nhân hiếm gặp hơn của chứng aldosterone nguyên phát, bao gồm:

  • Ung thư ở lớp ngoài của tuyến thượng thận.
  • Bệnh lý di truyền gây ra huyết áp cao ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Bệnh cường aldosterone nguyên phát có thể gây biến chứng gì?

Bệnh aldosterone nguyên phát có thể dẫn đến huyết áp cao và nồng độ kali thấp. Những biến chứng này có thể dẫn đến các vấn đề khác.

1. Vấn đề liên quan đến tăng huyết áp

Huyết áp tăng cao kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề về tim và thận của bạn, bao gồm:

  • Đau tim, suy tim và các vấn đề về tim khác.
  • Đột quỵ.
  • Bệnh thận hoặc suy thận.

Những người mắc chứng aldosterone nguyên phát có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch cao hơn so với những người chỉ bị tăng huyết áp.

2. Vấn đề liên quan đến mức kali thấp (hạ kali máu)

Aldosterone nguyên phát có thể gây ra mức kali thấp. Nếu nồng độ kali của bạn chỉ hơi thấp, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, hàm lượng kali rất thấp có thể dẫn đến:  yếu đuối, nhịp tim không đều, chuột rút,…

Chẩn đoán bệnh cường aldosterone nguyên phát như thế nào?

Nếu nghi ngờ mắc cường aldosterone nguyên phát, hãy làm xét nghiệm để đo nồng độ aldosterone và renin trong máu. Renin là một loại enzyme do thận giải phóng giúp kiểm soát huyết áp. Nếu mức renin rất thấp và nồng độ aldosterone cao, bạn có thể mắc chứng aldosterone nguyên phát.

Các xét nghiệm bổ sung

Nếu xét nghiệm aldosterone-renin cho thấy bệnh cường aldosterone nguyên phát, bạn sẽ cần các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán và tìm kiếm nguyên nhân tiềm ẩn. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

1. Thử nghiệm dung nạp muối. Bạn sẽ  ăn nhiều natri trong vài ngày hoặc truyền nước muối trong vài giờ trước khi bác sĩ đo mức aldosterone. Ngoài ra có thể dùng fludrocortisone – một loại thuốc tương tự hoạt động của aldosterone – bên cạnh chế độ ăn nhiều natri trước khi thử nghiệm.

2. Chụp CT bụng. Chụp CT có thể tìm thấy một khối u trên tuyến thượng thận hoặc cho thấy tuyến này tăng sinh, hoạt động quá mức.

3. Xét nghiệm máu tĩnh mạch thượng thận. Lấy máu từ cả tĩnh mạch thượng thận phải và trái của bạn và so sánh hai mẫu. Nếu chỉ có một bên có tăng aldosterone, bác sĩ có thể nghi ngờ sự phì đại trên tuyến thượng thận đó. Xét nghiệm này liên quan đến việc đặt một ống trong tĩnh mạch ở háng và luồn nó lên các tĩnh mạch tuyến thượng thận. Tuy nhiên, xét nghiệm này có nguy cơ chảy máu và hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch.

Các phương pháp điều trị bệnh cường aldosterone nguyên phát

Điều trị cho aldosterone nguyên phát phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Mục tiêu là làm cho mức aldosterone của bạn trở lại bình thường. Ngoài ra, để ngăn chặn tác dụng của aldosterone và các biến chứng nó gây ra.

1. Điều trị khối u tuyến thượng thận

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận. Phương pháp được tiến hành với khối u thường được đề nghị. Phẫu thuật cắt bỏ có thể đưa huyết áp, kali và aldosterone trở lại bình thường. Bác sĩ sẽ theo dõi người bệnh chặt chẽ sau khi phẫu thuật. Sau đó, dần dần điều chỉnh hoặc loại bỏ thuốc tăng huyết áp của bạn.

Rủi ro trong phẫu thuật bao gồm chảy máu và nhiễm trùng. Việc thay thế hormone tuyến thượng thận là không cần thiết bởi vì tuyến thượng thận còn lại có thể tạo ra đủ các hormone mà cơ thể cần.

Thuốc ngăn chặn Aldosterone. Nếu bệnh aldosterone nguyên phát của bạn là do khối u lành tính và bạn không thể hay không muốn phẫu thuật, có thể điều trị bằng thuốc ức chế aldosterone. Thuốc này còn gọi là thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid (spironolactone và eplerenone). Tuy nhiên tình trạng huyết áp cao và kali thấp sẽ quay trở lại nếu bạn ngừng dùng thuốc.

2. Điều trị cho tình trạng tăng hoạt động quá mức của cả hai tuyến thượng thận

Trong trường hợp này, kết hợp thuốc và điều chỉnh lối sống có thể mang lại hiệu quả.

Dùng thuốc

Thuốc đối kháng thụ thể corticoid khoáng làm bất hoạt của aldosterone trong cơ thể. Thường kê toa là spironolactone (Aldactone). Thuốc này giúp điều chỉnh huyết áp cao và kali thấp, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Ngoài việc ngăn chặn các thụ thể aldosterone, spironolactone có thể ức chế hoạt động của các hormone khác. Tác dụng phụ của việc dùng thuốc điều trị bệnh cường aldosteronebao gồm phì đại tuyến vú nam và kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.

Một chất đối kháng thụ thể mới hơn, đắt tiền hơn được gọi là eplerenone (Inspra) giúp loại bỏ các tác dụng phụ của hormone giới tính liên quan đến spironolactone. Bác sĩ có thể khuyên dùng eplerenone nếu bạn có tác dụng phụ nghiêm trọng với spironolactone. Bạn cũng có thể cần các loại thuốc khác cho tăng huyết áp.

Thay đổi lối sống

Thuốc huyết áp cao có hiệu quả hơn khi kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Bên cạnh việc dùng thuốc, huyết áp có thể được kiểm soát bằng việc điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng thường ngày. Bạn có thể tìm hiểu thêm qua bài Lối sống và chế độ dinh dưỡng ở người tăng huyết áp: Nên và không nên!

Trao đổi với bác sĩ của bạn để lập ra một kế hoạch để giảm natri trong chế độ ăn uống của bạn và giữ một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Tập thể dục thường xuyên, hạn chế lượng rượu bạn uống và ngừng hút thuốc cũng có thể cải thiện phản ứng của bạn với thuốc.

Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Hỏi bác sĩ về khả năng mắc bệnh aldosterone nguyên phát nếu bạn có các biểu hiện sau:

  • Huyết áp cao từ trung bình đến nặng, đặc biệt nếu bạn cần nhiều loại thuốc để kiểm soát huyết áp.
  • Tăng huyết áp và tiền sử gia đình mắc chứng aldosterone nguyên phát.
  • Huyết áp cao và tiền sử gia đình có tăng huyết áp hoặc đột quỵ ở tuổi 40 trở xuống.
  • Tăng huyết áp và phì đại một trong hai tuyến thượng thận của bạn (khi tình cờ làm xét nghiệm hình ảnh).
  • Huyết áp cao và mức kali thấp.
  • Huyết áp cao và ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn.

Thiết lập một sống khỏe mạnh

Một lối sống lành mạnh là điều cần thiết để giữ huyết áp thấp và giữ sức khỏe tim lâu dài. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn kiêng với nhiều loại thực phẩm lành mạnh – bao gồm ngũ cốc, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo – có thể giúp giảm cân và giúp giảm huyết áp. Bên cạnh đó, nên hạn chế natri, đường, chất béo bão hòa và rượu.
  • Đạt được một trọng lượng khỏe mạnh. Nếu chỉ số khối cơ thể của bạn (BMI) từ 25 trở lên, giảm từ 3% đến 5% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm huyết áp.
  • Tập thể dục. Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp. Bạn không cần phải đến phòng tập thể dục – đi bộ vừa phải trong 30 phút hầu hết các ngày trong tuần có thể cải thiện sức khỏe.
  • Ngưng hút thuốc. Bỏ hút thuốc cải thiện sức khỏe tổng thể của tim và mạch máu. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm các loại thuốc giúp cai thuốc.

Bệnh cường aldosterone nguyên phát là một bệnh lý khó phát hiện sớm, tuy nhiên nếu được phát hiện kịp thời và nhận được điều trị thích hợp có thể giúp ổn định sức khỏe của bạn. Mọi thông tin trên đều mang tính chất tham khảo, bạn cần đi khám và liên hệ trực tiếp với bác sĩ của mình.

Từ khóa » Cường Aldosterone Là Gì