Bệnh đậu Mùa Khỉ Là Gì? Bệnh Có Thật Sự Nguy Hiểm Như Lời đồn?

Tối 25/9/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin thành phố ghi nhận 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ là nam thanh niên, 25 tuổi, đang tạm trú tại TP.HCM. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng phát đi thông báo về trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn.

Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh thường xảy ra ở châu Phi, đặc biệt là các nước nằm ở phía Tây và Trung Phi. Mặc dù vậy, hiện nay, căn bệnh này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và có nguy cơ lan sang nhiều nước khác, có thể gây ra mối nguy cho toàn cầu. Vậy, bệnh đậu mùa khỉ có thật sự nguy hiểm như lời đồn? Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn tất tần tật mọi thông tin liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm lây từ động vật do virus đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra. Các ca bệnh thường xảy ra ở khu dân cư gần các khu rừng mưa nhiệt đới, nơi động vật mang virus sinh sống. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ rất giống với những triệu chứng đã thấy ở bệnh nhân đậu mùa, mặc dù bệnh này ít nghiêm trọng hơn về mặt lâm sàng.

Có 2 biến thể của virus đậu mùa khỉ: Tây Phi và lưu vực Congo (Trung Phi). Tên bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ phát hiện ban đầu về virus trên khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958, khi 2 đợt bùng phát của một bệnh giống thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp đầu tiên trên người được xác định ở một trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. 

Trong đợt bùng phát dịch hiện nay, dữ liệu mới nhất từ ​​các quốc gia thành viên của WHO đến ngày 22/05/2022, cho thấy hơn 250 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ 16 quốc gia và một số khu vực của WHO. Cho đến nay, tất cả các trường hợp có mẫu xét nghiệm được xác nhận bằng PCR đều được xác định là bị nhiễm chủng Tây Phi. 

Nguyên nhân gây bệnh và con đường lây lan

Nguyên nhân bệnh đậu mùa khỉ

Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân gây bệnh là do chủng virus này thuộc giống Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Mặc dù vậy, cơn bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện tại rất có thể không phải do khỉ gây ra. Theo WHO, khả năng cao nguyên nhân gây bệnh của đợt dịch này là do các loài gặm nhấm hoang dã bị nhiễm bệnh ở các vùng phía Tây và Ttrung Phi, như chuột túi khổng lồ Gambia, chuột sóc, cầy thảo nguyên… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể.

Bạn có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ từ một con vật bị nhiễm bệnh nếu bạn bị cắn hoặc bạn chạm vào máu, dịch cơ thể, mụn nước hoặc vảy vết thương của nó. Bệnh đậu mùa khỉ cũng có nguy cơ lây lan khi bạn ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ, hoặc do chạm vào các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh (như da hoặc lông động vật).

Bên cạnh đó, bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua đường:

  • Chạm vào quần áo, chăn, drap trải giường hoặc khăn tắm của người bị bệnh đậu mùa khỉ
  • Chạm vào vết phồng rộp hoặc vảy vét thương trên da người bệnh
  • Giọt bắn đường hô hấp, cơn ho hoặc hắt hơi của người bị phát ban đậu mùa khỉ
  • Máu, dịch cơ thể, niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng) của người bệnh

Hầu hết các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận cho đến nay chủ yếu liên quan đến nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết căn bệnh này không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục mà có thể lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục.

Thời gian ủ bệnh

Bạn đang thắc mắc, nếu chẳng may một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, thời gian ủ bệnh sẽ là bao lâu? Thông thường, thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là từ 6-13 ngày. Mặc dù vậy, thời gian ủ bệnh cũng có thể kéo dài từ 5-21 ngày mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Bệnh thường khỏi trong vòng 2-4 tuần.

Triệu chứng của đậu mùa khỉ

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể rất giống với những triệu chứng mà bệnh nhân đậu mùa gặp phải, nhưng nhẹ hơn. Bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu với các triệu chứng:

  • Sốt
  • Nhức đầu
  • Đau cơ 
  • Đau lưng
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi, kiệt sức… 

Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên (bệnh nổi hạch) trong khi bệnh đậu mùa thì không. 

Trong vòng 1-3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi xuất hiện sốt, người bệnh thường có triệu chứng phát ban và thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Những nốt ban này tiến triển qua các giai đoạn sau:

  • Các nốt ban 
  • Mụn sẩn
  • Mụn nước
  • Mụn mủ
  • Đóng vảy

Đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây tử vong không?

bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ thường không chuyển biến nặng nhưng có thể nghiêm trọng hơn ở một số người, như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe khác. Các trường hợp nghiêm trọng phổ biến hơn ở những người bị thiếu hụt miễn dịch cơ bản và trẻ nhỏ. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ là khoảng 3-6%. 

Tuy bệnh đậu mùa khỉ rất dễ lây nhiễm, nhưng vẫn có thể được kiềm chế và nguy cơ lây truyền nói chung là thấp. Các phương thức lây truyền và những thông tin về loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã được biết từ trước, vì vậy, đợt bùng phát này vẫn có thể được kiềm chế. Do đó, rủi ro của căn bệnh này có vẻ thấp. 

Mặc dù vậy, mức độ lây truyền bệnh vẫn chưa rõ ràng ở giai đoạn này do việc giám sát còn hạn chế. Có nhiều khả năng xác định thêm các trường hợp mắc các chuỗi lây truyền không xác định, bao gồm cả ở các nhóm dân cư khác. Như vậy, bệnh đậu mùa khỉ vẫn được xem là một căn bệnh nguy hiểm và vẫn cần có những biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.

Đậu mùa khỉ được chẩn đoán thế nào?

chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ

Để chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, trước tiên, cần quan sát kỹ để phát hiện các triệu chứng của bệnh. Mặc dù các triệu chứng bệnh có thể khá phổ biến và dễ nhầm lẫn, không phải trường hợp nào cũng cần kiểm tra và tầm soát. Những trường hợp có nổi ban ngoài da cấp tính kèm theo một trong các yếu tố sau nên đi khám để được chẩn đoán: 

  • Sống ở các vùng rừng nhiệt đới có động vật dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ
  • Đi đến các quốc gia có ca bệnh 
  • Sống chung, làm việc với người nghi ngờ hoặc bị bệnh đậu mùa khỉ
  • Ăn thịt các động vật hoang dã, không rõ nguồn gốc, có nguy cơ mắc bệnh
  • Tiếp xúc với động vật nghi ngờ hoặc mắc bệnh
  • Bị cắn, cào… bởi những động vật bị nghi hoặc nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Khi khám bệnh, các bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng của bệnh, đồng thời tìm hiểu tiền sử bệnh, lịch sử di chuyển đến các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh của bệnh nhân để xác định xem người đó có mắc bệnh đậu mùa khỉ hay không.

Kế đến, để chắc chắn hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm PCR các mẫu vết thương trên da, hoặc mẫu chất dịch cơ thể để xem liệu có phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp, sinh thiết cũng có thể được thực hiện.

Bên cạnh đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, người thuộc mọi lứa tuổi sống ở những nước không có bệnh đậu mùa khỉ mà bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân, kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022, thì nên đi khám để kịp thời tầm soát bệnh:

  • Đau đầu
  • Khởi phát sốt cấp tính (> 38,5 độ C)
  • Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết)
  • Đau nhức cơ thể
  • Đau lưng
  • Suy nhược

Không những thế, cũng theo WHO, khi những nguyên nhân phổ biến sau đây của phát ban cấp tính không giải thích được bệnh cảnh lâm sàng: varicella zoster, herpes zoster, sởi, Zika, sốt xuất huyết, chikungunya, herpes simplex, nhiễm trùng da do vi khuẩn, nhiễm trùng do lậu cầu, giang mai nguyên phát hoặc thứ phát, loét hạ cam, u lympho venereum, u hạt bẹn, u mềm lây, phản ứng dị ứng (ví dụ: với thực vật) và bất kỳ nguyên nhân phổ biến nào khác có liên quan của phát ban dạng sẩn hoặc mụn nước, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và tầm soát bệnh.

Cách điều trị bệnh đậu mùa khỉ

điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Hiện tại, không có phương pháp điều trị cụ thể nào được chấp thuận cho các trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, bệnh thường nhẹ và hầu hết mọi người khỏi bệnh sau 2-4 tuần. Một số loại thuốc kháng virus đang được nghiên cứu và được cho rằng có thể có lợi đối với việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người, bao gồm:

  • Tecovirimat: Đây là một loại thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và bệnh nhi có cân nặng ít nhất 3 kg.
  • Cidofovir: Là một loại thuốc kháng virus được FDA chấp thuận để điều trị viêm võng mạc do cytomegalovirus ở bệnh nhân mắc Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). 
  • Vaccinia Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch được FDA cấp phép để điều trị các biến chứng do tiêm vắc xin phòng bệnh.
  • Brincidofovir: Một loại thuốc kháng virus được FDA chấp thuận vào ngày 4 tháng 6 năm 2021 để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và bệnh nhi, kể cả trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, vì bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan nếu có tiếp xúc gần gũi, do đó, cần phải cách ly người bệnh trong quá trình điều trị.

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Một số biện pháp sau nên được thực hiện để ngăn ngừa nhiễm virus đậu mùa khỉ:

  • Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc những người nghi ngờ mắc bệnh
  • Tránh tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc những người nghi ngờ mắc bệnh
  • Không đụng vào vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng của người hoặc động vật nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hay nghi ngờ nhiễm bệnh
  • Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus gây bệnh, bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh 
  • Thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh
  • Ăn chín, uống sôi và chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc và đã được kiểm định an toàn và nấu chín
  • Bất kỳ ai chăm sóc một người bị bệnh đậu mùa khỉ nên sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân thích hợp, bao gồm đeo khẩu trang, lau chùi các đồ vật và bề mặt đã bị chạm vào…

Mặc dù trước đây việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đã giúp bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ, nhưng hiện nay, những người dưới 40-50 tuổi có thể dễ bị nhiễm bệnh đậu mùa hơn do các chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa đã kết thúc trên toàn cầu sau khi căn bệnh này được loại trừ vào năm 1980. Do đó, WHO đang triệu tập các chuyên gia để thảo luận về các khuyến nghị về tiêm chủng. Việc tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ, nếu có, đang được triển khai để quản lý những người tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh, chẳng hạn như nhân viên y tế.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn biết được những thông tin liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ.

Từ khóa » Khỉ Thật