Bệnh Do Nấm Và Các Loại Thuốc Kháng Nấm Tốt Nhất Bác Sĩ Khuyên Dùng

Cập nhật lần cuối: Thứ Hai, 28/10/2024 10:58 SA , 11 phút đọc

Trungtamthuoc.com - Với khí hậu nóng ẩm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là một môi trường thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của các bệnh nấm. Việc phát hiện và sử dụng thuốc kháng nấm sớm có thể loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

1 Tổng quan thuốc kháng nấm

1.1 Lịch sử phát triển

Amphotericin B deoxycholate, một loại kháng sinh polyene, đã được giới thiệu lần đầu vào năm 1958 để điều trị nhiễm nấm toàn thân. Mặc dù loại thuốc này khá hiệu quả, nhưng vẫn cần các loại thuốc kháng nấm khác có hiệu quả trong việc bôi, uống và tiêm tĩnh mạch. Griseofulvin, thuốc kháng nấm thế hệ thứ hai, đã được giới thiệu vào năm 1959.

Sự giới thiệu quan trọng tiếp theo xảy ra vào năm 1971 với Flucytosine, một chất ức chế chuyển hóa.

Amphotericin B được giới thiệu lần đầu vào năm 1958...
Amphotericin B được giới thiệu lần đầu vào năm 1958...

Azole được giới thiệu lần đầu vào năm 1973 với sự xuất hiện của Clotrimazole, và trong 5 thập kỷ qua, ngành công nghiệp dược phẩm đã phát triển thêm các azole khác: Miconazole (1979), Ketoconazole (1981), Fluconazole (1990), Itraconazole (1992), Voriconazole (2002), Posaconazole (2006), và gần đây nhất là Isavuconazonium (2015).

Terbinafine, một loại thuốc kháng nấm allylamine, đã được FDA chấp thuận vào năm 1996 nhưng chỉ được chỉ định trong điều trị nhiễm nấm cục bộ và không có tác dụng hệ thống. Bước đột phá tiếp theo trong điều trị toàn thân sẽ dựa trên các dạng lipid của Amphotericin B tuy nhiên nó có thể mang lại nhiều tác dụng không mong muốn. Theo cách tiếp cận lipid của azole, một nhóm thuốc kháng nấm hiệu quả cao cho một số nhiễm nấm toàn thân đặc biệt, Echinocandin, đã được phát triển gần đây. Mặc dù Echinocandin ít gây độc cho thận hơn Amphotericin B, nhưng chúng gây độc gan và có giá đắt hơn azole, do đó thường chỉ được sử dụng sau khi các lựa chọn thứ hai hoặc thứ ba không thành công.

Về mặt cơ chế, thuốc kháng nấm rất đa dạng; tuy nhiên, do sự gia tăng nhanh chóng và đáng lo ngại của các nhiễm nấm toàn thân kháng thuốc, các thuốc mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

1.2 Định nghĩa

Nhiễm nấm (mycoses) bao gồm từ các bệnh nhiễm trùng lành tính thông thường với biển hiện như ngứa ngáy, khó chịu đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như viêm màng não do cryptococcus.

Thuật ngữ 'thuốc kháng nấm' bao gồm tất cả các hợp chất hóa học, tác nhân dược lý và các sản phẩm tự nhiên được sử dụng để điều trị bệnh nấm. Mọi người có thể dùng thuốc kháng nấm bằng đường uống, bôi tại chỗ hoặc tiêm tĩnh mạch qua đường truyền tĩnh mạch.

1.3 Cơ chế tác dụng chung của thuốc kháng nấm

Các loại thuốc kháng nấm có thể hoạt động theo hai cơ chế chính để đối phó với nhiễm nấm: tiêu diệt trực tiếp tế bào nấm hoặc ngăn chặn sự sinh sản và phát triển của chúng. Các thuốc kháng nấm có thể tác động đến các quá trình quan trọng trong vi sinh vật như tổng hợp thành tế bào, quá trình chuyển hóa, hoặc quá trình tổng hợp protein.

Cơ chế thuốc kháng nấm
Cơ chế thuốc kháng nấm

Trong quá trình sử dụng thuốc kháng nấm, chúng được tác động vào các cấu trúc hoặc chức năng quan trọng trong tế bào nấm mà không gây ảnh hưởng đến tế bào trong cơ thể con người. Điều này cho phép chúng có thể chống lại nhiễm nấm mà không gây tổn hại cho tế bào của chúng ta.

Mục tiêu chính của các thuốc kháng nấm là các cấu trúc quan trọng như màng tế bào nấm và thành tế bào nấm. Hai cấu trúc này bao quanh và đóng vai trò bảo vệ cho tế bào nấm. Khi màng tế bào hoặc thành tế bào bị tổn thương, tế bào nấm có thể bị phá huỷ và chết đi. Điều này làm giảm sự phát triển và lây lan của nấm trong cơ thể.

2 Phân loại nhóm thuốc trị nấm

Các loại thuốc kháng nấm rất đa dạng. Chúng có thể được phân loại dựa theo cơ chế tác dụng, theo cấu tạo hóa học, theo đường dùng hay theo vị trí tác dụng

Theo đường dùng: đường uống, điều trị tại chỗ hoặc qua đường tĩnh mạch.

Cách sử dụng thuốc kháng nấm tùy thuộc vào các yếu tố như loại thuốc cụ thể, loại nhiễm trùng mà bạn mắc phải và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Theo vị trí tác dụng:

  • Thuốc kháng nấm toàn thân: Amphotericin B, Flucytosin, nhóm Azol (Ketoconazol,...),...
  • Thuốc kháng nấm tại chỗ: Nystatin, Clotrimazol, Miconazol,...

Theo cấu trúc hóa học:

  • Thuốc kháng nấm Polyene: Amphotericin, Nystatin và Pimaricin
  • Thuốc kháng nấm Azole: Fluconazol, Itraconazol và Ketoconazol
  • Thuốc kháng nấm Allylamine: Naftifine, Terbinafine
  • Echinocandin: Anidulafungin, Caspofungin, Micafungin
  • Ngoài ra còn có một số thuốc khác như: Griseofulvin, Flucytosine, Ciclopirox,...

Theo cơ chế tác dụng:

Phá hủy màng tế bào nấm:

  • Polyen: Amphotericin B, Nystatin
  • Các azole: Ketoconazol, Miconazol, Clotrimazole, Itraconazol, Isavuconazonium sulfat (Isavuconazol), Fluconazol, Voriconazol, Posaconazol
  • Allylamine : Terbinafine

Phá hủy thành tế bào nấm:

  • Echinocandin: Anidulafungin, Caspofungin, Micafungin

Ức chế phân bào, ngăn phát triển tế bào nấm: Griseofulvin

Chất chống chuyển hóa: Flucytosine

Cơ chế khác: Ciclopirox, dẫn xuất quinoline: Iodoquinol, Clioquinol

3 Dược lý thuốc kháng nấm

Dược lý các nhóm thuốc kháng nấm dưới đây được phân loại theo cấu trúc hóa học:

3.1 Thuốc kháng nấm Polyene (Amphotericin B, Nystatin,...)

3.1.1 Đặc điểm chung

Cơ chế tác dụng:

Các chất Polyene liên kết với ergosterol của vách tế bào nấm. Phức hợp polyene-ergosterol tạo ra các ống trên màng tế bào nấm, cuối cùng dẫn đến rò rỉ chất điện giải ion và các phân tử nhỏ ra ngoài. Chúng làm cho tế bào nấm xốp hơn, khiến tế bào nấm dễ ly giải, bị vỡ ra và gây chết tế bào. Ergosterol là sterol chủ yếu có mặt trong vách tế bào nấm, trong khi cholesterol là sterol chính có mặt trong vách vi khuẩn và tế bào con người. Do sự khác biệt này, thuốc kháng nấm nhóm Polyene không có tác dụng diệt khuẩn và không gây độc hại cho tế bào người.

Một số ví dụ về thuốc kháng nấm polyene là:

3.1.2 Amphotericin B (AmBisome, Abelcet, Amphotret,...)

Công thức cấu tạo của Amphotericin B
Công thức cấu tạo của Amphotericin B

Dược động học

  • Amphotericin B là thuốc kháng nấm phổ rộng có khả năng hấp thu kém qua đường uống. Nó gắn kết với protein trong huyết tương, đặc biệt là Beta-lipoprotein, với tỷ lệ gắn kết lên tới 95%.
  • Thuốc được phân bố rộng rãi trong cơ thể, đặc biệt là trong các mô gan, lách, phổi và thận, nhưng chỉ một lượng nhỏ đi vào dịch não tủy (khoảng 2-3%).
  • Thời gian bán thải của thuốc là khoảng 15 ngày, và nó được tiết ra qua thận trong vài ngày.
  • Bệnh nhân có tình trạng suy gan, suy thận hoặc lọc máu kém không ảnh hưởng đến nồng độ thuốc trong cơ thể, do đó không cần điều chỉnh liều dùng.

===> Xem thêm thông tin về hoạt chất Amphotericin B tại: Amphotericin B: Thuốc chống nấm tác dụng tại chỗ - Dược thư 2022

Chỉ định

Sử dụng thuốc uống là phương pháp điều trị tại chỗ cho các trường hợp nhiễm nấm đường tiêu hoá và niêm mạc miệng.

Dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch:

  • Amphotericin B được FDA chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm nấm đe dọa tính mạng hoặc có khả năng đe dọa tính mạng: aspergillosis, cryptococcosis, blastomycosis, nấm candida toàn thân, coccidioidomycosis, histoplasmosis và mucormycosis.
  • Amphotericin B cũng được phê duyệt để điều trị bệnh ký sinh trùng leishmania ở da và niêm mạc Hoa Kỳ.

Chỉ định off-label (là các chỉ định nằm ngoài chỉ định được các cơ quan y tế phê duyệt)cho bệnh nấm candida thực quản (cả người lớn và thanh thiếu niên nhiễm HIV và không nhiễm HIV; trẻ sơ sinh và trẻ em bị phơi nhiễm và/hoặc nhiễm HIV), bệnh nấm candida hầu họng kháng Fluconazole, viêm nội nhãn do nấm candida, nhiễm trùng đường tiết niệu do nấm candida, bệnh leishmania nội tạng và bệnh aspergillosis mắt.

Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng phụ thường gặp của Amphotericin B bao gồm:

  • Toàn thân: đau đầu, đau cơ, khớp, rét run, sốt, rét run, sốt.
  • Tác động đến hệ tiêu hoá: rối loạn tiêu hoá, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, nôn và buồn nôn.
  • Rối loạn chuyển hóa: rối loạn điện giải ( giảm Kali và Magie trong máu)
  • Suy giảm chức năng thận với biểu hiện tăng Creatinin và tăng ure trong máu.
  • Khi sử dụng dưới dạng bôi tại chỗ: có thể gây kích ứng da, ngứa và phát ban.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Amphotericin B thường gặp
Một số chế phẩm chứa Amphotericin B thường gặp

Amphotericin B chủ yếu được dùng quan đường tiêm truyền tĩnh mạch do hấp thu kém qua đường uống.

Và Amphotericin B được biết đến với tên thương hiệu là AmBisome dưới dạng bột pha tiêm, được sản xuất bởi công ty Gilead Sciences International Ltd.

Ngoài ra, còn có sản phẩm bột pha tiêm Amphotret có nguồn gốc từ Ấn Độ, có thành phần và hàm lượng tương tự như AmBisome và được phân phối rộng rãi trên thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

3.1.3 Nystatin (Flagystatin, Mycostatin, Nyaderm)

Công thức cấu tạo của Nystatin
Công thức cấu tạo của Nystatin

Dược động học

Nystatin có khả năng hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Khi được bôi tại chỗ trên da hoặc niêm mạc, nó không được hấp thụ qua da hoặc niêm mạc và chủ yếu được thải qua phân dưới dạng chưa chuyển hóa.

Chỉ định

Để dự phòng và điều trị nhiễm nấm Candida (thuốc kháng nấm Candida) trên da và niêm mạc (bao gồm miệng, Đường tiêu hóa và âm đạo - thuốc trị nấm vùng kín)

Tác dụng phụ

  • Các tác dụng phụ liên quan đến ystatin tại chỗ bao gồm viêm da tiếp xúc nhẹ, tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là hội chứng Stevens-Johnson.
  • Nystatin dạng uống có báo cáo về tác dụng phụ bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Nystatin thường gặp
Một số chế phẩm chứa Nystatin thường gặp

Nystatin được sử dụng rộng rãi trong nhiều dạng bào chế khác nhau trên thị trường. Có thể tìm thấy:

  • Dạng kem bôi ngoài da như Nystatin Cream USP 15g hay dạng thuốc bột để bôi lên niêm mạc như Nyst Thuốc Rơ Miệng để điều trị nhiễm nấm ngoài da hoặc bệnh tưa miệng.
  • Dạng viên bao đường dùng qua đường uống điều trị nấm toàn thân như Nystatin 500.000 I.U Vidipha và Nystatin 500000IU Mekophar.
  • Nystatin cũng có dạng viên đặt hoặc viên nén đặt âm đạo như Nystatin 100.000IU Mediplantex điều trị nhiễm nấm vùng kín.

Bên cạnh đó, trên thị trường, hầu hết các sản phẩm chứa Nystatin thường được kết hợp với các loại kháng sinh khác để có tác dụng diệt khuẩn. Có thể là sự kết hợp với Metronidazol, Neomycin, Polymyxin B và các thành phần khác. Một số ví dụ về các sản phẩm này bao gồm Polygynax, Canvey, Valygyno, Neo-Tergynan và nhiều sản phẩm khác. Hầu hết các sản phẩm này được sản xuất dưới dạng viên đặt, viên nén đặt, viên trứng với mục đích điều trị nấm âm đạo.

3.2 Thuốc kháng nấm Azole: Imidazol và Triazol

3.2.1 Đặc điểm chung

Azole là một trong những loại thuốc kháng nấm phổ biến được sử dụng. Chúng là chất ức chế không cạnh tranh của enzyme lanosterol 14-alpha-demethylase qua trung gian cytochrome P-450 của nấm, một bước thiết yếu trong quá trình sinh tổng hợp ergosterol của nấm. Sự tích tụ 14 alpha-methyl sterol tương quan với sự mất đi ergosterol sau đó trong màng tế bào nấm và có thể là nguyên nhân gây ra hoạt tính kháng nấm của nhóm thuốc kháng nấm Azole.

Kết quả của việc ức chế này là sự thay đổi màng tế bào, làm tăng tính thấm của màng tế bào, làm các yếu tố cần thiết (như amino axit, kali) thoát ra khỏi tế bào nấm và ngăn chặn sự di chuyển các phân tử tiền chất (như purin và pyrimidin tiền chất của DNA) và trong nhân tế bào. Điều này dẫn đến ly giải các tế bào nấm và cuối cùng dẫn đến sự chết của chúng.

Cơ chế thuốc kháng nấm nhóm Azole
Cơ chế thuốc kháng nấm nhóm Azole

Nhóm thuốc kháng nấm azole được chia thành hai nhóm nhỏ: Imidazole (bao gồm Ketoconazol và Miconazol) và Triazole (bao gồm Itraconazol, Fluconazol và các loại khác). Cả hai nhóm này có cùng cơ chế tác động và phổ tác dụng. Tuy nhiên, Triazole có tốc độ chuyển hóa chậm hơn khi sử dụng qua đường toàn thân và tác động ít hơn đến tổng hợp sterol của người so với Imidazole. Do đó, hầu hết các dẫn xuất mới thuộc nhóm Triazole.

Các chế phẩm sẵn có cho thuốc kháng nấm azole toàn thân bao gồm viên nén, viên nang, dung dịch uống và dung dịch tiêm tĩnh mạch. Thuốc Azole để sử dụng tại chỗ hoặc tại chỗ bao gồm bột, kem, thuốc mỡ, gel, dầu gội và viên ngậm.

Dưới đây là dược lý của một số hoạt chất điển hình của nhóm thuốc kháng nấm Azol:

3.2.2 Fluconazol (Diflucan, Fluconazole STELLA,...)

Công thức cấu tạo của Fluconazol
Công thức cấu tạo của Fluconazol

Dược động học

  • Sau khi uống, thuốc kháng nấm Fluconazol được hấp thu tốt và sinh khả dụng đường uống đạt trên 90% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn và pH dịch vị.
  • Nồng độ cao nhất trong huyết tương sau khi ăn xảy ra từ 0,5 đến 1,5 giờ sau khi dùng thuốc.
  • Fluconazol có khả năng kết hợp với protein huyết tương ở mức thấp (11-12%).
  • Nồng độ Fluconazol trong nước bọt, sữa mẹ, đờm, dịch khớp, dịch âm đạo và dịch màng bụng tương tự như nồng độ trong huyết tương. Ngay cả khi màng não không bị viêm, nồng độ trong dịch não tủy đạt từ 50% đến 90% so với nồng độ trong huyết tương.
  • Fluconazol là một chất ức chế vừa phải của isozyme CYP2C9 và CYP3A4, và cũng là một chất ức chế mạnh của isozyme CYP2C19.
  • Thời gian bán hủy trong huyết tương của luconazol là khoảng 30 giờ. Chất này được thải chủ yếu qua thận, với khoảng 80% liều dùng xuất hiện trong nước tiểu dưới dạng thuốc không đổi.

Chỉ định

  • Điều trị bệnh nấm candida thực quản, hầu họng, phúc mạc, đường tiết niệu và âm đạo và các bệnh nhiễm nấm nghiêm trọng bao gồm nhiễm nấm huyết, viêm phổi do nấm candida và viêm màng não do cryptococcus.
  • Lựa chọn đầu tiên trong điều trị dự phòng bệnh nấm ở bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại.
  • Chỉ định off - label (là các chỉ định nằm ngoài chỉ định được các cơ quan y tế phê duyệt): điều trị bệnh nấm do blastomycosis, điều trị kháng nấm theo kinh nghiệm ở bệnh nhân ICU không giảm bạch cầu, điều trị dự phòng nấm candida (ICU có nguy cơ cao nhiễm Candida spp., bệnh nhân cấy ghép) và nấm da.

Chống chỉ định

  • Sử dụng đồng thời Terfenadine với Fluconazol ở liều 400 mg mỗi ngày hoặc cao hơn bị cấm.
  • Sử dụng đồng thời Fluconazol với các thuốc khác có tác dụng kéo dài khoảng QT và được chuyển hóa qua cytochrom P450 (CYP3A4) như Cisapride, Astemizole, Pimozide, Quinidin và Erythromycin.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Tác dụng phụ

  • Fluconazol đã được chứng minh là gây đau đầu nhẹ, chóng mặt và rụng tóc ở liều cao.
  • Khoảng 1,5 - 8,5% người sau khi sử dụng thuốc cảm thấy buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Fluconazol thường gặp
Một số chế phẩm chứa Fluconazol thường gặp

Viên nang cứng Diflucan là biệt dược gốc của Fluconazol với hàm lượng 150mg được sử dụng bằng đường uống để điều trị các bệnh nấm cục bộ hoặc toàn thân, được sản xuất bởi Pfizer tại Pháp. Với cùng thành phần và hàm lượng và mục đích sử dụng, trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm tương tự có thể kể đến như thuốc kháng nấm dạng uống: Fluconazole STELLA, Mycosyst, Fluconazol 150mg DHG,...

Ngoài ra, Fluconazol còn được sử dụng dưới dạng tiêm truyền - thuốc kháng nấm toàn thân, ví dụ như: Mycosyst 2mg/ml, Klevaflu Sol.Inf 2mg/1ml,...

3.2.3 Itraconazol (Sporanox, Sporal,...)

Công thức cấu tạo của Itraconazol
Công thức cấu tạo của Itraconazol

Dược động học

  • Khả năng hấp thụ qua đường uống của Itraconazole phụ thuộc nhiều vào dạng thuốc và tình trạng ăn uống. Thức ăn có thể làm giảm tốc độ và mức độ hấp thụ của Itraconazole trong dạng dung dịch, vì vậy chúng được hấp thụ tốt nhất khi dạ dày rỗng.
  • Trong khi đó, Itraconazole dưới dạng viên nang được hấp thụ tốt và đạt nồng độ cực đại (Cmax) khi uống ngay sau bữa ăn hoặc uống cùng với thức ăn.
  • Hầu hết Itraconazol trong huyết tương liên kết với protein (99,8%)
  • Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô: ở phổi, thận, gan, xương, dạ dày, lá lách
  • Itraconazol được chuyển hóa mạnh ở gan thành một lượng lớn chất chuyển hóa, chủ yếu là hydroxy-itraconazol, có hoạt tính kháng nấm in vitro tương đương với Itraconazol.
  • Itraconazole được chủ yếu loại bỏ qua nước tiểu (35%) và phân (54%) dưới dạng chất chuyển hóa không có hoạt tính trong vòng một tuần sau khi uống liều dung dịch.
  • Thời gian bán thải của Itraconazole sau khi uống dạng viên nang và dạng dung dịch tương ứng là 64 giờ và 39,7 giờ. Còn thời gian bán thải của chất chuyển hóa hydroxyitraconazole tương ứng là 56 giờ và 27,3 giờ.

Chỉ định

  • Nấm Candida ở miệng, hầu họng, thực quản, nấm móng tay, móng chân hay âm hộ - âm đạo.
  • Lang ben.
  • Itraconazol đường uống điều trị các bệnh nấm toàn thân như: bệnh nấm tại phổ và ngoài phổi do aspergillosis hoặc blastomycosis và bệnh nấm do histoplasmosis (toàn thân/lan truyền không liên quan đến hệ thần kinh trung ương, bệnh histoplasmosis phổi dạng hang) đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Chống chỉ định

  • Nếu bạn có mẫn cảm với Itraconazole hoặc bất kỳ thành phần nào trong thuốc, hoặc một số loại azole khác, bạn nên tránh sử dụng nó.
  • Ngoài ra, cần tránh sử dụng Itraconazole đồng thời với một số loại thuốc chống loạn nhịp, cisapride, thuốc hạ lipid máu nhóm ức chế HMG - CoA reductase (statin), terfenadin, triazolam dạng uống, astemizol và Midazolam dạng uống.
  • Trong thời kỳ mang thai, không nên sử dụng Itraconazole để điều trị nhiễm nấm móng.

Tác dụng phụ

  • Khi sử dụng trong thời gian ngắn, khoảng 7% bệnh nhân có thể gặp phản ứng phụ (ADR), chủ yếu bao gồm buồn nôn, đau bụng, nhức đầu và khó tiêu.
  • Hầu hết các phản ứng phụ xảy ra liên quan đến hệ tiêu hóa, và có tần suất xảy ra khoảng 5-6% trong số những người bệnh đã được điều trị bằng Itraconazole như: đau bụng, buồn nôn và táo bón.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Itraconazol thường gặp
Một số chế phẩm chứa Itraconazol thường gặp

Itraconazole có biệt dược gốc được gọi là Sporanox, được sản xuất bởi công ty Janssen Pharmaceuticals, một công ty con của tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson. Ngoài ra, còn có các sản phẩm phổ biến khác cũng có thành phần Itraconazol như Sporal, Sporacid, Itranstad,... Các sản phẩm này đều được sử dụng bằng đường uống và bào chế dưới dạng viên nang cứng.

3.2.4 Ketoconazol (Nizoral, Extina,...)

Công thức cấu tạo của Ketoconazol
Công thức cấu tạo của Ketoconazol

Dược động học

  • Ketoconazol là một hoạt chất hai bazơ yếu và do đó cần có tính axit để hòa tan và hấp thu. Ketoconazole được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa. Tại dạ dày, sự hấp thu của thuốc uống phụ thuộc vào pH tại đó, nếu pH tăng lên, sẽ làm giảm sự hấp thu của thuốc.
  • Tỷ lệ liên kết với các protein trong huyết tương là khoảng 99%, trong đó phần lớn được liên kết với Albumin.
  • Ketoconazol được phân bố rộng rãi vào các mô; tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ không đáng kể Ketoconazol đến được dịch não tủy.
  • Ketoconazol được chuyển hóa tại gan thành một lượng lớn chất chuyển hóa không có hoạt tính.
  • Quá trình loại bỏ Ketoconazole trong huyết tương xảy ra theo hai giai đoạn, với thời gian bán hủy là 2 giờ trong 10 giờ đầu và sau đó là 8 giờ. Con đường chính để đào thải thuốc là qua gan, sau đó qua phân.

Chỉ định

  • Bôi tại chỗ:

Ketoconazol đã được phê duyệt để điều trị bệnh nấm thân, bệnh nấm bẹn, bệnh nấm bàn chân, bệnh nấm da nhiều màu, bệnh nấm candida ở da và viêm da tiết bã.

  • Chỉ định off - label (là các chỉ định nằm ngoài chỉ định được các cơ quan y tế phê duyệt):

Ketoconazol bôi tại chỗ để điều trị một số bệnh lý nấm miệng, bao gồm bệnh nấm candida mãn tính ở niêm mạc và bệnh tưa miệng.

  • Toàn thân:

Điều trị bệnh nấm toàn thân do blastomycosis, coccidioidomycosis, chromomycosis, histoplasmosis và paracoccidioidomycosis.

Bệnh nấm da nặng và kéo dài, không có đáp ứng với việc sử dụng thuốc ngoại bôi hoặc không dung nạp với các loại thuốc kháng nấm khác (như Griseofulvin), cũng như viêm nang lông do Malassezia kháng Fluconazole, Itraconazole hoặc Terbinafine, hoặc trong trường hợp bệnh nhân không dung nạp các loại thuốc này trong thời gian dài.

Bệnh nấm candida mạn tính ở da, niêm mạc, miệng - hầu kháng Fluconazol hoặc Itraconazol hoặc không dung nạp được các thuốc đó.

Tác dụng phụ

  • Itraconazol có những báo cáo về việc tăng nguy cơ kích hoạt hoặc tái kích hoạt herpes zoster, nhức đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Có khoảng 3 -10% người bệnh có rối loạn tiêu hóa, nôn và buồn nôn. 2% người bệnh có ngứa tại chỗ và ngoại ban.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Ketoconazol thường gặp
Một số chế phẩm chứa Ketoconazol thường gặp

Ketoconazol là hoạt chất được sản xuất với nhiều dạng bào chế khác nhau:

  • Thuốc kháng nấm dạng bôi tại chỗ: Nizoral, Kentax, Kedermfa, ...
  • Dầu gội trị nấm da đầu: Nizoral dầu gội, Rudondo New, Jasunny, SnowClear,...
  • Viên nén chữa nấm cục bộ và toàn thân dùng đường uống: Ketoconazol Stada, Nizoral dạng viên nén, Ketoconazol 200mg Mekophar,

3.2.5 Clotrimazol (Lotrimin, Alevazol, Clotrimazol,...)

Công thức cấu tạo của Clotrimazol
Công thức cấu tạo của Clotrimazol

Dược động học

  • Các nghiên cứu dược động học sau khi bôi qua đường âm đạo cho thấy chỉ một lượng nhỏ Clotrimazole (3-10% liều) được hấp thu.
  • Tác dụng tại chỗ kháng nấm của thuốc ngậm phụ thuộc vào nồng độ của thuốc tại miệng, không có tác dụng toàn thân
  • Sự gắn kết của Clotrimazole với protein huyết thanh là khoảng 98%.
  • Các chất này chủ yếu được bài tiết qua túi mật cùng với phân.
  • Thời gian bán hủy thải trừ của Clotrimazole là 3,5-5 giờ.

Chỉ định

  • Ở dạng bôi, Clotrimazole được chấp thuận để điều trị bệnh nấm thân, bệnh nấm bàn chân, bệnh nấm da nhiều màu, bệnh nấm candida ở da và nhiễm trùng nấm âm đạo.
  • Toàn thân: dùng đường uống để điều trị bệnh nấm candida ở hầu họng.

Tác dụng không mong muốn

Cơ quan/ Hệ cơ quanTác dụng không mong muốn
Rối loạn hệ thống miễn dịchPhản ứng phản vệ, phù mạch, quá mẫn
Rối loạn mạch máuNgất, hạ huyết áp
Rối loạn hô hấpKhó thở
Rối loạn tiêu hóaĐau bụng, buồn nôn
Rối loạn da và mô dưới daPhát ban, mày đay, ngứa
Cơ quan sinh dụcBong niêm mạc âm đạo, tiết dịch âm đạo, xuất huyết âm đạo, khó chịu âm hộ, ban đỏ âm hộ, cảm giác nóng rát, ngứa, đau.
Phản ứng tại chỗKích ứng tại chỗ bôi thuốc, phù nề, đau.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Clotrimazol thường gặp
Một số chế phẩm chứa Clotrimazol thường gặp

Lotrimin là biệt dược gốc của Clotrimazole, một loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm nấm bên ngoài da. Lotrimin chứa Clotrimazole với tỷ lệ 2% trong 12g sản phẩm. Trên thị trường Việt Nam, có một biệt dược khác với hàm lượng Clotrimazole thấp hơn là Clotrimazol 1% Phương Nam.

Clotrimazole là một hoạt chất trị nấm thường được kết hợp với các loại kháng sinh và kháng viêm để tăng hiệu quả, ví dụ như:

  • Thuốc bôi trực tiếp lên vùng da: Gentrisone, Silkron (thuốc 7 màu), Terfuzol,...
  • Thuốc đặt âm đạo: Progyl, Clomezol, Canesten,...
  • Dung dịch nhỏ tai: Candid

3.3 Thuốc kháng nấm Allylamine (Naftifine, Terbinafine)

Dược lực học

Giống như thuốc kháng nấm azole, allylamines tác động vào một loại enzyme có liên quan đến việc tạo ra màng tế bào nấm là enzym squalen monooxygenase (squalen 2,3-epoxydase). Từ đó, chúng ức chế quá trình tổng hợp tiền chất thành ergosterol màng tế bào nấm. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt ergosterol và tích tụ squalene nội bào, dẫn đến các tế bào nấm bị chết.

Một ví dụ về allylamine là Terbinafine, thường được sử dụng để điều trị nhiễm nấm da.

Terbinafine, thuộc nhóm thuốc kháng nấm allylamine, có thể được dùng tại chỗ hoặc bằng đường uống, tùy thuộc vào tình trạng nhiễm nấm cục bộ hoặc toàn thân.

Công thức cấu tạo của Terbinafine
Công thức cấu tạo của Terbinafine

Dược động học

  • Sau khi uống, Terbinafine được hấp thu tốt (>70%) và sinh khả dụng tuyệt đối của Terbinafine do chuyển hóa lần đầu là khoảng 50%.
  • Terbinafine liên kết mạnh với protein huyết tương (99%). Nó nhanh chóng khuếch tán qua lớp hạ bì và tập trung ở lớp sừng ưa mỡ.
  • Terbinafine được chuyển hóa nhanh chóng bởi 7 isoenzym thuộc loại CYP thành các chất chuyển hóa không có hoạt tính kháng nấm, và chúng được đào thải chủ yếu qua nước tiểu.
  • Terbinafine thải trừ ba pha với thời gian bán hủy cuối cùng khoảng 16,5 ngày.
  • Sau khi bôi Naftifine tại chỗ, khoảng 3–6% được hấp thụ.
  • Naftifine thường được dùng bôi tại chỗ và/hoặc chất chuyển hóa của nó được bài tiết qua nước tiểu (40 - 60%) và phân với thời gian bán hủy khoảng hai đến ba ngày.

Chỉ định

  • Terbinafine bôi tại chỗ đã được phê duyệt để điều trị bệnh nấm da (bàn chân, bẹn và thân thể).
  • Khi dùng bằng đường uống, chỉ định của thuốc này bao gồm điều trị toàn thân bệnh nấm móng (tinea unguium) và viêm da tinea.
  • Chỉ định off - label (là các chỉ định nằm ngoài chỉ định được các cơ quan y tế phê duyệt) đường uống điều trị bệnh nấm da (criris, cororis, dương vật và manuum) cũng như bệnh bào tử ở da và bạch huyết.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn cảm với nhóm Allylamine
  • Suy thận nặng (Độ thanh thải creatinine < 30 ml/phút).
  • Suy gan nặng.

Tác dụng phụ

Terbinafine thường gây ra các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương, trong đó đau đầu là triệu chứng được báo cáo thường xuyên nhất. Các biểu hiện khác bao gồm phát ban, tiêu chảy, khó tiêu và viêm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Terbinafine thường gặp
Một số chế phẩm chứa Terbinafine thường gặp

Terbinafine được phê duyệt là tác nhân bôi ngoài da và tác dụng toàn thân (uống).

Lamisil - thuốc trị nấm bôi ngoài da là biệt dược gốc của Terbinafine, được sản xuất bởi công ty Novartis, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Ngoài ra, trên thị trường cũng có nhiều sản phẩm khác chứa Terbinafine như: thuốc bôi kháng nấm Tezkin, Terbinafin STELLA Cream 1%, Bunpil Cream, dung dịch dùng ngoài Fungafin, thuốc uống kháng nấm toàn thân Viên nén Terbisil 250mg,...

3.4 Echinocandin (Anidulafungin, Caspofungin, Micafungin)

Dược lực học

Echinocandin ức chế beta-(1,3)-D-glucan synthase của nấm, đây là enzyme chịu trách nhiệm tổng hợp beta-(1,3)-D-glucan, một thành phần chính của thành tế bào nấm. Mất thành phần thành tế bào này dẫn đến mất ổn định thẩm thấu và chết tế bào.

Công thức cấu tạo của các Echinocandin
Công thức cấu tạo của các Echinocandin

Dược động học

  • Các Echinocandin liên kết chặt chẽ với protein huyết tương (Caspofungin - 97%, Anidulafungin - 84%, Micafungin - >99%).
  • Thời gian bán thải: Caspofungin - 9-11 giờ, Anidulafungin - 40-50 giờ, Micafungin - 14-17 giờ.
  • Caspofungin phân bố 92% vào mô trong vòng 36-48 giờ sau khi truyền tĩnh mạch. Sau khi tiêm tĩnh mạch đơn caspofungin acetate, sự bài tiết caspofungin và các chất chuyển hóa của nó ở người là 35% liều dùng qua phân và 41% liều dùng qua nước tiểu.
  • Micafungin: không hấp thụ qua đường uống. Bài tiết qua phân là con đường thải trừ chính.

Chỉ định

  • Anidulafungin chỉ được tiêm tĩnh mạch. Nó đã được phê duyệt để điều trị Candida spp. nhiễm trùng (nấm candida thực quản, nhiễm nấm huyết, viêm phúc mạc do Candida spp. và áp xe trong ổ bụng khi Candida spp. được nuôi cấy trong môi trường nuôi cấy hoặc sinh vật nghi ngờ).
  • Caspofungin chỉ được phê duyệt và tiêm tĩnh mạch. Tác nhân này đã được phê duyệt để điều trị bệnh aspergillosis xâm lấn cho nhóm bệnh nhân kháng lại amphotericin B và traconazole. Caspofungin cũng đã nhận được sự chấp thuận trong điều trị Candida spp. nhiễm trùng (candidemia, thực quản, áp xe trong ổ bụng, viêm phúc mạc và điều trị theo kinh nghiệm ở bệnh nhân giảm bạch cầu). Tác nhân ngoài nhãn này được sử dụng như một thuốc bổ trợ trong các bệnh Candida spp nghiêm trọng khác. nhiễm trùng không được liệt kê ở trên.
  • Micafungin cũng chỉ được chấp thuận để tiêm tĩnh mạch trong điều trị bệnh nấm candida thực quản, điều trị dự phòng Candida spp. nhiễm trùng, thiếu máu, Candida spp. viêm phúc mạc, Candida spp. áp xe và bệnh nấm candida lan tỏa.

Tác dụng phụ

Echinocandin, giống như nhiều loại thuốc kháng nấm khác, có thể gây nhiễm độc gan.

  • Anidulafungin có liên quan đến hạ huyết áp, phù ngoại biên, mất ngủ, hạ kali máu, hạ magie máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, khó thở và sốt.
  • Caspofungin có thể gây hạ huyết áp, phù ngoại biên, nhịp tim nhanh, ớn lạnh, nhức đầu, phát ban, thiếu máu, viêm tĩnh mạch cục bộ, suy hô hấp và các phản ứng liên quan đến truyền dịch.
  • Micafungin có thể gây viêm tĩnh mạch, thiếu máu, viêm nhiễm transamin, tăng bilirubin máu, suy thận và sốt.

Chế phẩm thường gặp

Thuốc kháng nấm nhóm Echinocandin chủ yếu được bào chế ở dạng thuốc tiêm để tiêm tĩnh mạch trong điều trị bệnh nấm, ít được bào chế dưới dạng bôi tại chỗ hoặc sử dụng đường uống.

  • Anidulafungin được biết đến với biệt dược gốc là Eraxis - bột pha dung dịch tiêm truyền được sản xuất tại công ty Pfizer, Mỹ với hàm lượng Anidulafungin 100 mg.
  • Caspofungin có biệt dược gốc là Cancidas - bột pha dung dịch tiêm truyền có xuất xứ tại Pháp.
  • Micafungin với biệt dược gốc là Mycamine cũng là một loại bột pha dung dịch tiêm truyền.

3.5 Griseofulvin (Gris-peg, Gifuldin 500,...)

Dược lực học

Griseofulvin là một chất ức chế phân bào, liên kết với các vi ống nấm đã polyme hóa, do đó ức chế quá trình khử trùng hợp và dẫn đến sự thất bại trong quá trình nhân lên của tế bào nấm.

Công thức cấu tạo của Griseofulvin
Công thức cấu tạo của Griseofulvin

Dược động học

  • Sự hấp thu Griseofulvin từ đường tiêu hóa rất khác nhau và không đầy đủ. Trung bình, dưới 50% liều uống được hấp thu, nhưng thức ăn béo và việc giảm kích thước hạt sẽ làm tăng tốc độ và mức độ hấp thu.
  • Trong huyết tương Griseofulvin liên kết với protein huyết tương khoảng 84%, chủ yếu là albumin.
  • Thời gian bán hủy cuối cùng trong huyết tương dao động từ 9,5 - 21 giờ, có sự khác biệt đáng kể giữa các đối tượng.
  • Griseofulvin hấp thu được bài tiết qua nước tiểu chủ yếu dưới dạng 6-desmethyl Griseofulvin hoặc liên hợp glucuronide của nó.

Chỉ định

Griseofulvin chỉ được phê duyệt dưới dạng thuốc dùng toàn thân (uống) và được chỉ định để điều trị các bệnh da liễu ở da, tóc và móng, các bệnh nghiêm trọng hoặc khó chữa với liệu pháp bôi tại chỗ. Cụ thể, loại thuốc này điều trị bệnh nấm da bao gồm corporis, pedis, cruris, barbae, capitis và unguium.

Chống chỉ định

  • Rối loạn chuyển hóa Porphyria hoặc bệnh gan nặng. Griseofulvin có thể khiến bệnh gan xấu đi và cần theo dõi chức năng gan trong những tình trạng như vậy.
  • Lupus ban đỏ hệ thống: Griseofulvin đã được báo cáo là làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Tác dụng phụ

Griseofulvin có nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, trong đó tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất là phát ban và nổi mày đay. Các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra và bao gồm phản ứng thuốc giống như ban đỏ đa dạng, da nhạy cảm với ánh sáng, giảm bạch cầu (hiếm), giảm bạch cầu hạt và nhiễm độc gan.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Griseofulvin thường gặp
Một số chế phẩm chứa Griseofulvin thường gặp

Viên nén Gris-peg là biệt dược gốc của Griseofulvin, được sản xuất tại Canada. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sản phẩm này ở Việt Nam khá khó khăn. Thay vào đó, trên thị trường có nhiều sản phẩm khác phân phối rộng rãi như: Griseofulvin 5% (bôi ngoài da), Griseofulvin 500mg Pharbaco hay Gifuldin 500 (viên nén dùng đường uống),...

3.6 Flucytosine (Ancobon, Ancotil,...)

Dược lực học

Flucytosine tác động trực tiếp lên sinh vật nấm bằng cách ức chế cạnh tranh sự hấp thu purine và pyrimidine và gián tiếp bằng chuyển hóa nội bào thành 5-fluorouracil. Flucytosine xâm nhập vào tế bào Nấm Thông qua quá trình thẩm thấu cytosine. Khi đã trong tế bào nấm, Flucytosine trải qua quá trình chuyển hóa thành 5-fluorouracil. Trong cơ thể nấm, 5-fluorouracil được tích hợp rộng rãi vào RNA và gây ức chế tổng hợp cả DNA và RNA. Vì điều này, tế bào không thể sinh trưởng và phát triển được nữa.

Công thức cấu tạo của Flucytosine
Công thức cấu tạo của Flucytosine

Dược động học

  • Hấp thu nhanh chóng và hầu như hoàn toàn sau khi uống. Sinh khả dụng 78% đến 89%.
  • Liên kết protein: 28-31%
  • Flucytosine bị khử amin, có thể do vi khuẩn đường ruột hoặc do nấm mục tiêu, thành 5-fluorouracil, chất chuyển hóa có hoạt tính.
  • Flucytosine được bài tiết qua thận bằng cách lọc ở cầu thận mà không được tái hấp thu đáng kể ở ống thận. Một phần nhỏ liều dùng được bài tiết qua phân.
  • Thời gian bán thải: 2,4 đến 4,8 giờ.

Chỉ định

Để điều trị (kết hợp với amphotericin B) các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do các chủng Candida nhạy cảm (nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc và nhiễm trùng hệ tiết niệu) và/hoặc Cryptococcus (viêm màng não và nhiễm trùng phổi).

Tác dụng phụ

Flucytosine có thể gây phản ứng bất lợi cho tất cả các hệ thống cơ thể nhưng thường liên quan nhất đến các vấn đề sau: tim mạch (nhiễm độc tim, đau ngực), hệ thần kinh trung ương và ngoại biên (lú lẫn, nhức đầu ảo giác, hội chứng giống bệnh Parkinson, bệnh lý thần kinh ngoại biên), da liễu (ngứa, mày đay, phát ban), tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, xuất huyết tiêu hóa), huyết học (mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm toàn thể huyết cầu, tăng bạch cầu ái toan), gan (tổn thương/suy giảm/hoại tử gan cấp tính) và thận (tổn thương thận cấp, suy thận).

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm có thể kể đến như: viên nang Ancobon, viên nén Ancotil, thuốc tiêm Cytoflu,... Tuy nhiên, chúng gần như không phổ biến tại thị trường Việt Nam.

3.7 Ciclopirox (Ciclodan, Pirolam, Mycoster,...)

Dược lực học

Cơ chế tác động của Ciclopirox, khác với các loại thuốc kháng nấm như Itraconazole và Terbinafine, chúng không ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp sterol mà được cho là ảnh hưởng đến tế bào nấm thông qua khả năng loại bỏ Sắt của các cation kim loại hóa trị cao như Fe3+ và Al3+. Các cation này gây ức chế cho nhiều enzyme, bao gồm cả cytochrome, gây gián đoạn cho các hoạt động tế bào như quá trình vận chuyển điện tử của ty thể và sản xuất năng lượng.Ciclopirox còn làm thay đổi màng sinh chất của nấm, dẫn đến sự mất tổ chức của các cấu trúc bên trong. Tác dụng chống viêm của Ciclopirox rất có thể là do ức chế 5-lipoxygenase và cyclooxygenase. Ciclopirox có khả năng tác động bằng cách gây phá vỡ quá trình sửa chữa DNA, quá trình truyền tín hiệu và quá trình phân chia tế bào (trục phân bào), cũng như ảnh hưởng đến một số yếu tố vận chuyển bên trong tế bào.

Công thức cấu tạo của Ciclopirox
Công thức cấu tạo của Ciclopirox

Dược động học

  • Ciclopirox được hấp thu nhanh chóng sau khi uống. Ciclopirox olamine cũng thẩm thấu vào tóc và xuyên qua lớp biểu bì và nang lông, tiếp cận tuyến bã nhờn và lớp hạ bì.
  • Ciclopirox liên kết với protein khoảng 94-97% sau khi được sử dụng tại chỗ.
  • Quá trình glucuronid hóa là con đường chuyển hóa chính của Ciclopirox.
  • Thời gian bán thải là 1,7 giờ đối với dung dịch bôi ngoài da 1%.
  • Thuốc bài tiết chủ yếu qua thận dưới dạng chất chuyển hóa.

Chỉ định

Ciclopirox được FDA chỉ định để điều trị tại chỗ các bệnh nấm thân, nấm bàn chân, nấm bẹn, nấm móng, nấm nhiều màu và Candida spp. nhiễm trùng moniliosis.

Tác dụng phụ

Ciclopirox không có phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào được báo cáo, nhưng các phản ứng lành tính thường gặp bao gồm kích ứng/bỏng rát da, viêm da tiếp xúc và ngứa.

Chế phẩm thường gặp

Một số chế phẩm chứa Ciclopirox thường gặp
Nhãn

Ciclopirox được bào chế dưới các dạng khác nhau bao gồm các dạng bào chế dùng điều trị nấm tại chỗ, ngoài da như hỗn dịch dùng ngoài (Pirolam), Gel hoặc cream bôi ngoài da (Pirolam Gel, Mycoster 1%,...), dung dịch dùng ngoài (Mycoster 8%, Mycoster 1% Solution,,...), ột thoa ngoài da (Mycoster 1% Poudre 30g,...) hay dầu gội trị nấm da (Kelual DS).

4 Kinh nghiệm của dược sĩ lựa chọn điều trị nấm da

Dược sĩ hay được hỏi về thuốc điều trị các loại nấm da thường gặp như nấm kẽ chân (tinea pedis), nấm bẹn (tinea cruris) hoặc hắc lào (tinea corporis). Thông thường, dùng các thuốc kháng nấm tại chỗ không kê đơn là đủ để điều trị các loại nấm này.

4.1 Các thuốc kháng nấm hiệu quả

Các thuốc bao gồm utenafine hoặc Terbinafine. Clotrimazole và Miconazole cũng hiệu quả nhưng cần điều trị lâu hơn. Lưu ý, tư vấn cho người bệnh mua theo hoạt chất thay vì biệt dược.

Về thời gian điều trị: bôi Butenafine hoặc Terbinafine trong ít nhất 1-2 tuần, Clotrimazole hoặc Miconazole cần ít nhất 2-4 tuần. Nếu lo ngại về việc tái phát, tiếp tục điều trị trong 1-2 tuần nữa sau khi da lành lại. Nhấn mạnh về tuân thủ đúng thời gian điều trị kể cả khi da có thể trông lành lặn trước khi kết thúc đợt điều trị để đề phòng nấm đề kháng.

Không dùng Corticoid bôi cho ngứa hoặc đỏ da, kể cả khi đang dùng phối hợp với kháng nấm. Corticoid có thể làm nặng tình trạng nhiễm nấm và tăng khả năng nấm đề kháng.

4.2 Hướng dẫn người bệnh bôi thuốc

Người bệnh nên tuân theo hướng dẫn sau khi bôi thuốc:

  1. Vùng da nhiễm nấm thường lan rộng hơn so với phạm vi bị nhiễm, vì nấm có thể lan ra xung quanh trước khi hình thành thương tổn rõ rệt.
  2. Bôi thuốc một lượng đủ để che phủ vùng da nhiễm nấm và cả vùng xung quanh. Thường thì khoảng 2,5-5 cm xung quanh vùng da nhiễm nấm là đủ.
  3. Nếu có sử dụng kháng nấm đường uống, nên để dành cho những trường hợp nhiễm nấm lan rộng, người bệnh có hệ miễn dịch suy giảm hoặc không đạt được hiệu quả từ kháng nấm tại chỗ.

Lưu ý rằng, việc sử dụng thuốc và cách thức điều trị cụ thể nên được tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhà điều trị chuyên gia.

4.3 Giải đáp thắc mắc về tinh dầu trà dùng để kháng nấm

Nếu người bệnh hỏi về tinh dầu trà, giải thích là tinh dầu trà ít hiệu quả hơn kháng nấm tại chỗ cho nấm kẽ chân và có thể gây kích ứng da, đồng thời không có bằng chứng cho nấm bẹn và hắc lào. Một số chế phẩm khác cũng chưa có bằng chứng như nha đam, giấm táo hoặc tỏi.

4.4 Lưu ý khi sinh hoạt cho người bị nấm

Trẻ bị hắc lào có thể đi học một khi bắt đầu điều trị nấm, tuy nhiên trẻ nên đợi 72 giờ sau khi điều trị để tham gia các hoạt động tiếp xúc da kề da với người khác, trừ khi vùng da nhiễm nấm được che chắn.

Để ngăn nhiễm nấm da, giữ cho da khô và sạch, tránh đi chân trần trong phòng thay đồ ở khu sinh hoạt tập thể (phòng tập, nhà tắm hơi...) hoặc nhà tắm.

5 Tiêu chí lựa chọn thuốc chống nấm tại nhà phù hợp và hiệu quả

Nên lựa chọn sản phẩm nào để điều trị nhanh hiệu quả mà lại an toàn?

5.1 Hiệu quả

Đây là tiêu chí đầu tiên trước khi lựa chọn bất kì một sản phẩm nào. Mục đích của điều trị là hết bệnh cho nên việc lựa chọn các thuốc hiệu quả là điều mà mọi người đều hướng đến. Thuốc được lựa chọn cần tác dụng nhanh, hiệu quả đạt được cao là những tiêu chí được đưa lên hàng đầu.

5.2 Đảm bảo an toàn

Việc đảm bảo an toàn là không thể thiếu. Lựa chọn một thuốc chứa các thành phần chỉ định cho nấm và không được có các chất độc hại. Cần lưu ý, nếu bị nấm, đặc biệt hay gặp là nấm ngoài da thì không nên sử dụng các thuốc corticid, bởi nó sẽ khiến bệnh của bạn tiến triển ngày một xấu đi rất nhanh.

5.3 Phù hợp với vị trí bị nấm

Bạn bị nấm da hay nấm niêm mạc, bạn bị nấm cơ thể hay nấm nội tạng, đây là một tiêu chí quan trọng khi chọn thuốc điều trị nấm. Đối với những trường hợp nấm ngoài da và niêm mạc, nên chọn những thuốc tác dụng tại chỗ, vừa mang lại hiệu quả nhanh và tránh được các tác dụng phụ khi dùng đường toàn thân. Còn đối với các trường hợp nấm trong cơ thể như nấm nội tạng thì uống thuốc là lựa chọn cho những trường hợp này.

5.4 Nhà sản xuất uy tín

Nhà sản xuất uy tín là những nơi đạt đủ tiêu chuẩn để sản xuất sản phẩm, đặc biệt là thuốc thì yêu cầu này cần cao. Những công ty dược phẩm uy tín sẽ có quy trình sản xuất đạt chuẩn, kiểm định và kiệm nghiệm nghiêm ngặt và đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng và an tâm khi sử dụng.

5.5 Giá thành phù hợp

Một tiêu chuẩn không thể thiếu khi quyết định mua một sản phẩm. Nhiễm nấm có thể tái lại nếu như gặp môi trường thuận lơi, do đó việc điều trị không chỉ có 1 lần, đặc biệt với các công việc không môi trường ẩm thấp. Do đó, lựa chọn một sản phẩm có giá cả phù hợp là rất cần.

Cần lưu ý rằng, sản phẩm quá rẻ thì chất lượng cũng sẽ không cao. Cho nên, bạn cần dựa trên tất cả các tiêu chí trên để có thể lựa chọn được một thuốc chữa nấm hiệu quả, an toàn và phù hợp với mức kinh tế của bản thân.

6 Nguyên nhân gây nấm và một số bệnh nấm điển hình

6.1 Nguyên nhân

Nguyên nhân mắc bệnh nấm là do tiếp xúc với nấm hoặc bào tử nấm có trong môi trường kết hợp với các yếu tố:

  • Môi trường ẩm thấp là môi trường lý tưởng cho các tế bào nấm sinh sôi và gây thành bệnh.
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm, hàng rào bảo vệ bị suy yếu và lung lay và những bào tử nấm tấn công, sinh sôi và gây bệnh.
  • Do dùng thuốc gây suy giảm chức năng của hệ miễn dịch. Các thuốc điển hình phải kể đến là Corticoid.

Một số loài nấm gây bệnh điển hình như: Candida, Aspergillus, Blastomyces, Cryptococcus, Histoplasma,...

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm

Dù nhiễm nấm có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Các nhóm người có nguy cơ cao bị nhiễm nấm bao gồm:

  • Những người đang nằm viện.
  • Những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (Corticoid,...).
  • Những người mắc HIV hoặc AIDS.
  • Những người đang điều trị ung thư.
  • Những người nhận cấy ghép.
  • Người nhận cấy ghép

6.2 Một số bệnh nhiễm nấm phổ biến

Một số bệnh nhiễm nấm phổ biến nhất là nhiễm nấm ở da, móng tay và âm đạo. Cụ thể:

Nấm da, nấm móng, nấm âm đạo là các loại bệnh nhiễm nấm phổ biến
Nấm da, nấm móng, nấm âm đạo là các loại bệnh nhiễm nấm phổ biến

Ngoài ra, còn có một số bệnh nấm khác như: bệnh tưa miệng, nấm dạ dày, hầu họng, thực quản, viêm phổi do nấm, viêm màng não do nấm,...

7 Thuốc kháng nấm có phải kháng sinh không?

Câu trả lời là không.

Rất nhiều người gọi thuốc kháng nấm là thuốc kháng sinh trị nấm candida, kháng sinh kháng nấm hay kháng sinh kháng nấm.

Nhưng thực tế, thuốc kháng nấm có công dụng chống lại sự phát triển của bào tử nấm còn thuốc kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn hoặc kìm khuẩn và không có tác dụng chống nấm. Rất nhiều bệnh nhân nhầm tưởng các bệnh nấm ngoài da với viêm da nguyên nhân do vi khuẩn, do đó sử dụng thuốc kháng sinh nhằm mục đích giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Điều này càng khiến các dấu hiệu bệnh nặng nề hơn và dễ bị tái phát do không điều trị chính xác nguyên nhân gây bệnh.

===> Mời quý bạn đọc xem thêm: Tổng quan dược lý thuốc kháng sinh và phân loại 9 nhóm kháng sinh

Kháng sinh không có tác dụng chống nấm
Kháng sinh không có tác dụng chống nấm

Trong điều trị lâm sàng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp nhiễm nấm sau khi dùng kháng sinh. Nguyên nhân là do các loại kháng sinh có thể đảo lộn cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể, là điều kiện cho các loại nấm phát triển dễ dàng hơn. Các bệnh nhiễm nấm có thể xảy ra trong miệng (tưa lưỡi), ở âm đạo của phụ nữ sau khi điều trị bằng kháng sinh,...

Do đó bác sĩ có thể cân nhắc kê thuốc chống nấm trong khi điều trị bằng thuốc kháng sinh.

8 Cách dự phòng nhiễm nấm

Để giúp ngăn ngừa nhiễm nấm da, hãy cố gắng ghi nhớ những lời khuyên sau:

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đồng thời giữ vệ sinh môi trường xung quanh, thường xuyên dọn dẹp và lau chùi khu vực nhà ở.
  • Không dùng chung quần áo, khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân khác.
  • Mặc quần áo sạch mỗi ngày, đặc biệt là tất và đồ lót.
  • Chọn quần áo và giày dép thoáng khí. Tránh quần áo hoặc giày quá chật.
  • Hạn chế sử dụng sơn móng tay chân, cắt móng thường xuyên.
  • Giữ cơ thể, tóc, kẽ chân, vùng kín khô thoáng sau khi tắm giặt, vệ sinh.
  • Những người ra nhiều mồ hôi, làm việc trong môi trường ẩm, thường xuyên tiếp xúc với nước cần giữ tay chân khô ráo và bôi thuốc diệt nấm mốc thường xuyên trong giày, kẽ tay chân.
  • Lau sạch các bề mặt dùng chung, chẳng hạn như thiết bị tập thể dục hoặc thảm.
  • Tránh xa những động vật có dấu hiệu nhiễm nấm, chẳng hạn như rụng lông hoặc thường xuyên gãi.
  • Chị em phụ nữ là những đối tượng dễ mắc viêm nhiễm vùng kín do nấm, đặc biệt khi mới sinh xong hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Do vậy chị em nên mặc quần áo rộng, đồ lót khô thấm hút, thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kỳ đèn đỏ, đồng thời đi khám kiểm tra thường xuyên, điều trị sớm triệt để cho bản thân và bạn tình khi phát hiện nhiễm nấm.
Vệ sinh cơ thể đúng cách bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm nấm
Vệ sinh cơ thể đúng cách bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm nấm

Các bệnh nấm da chủ yếu là những bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó lại đem lại sự tự ti về ngoại tình, bất tiện trong sinh hoạt, đau rát, ngứa,... vì thế người bệnh nên được điều trị đúng nguyên nhân để tránh nguy cơ tái phát và và lây lan ra cộng đồng.

9 Tài liệu tham khảo

  1. Patrick T. McKeny và cộng sự (Cập nhật ngày 7 tháng 3 năm 2023). Antifungal Antibiotics, NCBI. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  2. Dennis M. Dixon và Thomas J. Walsh (Xuất bản 1966), Chapter 76 Antifungal Agents - Medical Microbiology, 4th edition, NCBI. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  3. Owen Kramer và Jill Seladi-Schulman (Đăng ngày 6 tháng 12 năm 2019). What Are Antifungal Drugs?, Healthline. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  4. Deborah Weatherspoon (Đăng ngày 7 tháng 7 năm 2021). What to know about antifungal drugs, MedicalNewsToday. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  5. Debra Sullivan và Jill Seladi-Schulman (Cập nhật ngày 19 tháng 5 năm 2023). Everything You Need to Know About Fungal Skin Infections, Healthline. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  6. Chuyên gia Drugbank. Flucytosine, Drugbank. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  7. Chuyên gia Drugbank. Ciclopirox, Drugbank. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
  8. Chủ biên PGS.TS Nguyễn Văn Hùng và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương (2020), Thuốc kháng nấm (Trang 257 - 260), Giáo trình Dược lý học Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.
  9. Bộ Y tế, Dược thư quốc gia Việt Nam (Xuất bản lần thứ 3, ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2022), Chuyên luận Amphotericin B (Trang 196 - 199), Fluconazol (Trang 666 - 668), Ketoconazol (Trang 861 - 864), Itraconazol (Trang 849 - 851), Clotrimazol (Trang 452 - 453), Griseofulvin (Trang 758 - 760 ), NXB Khoa học và Kỹ thuật.

Từ khóa » Dipolac Bôi Vùng Kín được Không