Bệnh Ghẻ - điều Trị Bằng Cách Nào?

1. Bệnh ghẻ là gì?

Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng ở da, gây nên bởi sự xâm nhập của một loài ký sinh ở lớp thượng bì là cái ghẻ.

Ghẻ ảnh hưởng tới mọi tầng lớp xã hội, trong đó trẻ em và phụ nữ có thai, những đối tượng hệ miễn dịch yếu dễ bị cảm nhiễm hơn. Vừa qua tại TP.HCM gặp không ít ca phụ nữ mang thai và trẻ em đi khám da liễu. Ban đầu tưởng là bệnh viêm da dị ứng, cuối cùng mới được phát hiện ra bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ - điều trị bằng cách nào? - Ảnh 1.

Bệnh ghẻ dễ bị nhầm với một số bệnh lý ngoài da khác.

Bệnh thường xuất hiện ở các vùng đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, do tiếp xúc gần gũi với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ.Nội dung

  • 1. Bệnh ghẻ là gì?
  • 2. Điều trị bệnh ghẻ bằng cách nào?
  • 3. Làm sao để ngừa bệnh ghẻ tái phát?

Bệnh gây ra triệu chứng ngứa rất dữ dội và tăng lên vào ban đêm do cái ghẻ đào hầm về đêm, với các sang thương da:

- Thương tổn đỏ, bong vảy da, còn có các mụn nước, nốt và sẩn đóng vảy.

- Vị trí thường gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nếp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ.

- Hang ghẻ cũng là một đặc điểm giúp dễ chẩn đoán với dạng sẩn cứng hơi lồi, bề mặt có thể có mụn nước, và đôi khi có dạng chấm đen trên bề mặt.

- Đỏ da rải rác ở thân mình thể hiện một phản ứng tăng nhạy cảm với kháng nguyên của ký sinh trùng ghẻ.

- Hiện tượng chàm hóa dày sừng cũng có thể xảy ra do sự cào gãi thường xuyên do ngứa.

2. Điều trị bệnh ghẻ bằng cách nào?

Hiện nay cái ghẻ được điều trị thông dụng nhất là sử dụng permethrin 5% dạng xịt hoặc dạng cream. Ngoài ra còn có các loại khác như dung dịch DEP (diethylphtalate), cream lưu huỳnh 5-10%, hoặc đường dùng toàn thân bằng viên uống ivermectin.

Bệnh ghẻ - điều trị bằng cách nào? - Ảnh 2.

Lấy một lượng thuốc vừa phải rồi thoa đều lên vùng da bị tổn thương.

Thuốc bôi trị ghẻ có chứa permethrin với nồng độ 5%: Đây là thuốc khá an toàn khi dùng điều trị bôi ngoài da. Tuy nhiên, thuốc cần được sử dụng đúng cách để nhận được kết quả điều trị tốt và tránh các tác dụng phụ không mong muốn phát sinh.

Về liều dùng, tùy mức độ và phạm vi tổn thương da cũng như độ tuổi và khả năng đáp ứng thuốc của từng người. Do đó, cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để sử dụng thuốc hợp lý và hiệu quả nhất.

Thuốc permethrin kem bôi ngoài da, có cách sử dụng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, để đảm bảo dùng thuốc đúng cách, nên bôi thuốc theo hướng dẫn sau đây:

- Vệ sinh sạch và lau khô tay cùng vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc.

- Lấy một lượng thuốc vừa đủ trên đầu ngón tay.

- Thoa một lớp mỏng nhẹ lên trên vùng da cần điều trị.

- Không lạm dụng hay thoa thuốc với một lượng lớn

- Rửa tay thật sạch với xà phòng kháng khuẩn sau khi tiếp xúc với thuốc.

Thuốc DEP (Diethylphtalat): DEP là thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị ghẻ hoặc tổn thương da do côn trùng cắn từ nhiều thập kỷ đến nay.

Cách dùng thuốc: Sau khi vệ sinh sạch tay và vùng da bị tổn thương, lau khô và lấy một lượng thuốc vừa đủ, thoa đều, nhẹ nhàng lên vùng da cần điều trị, người lớn ngày từ 1-2 lần.

Bệnh ghẻ - điều trị bằng cách nào? - Ảnh 3.

Cái ghẻ ký sinh tại da gây ra bệnh ghẻ.

Khi sử dụng thuốc cần lưu ý:

- Không dùng cho người mẫn cảm và dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc.

- Không dùng khi vùng da cần điều trị có dấu hiệu nhiễm trùng và chảy dịch.

- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với thuốc.

- Không băng hoặc che phủ vùng da bôi thuốc, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

- Tránh để thuốc tiếp xúc với vùng da khỏe mạnh hoặc da của người khác.

- Không thoa nhiều lần hơn hướng dẫn sử dụng trên toa thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ.

- Không sử dụng thuốc lên vùng niêm mạc và các vùng da gần mắt.

- Không thoa thuốc ở diện tích rộng và dùng thuốc kéo dài hơn hướng dẫn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Các tác dụng phụ của thuốc là: Gây kích ứng da, ngứa da, đỏ rát… Đây chỉ là tác dụng phụ thông thường. Cần ngừng sử dụng thuốc khi có biểu hiện mẫn cảm, tình trạng bệnh không đỡ mà có xu hướng xấu đi…

Lưu huỳnh: Thuốc cần được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và không được quá lạm dùng thuốc.

Khi dùng thuốc cần tránh để thuốc dính vào mắt. Nếu không may để thuốc rơi vào mắt cần rửa nhẹ nhàng với nhiều nước sạch. Nếu vẫn còn các triệu chứng bất thường ở mắt thì cần đi khám nhãn khoa.

Lưu huỳnh dạng mỡ, trước khi dùng thuốc nên tắm rửa toàn thân với xà phòng trước. Sau đó dùng thuốc lưu huỳnh dạng mỡ bôi lên. Trước khi đi ngủ bôi thuốc lên toàn thân một lần nữa. Sau 24 giờ bôi thuốc cần tắm kỹ lại để làm sạch lượng thuốc đã bôi trước đó trước khi bôi lần thuốc mới.

Tác dụng phụ có thể xảy ra là thuốc gây nên tình trạng kích ứng da. Tác dụng phụ này có thể sẽ mất đi sau khi cơ thể đã quen thuốc. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài trong một thời gian hoặc có diễn biến nặng hơn thì nên báo với bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời và đúng cách.

  • Cách đề phòng bệnh ghẻ

  • Bệnh ghẻ ở trẻ

Thuốc ivermectin: Là thuốc đường uống được chỉ định để điều trị khá nhiều bệnh nhiễm ký sinh trùng, như bệnh sán lá gan lớn, bệnh giun lươn đường ruột.

Trong bệnh ghẻ, thuốc này được chỉ định khi các biện pháp điều trị tại chỗ trước đó không thành công hoặc với bệnh nhân có chống điều trị tại chỗ.

Chỉ dùng ivermectin khi chắc chắn bệnh ghẻ trên lâm sàng hoặc đã được kiểm tra chắc chắn có ký sinh trùng. Thuốc chỉ được sử dụng sau khi đã được bác sĩ chỉ định và cân nhắc dùng thuốc.

Thuốc ivermectin có thể gây ra một số tác dụng phụ, tuy đa số là không nghiêm trọng và không kéo dài. Nhưng tình trạng tác dụng phụ có thể tăng lên ở bệnh nhân đồng thời nhiễm nhiều loại ký sinh trùng.

Các tác dụng phụ có thể gặp và dễ nhận ra là: Đột ngột sốt, phát ban, ngứa, khó thở…

Một số tác dụng phụ khác như: Tăng men gan, gây chán ăn, đau dạ dày, táo bón (hoặc tiêu chảy)…

3. Làm sao để ngừa bệnh ghẻ tái phát?

Do bệnh ghẻ có tính chất lây lan, nếu trong môi trường có một người nhiễm ghẻ, thì nguy cơ lây bệnh ghẻ là rất cao. Do vậy, phải điều trị đồng thời cho tất cả mọi người cùng bị ngứa khi đang sinh hoạt, chung sống trong gia đình, lớp học, ký túc xá… tránh tình trạng tái lây nhiễm lẫn nhau.

Đồng thời, tất cả các đồ dùng: Quần áo, mùng, mền, chiếu, gối nên giặt tẩy thật sạch. Tốt nhất là nên trụng nước sôi, phơi nắng cho thật khô, ủi nóng trước khi mặc… để diệt hết cái ghẻ và trứng ghẻ để phòng tái nhiễm hoặc lây lan bệnh.

Tránh dùng chung quần áo và các vật dụng cá nhân.

Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.

Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.

Ghẻ là bệnh lý không quá nguy hiểm, tuy nhiên không dễ điều trị do không chỉ dùng thuốc mà còn cần sự tuân thủ trong lối sống và dễ tái phát lại nếu trứng ghẻ hay cái ghẻ còn tồn tại trong nhà. Hi vọng những chia sẻ trong bài viết này có thể giúp mọi người có những nhìn nhận căn bản về căn bệnh này.

Mời độc giả xem thêm video:

Lý do gì khiến gia đình nạn nhân bị “dì ghẻ” trút đòn thù mời thêm luật sư hỗ trợ? | SKĐS

Từ khóa » Hiện Tượng Ghẻ Ngứa