Bệnh Giang Mai - Nguyên Nhân Và Cách Phòng Chống

Bệnh giang mai được coi là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 sau HIV-AIDS trong số các bệnh xã hội. 1. Bệnh giang mai là gì? Bệnh giang mai (Syphilis) là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai. Bệnh cũng lây lan nhanh chóng qua các hình thức quan hệ tình dục bằng đường miệng, âm đạo hay hậu môn. Xoắn khuẩn giang mai cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn này xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi. Do bộ phận sinh dục ở phụ nữ có cấu tạo dạng mở nên khả năng nhiễm các bệnh tình dục cao hơn nam giới, bao gồm cả giang mai. Bệnh giang mai ở nữ giới nếu không điều trị kịp thời, sẽ gây tổn thương trầm trọng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể như viêm loét bộ phận sinh dục, phát ban ngoài da, đau nhức cơ xương, thậm chí gây ảnh hưởng đến nội tạng. 2. Nguyên nhân gây bệnh Tác nhân gây bệnh giang mai là xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum do Schaudinn và Hauffman tìm ra vào năm 1905. Xoắn khuẩn có hình lò xo, gồm 6-14 vòng xoắn nằm sát nhau. Xoắn khuẩn này có sức đề kháng rất yếu, có thể chết nhanh sau khi ra khỏi cơ thể vài giờ. Khi chúng tiếp xúc các chất sát khuẩn, xà phòng sẽ bị bất động và chết trong vài phút. Xoắn khuẩn giang mai có thể lây truyền qua một số con đường sau: - Quan hệ tình dục không an toàn Trong các ca nhiễm giang mai hàng năm, phần lớn nguyên nhân bị lây truyền là do các hoạt động tình dục không an toàn của người bệnh. Vi khuẩn sẽ theo đường tiếp xúc qua miệng, âm đạo và hậu môn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Ngay cả khi chỉ một lần bạn trót không dùng biện pháp bảo vệ trong quan hệ. - Lây từ mẹ sang con Mẹ bị nhiễm giang mai có nguy cơ truyền sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, xoắn khuẩn lây qua nhau thai hoặc khi sinh thường. Trường hợp sinh thường, bé sẽ tiếp xúc với vi khuẩn ở âm đạo của mẹ nên sẽ nhiễm bệnh. Mắc bệnh giang mai bẩm sinh có thể khiến em bé tử vong ngay từ khi còn là bào thai hoặc chậm phát triển về thể chất và trí tuệ hơn những đứa trẻ khác. - Lây truyền qua đường máu Xoắn khuẩn giang mai có ở trong máu người bệnh, do đó giang mai có thể lây truyền qua máu. Trường hợp lây qua truyền máu khả năng nhiễm không cao do sau khi trữ máu trong ngăn đông, vi khuẩn sẽ chết sau 3 - 4h. - Lây truyền qua tiếp xúc ngoài da Các vết trầy xước ngoài da là cửa ngõ cho các tác nhân có hại từ bên ngoài xâm nhập gây bệnh. Khi các tổn thương ngoài da tiếp xúc với dịch nhầy, máu,... mang xoắn khuẩn giang mai nguy cơ nhiễm rất cao. Tuy nhiên mọi người cần lưu ý bệnh giang mai lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ 1 và 2 khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai. Còn khi bệnh đã phát triển đến thời kỳ cuối cùng thì hầu như không còn khả năng lây cho người khác. Đặc biệt bệnh giang mai không lây lan qua các tiếp xúc gián tiếp như tay nắm cửa, quần áo, bồn vệ sinh... như nhiều người lầm tưởng. 3. Triệu chứng

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai có thời gian ủ bệnh từ 3 - 90 ngày tùy thuộc sức đề kháng của người bệnh, trung bình 3 tuần. Triệu chứng bệnh xuất hiện không rõ ràng, có thể tự biến mất sau một thời gian nên người bệnh dễ mang tâm lý chủ quan, xem nhẹ.

Những dấu vết đầu tiên là các tổn thương ngoài da dưới nhiều hình thức khác nhau như:

- Các vết loét (còn gọi săng giang mai) hình tròn hoặc bầu dục, màu đỏ, không đau, không ngứa và không có mủ. Săng giang mai thường xuất hiện trên bộ phận sinh dục của nam và nữ như dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn. Ngoài ra cũng có thể xuất hiện ở miệng, tay, chân.

- Các mẩn đỏ giống phát ban, tập trung chủ yếu lòng bàn tay hoặc bàn chân.

- Toàn thân cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt và có hạch ở cổ, háng hay nách,...

4. Phòng chống bệnh giang mai

- Xây dựng đời sống tình dục lành mạnh, chung thủy 1 vợ 1 chồng không chỉ phòng tránh giang mai mà còn cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

- Quan hệ an toàn: dùng bao cao su nếu bạn có lối sống tình dục phóng khoáng.

- Trước khi có dự định mang thai, phụ nữ nên đi làm xét nghiệm sức khỏe tổng quát để xem có mắc bệnh nào gây hại cho thai nhi hoặc sức khỏe người mẹ hay không, từ đó có phương án xử lý phù hợp.

- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy, thuốc lắc.

Bệnh giang mai được coi là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 sau HIV-AIDS trong số các bệnh xã hội. Vì vậy khi bạn thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh nên đi xét nghiệm ngay để có phương án điều trị thích hợp, phòng tránh biến chứng và không tự ý mua thuốc tự điều trị.

Từ khóa » Xoắn Khuẩn Giang Mai