BỆNH GÚT - VUA CỦA ĐAU, ĐAU CỦA VUA

Vua của đau, đau của vua Đó là mô tả của Hippocrates – ông tổ của y học nhân loại – khi nói về bệnh gút.
wine wine wine
Hippocrates – ông tổ của y học nhân loại
Ngày trước, khi nói về bệnh tật, gút hay còn gọi là bệnh thống phong ít người biết đến, có lẽ khi ấy bệnh này không phổ biến. Những năm sau này, đời sống bắt đầu khá lên, đặc biệt khi lượng tiêu thụ bia, rượu trong cộng đồng gia tăng, thì cái tên gút hầu như không còn xa lạ với mọi người nữa. Gặp BSCK2 Nguyễn Thúc Bội Châu tại Phòng khám Chuyên Gia – BVQT Minh Anh, tại đây chúng tôi có buổi trao đổi về căn bệnh này. +Thưa bác sĩ Bội Châu, tương truyền rằng Hyppocrates – ông tổ ngành y nói rằng “gút là vua của đau, đau của vua”, theo bác sĩ, nhận xét này được hiểu như thế nào? BS Bội Châu: Bệnh Gút (Gout tiếng Anh, Goutte tiếng Pháp) là bệnh nằm trong nhóm bệnh lắng tụ các tinh thể, cụ thể là lắng tụ tinh thể monosodium urat trong các khớp do tình trạng acid uric tăng cao trong máu… gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên. Phần đông bệnh nhân là nam giới. Gút xuất hiện ở các khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay và phần nhiều ở chi dưới: gối, cổ chân, đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái. Biểu hiện đặc trưng đầu tiên của bệnh gút là viêm các khớp cấp tính do gút. Các triệu chứng chính bao gồm:
  • Khớp đau đột ngột, dữ dội, có cảm giác bỏng rát.
  • Khớp sưng tấy đỏ, đau nhiều hơn khi đụng vào.
  • Vùng xung quanh khớp ấm, nóng.
  • Có nốt tophi.
Trong đó đau là động cơ khiến người ta phải nghĩ đến việc đi điều trị.
acid uric 3 825x510
Các tinh thể monosodium urat lắng đọng trong các khớp
+Vâng, tôi đã từng chứng kiến một bệnh nhân đau đến nỗi đi không dám bước đi, người nhà phải bồng vào. Ngay cả khi nằm yên vị rồi, bệnh nhân còn yêu cầu tắt quạt đi, vì gió thổi vào chân cũng làm cho bệnh nhân đau. Vậy nói “vua của đau” cũng không ngoa. Còn “Đau của vua”, thưa bác sĩ? Bs Bội Châu: Bệnh gút đã được y học biết đến từ thời cổ đại. Thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, Hypocrates đã mô tả bệnh gút và gọi bệnh này là bệnh của các ông vua (The Disease of the Kings). Theo mô tả kinh điển, người bệnh gút là những người đàn ông trung niên quí tộc, dáng mập mạp, phát đau khớp sau các bữa tiệc rượu hoành tráng… Trong cơ thể chúng ta, acid uric là một chất thải hình thành bởi sự phá hủy tự nhiên chất purin. Một phần acid uric được thận bài tiết ra ngoài, một phần sẽ được gan chuyển hóa thành urê thải qua nuớc tiểu. Khi hấp thu nhiều thức ăn giàu purin, nồng độ acid uric trong máu sẽ tăng lên nhưng không bao giờ quá 5.5mg%. Khi gan giảm chức năng biến đổi acid uric thành urê hoặc thận giảm bài tiết acid uric qua nước tiểu, thì hậu quả là nồng độ acid uric sẽ tăng lên vượt quá mức bình thường. Lưu ý, acid uric tăng khi xét nghiệm máu không phải bị gút. Chỉ khi nồng độ acid uric tăng trên 6mg% gây lắng đọng muối urat sodium dưới dạng tinh thể trong khớp hay quanh khớp, cơ thể phản ứng lại với hiện tượng này gây ra tình trạng viêm khớp, gọi là viêm gút cấp. Ngày xưa, vua chúa cuộc sống xa hoa, nên dễ gặp bệnh này. + Vì vậy, theo mô tả kinh điển, thì người bệnh gút là những người đàn ông trung niên quí tộc, dáng mập mạp, phát đau khớp sau các bữa tiệc rượu hoành tráng… Nhưng tôi thấy nhiều bệnh nhân gút đi chữa trị dáng dấp cũng roi roi, có phải vì xã hội ngày nay bia bọt nhiều…? Bs Bội Châu: Vâng, bản chất của gút là rối loạn chuyển hóa thành phần nhân tế bào trong khẩu phần ăn. Những thực phẩm, đồ uống chứa nhiều nhân, nấm men là yếu tố nguy cơ đối với bệnh gút. Trong khi đó, bia là men tươi, bản chất là nấm men. Trong dòng bia, đặc biệt bia tươi, bia hơi lại càng chứa nhiều nấm men. Đó chính là lý do gút liên quan mật thiết với rượu bia, và đó là lý do người bệnh gút thường được khuyên nên kiêng bia, rượu. Vì sau khi uống bia, cơn đau có thể đến rất nhanh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những người uống 2 cốc bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người không uống. Tỷ lệ mắc bệnh gút là khoảng 1/200 người trưởng thành. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, nam giới từ 30–50 tuổi và phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh thường mắc bệnh này nhiều hơn. Bệnh ít khi xảy ra ở người trẻ và trẻ em. Bệnh gút còn liên quan đến gen. Năm 1931, Archibald Garrod đề xuất bệnh gút bao gồm các rối loạn có thể xuất phát từ các sai sót bẩm sinh của quá trình trao đổi chất, và sự thiếu hụt enzyme purine có liên quan đến một loại bệnh gút di truyền hiếm gặp. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 5 gen liên quan đến bệnh gút. Vì vậy, thông thường nam giới mắc nhiều hơn, do ăn uống nhiều chất đạm và bia rượu, thì vẫn có trường hợp phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế thấp kém, không bia, không rượu, ăn uống đạm bạc mà vẫn bị gút. + Dạ, tôi cũng từng thấy phụ nữ đi điều trị bệnh này với những nốt tophi nổi đầy quanh các khớp ngón chân, ngón tay…

BS Bội Châu:

Tophi là nơi khớp ứ đọng tinh thể muối urát. Ứ đọng này gây viêm khớp, tạo ra các u cục, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có nguy cơ gây biến dạng khớp, hủy xương và có thể dẫn đến tàn phế.

+ Ngoài tophi, thì gút còn gây ra một số biến chứng…

BS Bội Châu:

Bệnh nhân gút nếu không điều trị, kiểm soát tốt nồng độ acid uric, để nồng độ acid uric máu tăng cao, khi đó các tinh thể muối urat không chỉ kết tinh và lắng đọng ở khớp mà còn có thể lắng đọng ở thận gây sỏi thận, viêm thận kẽ và suy thận. Thêm nữa nếu để nếu nồng độ acid uric trong máu tăng cao kéo dài, một số nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân sẽ dễ mắc các hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh gan và nhiễm khuẩn huyết bởicác vết loét trên cơ thể người bệnh gút có thể trở thành “cửa ngõ” cho các vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể.

+ Tôi có ông bạn, vì công việc nên phải tiếp khách nhiều nên bị gút, đi điều trị nhiều nơi nhưng không hết. Những cơn đau do gút cứ dồn dập, nên anh siêng dùng thuốc giảm đau, kháng viêm corticoid dẫn đến suy thận… BS Bội Châu:

Đó là một thực tế, khi đã bị gút thì việc điều trị phải kiên trì, chế độ sinh hoạt, ăn uống phải tuân theo lời dặn của bác sĩ. Một số bệnh nhân chỉ vừa hết triệu chứng là đã bỏ trị, khi cơn đau tái phát thì họ lại đi bác sĩ lấy thuốc… Và cứ thế, từ viêm gút cấp tính họ trở thành bệnh nhân viêm gút mạn tính. Một khi không tuân thủ tốt phác đồ điều trị, thì vũ khí duy nhất để các bệnh nhân này chống lại các cơn đau là thuốc giảm đau, và nguy hiểm nhất là lạm dụng thuốc kháng viêm corticoid. Việc lạm dụng corticoid sẽ gặp rất, rất nhiều tác dụng phụ như loãng xương, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, glôcôm… và điển hình nhất là Hội chứng Cushing, bệnh nhân mặt tròn như mặt trăng, tay chân thì teo nhỏ.

+Dạ xin cám ơn bác sĩ Bội Châu đã dành thời gian cho buổi trao đổi này. Và rất mong sẽ có những cuộc trò chuyện khác với những đề tài mà dư luận quan tâm.

IMG 0546
BSCK2 Nguyễn Thúc Bội Châu tại Phòng khám Chuyên Gia – BVQT Minh Anh
NHỮNG THÓI QUEN SINH HOẠT GIÚP HẠN CHẾ DIỄN TIẾN CỦA BỆNH GÚT
  • Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc được kê toa.
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
  • Điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gút thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa, ...
  • Tập thể dục hằng ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Cần có thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức
Đặc biệt cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý:
  • Tránh các thức ăn chứa nhiều purin như nội tạng, nhất là gan, thận, não, lách.
  • Tránh ăn hải sản và thịt đỏ.
  • Ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh dưa leo, củ sắn, cà chua, trái cây …
  • Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc.
  • Uống nhiều nước: uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu.
  • Không uống cà phê, trà, nước uống có ga.

Từ khóa » Hình ảnh Của Bệnh Gút