Bệnh Hậu Sản: Nguy Cơ Lớn Sau Cuộc Sinh Nở Cần Chú ý - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Thời kì hậu sản và bệnh hậu sản là gì?
  • 2. Nguyên nhân của bệnh hậu sản là gì?
  • 3. Các bệnh thường gặp trong thời kì hậu sản là gì?

Thai kì là một trong những biến cố lớn trong đời phụ nữ, cả về tâm lý lẫn thể chất. Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều chịu áp lực cao hơn bình thường khi mang thai. Một trong những giai đoạn dễ bị tổn thương nhất là thời kì hậu sản. Bệnh lý ở giai đoạn này là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong do tai biến sản khoa. Hãy cùng YouMed tìm hiểu nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và chăm sóc đúng cách để có sức khỏe hậu sản tốt nhất.

1. Thời kì hậu sản và bệnh hậu sản là gì?

  • Hậu sản là khoảng thời gian từ 4 – 6 tuần sau sinh. Không phải sinh xong, mẹ đã được an toàn và thoải mái mà còn đối mặt với nhiều nguy hiểm.
  • Lúc này cơ thể người phụ nữ vừa trải qua quá trình mang thai và chuyển dạ căng thẳng. Sức đề kháng giảm, thay đổi cơ thể đột ngột, nguy cơ nhiễm trùng… làm cơ thể phụ nữ dễ bị tấn công bởi tác nhân gây bệnh.
  • Đặc biệt, sau sinh nếu bị thiếu cân người mẹ dễ bị kiệt sức và suy dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ và sự phát triển của bé.
  • Bệnh hậu sản là những bệnh xảy ra trên người phụ nữ ở thời kì hậu sản. Bệnh có thể do biến chứng thai kì hoặc phát triến sau sinh trên cơ thể yếu của người mẹ. Có rất nhiều bệnh hậu sản với tiên lượng khác nhau. Thậm chí đây là nguyên nhân gây tử vong mẹ phổ biến trong sản khoa.

>> Xem thêm bài viết: Thấu hiểu con qua tiếng khóc của bé

2. Nguyên nhân của bệnh hậu sản là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh hậu sản. Nó là tổng hợp của tất cả quá trinhg từ chuẩn bị tiền sản, chăm sóc trong thai kì, quá trình chuyển dạ và chăm sóc sau sinh. Vì vậy để có được thai kì khỏe mạnh cả mẹ và con, cần chăm sóc sức khỏe toàn diện. Một số nguyên nhân có thể là:

  • Không được chăm sóc sức khỏe trước sinh tốt. Thiếu dưỡng chất, thể lực kém, không tiêm ngừa đầy đủ…
  • Căng thẳng, mệt mỏi trước sinh khiến cơ thể bị kiệt sức, suy nhược.
  • Trong khi mang thai nhưng vẫn làm việc nặng kể cả căng thẳng về tâm lý.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý trong thai kì. Ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng cả mẹ và con. Tham khảo bài viết: Dinh dưỡng khi mang thai như thế nào cho hợp lý?
  • Mắc các bệnh lý trong thai kì. Ví dụ như: tiền sản giật, tăng huyết áp thai kì…
  • Quá trình chuyển dạ xảy ra biến cố.
  • Không kiêng cữ sau thời gian sinh con. Phần phụ của phụ nữ sau sinh cần khoảng thời gian 6 tuần để phục hồi. Việc không kiêng cữ mà gần gũi chồng quá sớm sẽ dẫn đến những tổn thương phần phụ.
  • Nhiễm trùng hậu sản. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất. Mặt khác cũng là nguyên nhân hay gây biến chứng nghiêm trọng.
  • Căng thẳng, mệt mỏi do chăm sóc bé thời gian mới sinh.

3. Các bệnh thường gặp trong thời kì hậu sản là gì?

3.1 Cơn đau tử cung

Sau khi sinh em bé ra ngoài trong tử cung vẫn còn máu cục, sản dịch… Nên thỉnh thoảng tử cung có những cơn co bóp mạnh để tống các chất dư thừa ra ngoài. Hoạt động này tạo ra những cơn đau tử cung. Ở người sinh con đầu lòng thường ít gặp vì chất lượng tử cung còn tốt. Biểu hiện này thường gặp ở người con rạ. Càng đẻ nhiều lần càng đau vì chất lượng cơ tử cung yếu dần. Do đó tử cung càng cần phải co bóp mạnh hơn những lần trước để đẩy sản dịch ra ngoài.

3.2 Băng huyết sau sinh

  • Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa hay gặp nhất. Đây là một nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ. Băng huyết sau sinh nguy cơ cao nhất trong 24h sau khi sinh.
  • Dấu hiệu chung của băng huyết là chảy máu nhiều ngay sau khi đẻ thai và sổ nhau. Khi máu ra nhiều, sản phụ có thể bị choáng, xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, khát nước…
  • Tùy từng căn nguyên như đờ tử cung, sót nhau hoặc rách đường sinh dục… mà có thêm những triệu chứng đặc trưng khác. Phải có biện pháp can thiệp kịp thời và thích hợp cho từng trường hợp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời nguy cơ tử vong trong băng huyết nặng là cao.

>> Xem thêm: Đau xương chậu khi mang thai: Cách giảm đau an toàn cho mẹ

Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh có nguy cơ cao.
  • Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới băng huyết sau sinh như:

    • Tử cung yếu do sinh đẻ nhiều lần, đã từng phẫu thuật tử cung, tử cung bị dị dạng, u xơ tử cung, sảy thai, nạo hút thai, phá thai nhiều lần…
    • Nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài.
    • Đẻ nhanh, rặn đẻ quá sớm trước khi cổ tử cung mở, đỡ đẻ không đúng cách.
    • Sản phụ bị thiếu máu, cao huyết áp, suy nhược, nhiễm độc thai nghén.
    • Sót nhau trong cổ tử cung, dây nhau ngắn, lấy nhau không đúng cách, từng bị sót nhau viêm niêm mạc tử cung.
    • Sau đẻ non, đẻ thai lưu.
  • Cách phòng ngừa băng huyết sau sinh

    • Nên khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ trong quá trình mang thai. Khám định kì để phát hiện sớm và tránh được những nguy cơ có thể xảy ra.
    • Nên chọn cơ sở y tế uy tín để đỡ đẻ. Nhất là những trường hợp đã được cảnh báo nguy cơ băng huyết sau sinh. Không chọn lựa những cơ sở nhỏ lẻ trôi nổi không uy tín.
    • Không nên làm việc quá sớm, sản phụ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn về cả thể trạng và tâm lý. Tránh trường hợp băng huyết trở lại.
    • Trong thời kỳ hậu sản, sản phụ cần chú ý giữ gìn vệ sinh vùng kín, tránh nhiễm trùng vùng kín. Sản phụ cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước để cơ thể mau chóng phục hồi.

>> Tham khảo bài viết: Mách bạn cách lấy lại vóc dáng hoàn hảo sau sinh

3.3 Nhiễm trùng hậu sản

  • Đây là một trong các bệnh hậu sản thường gặp nhất ở phụ nữ sau sinh. Khởi điểm của bệnh thường là viêm nhiễm ở đường sinh dục (âm đạo, tử cung).
  • Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập từ cơ thể sản phụ trong quá trình chăm sóc vùng kín sau sinh, dụng cụ đỡ đẻ,…
  • Triệu chứng điển hình:
    • Ban đầu thường sốt nhẹ (>=38oC), đau tấy, sưng mủ chỗ viêm
    • Dịch tiết ra có mùi hôi khó chịu, sản phụ thường mệt mỏi, kém ăn
    • Với trường hợp nặng có thể bị sốt cao, lạnh toát người, choáng váng, hạ huyết áp,…
  • Một số trường hợp nguy hiểm khi bị nhiễm khuẩn hậu sản như nhiễm khuẩn tầng sinh môn, nhiễm khuẩn huyết, viêm phần phụ và dây chằng rộng, viêm niêm mạc tử cung, viêm tĩnh mạch,… sẽ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, nôn ói, đau vùng tử cung, tử cung sưng khá to… Nếu không được chữa trị kịp thời sản phụ sẽ phải cắt bỏ tử cung và 2 phần phụ.
  • Chính vì vậy ngay khi thấy hiện tượng sốt cao nhiều ngày sản phụ nên nhanh chóng đi khám để phát hiện và chữa trị kịp thời.
Sốt là biểu hiện của nhiễm trùng hậu sản
Sốt là biểu hiện của nhiễm trùng hậu sản.
  • Phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản

    • Chăm sóc vùng kín cẩn thận trước và cả sau sinh. Ngay cả khi mang thai mẹ vẫn có nguy cơ cao mắc viêm nhiễm phần phụ. Nếu bị viêm nhiễm trong thời gian này bé có thể bị lây nhiễm. Chính vì vậy khi mang thai, mẹ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không nên thụt rửa quá sâu. Sau khi sinh, phần phụ cần thời gian phục hồi. Đây cũng là khoảng thời gian các bệnh viêm nhiễm rất dễ xâm nhập nhất. Khi cơ thể chưa phục hồi hoàn toàn nên tránh quan hệ.
    • Sản dịch chảy ra, các mẹ nên dùng băng gạc vô trùng và giữ âm đạo luôn khô ráo bằng cách thay quần lót thường xuyên. Không nên sử dụng các loại giấy thô, ướt và có mùi.
    • Hạn chế đi lại và vận động nhiều sau sinh. Vận động nhiều sẽ khiến các vết khâu bị bung và dễ dẫn đến viêm nhiễm hậu sản.
    • Vệ sinh vùng kín với nước ấm, không nên sử dụng dung dịch vệ sinh.
    • Khi thấy các bất thường liên quan đến sản dịch cần báo cho bác sĩ ngay lập tức.

>> Xem thêm: Cách đối mặt với những vấn đề sau sinh

3.4 Sản giật sau sinh

  • Đây là một trong những bệnh hậu sản nguy hiểm ở phụ nữ sau sinh có thể dẫn đến tử vong.
  • Triệu chứng của bệnh chủ yếu là là co giật, hôn mê, đau đầu, buồn nôn, ù tai hoặc bị phù.
  • Không nên chủ quan trước bệnh lý đặc biệt nguy hiểm này. Ngay khi thấy những biểu hiện trên nên báo ngay với bác sĩ tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

3.5 Bế sản dịch sau sinh

  • Sản dịch là điều hết sức bình thường ở phụ nữ sau sinh. Nhưng nếu sản dịch kéo dài quá 30 ngày, đến 45 ngày mà vẫn chưa hết thì rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh lý bế sản dịch sau sinh hoặc bệnh lý liên quan đến tử cung.
  • Triệu chứng bệnh: sản dịch kéo dài trên 6 tuần vẫn chưa hết kèm mùi hôi, sốt và đau bụng…
  • Khi thấy xuất hiện triệu chứng trên, sản phụ cần đi khám ngay lập tức.
  • Phòng ngừa bế sản dịch sau sinh:
    • Kiểm tra tử cung sau sinh để phát hiện những bất thường trong tử cung sớm.
    • Không ngồi vắt chéo chân sau sinh. Điều này sẽ ngăn cản sản dịch ra ngoài.
    • Nên vận động nhẹ, không nên nằm quá nhiều khiến tử cung lâu co lại hơn. Điều này còn dẫn đến nguy cơ cao bị nhiễm trùng tử cung. Các bác sĩ khuyên sản phụ chỉ nên nằm nghỉ ngơi khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Vận động đi lại nhẹ nhàng giúp rút ngắn thời kỳ hậu sản cũng như co dạ con nhanh chóng.

3.6 Xuất huyết muộn sau sinh

Thông thường ngay sau sinh, sản phụ sẽ bị chảy máu hay còn gọi là sản dịch. Sản dịch sẽ ra nhiều trong 3 ngày đầu với màu đỏ tươi. Sau 7 ngày màu sẽ nhạt đi và số lượng ít dần đi. Tuy nhiên muộn hơn mới ra máu rất có thể vùng cơ nhau bám tử cung co hồi kém hoặc bị sót nhau trong tử cung. Khi thấy xuất hiện hiện tượng này cần báo ngay cho bác sĩ để có điều trị phù hợp. Tránh trường hợp mất máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng sản phụ.

Hậu sản là thời kì nhạy cảm với sản phụ và em bé. Thời kì này cơ thể sản phụ còn yếu nên dễ mắc các bệnh hậu sản. Theo dõi sát, chăm sóc toàn diện, dinh dưỡng đầy đủ là cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh hậu sản.

Từ khóa » Hậu Sản Là Gì Nguyên Nhân