Bệnh Hậu Sản: Tổng Quan, Cách Xử Trí Và Phòng Ngừa Hiệu Quả

Xem lại: Những bệnh hậu sản phần 1

Người phụ nữ sau khi trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai đầy vất vả, quá trình vượt cạn đầy gian nan để được “mẹ tròn con vuông”, họ còn phải đối mặt với nỗi lo về những chứng bệnh hậu sản. Vậy cùng tìm hiểu thêm về những chứng bệnh này để luôn được an tâm về sức khỏe sau thai kỳ.

Đại – tiểu tiện không tự chủ

Tình trạng tiêu tiểu không tự chủ sau sinh có thể làm khổ một số bà mẹ trong thời gian ngắn. Nguyên nhân của tình trạng vô tình tiểu, đặc biệt là khi cười, ho hoặc căng thẳng, thường là do sự kéo giãn của đáy bàng quang trong thời gian mang thai và sinh nở.

Thông thường, thời gian là tất cả những gì cần thiết để đưa cơ bắp của bạn trở lại bình thường. Bạn có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi này bằng cách thực hiện các bài tập Kegel.

Để đối phó với tình trạng này, bạn hãy sử dụng băng vệ sinh. Nếu tình trạng tiêu tiểu không tự chủ kéo dài, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến các hiện tượng như đau nhức, nóng rát, khó chịu khi đi tiểu bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng bàng quang.

Việc “đi nặng” không kiểm soát thường được cho là do sự kéo dài và suy yếu của cơ xương chậu, rách đáy chậu và tổn thương thần kinh đối với các cơ vòng quanh hậu môn trong khi sinh. Tình trạng này khá phổ biến ở những phụ nữ sinh thường và có thời gian chuyển dạ kéo dài.

Mặc dù tình trạng đi đại – tiểu tiện không tự chủ thường biến mất sau vài tháng, nhưng bạn vẫn có thể hỏi bác sĩ về những bài tập giúp kiểm soát hành động này. Trong trường hợp vấn đề này không cải thiện, biện pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc.

Lên máu hậu sản

Lên máu hậu sản là tình trạng huyết áp mẹ sau sinh bị ảnh hưởng (còn gọi là cao huyết áp sau sinh). Nếu sau khi sinh hơn 12 tuần mà huyết áp của bạn không trở lại bình thường thì được xác định là cao huyết áp.

Đại đa số tăng huyết áp là vô căn cứ và không xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Biến chứng của bệnh cao huyết áp sau sinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả tốt rất có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như: Dày thất trái, giãn thất phải, suy tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, bệnh lý về võng mạc, suy thận, tiểu đạm, bệnh lý mạch máu ngoại biên.

Chứng sản giật

Sản giật là biến chứng của những rối loạn tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ với 3 triệu chứng: tăng huyết áp, protein niệu và phù. Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu kéo dài và tử vong. Sản giật có thể xảy ra 50% trước đẻ, 25% trong đẻ, 25% sau đẻ.

Triệu chứng nhận biết nguy cơ sản giật

  • Nhiễm độc thai nghén nặng (phù, tăng huyết áp, protein niệu…)
  • Hội chứng tiền sản giật: nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, có thể nôn, đau thương vị…
  • Xuất hiện cơn sản giật với các đặc điểm đột ngột qua 4 giai đoạn: xâm nhiễm, co cứng, co giật giãn cách và hôn mê. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi sản phụ lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu và tử vong.

Điều trị chứng sản giật

Nếu như đang lên cơn giật thì sản phụ phải được để nghiêng về một bên để tránh hít phải đờm dãi và đảm bảo máu lưu thông đến rau thai được tốt. Một mảnh ngáng lưỡi mềm hoặc một ống dẫn khí bằng nhựa đặt vào giữa hai hàm răng. Hút dịch và thức ăn ra khỏi thanh môn hoặc khí quản. Có thể cắt cơn giật bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc magie sulfat 4g hoặc diazepam 5 – 10 mg trên 4 phút hoặc cho đến khi cơn giật ngừng. Tiêm truyền magie sulfat tĩnh mạch liên tục, sau đấy bắt đầu với tốc độ 3g/giờ trừ khi bệnh nhân được biết là có suy giảm chức năng thận đáng kể. Sau đấy cứ 4 – 6 giờ kiểm tra nồng độ magie huyết một lần và tốc độ truyền được điều chỉnh để giữ được nồng độ trong máu cần thiết cho điều trị. Phản xạ gân xương sâu, nhịp và độ sâu của hô hấp và lượng nước tiểu bài tiết được kiểm tra hàng giờ để theo dõi sự nhiễm độc magie, điều đó có thể giải độc được bằng gluconat calci.

Luôn theo dõi thai liên tục, nhóm máu và phản ứng chéo một cách nhanh chóng. Đặt thông đái để theo dõi sự bài tiết nước tiểu và gửi máu đi xét nghiệm, đếm tiểu cầu, men của gan, acid uric, creatinin hoặc ure và điện giải đồ. Nếu có tăng huyết áp với các huyết áp tâm trương trên 110mmHg cần cho thuốc hạ huyết áp để làm giảm huyết áp tâm trương xuống còn 90 – 100mmg Ng. Huyết áp thấp có thể gây ra suy rau thai do giảm sự tưới máu. Hydralazin được cho tăng dần lên từ 5 đến 10mg bằng đường tĩnh mạch cứ 20 phút một lần được sử dụng đều đặn để hạ thấp huyết áp. (chú ý rằng hydralazin tiêm mới đây đã thôi không sản xuất. Người ta đã thấy trước rằng nó sẽ được cải biên và hiện đã có lại). Nifedipin 10 mg ngậm dưới lưỡi hoặc uống labetalol 10 – 20 mg tĩnh mạch cũng có thể dùng được.

Oxytocin có thể dùng được để khởi động hay thúc đẩy chuyển dạ. Gây tê vùng hoặc gây mê co thể chấp nhận được. Mổ lấy thai được sử dụng đối với những chỉ định sản khoa thông thường hoặc khi cần lấy thai nhanh chóng do có những chỉ định vì mẹ hoặc vì thai.

Việc tiêm truyền magie sulfat cần tiếp tục cho đến hết sản giật, để bắt đầu giải quyết hậu sản. Điều này có thể mất 1 – 7 ngày. Chỉ báo đáng tin cậy nhất là lượng nước tiểu bài tiết trên 100 – 200ml/giờ. Khi điều đó xảy ra, magie có thể ngừng sulfat. Cơn tiền sản giật – sản giật muộn có thể xảy ra trong thời kỳ hậu sản. Nó thường được biểu hiện bởi tăng huyết áp hoặc cơn giật. Điều trị giống như trước đẻ, nghĩa là có thể sử dụng magie sulfat vì thai không còn bị ảnh hưởng nữa mặc dù dùng thuốc chống cơn giật khác.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh con là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh

  • Suy nhược cơ thể: Đây chính là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh. Có rất nhiều bà mẹ sau khi sinh con xong liền rơi vào trạng thái vô vọng, đau khổ và thậm chí là khóc lóc cả ngày mà không vì một lý do nào cả. Đôi khi, bản thân họ cảm thấy mình không được quan tâm, bị mọi người bỏ rơi, cảm giác này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi triền miên và suy nhược cơ thể.
  • Lo lắng, đau cơ thể không rõ nguyên nhân: Sau sinh, bà mẹ thường có nhiều mối lo về bản thân, gia đình và con cái, nhiều người cảm thấy đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.
  • Hoảng hốt: Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con thường cảm thấy hoảng hốt với những điều có thể xảy ra hàng ngày, sau khi hoảng hốt thì rất khó để họ bình tĩnh lại. Cách tốt nhất trong trường hợp này chính là tránh để những tình huống đó xảy ra lặp lại nhiều lần.
  • Căng thẳng: Dấu hiệu căng thẳng thường xuyên sẽ làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Loại căng thẳng này là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh và không thể điều trị bằng thuốc an thần, tuy nhiên, nếu chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn thì sẽ tốt.
  • Cảm giác bị ám ảnh: Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh con thường hay bị ám ảnh về một việc, một người hay một hành động cụ thể nào đó. Những nỗi ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do. Trường hợp này, mẹ nên nói chuyện với gia đình và bác sĩ để tránh có những hành động không tốt đến con mình.
  • Mất tập trung: Đây là biểu hiện trầm cảm sau sinh dễ bị bỏ qua, lúc này mẹ sẽ thường khó tập trung để làm một việc gì đó và cảm thấy trí nhớ sao kém quá, không sắp xếp được suy nghĩ và dần cảm thấy bản thân rất tồi tệ.
  • Rối loạn giấc ngủ: Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ và thường hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được nữa. Trong trường hợp này, ngoài việc tích cực điều trị thì tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.
  • Tình dục: Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường sẽ bị mất ham muốn tình dục trong thời gian dài và thường sẽ khỏi nếu mẹ bị hết trầm cảm.

Điều trị trầm cảm sau sinh

Tâm lý trị liệu: Một liệu pháp tâm lý – điều trị bằng cách trò chuyện về tình trạng của mẹ và những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần. Trị liệu tâm lý có thể hỗ trợ tinh thần và giúp bạn hiểu cảm xúc của mình, xác định các vấn đề và tìm cách giải quyết.

Mẹ nên tham gia các hội nhóm hỗ trợ trầm cảm sau sinh. Ở đây mẹ có thể chia sẻ những thông tin hữu ích về kinh nghiệm, cách ứng phó với trầm cảm sau sinh. Việc tham gia những hội nhóm này có thể rất hữu ích để tìm thấy sự đồng cảm và giúp đỡ.

Tập thể dục có thể giúp nâng cao tinh thần của bạn. Một khi bạn đã phục hồi thể chất sau khi sinh, hãy cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục sau khi hồi phục sức khỏe hậu quá trình sinh nở có thể giúp gia tăng cảm giác hạnh phúc. Bạn có thể lựa chọn một chương trình luyện tập phù hợp với thể trạng của mình.

Sử dụng men vi sinh đặc hiệu (psycho-biotic) giúp ích cho mối tương tác hai chiều giữa não bộ và đường ruột. Trong đó hệ khuẩn chí đường ruột đóng một vai trò rất quan trọng giúp sự trao đổi thông tin giữa não bộ – đường ruột xảy ra theo một cách đúng đắn. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã dùng những chủng vi khuẩn có lợi được chọn lọc đặc biệt nhờ khả năng tác động tích cực lên hoạt động của trục não – ruột gọi là psychobiotics để tái lập lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ bảo vệ và cải thiện sức khỏe của đường ruột, giảm các triệu chứng mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, đau đầu. Đây là một lựa chọn an toàn và phù hợp đối với các bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú.

Trong các trường hợp điều trị trầm cảm sau sinh lần đầu tiên, ưu tiên lựa chọn các loại thuốc có dữ liệu an toàn nhiều hơn cả đó là sertraline và paroxetine (thuộc nhóm SSRIs). Các thuốc ưu tiên lựa chọn trong nhóm chống trầm cảm ba vòng là nortriptyline và imipramine.

Đối với trường hợp bị loạn thần sau sinh (xuất hiện ảo giác, hoang tưởng), hoặc có ý định, kế hoạch tự tử hoặc sát hại con thì ngay lập tức cần nhập viện để cách ly bà mẹ khỏi em bé và để điều trị đặc hiệu.

Biện pháp phòng ngừa biến chứng hậu sản

Chăm sóc sức khỏe

Đối với các mẹ, quá trình chăm sóc sau sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe về sau. Theo các chuyên gia, mẹ được chăm sóc cẩn thận sẽ mau hồi phục và tránh được các biến chứng hậu sản nguy hiểm. Sau khi sinh mẹ cần được theo dõi sức khỏe liên tục trong vòng 3 ngày. Trong khoảng thời gian ấy, mẹ cần:

  • Theo dõi huyết áp
  • Chú ý dấu hiệu của sốc, choáng, sự co của tử cung
  • Theo dõi màu, số lượng, mùi của sản dịch
  • Chú ý thể chất và tinh thần để kịp thời phát hiện các tình trạng băng huyết, sản dịch, sót nhau thai, nhiễm khuẩn hậu sản…
  • Sản phụ nên vận động và đi lại ngay khi có thể và
  • Theo dõi lượng nước tiểu, số lần đại tiện để hạn chế liệt ruột và bàng quang.
  • Sản phụ sau sinh còn cần phải giữ ấm cơ thể, không để cơ thể nhiễm lạnh, không dùng quạt trực tiếp. Đặc biệt cần nằm trong phòng kín không có gió lùa, không ra ngoài khi trời gió lạnh, không sử dụng nước lạnh.
  • Vệ sinh vùng kín đóng vai trò quan trọng để tránh các hậu quả hậu sản sau sinh. Phụ nữ cần mặc quần áo rộng rãi để sản dịch nhanh thoát ra ngoài, thay quần áo lót thường xuyên và vệ sinh vùng kín sạch sẽ nhằm tránh viêm nhiễm.
  • Mẹ vừa mới trải qua một cuộc chuyển dạ nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, giúp mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.

Chế độ ăn uống của sản phụ sau sinh cần lưu ý:

  • Sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ. Chú ý nguyên tắc sản phụ sẽ ăn từ lỏng đến đặc, ăn cơm khi đã xì hơi.
  • Trong ngày đầu tiên sau sinh, sản phụ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, sản phụ ăn uống như bình thường, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa…,
  • Tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Thay vào đó, mẹ cần uống đủ nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày, ăn chín, tăng cường rau xanh, trái cây và uống thêm nước hoa quả, sữa… để tránh táo bón.
  • Sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, trái cây…, tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa.
  • Bổ sung dinh dưỡng, nhất là thực phẩm dễ tiêu hóa, bữa ăn cần đầy đủ các thành phần như ngũ cốc, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin để cơ thể nhanh chóng phục hồi.

Chăm sóc tinh thần

Ngủ đủ giấc cho bà mẹ là điều hết sức quan trọng. Những người thân trong gia đình cần hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ ngủ. Trung bình mỗi ngày, mẹ ngủ khoảng 8 – 9 tiếng. Lúc ngủ, cơ thể người phụ nữ sẽ lấy lại sức khỏe, năng lượng và giúp sự tiết sữa tốt. Đồng thời giúp người mẹ có tinh thần thoải mái, tránh được căng thẳng, trầm cảm sau sinh.

Ngoài ra, trách nhiệm và sự quan tâm của người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng đối với người vợ sau khi sinh là rất quan trọng. Việc cần làm lúc bấy giờ là sự thấu hiểu, sẻ chia những lo lắng, băn khoăn với vợ, chăm con và giúp đỡ việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi. Bản thân người mẹ sau sinh nên gặp gỡ, tâm sự với bạn bè để giải tỏa tâm lý, tích cực lạc quan hơn.

Với các mẹ sau sinh, việc phục hồi sức khỏe trong giai đoạn này là vấn đề vô cùng quan trọng. Mẹ càng sớm phục hồi sức khỏe càng hạn chế tối đa các bệnh hậu sản xuất hiện. Hy vọng với những tổng hợp về các chứng bệnh hậu sản, triệu chứng và cách phòng ngừa, khắc phục sẽ phần nào giúp ích cho mẹ và người thân.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Hậu Sản Sau Sinh Là Bệnh Gì