Bệnh Ho Gà ở Trẻ Em (Whooping Cough) | BvNTP

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay ở trẻ em, đặc biệt nặng ở trẻ em trong lứa tuổi 3 tháng khi trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ

Theo WHO, hàng năm trên thế giới có khoảng 30 -50 triệu người mắc ho gà, trong số đó có khoảng hơn 300 nghìn người tử vong, tỷ lệ này tăng cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ. Từ ngày có vaccine phòng bệnh đã giảm thiểu tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh gây ra

Trẻ được định hướng đến chẩn đoán ho gà khi thời gian bị ho kéo dài > 2 tuần, kèm theo các cơn ho có đặc điểm khác biệt: Cơn ho kịch phát, sau cơn có tiếng rít, thường kèm theo đỏ mặt, nôn ói. Với trẻ nhũ nhi < 3 tháng tuổi, thường không có cơn ho, thay vào đó ho thường kèm với ngưng thở hoặc ngưng thở tím tái xảy ra mà trẻ không có ho. Các biểu hiện của viêm phổi, xuất huyết dưới kết mạc hay vùng quanh hốc mắt. Đặc biệt trẻ có thể có rối loạn tri giác hoặc co giật: khi nghi ngờ có biến chứng não do vi khuẩn ho gà

Bệnh ho gà có những dấu hiệu, triệu chứng như sau:

  • Giai đoạn đầu: thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn kèm hắt hơi, chảy nước mũi và sốt nhẹ.

  • Giai đoạn kịch phát: các cơn ho kéo dài, xuất hiện tự nhiên hoặc do một kích thích nhỏ. Thậm chí có những bệnh nhân bị ho nhiều, đỏ mặt, thở rít như tiếng rít ở cổ gà khi hít thở, nôn nhiều đờm đặc. Đặc biệt ho gà ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường kèm theo những cơn ngừng thở ngắn.

  • Bên cạnh những dấu hiệu trên, trong giai đoạn này, còn kèm theo một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.

  • Giai đoạn phục hồi: ở giai đoạn này, các cơn ho ngắn lại và số cơn giảm, tình trạng ho có thể tồn tại vài tuần rồi khỏi.

*Điểm cần lưu ý là đối với trẻ sơ sinh bị mắc bệnh ho gà, thường có các biểu hiện bệnh như: thở hổn hển, nôn ói, khó thở.

Một số biến đổi đặc trưng trong xét nghiệm công thức máu có thể giúp định hướng chẩn đoán bệnh như tỷ lệ bạch cầu tăng cao có thể lên đến vài chục nghìn trong đó đa số là bạch cầu Lympho. Chẩn đoán xác định bằng phân lập vi khuẩn ho gà hoặc xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp đối với dịch tiết từ mũi họng bệnh nhân

Đối với trẻ được chẩn đoán ho gà nhẹ có thể điều trị cách ly tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế khu vực. Cần hướng dẫn gia đình trẻ tái khám khi có các dấu hiệu nặng như số lượng cơn ho nhiều hơn, cơn ho dài với các xuất hiện suy hô hấp... Đối với những trường hợp ho gà nặng cần nhập viện để có điều trị sớm cho trẻ. Các điều trị bao gồm điều trị suy hô hấp (nếu có), kháng sinh điều trị đặc hiệu, điều trị biến chứng, các chăm sóc và điều trị hỗ trợ khác

Để phòng bệnh ho gà, mọi trẻ em khi đến tuổi cần được tiêm phòng đầy đủ để có kháng thể chống lại bệnh vì vắc xin phòng bệnh ho gà có hiệu quả tốt. Có loại vắc xin ho gà đơn hoặc vắc xin hỗn hợp (DPT) được dùng cho trẻ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng

Điều trị khi nhập viện:

  • Điều trị đặc hiệu bệnh ho gà bằng erythromycin với liều 50 mg/kg/ngày trong 14 ngày.

  • Đối với trẻ em dưới 1 tuổi cần nhập viện sớm để theo dõi cơn ho, ngạt thở và ngừng thở ngạt, hút đờm dãi, thở oxy, bù nước và bù dinh dưỡng.

  • Sử dụng amoxycillin hoặc cephalosporin để chống bội nhiễm.

  • Điều trị các biến chứng thần kinh, co giật, chống phù và suy hô hấp.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Chẩn đoán Bệnh Ho Gà