Bệnh Kiết Lỵ: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách điều Trị

Nội dung bài viết

  • 1. Bệnh kiết lỵ là gì?
  • 2. Các triệu chứng của bệnh kiết lỵ là gì?
  • 3. Bệnh kiết lỵ lây lan như thế nào?
  • 4. Bệnh kiết lỵ được phòng ngừa bằng cách nào?
  • 5. Bệnh kiết lỵ có cần phải điều trị?
  • 6. Khi nào bạn cần đến bệnh viện?

Thời tiết mùa hè nóng nực chính là điều kiện thuận lợi xuất hiện các bệnh ở đường tiêu hóa. Trong đó, một trong những bệnh thường gặp nhất là kiết lỵ. Nhận biết được dấu hiệu nặng của bệnh kiết lỵ sẽ giúp bạn ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh kiết lỵ là gì?

Kiết lỵ là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của đường ruột. Bệnh xảy ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Chỉ cần một số lượng rất nhỏ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể là đủ để gây nhiễm trùng. Khi vào đường ruột, vi khuẩn nhanh chóng phát triển và sinh sôi. Do đó, dễ bùng phát thành dịch bệnh. Đặc biệt là trong các môi trường đông đúc như trường tiểu học, nhà trẻ hay khu sống tập thể.

2. Các triệu chứng của bệnh kiết lỵ là gì?

Thời gian ủ bệnh kiết lỵ thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Đôi khi cơ thể bạn có vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có thể lây nhiễm cho người khác nếu bạn không giữ vệ sinh sạch sẽ.

Những triệu chứng của bệnh kiết lỵ thường kéo dài khoảng 4 đến 7 ngày, bao gồm:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tiêu hóa - Gan mật, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Tiêu chảy đôi khi có máu hoặc chất nhầy.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Sốt ở trẻ em có thể kèm theo co giật.
  • Đau quặn bụng từng cơn.

3. Bệnh kiết lỵ lây lan như thế nào?

Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường ăn uống. Bệnh xảy ra khi bạn nuốt phải vi khuẩn mà được tìm thấy trong phân của người nhiễm bệnh. Các vi khuẩn có thể xâm nhập vào miệng bằng cách:

  • Không rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với những đồ vật có nguy cơ bị nhiễm bẩn.
  • Ăn thực phẩm không được nấu chín và không bảo quản hợp vệ sinh.
Thức ăn đường phố được chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể là nguy cơ gây bệnh kiết lỵ
Thức ăn đường phố được chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể là nguy cơ gây bệnh kiết lỵ

4. Bệnh kiết lỵ được phòng ngừa bằng cách nào?

Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như lây bệnh kiết lỵ với những cách sau:

4.1. Rửa tay

Rửa tay là không chỉ là cách đơn giản, dễ thực hiện mà còn hiệu quả, giúp bạn hạn chế tiếp xúc vi khuẩn. Rửa tay cẩn thận với xà phòng để làm sạch đầu ngón tay và giữa các ngón tay.

Những thời điểm bạn nên rửa tay:

  • Trước khi chế biến thức ăn, mỗi bữa ăn và chăm sóc trẻ.
  • Sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với chất bẩn như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, vệ sinh phòng tắm, thay tã cho trẻ…
Rửa tay với xà phòng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Rửa tay với xà phòng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả (Nguồn: img.jakpost.net)

4.2. Cách ly

Vì bệnh kiết lỵ rất dễ lây nhiễm nên trong khoảng thời gian mắc bệnh, bạn nên ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi tình trạng nhiễm trùng ổn định. Bạn có thể trở lại làm việc 48 giờ sau đợt tiêu chảy hoặc nôn ói cuối cùng.

4.3. Vệ sinh sạch sẽ

Không nên chuẩn bị thức ăn cho gia đình nếu bạn đang có triệu chứng của bệnh. Làm sạch nhà vệ sinh, nhà bếp và phòng ăn bằng chất tẩy rửa an toàn. Sử dụng nguồn nước sạch cho việc nấu ăn và sinh hoạt rất quan trọng.

4.4. Vắc xin

Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin chống lại vi khuẩn gây bệnh kiết lỵ. Cách phòng ngừa hiệu quả và tốt nhất vẫn là rửa tay và giữ vệ sinh sạch sẽ.

5. Bệnh kiết lỵ có cần phải điều trị?

Không phải lúc nào bạn cũng cần phải khám bác sĩ nếu bạn bị kiết lị vì bệnh có xu hướng tự hết trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bạn nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc không cải thiện sau một vài ngày. Khi đó, có thể bạn cần uống thêm kháng sinh. Thuốc có thể giúp giảm số lần tiêu chảy, sốt cũng như đau bụng. Ngoài ra còn hạn chế lây lan sang người khác. Nếu bạn bị kiết lỵ rất nặng, bạn có thể cần điều trị tại bệnh viện. Trong trường hợp bạn không thể uống hoặc tiêu chảy mức độ nặng, lúc này dịch truyền tĩnh mạch có thể là cần thiết.

Nếu bạn chỉ có triệu chứng nhẹ, dưới đây là một số lời khuyên bạn có thể thử ở nhà:

  • Uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước do nôn và tiêu chảy. Bạn có thể uống nước đã đun sôi, nước trái cây, nước canh súp… Dấu hiệu cho biết bạn cung cấp đủ nước cho cơ thể là nước tiểu có màu vàng nhạt.
  • Cố gắng ăn một ít thức ăn. Lựa chọn thực phẩm bổ sung nhiều năng lượng như phở, cơm, bột yến mạch…

6. Khi nào bạn cần đến bệnh viện?

Gặp bác sĩ nếu bạn có những dấu hiệu sau:

  • Đi tiêu hơn 6 lần trong 24 giờ.
  • Tiêu máu không hết sau 1 tuần.
  • Tiêu máu kèm sốt cao hơn 38,50C mà không hết sau 1 ngày.
  • Cơn đau bụng dữ dội.
  • Người già hơn 70 tuổi.

Cơ thể bạn đã mất quá nhiều nước biểu hiện qua:

  • Tiêu chảy rất nhiều nước.
  • Cảm thấy rất mệt mỏi.
  • Khát nước.
  • Mắt trũng sâu.
  • Khô miệng hoặc lưỡi.
  • Chóng mặt.
  • Nước tiểu có màu vàng sậm.

Kiết lỵ là bệnh lý đường ruột rất thường gặp. Đa số trường hợp thường có xu hướng tự khỏi sau vài ngày. Cách phòng ngừa hiệu quả và tốt nhất là bạn nên đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt.

Trong một số trường hợp, người bệnh cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên môn. Vậy thì bạn nên biết được bạn cần chuẩn bị những gì, bác sĩ sẽ hỏi bạn như thế nào. Bạn sẽ hình dung được buổi thăm khám với bài viết: Những điều cần lưu ý khi đến khám bệnh kiết lỵ

Từ khóa » Các Triệu Chứng Bệnh Kiết Lỵ