Bệnh Lao Kháng Thuốc Gây Nguy Hại Sức Khỏe Thế Nào? - Bộ Y Tế

   

 Khi một người hít phải vi khuẩn lao, chúng sẽ khu trú ở phổi và bắt đầu sinh sản. Từ đấy vi khuẩn lao có thể vào bằng đường máu đến nhiều nơi khác của cơ thể như thận, xương sống, não. Lao phổi, họng có thể lây lan sang người khác, nhưng lao thận, lao xương hoàn toàn không lây.

Đa số những người hít phải vi khuẩn lao đều bị nhiễm lao, nhưng cơ thể họ có khả năng chiến đấu chống lại vi khuẩn lao, ngăn chặn chúng sinh sản. Vi khuẩn lao trở nên bất hoạt nhưng vẫn còn sống trong cơ thể và sẽ hoạt động lại sau này. Nhiều trường hợp bị nhiễm lao hoàn toàn không có triệu chứng, không cảm thấy dấu hiệu bệnh, không lây cho người khác. Có nhiều người nhiễm lao không bao giờ phát triển thành bệnh lao thật sự. Ở những người này, vi khuẩn lao bất hoạt suốt đời không gây ra bệnh. Trái lại, có những trường hợp nhiễm lao, một khi hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn lao hoạt động gây ra bệnh lao thực sự.

Một vài người bị bệnh lao rất sớm, sau khi bị nhiễm lao trước khi hệ miễn dịch của họ có thể chiến đấu chống lại vi khuẩn lao. Những người khác bị bệnh lao chậm hơn khi hệ miễn dịch của họ trở nên suy yếu vì một lý do nào đó.

anh.jpg 

Thăm khám cho bệnh nhân mắc lao.

Nguy hiểm bệnh lao kháng thuốc

Lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là tình trạng hết sức nguy hiểm đối với cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam là một trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới. Lao kháng thuốc không chỉ là mối nguy hiểm cho cộng đồng mà còn nguy hại đến sức khỏe, mất nhiều thời gian và chi phí điều trị cực kỳ tốn kém.

Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân chính do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường. Hơn nữa, bệnh lao chỉ cần chữa trong 6 tháng với tỷ lệ khỏi cao tới 91% nhưng với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng mà tỷ lệ khỏi chỉ 75%. Tai hại hơn là lao siêu kháng thuốc có phác đồ khoảng 20 tháng với những thuốc khá độc tính, gây tổn hại sức khỏe.

Khi số người bị lao kháng thuốc tăng cũng là tăng mối nguy hại cho cộng đồng vì nguy cơ lây lan cao. Để dự phòng lao kháng thuốc, với người đã mắc lao cần tuyệt đối tuân thủ điều trị đúng và đủ. Còn với người chưa mắc bệnh, cần lưu ý đi khám, xét nghiệm khi ho kéo dài hơn 2 tuần hoặc trong gia đình có người đã từng bị lao để được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh.

Cách phòng bệnh lao

Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho mọi người, để mọi người có thêm hiểu biết và những thông tin cần biết về bệnh lao, các nguyên nhân, triệu chứng bệnh lao, hậu quả của nó để mọi người có ý thức phòng tránh bệnh hiệu quả. Giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Tiêm vắc-xin HCG phòng lao cho trẻ nhỏ ngay trong tháng đầu sơ sinh.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và khi vào bệnh viện, những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh lao. Luôn luôn che miệng với khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi, cười. Bỏ những khăn ấy vào túi nilông và cho vào thùng rác. Nếu bị mắc bệnh lao nên cách ly với người xung quanh để tránh lây nhiễm sang người khác.

Từ khóa » Vi Trùng Lao Kháng Thuốc