Bệnh Lý Dây Thần Kinh VII - BookingCare

Bệnh dây thần kinh số VII
Liệt dây thần kinh số VII có thể dẫn tới liệt mặt - Ảnh: pixabay.com

Các bệnh lý dây thần kinh số 7 có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Vì vậy, bệnh nhân không được chủ quan và cần đi khám với bác sĩ Thần kinh khi có triệu chứng.

Bệnh lý dây thần kinh số VII là gì

Trên lâm sàng hay gặp các loại tổn thương dây thần kinh mặt (dây thần kinh VII) ở mức độ khác nhau, trong số đó hay gặp hơn cả là “Viêm dây thần kinh” và “Chấn thương dây thần kinh VII” do các quá trình bệnh lý hay các nguyên nhân chấn thương khác nhau.

Do dây thần kinh VII bị tổn thương nên xảy ra hiện tượng rối loạn vận động dưới dạng liệt nhẹ hoặc liệt hoàn toàn các cơ bám da mặt (cơ biểu hiện nét mặt).

Dây thần kinh mặt sau khi ra khỏi các ống và lỗ ở khu vực nền sọ đã chia ra một nhánh thần kinh tai sau chi phối các cơ vùng chẩm và tai.

Tiếp theo là nhánh cho thân sau cơ nhị thân và một nhánh cho cơ trâm lưỡi. Ở tuyến nước bọt mang tai, thần kinh VII thường được chia ra hai nhánh chính là: nhánh thái dương mặt và nhánh cổ mặt.

Hai nhánh này chia ra các nhánh ngang tạo thành đám rối mang tai. Từ đám rối mang tai cho ra các nhánh thái dương, nhánh gò má, nhánh má, nhánh mép và nhánh cổ. Tùy theo mức độ tổn thương của dây hay các nhánh mà trên lâm sàng có biểu hiện liệt các nhóm cơ bám da mặt ở mức độ khác nhau.

Viêm dây thần kinh VII nguyên phát

  • Bệnh thường xảy ra đột ngột sau một số bệnh nhiễm khuẩn cấp như: Cúm, nhiễm các loại virus cấp, viêm họng cấp. Trong những trường hợp thường tiên lượng tốt, sau 1 - 3 tuần các triệu chứng dây thần kinh VII tạm thời sẽ hết cùng với thoái lui dần các bệnh chính.
  • Rối loạn chức năng thần kinh VII còn gặp trong các trường hợp nhiễm trùng ở xung quanh có liên quan dây thần kinh: viêm màng não, viêm màng nhện, viêm mủ tai giữa. Đôi khi viêm thần kinh mặt xảy ra ngay sau nhổ răng hàm lớn.

Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện chủ yếu là liệt các cơ bám da mặt cùng bên ở mức độ khác nhau, không thể biểu hiện được nét mặt cục bộ hoặc toàn bộ.

Các triệu chứng chính thường gặp là:

  • Rãnh mũi má phẳng, mép sệ thấp, thường chảy nước bọt ra mép bên liệt.
  • Miệng méo, mép bên lành bị kéo xếch lên cao ra ngoài.
  • Mắt bên liệt nhắm không kín, khe mi rộng hơn bên lành.
  • Mắt các nếp nhăn tự nhiên bên liệt.
  • Cùng với những biểu hiện trên, đôi khi còn thấy có rối loạn cảm giác vị giác lưỡi cùng bên, tăng tiết nước bọt hoặc khô mắt. Một số bệnh nhân có triệu chứng đau mặt xuất hiện ở những trường hợp liệt nhẹ do sự liên quan giữa dây thần kinh VII và dây thần kinh V.

Điều trị viêm dây thần kinh VII nguyên phát

  • Điều trị theo nguyên nhân: Trước hết người ta điều trị giải quyết các bệnh chính là nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh VII.
  • Điều trị triệu chứng: Dùng các loại chống viêm, giảm phù nề, giảm đau (nếu cần).Liệu pháp vitamin nhóm B liều cao.
  • Lý liệu pháp: Gồm các biện pháp: xoa bóp, chườm nóng tại chỗ (đắp Paraphin),dùng dòng điện một chiều kích thích các cơ bị liệt. Qua 5-6 ngày có thể điện phân hoặc dùng sóng ngắn.

Nhìn chung, viêm dây thần kinh VII nguyên phát điều trị thường đạt kết quả tốt nếu giải quyết tốt các nguyên nhân.

Một số trường hợp viêm do biến chứng viêm màng não, viêm màng nhện hay viêm tai giữa thường để lại hậu quả nặng nề, một số trường hợp phải can thiệp phẫu thuật. 

Tổn thương dây thần kinh VII gây liệt mặt ngoại vi

Nguyên nhân

  • Sau viêm thần kinh VII không hồi phục.
  • Do chấn thương, vết thương vùng mang tai do dao chém, do vết thương gây dập nát và đứt dây thần kinh, do các loại hỏa khí gây dập nát hoặc mất đoạn.
  • Do phẫu thuật tuyến mang tai gây tổn thương một số nhánh (trong cắt u tuyến) hay cắt bỏ cả dây thần kinh VII cùng tuyến mang tai (trong K tuyến mang tai).
  • Do biến chứng trong phẫu thuật viêm tai xương chũm mạn tính hay một số phẫu thuật khác liên quan đến xương đá.

Triệu chứng lâm sàng

Là triệu chứng dây thần kinh VII ngoại vi không hồi phục. Nếu tổn thương trước tuyến mang tai sẽ liệt toàn bộ nửa mặt. Nếu tổn thương sau tuyến có thể liệt toàn bộ hoặc liệt cục bộ tùy theo nhánh thần kinh bị thương tổn.

Liệt mặt
Liệt dây thần kinh số VII có triệu chứng điển hình là liệt mặt - Ảnh: Vinmec 

Các phương pháp điều trị phẫu thuật

Khâu nối thần kinh:

  • Cần tiến hành sớm ngay sau khi bị chấn thương, vết thương gây đứt thần kinh. Khâu nối càng sớm kết quả càng tốt. Những biến chứng gây đứt thần kinh (hoặc các nhánh) cần khâu nối ngay trong phẫu thuật.
  • Đối với những trường hợp mất đoạn dây thần kinh không còn khả năng phẫu tích kéo hai đầu áp sát để khâu nối, người ta tiến hành ghép dây thần kinh VII bằng một đoạn dây thần kinh hiển ngoài. Việc khâu nối hay ghép dây thần kinh cần tiến hành dưới kính hiển vi phẫu thuật với kỹ thuật vi phẫu.

Các phương pháp phẫu thuật tạo hình da:

Các phương pháp này chủ yếu tác động trên da bên bị liệt bằng các thủ thuật tạo hình nhằm tạo nên sự cân đối tạm thời cho các cơ quan bộ phận bị lệch lạc. Những thủ thuật tạo hình thường được áp dụng gồm:

  • Khâu thu hẹp khe mi bên mắt bị liệt không nhắm kín. Kết quả chỉ tạo được sự cân đối hai mắt khi ở tư thế tĩnh, còn khi nhắm mắt khe mi vẫn còn hở một phần.
  • Tạo hình bằng vạt da xoay từ rãnh mũi má bên liệt đã bị trễ xuống dưới. Kết quả của phẫu thuật này cũng rất hạn chế.
  • Làm phẫu thuật căng da mặt cục bộ bên liệt để hỗ trợ cho thủ thuật trên.

Các thủ thuật kéo treo tĩnh:

  • Các phương pháp tạo hình da thường đem lại kết quả rất ít, nên một số tác giả đã sử dụng các dải cân đùi để kéo và treo các cơ bên liệt gồm:
  • Hai dải cân đùi xẻ đôi kéo thu hẹp khe mi.
  • Dùng cân đùi xẻ đôi cố định vào cơ vòng môi từ mép bên lành sang mép bên liệt, co kéo treo mép lên hướng cung gò má hoặc vào rễ cân thái dương ở gần mỏng vẹt. Kỹ thuật này thường kết hợp với thủ thuật tạo hình vạt da xoay rãnh mũi má. Phương pháp này thường đem lại kết quả khả quan hơn.

Các thủ thuật treo động:

Phương pháp này không sử dụng cân đùi mà sử dụng các cơ cắn, cơ thái dương để treo. Người ta tách một phần cơ, cắt đứt đầu xa, xoay xuống hoặc sang bên khâu dính vào các cơ vòng môi, cơ mút bên liệt để kéo chính cho cân đối. Do một phần các cơ thái dương hoặc cơ cắn vẫn còn sự chỉ huy của thần kinh (nhánh vận động của dây thần kinh V) nên khi các cơ này vận động sẽ kéo theo môi, mép, má bên liệt vận động tạo cho bệnh nhân có biểu hiện nét mặt ở một mứcđộ nào đó. Tuy nhiên phương pháp này cũng chỉ đạt ở mức độ nhất định do số lượng cơ lấy hạn chế, độ dài cơ không thể đưa qua mép bên lành và sau một thời gian các dải cơ có thể bị xơ hóa dần do dính hoặc nhánh thần kinh chi phối không còn tác dụng.

Tạo hình vi phẫu thần kinh - cơ:

Đây là phương pháp sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối ghép thần kinh có kết hợp tạo hình ghép cơ để phục hồi cơ bám da mặt chính giúp cho bệnh nhân thể hiện nét mặt. Kỹ thuật này được thực hiện tùy theo mức độ tổn thương thần kinh và mức độ thoái hóa các cơ biểu hiện nét mặt, tùy theo thời gian thương tổn thần kinh dài hay ngắn.

  • Trường hợp 1: với những tổn thương thần kinh còn mới, các cơ biểu hiện nét mặt chưa thoái hóa, còn đáp ứng với kích thích của dòng điện một chiều, người ta tiến hành phẫu thuậtở các mức độ sau:
    • Nối lại hai đầu dây thần kinh bị đứt nếu có thể bằng kỹ thuật vi phẫu.
    • Ghép lại đoạn thần kinh vào giữa hai đầu dây đứt nếu không thể kéo nối trước tiếp hai đầu đứt.
  • Trường hợp 2: Nếu dây thần kinh VII tổn thương không cho ghép nối hoặc ghép thần kinh trực tiếp cùng bên mà cơ biểu hiện nét mặt còn tốt thì tiến hành ghép thần kinh xuyên mặt: lấy một đoạn dây thần kinh hiển ngoài; bộc lộ một nhánh dây thần kinh VII bên lành (nhánh này không đóng vai trò quan trọng đối với cơ); khâu nối đầu gần đoạn dây hiển ngoài vào đầu của nhánh thần kinh mặt. Tạo một đường hầm từ chỗ nối thần kinh xuyên ngang qua dưới da môi trên sang bên bị liệt dây thần kinh VII. Tách đầu xa đoạn thần kinh hiển ngoài đã được luồn sang bên liệt, bộc lộ các cơ bám da mặt và cơ vòng môi, khâu dính các phần nhánh thần kinh ở đầu dây đã được tách ra vào các cơ này. Đợi một thời gian thần kinh phục hồi sẽ chỉ huy vận động của các cơ thể hiện nét mặt đã được đính thần kinh vào.
  • Trường hợp 3:
    • Khi dây tổn thương đã bị thoái hóa, kèm theo thoái hóa các cơ bám da mặt không hồi phục phải kết hợp nối ghép thần kinh xuyên mặt với ghép cơ.
    • Kỹ thuật nối ghép thần kinh xuyên mặt tiến hành như mô tả ở trên.
    • Kỹ thuật ghép cơ để thay thế cho một số cơ bám da mặt được thực hiện như sau: Bộc lộ đùi, lấy cơ thon lên, một đầu cơ gắn vào một vị trí cố định, đầu kia chia ra các nhánh khâu dính vào cơ vòng môi và một số cơ bám da khác. (cơ mút, cơ cười...). Khâu dính đầu dây thần kinh xuyên mặt vào cơ thon đã được chuẩn bị. Sau 6 tháng - 1 năm thần kinh hồi phục sẽ chỉ huy cơ thon giúp cho bệnh nhân phục hồi khả năng biểu hiện nét mặt.

Xem thêm bài viết:

  • 8 bác sĩ khám chữa liệt dây thần kinh VII ngoại biên uy tín tại Hà Nội 
  • Khám bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên ở đâu?

Từ khóa » Dây 7 Chi Phối Cơ Nào